Các Đại sứ khuyên Tổng thống Trump và ĐTC Phanxicô nên cải thiện những rào cản trong cuộc gặp gỡ sắp tới

Mặc dù ĐTC Phanxicô tuyên bố hôm thứ Bảy vừa qua rằng Ngài sẽ không tìm kiếm việc làm dịu đi các chính sách của Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp gỡ vào tuần tới, cuộc gặp gỡ này chắc chắn là một cơ hội hiếm có cho một tiếng nói luân lý toàn cầu nhằm ảnh hưởng đến một nhà lãnh đạo, vốn tuân theo một nhóm hết sức chặt chẽ và bất thường bao gồm các cố vấn.

Một loạt các vấn đề có thể được đưa ra thảo luận trong suốt cuộc đối thoại giữ hai nhà lãnh đạo vào ngày 24/5 sắp tới là rất rộng lớn. ĐTC Phanxicô có thể đối chiếu sự rút lui của Tổng thống Trump đối với các quy định về môi trường liên bang với thông điệp về môi trường sinh thái Laudato Si công bố vào năm 2015 của Ngài. Hoặc ĐTC Phanxicô có thể sẽ làm rõ hơn việc chỉ trích công khai trước đây của Ngài đối với kế hoạch cho xây bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexicô.

“Tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ này không thể trình bày hết được”, ông Douglas Kmiec, một đảng viên Cộng hòa, từng là cựu đại sứ đầu tiên của Tổng thống Obama tại Malta, cho biết. “ĐTC Phanxicô có thể thay đổi phương hướng của thời đại mà chúng ta đang sống”.

webRNS-TRUMP-VATICAN-050417

Trong khi người ta không được biết chính xác liệu rằng ĐTC Phanxicô có thể chọn điều gì để nói với tổng thống Trump, Kmiec và ba cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Toà Thánh đã phát biểu với tờ NCR trong các cuộc phỏng vấn rằng họ mong đợi ĐTC Phanxicô sẽ tận dụng cơ hội trước mắt  trong cuộc gặp gỡ dự kiến sẽ kéo dài nửa giờ. Họ cũng cho biết rằng họ hy vọng Tổng thống Trump cũng sẽ làm như vậy.

Francis Rooney – người từng là Đại sứ Tòa Thánh dưới thời Tổng thống George W. Bush từ năm 2005-2008, cho biết  rằng ông sẽ khuyến cáo Tổng thống Trump để nhận biết rằng ông có thể “tận dụng chính sách ngoại giao của Vatican, đặc biệt là tầm ảnh hưởng quyền lực ôn hòa mà Tòa Thánh nắm giữ trên thế giới”.

“Tôi sẽ thúc giục tổng thống tập trung vào những lĩnh vực nơi mà những lợi ích của Hoa Kỳ cũng như những lợi ích của Tòa Thánh cho phép quảng bá các mục tiêu chung của chính sách đối ngoại”, ông Rooney, hiện là Dân Biểu tiểu bang Florida, cho hay.

Ken Hackett – vị đại sứ Tòa Thánh cuối cùng của Tổng thống Obama, nói rằng ông sẽ khuyên Tổng thống Trump nên tận dụng cơ hội không những để trình bày mà còn là để lắng nghe. “Tôi sẽ đề nghị với ông ta rằng ĐTC Phanxicô là người có khả năng lắng nghe tốt và ông ta nên chú ý lắng nghe Đức Thánh Cha”, ông Hackett – người phục vụ tại Rome từ năm 2013 đến 2017, cho biết.

“Tính hay khoe khoang khoác lác mà chúng ta thường nhận thấy nơi Tổng thống Trump, tôi không nghĩ là sẽ phù hợp với ĐTC Phanxicô. “Tôi sẽ đề nghị ông ấy nên khiêm tốn hơn một chút”.

Tổng thống Trump không được biết chính xác đối với sự khiêm tốn của mình, hoặc đối với khả năng ông ấy nhận được những lời khuyên. Những khuynh hướng này là nguyên nhân của một vài ngày căng thẳng giữa ông và ĐTC Phanxicô vào năm 2016.

Trước hết, tổng thống gọi ĐTC Phanxicô là “một con người chính trị” khi Ngài cử hành Thánh Lễ gần khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico. Kế đến, ĐTC Phanxicô chất vấn về căn tính Kitô giáo của Tổng thống Trump đối với việc ông ủng hộ việc cho xây một bức tường ngăn cách trên khu vực biên giới đó. Sau đó, Tổng thống Trump đã gọi lời nhận xét của ĐTC Phanxicô về mình là “đáng hổ thẹn”.

