
Một phụ nữ ở Yangon, Myanmar, thắp nến trong Lễ hội ánh sáng ngày 31 tháng 10 năm 2020 (Ảnh: Shwe Paw Mya Tin / Reuters qua CNS)
Các Giám mục sẽ tìm cách “đối thoại” với người dân Châu Á trong tuần lễ thứ hai của hội nghị kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) diễn ra trong tuần này tại Bangkok, Thái Lan.
Đức Tổng Giám mục Isao Kikuchi Địa phận Tokyo cho biết “quả thực rất vui khi được gặp gỡ hơn 100 Giám mục Châu Á tập trung tại Baan Phu Wann, trung tâm mục vụ của Tổng giáo phận Bangkok, để tham dự Đại hội đồng kỷ niệm 50 năm thành lập FABC”.
“Tuy nhiên, ngay sau khi các tham dự viên bước vào công việc thực sự vào ngày 13 tháng 10, chúng tôi ngay lập tức nhận ra rằng một nhiệm vụ to lớn đang chờ đợi chúng tôi, cụ thể là tìm hiểu thực tế của châu Á, phản ánh khả năng phản ứng của chúng tôi và xem xét những đường hướng trong tương lai cho Giáo hội tại châu Á”, Đức Tổng Giám mục Kikuchi phát biểu với Crux.
Sự kiện từ ngày 12 đến ngày 30 tháng 10 đánh dấu kỷ niệm khi Thánh Giáo hoàng Phaolô VI thành lập FABC trong chuyến Tông du năm 1970 đến Philippines. Đại dịch COVID-19 đã trì hoãn việc kỷ niệm sự kiện này, ban đầu dự kiến diễn ra vào năm 2020.
“Để biết được thực tế của châu Á, một lục địa rộng lớn bắt đầu từ Kazakhstan ở cực tây đến Nhật Bản ở cực đông, chúng ta phải đắm mình vào những câu chuyện hoàn toàn đa dạng của từng quốc gia trong số 22 quốc gia hiện nay”, Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói.
“Chúng tôi ngay lập tức nhận ra rằng châu Á là một lục địa có nhiều thực tế phức tạp với các nền văn hóa khác nhau, nên việc đưa ra một chính sách thống nhất đối với các phản ứng mục vụ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nhờ nhận thức được điều này, chúng tôi đã hiểu được ý nghĩa của cụm từ cuối trong Chủ đề của Đại hội đồng: ‘… và họ đã chọn một con đường khác’”.
Đức Hồng y Oswald Gracias, cựu Chủ tịch của FABC, đề nghị rằng tổ chức này hãy noi theo đối tác Mỹ Latinh CELAM của mình.
“Tôi không thể nhấn mạnh vai trò quan trọng của chúng tôi tại đại hội lần này như thế nào. Chúng tôi đang cam kết trở thành và tiếp tục là một Giáo hội châu Á có tính tiên tri, hợp thời và đáp ứng nhiệt tình trong việc phục vụ người dân châu Á”, Đức Hồng y Gracias nói, theo ucanews.com
“Tất cả các tham dự viên tại các sự kiện Giáo hội toàn cầu gần đây sẽ nhận thấy cách các Giám mục Nam Mỹ luôn đề cập đến Puebla, Medellin, và giờ đây là Aparecida trong các suy tư của họ”, Đức Hồng y Gracias nói, đề cập đến các hội nghị thường niên của CELAM.
Khi còn là Hồng y của Địa phận Buenos Aires, Argentina, Đức Thánh Cha Phanxicô là tác giả chính của tài liệu chung kết của Aparecida, vốn tiếp tục ảnh hưởng đến ngài, Đức Hồng y Gracias nói.
“Do đó, câu hỏi được đặt ra: Có phải đã đến lúc FABC phải có một điều gì đó tương tự ở châu Á? Điều đã giúp Nam Mỹ chắc chắn có thể giúp ích cho Châu Á”, Đức Hồng y Gracias cho biết thêm.
Đức Hồng y Gracias cho biết một hội nghị được tái cấu trúc sẽ giúp các Giáo hội ở châu Á “đổi mới và hồi sinh động lực mục vụ của chúng ta” và biến Giáo hội nơi đây trở thành “một Giáo hội sôi động dấn thân vì một châu Á tốt đẹp hơn”.
Đức Tổng Giám mục Kikuchi cho biết những ngày đầu tiên của hội nghị đã “đóng góp rất nhiều cho chúng tôi để tăng cường ý thức của chúng tôi về tinh thần liên đới”.
“Chúng tôi đã dành thời gian để lắng nghe, đối thoại và cầu nguyện cùng với nhau. Vào tuần tới, chúng tôi sẽ suy ngẫm về những thực tế này, đối thoại trực tuyến với người dân địa phương của Giáo hội châu Á và cố gắng đi đến giai đoạn cuối vào tuần thứ ba nhằm tìm ra những đường hướng mới cần phải theo đuổi vốn có thể yêu cầu FABC phải trải qua một hình thức của việc thay đổi cấu trúc”, Đức Tổng Giám mục Địa phận Tokyo nói.
“ChúaThánh Thần đang tiếp tục làm việc cùng với các Giám mục, được cổ võ bởi lời cầu nguyện của các Giáo hội địa phương ở Châu Á”, Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói.
Minh Tuệ (theo Crux)