Ba đại biểu huynh đệ — đại diện ngoài Công giáo của các Giáo hội Kitô giáo tham gia phiên họp năm nay của Thượng Hội đồng về Hiệp hành — đã trở thành tâm điểm chú ý tại cuộc họp báo của Thượng Hội đồng được tổ chức tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh hôm thứ Năm.
Theo Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo, mệnh lệnh đối với tất cả các Giáo hội Kitô giáo để cùng nhau thực hiện cuộc hành trình, cầu nguyện và cộng tác chính là lời cầu nguyện tư tế của Chúa Giêsu được ghi lại trong Chương 17 của Tin Mừng Thánh Gioan: “Để tất cả nên một”.
“Chúa Giêsu không đưa ra mệnh lệnh cho sự hiệp nhất nhưng Người cầu nguyện để có được điều đó”, Đức Hồng y Koch nói với các nhà báo hôm thứ Năm. “Vậy nếu Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất, chúng ta có thể làm gì? Chúng ta phải làm những gì Chúa Giêsu đã làm”.
Vào tháng 6, Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo đã phát hành tài liệu “Vị Giám mục Rôma”, một cuốn sách xem xét thành quả của nhiều cuộc đối thoại đại kết giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội khác liên quan đến “Sứ vụ Phêrô” — vai trò và Sứ vụ của Giáo hoàng — trong 30 năm qua.
Trong buổi họp báo, Đức Tổng Giám mục Job Địa phận Pisidia, đồng Chủ tịch Chính thống giáo Đông phương của Ủy ban quốc tế chung về Đối thoại Thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống giáo, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự hội tụ” được tìm thấy trong các cuộc đối thoại song phương khác nhau của Giáo hội Công giáo La Mã với Chính thống giáo và các Giáo hội Kitô giáo khác được khảo sát trong cuốn “Vị Giám mục Rôma”.
“Điều khiến tôi ấn tượng trong cuốn sách này — và tôi khuyên anh chị em nên đọc — là thấy được sự hội tụ giữa tất cả các cuộc đối thoại song phương này”, Đức Tổng Giám mục Job chia sẻ với các nhà báo. “Điều này có nghĩa là chúng ta không chỉ tìm kiếm một thỏa thuận hay chỉ một số sự thỏa hiệp với một Giáo hội khác”.
Vị Tổng Giám mục cũng tuyên bố rằng đối thoại đại kết không chỉ nhằm mục đích hòa giải và tình huynh đệ giữa các Giáo hội mà còn có tiềm năng “mang lại hoa trái trong đời sống nội bộ của mỗi Giáo hội”.
Nói về “tầm quan trọng to lớn của mối quan hệ” giữa các Giáo hội Kitô giáo, Đức Giám mục Anh giáo Martin Warner Đại phận Chichester, đồng Chủ tịch Ủy ban Anh giáo-Xứ Wales-Công giáo La Mã, đã nói về “ý thức về gia đình” đã phát triển giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Anh, đặc biệt là dưới thời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II quá cố.
“Nữ hoàng Elizabeth II, tôi thiết nghĩ, đã sống trong suốt 5 triều đại Giáo hoàng”, Đức Giám mục Warner nói. “Những cuộc gặp gỡ này tạo ra cảm giác về một gia đình có lịch sử và quá khứ”.
Đức Giám mục Warner cũng bình luận rằng cả Anh giáo lẫn Công giáo đều coi thẩm quyền là một “món quà”. Vị Giám chức cho biết tính ưu việt của tình yêu thương và sự phục vụ – được nhấn mạnh trong Thông điệp Ut Unum Sint của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II – là “nền tảng vững chắc” mà cả 2 Giáo hội đều được xây dựng trên đó.
Anne-Cathy Graber, Thư ký phụ trách Quan hệ đại kết của Hội nghị Thế giới Mennonite, nói với các nhà báo rằng Thượng Hội đồng về Hiệp hành đã mang lại cho phong trào đại kết một “động lực” mới nhưng cần có nhiều “dấu hiệu hữu hình” hơn về sự hiệp nhất Kitô giáo.
“Đúng là đôi khi không có dấu hiệu tượng trưng nào mà thế giới có thể hiểu được. Điều chúng ta đang thiếu là những cử chỉ mang tính biểu tượng của sự hòa giải”, bà Graber nói.
Các đại biểu và tham dự viên Thượng Hội đồng về Hiệp hành sẽ tham dự buổi cầu nguyện đại kết tại Vatican vào thứ Sáu, ngày 11 tháng 10.
Minh Tuệ (theo CNA)