Kmiec – người phục vụ tại Malta từ năm 2009-2011 và hiện là giáo sư về luật hiến pháp tại Đại học Pepperdine, cho biết rằng ĐTC Phanxicô “đã nêu rõ quan điểm Kitô giáo của mình rằng việc không tiếp đón những người xa lạ đồng nghĩa với việc không phải là một người Kitô hữu”.

“Tôi thiết nghĩ nếu như hai nhà lãnh đạo đi đúng hướng hướng tới trọng tâm của vấn đề, họ có lẽ sẽ muốn bắt đầu cuộc đối thoại của mình”, ông Kmiec đề nghị.

James Nicholson – người từng là đại sứ đầu tiên của Tòa thánh dưới thời Tổng thống George W. Bush từ năm 2001-2005, cho biết ông nghĩ rằng Tổng thống Trump và ĐTC Phanxicô phải thực hiện việc cải thiện “một số rào cản” sau cuộc trao đổi vào năm 2016 của họ.

“Đó là một sự khởi đầu sai lầm”, ông Nicholson – người cũng cho biết rằng chính quyền Tổng thống Trump đã liên lạc với ông để được tư vấn về việc liệu rằng có nên tìm kiếm một cuộc gặp gỡ với Giáo Hoàng trong thời gian chuyến đi của tổng thống tới Sicily để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 26/5 đến 27/5 sắp tới, cho biết.

“Họ cần phải để điều đó lại phía sau và tôi thiết nghĩ họ chắc chắn nên nói về vấn đề nhập cư”, vị cựu đại sứ Hoa Kỳ cho biết. “Đó là một trong những vấn đề mà họ có thể có một số bất đồng cũng như những vấn đề như án tử hình và việc thay đổi khí hậu. Nhưng có rất nhiều vấn đề mà họ sẽ phải bàn đến vốn là những vấn đề mà họ có những điểm chung”.

Ông Hackett cho biết rằng trước cuộc gặp gỡ của Tổng thống Obama với ĐTC Phanxicô vào tháng 3 năm 2014, Nhà Trắng đã tìm đến Đức Hồng Y Donald Wuerl thuộc Địa phận Washington để xin ý kiến về những vấn đề mà Tổng thống có thể đề khởi một cách có lợi nhất với Đức Giáo Hoàng.

“Hy vọng rằng, Nhà Trắng dưới thời chính quyền Tổng thống Trump cũng sẽ làm điều tương tự … nhằm tìm ra những chủ đề sẽ tạo ra sự cộng hưởng”, ông Hackett nói.

Tổng thống Trump sẽ gặp gỡ ĐTC Phanxicô như một phần trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump đến thăm Ả-rập Xê-út và Israel, và sau đó sẽ tham dự một hội nghị của NATO được tổ chức tại Brussels trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7.

Trong buổi họp báo trên chuyến bay dành riêng cho Giáo Hoàng từ Bồ Đào Nha vào ngày 13 tháng 5 vừa qua, ĐTC Phanxicô cho biết Ngài sẽ tập trung cuộc gặp gỡ với Tổng thống Trump trong việc tìm kiếm những cơ hội mà hai người có thể có những mối bận tâm chung và có thể cùng cộng tác với nhau.

ĐTC Phanxicô cho biết Ngài sẽ “tìm kiếm những cánh cửa mà ít nhất sẽ hé mở một chút, sau đó bước vào và nói về những điểm chung để rồi lại bước tiếp, cứ từng bước từng bước một”.

Mỗi đại sứ đều cho rằng ngoài những cuộc thảo luận về bất kỳ những chính sách cụ thể nào, cơ hội thực sự cho cuộc gặp gỡ này được đặt vào việc để cho ĐTC Phanxicô và Tổng thống Trump tìm hiểu rõ về nhau.

Ông Kmiec cho biết việc phát triển mối quan hệ cá nhân là “hết sức quan trọng theo một cách thế đầy thực tế và thực dụng để mà trong trường hợp thế giới phải đối diện với một cuộc khủng hoảng vào bất kỳ một buổi sáng nào đó … một cú điện thoại sẽ có thể có một tác động tích cực”.

“Tôi thiết nghĩ nó thậm chí còn quan trọng hơn đối với vị tổng thống này so với với các vị cựu tổng thống”, ông Kmiec cho biết thêm.

Ông Nicholson – người đã giúp tổ chức ba chuyến viếng thăm của Tổng thống Bush với Đức Gioan Phaolô II, cũng đã đồng ý với vấn đề này.

“Người ta thừa nhận rằng chúng ta sẽ không mang lại hòa bình, tự do và sự trật tự cho thế giới này hoàn toàn bằng các phương tiện vật chất và quân sự”, ông Nicholson cho biết. “Nó phải được thực hiện thông qua một sự biến đổi về luân lý. Đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng lại rất quan trọng. Đó là lý do tại sao hai nhà lãnh đạo cần phải hiểu biết lẫn nhau và cùng cộng tác với nhau”.

Các chuyến thăm của tổng thống tới Vatican thường có cấu trúc rất cao. Trước đây, Nhà Trắng đã cử nhiều đội chuẩn bị hơn một tháng trước các cuộc thăm viếng của tổng thống nhằm xác định các chi tiết cuối cùng.

Ông Hackett nhớ lại rằng trước cuộc gặp gỡ của Tổng thống Obama, các quan chức an ninh của chính quyền thậm chí còn đi lên xuống các thang máy mà tổng thống sẽ sử dụng trong Điện Tông Tòa của Tòa thánh Vatican.

Nhưng không rõ đội ngũ chuẩn bị của Tổng thống Trump đã có thể chuản bị được những gì. Tổng thống vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ mới tại Tòa Thánh và mới chỉ công bố chuyến viếng thăm của mình với ĐTC Phanxicô vào ngày 4 tháng 5 vừa qua, cho phép các nhân viên Nhà Trắng và Vatican chỉ có vỏn vẹn 20 ngày để hoàn tất các công việc chuẩn bị.

khi vấn đề trở nên tồi tệ hơn, ông Hackett cho biết rằng khi ông rời khỏi vị trí vào ngày 20 tháng 1 vừa qua, đại sứ quán Hoa Kỳ đã trở nên thiếu hụt nhân sự, chỉ với hai nhân viên chính phải ghánh vác nhiều công việc.

Một điều đặc biệt mà chính quyền phải làm trong những ngày tới đó là phải chọn một món quà mà Tổng thống Trump sẽ trao tặng ĐTC Phanxicô trong buổi trao đổi những món quà truyền thống mà Đức Giáo Hoàng thực hiện trong các cuộc gặp gỡ với các vị nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Obama đã trao tặng ĐTC Phanxicô một chiếc hộp đựng hạt giống đã được sử dụng trong khu Vườn Nhà Trắng.

Ông Hackett đề nghị chính quyền Trump tránh xa việc tặng ĐTC Phanxicô bất cứ thứ gì quá đặc biệt.

“Quả là vô cùng khó xử”, ông Hackett nói. “Tôi biết rằng các đại sứ khác đã thực sự đau khổ khi họ không được tư vấn và vị nguyên thủ quốc gia đã mang đến một món quà hoành tráng, vốn hoàn toàn không phù hợp, được làm bằng vàng hoặc bạc”.

Sau cùng, ông Kmiec cho biết ông nghĩ rằng ĐTC Phanxicô có thể thực sự có thể ảnh hưởng đến Tổng thống Trump.

“Bất kể độ dài của cuộc gặp gỡ mà họ cho phép sẽ không đủ để bao trùm các lĩnh vực của chủ đề”, ông Hackett cho biết. “Nhưng điều có khả năng xảy ra đó là tầm ảnh hưởng của Đức Thánh Cha đối với việc khiến cho Tổng thống cảm thấy thư thái để phát biểu từ tận đáy lòng mình”.

Vị cựu đại sứ nói rằng ĐTC Phanxicô có sự phong phú về sự thân ái mà Ngài luôn tỏ ra “mọi nơi mọi lúc”.

“Tôi nghĩ rằng sẽ có một hiệu ứng biến đổi đối với một tâm hồn chai cứng nhất”, ông Kmiec cho biết. “Tôi cũng nghĩ rằng nó sẽ có một hiệu ứng biến đổi đối với Tổng thống thậm chí còn hơn ông ấy thực hiện và hơn những gì chúng ta có thể diễn tả bằng lời nói”.

Tuy nhiên, việc đo lường hiệu quả biến đổi đó có thể là khó khăn. Vatican thường chỉ tiết lộ những mô tả ngắn gọn về các cuộc gặp gỡ của Giáo Hoàng với các nhà lãnh đạo thế giới, để lại những điều chưa biết về thực tế.

Một số vị nguyên thủ quốc gia đã được biết đến với việc đã phóng đại những điều mà Giáo Hoàng đã nói với họ. “Điều mà chúng ta nên để ý đó là những gì mà Nhà Trắng đưa ra sau đó”, ông Hackett khuyến cáo. “Vấn đề đặt ra đó là bao nhiêu phần trăm trong đó là có thật và bao nhiêu phần trăm là tưởng tượng”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết