Bệnh viện Mẹ của Lòng thương xót nằm ở dãy núi Nuba của Sudan, khá xa nơi giao tranh ở các vùng khác của đất nước. Nhưng mỗi ngày, bệnh viện đều chứng kiến sự tàn phá do cuộc nội chiến đang diễn ra ở Sudan gây ra.
Nạn đói thật “khủng khiếp”, Sơ Anita Cecilia, một Nữ tu thuộc Dòng Thừa sai Comboni đến từ Uganda, hiện chịu trách nhiệm quản lý Bệnh viện Mẹ của Lòng thương xót, cho biết. “Mọi chuyện đã kết thúc rồi”.
Bệnh viện được thành lập năm 2008, nằm tại thị trấn Gidel, phía nam Sudan. Vì nơi đây tương đối yên bình nên người tị nạn từ khắp mọi miền đất nước đã tràn vào khu vực này, họ phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột và nạn đói. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 15 tháng 4 năm 2023, dân số địa phương đã tăng ít nhất gấp ba lần.
Khu vực Nuba Mountains, vốn vẫn là một phần của Sudan sau khi Nam Sudan giành được độc lập vào năm 2011, không được chuẩn bị tốt để giúp đỡ bất kỳ ai, bị ảnh hưởng bởi cùng tình trạng thiếu hụt mà phần còn lại của đất nước đang phải trải qua. Do chiến tranh, mùa màng chưa được thu hoạch và các cánh đồng chưa được gieo trồng ở Sudan. Sơ Anita cho biết vụ mùa lương thực chính của địa phương là cao lương năm sau dự kiến sẽ còn kém hơn năm nay. Có tới 3 triệu người có nguy cơ bị đói trong khu vực.
Số lượng thực phẩm ít ỏi có sẵn đã trở nên quá đắt đỏ đối với hầu hết mọi người, Sơ Anita cho biết. “Giá cả trên thị trường đã tăng vọt”.
Trong khi đó, xung đột giữa hai phe phái của chính quyền quân sự Sudan cũng đang ngăn chặn dòng viện trợ nhân đạo quan trọng. Tháng trước, tờ New York Times đã nêu chi tiết về việc chính quyền, nghi ngờ hoạt động buôn lậu vũ khí, đã ngăn chặn phần lớn các đoàn xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc tại các cửa khẩu biên giới vào Sudan. Đầu tháng này, nạn đói đã chính thức được tuyên bố ở Darfur, một khu vực của Sudan có diện tích bằng Tây Ban Nha.
Để làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn, các cơ quan nhân đạo cho biết nguồn tài trợ quốc tế cho các chương trình cứu trợ là không đủ, mặc dù đã có cảnh báo rằng nạn đói ở Sudan có thể ngang bằng với thảm họa ở Ethiopia vào những năm 1980.
“Nạn đói đang ngày càng trầm trọng ở Sudan và các nước láng giềng nơi hàng triệu người đã chạy trốn, tạo ra một cuộc khủng hoảng đói có thể trở thành lớn nhất thế giới”, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đưa tin vào tháng 6.
“Sudan hiện đang phải chịu nạn đói và suy dinh dưỡng lan rộng”, Michael Dunford, Giám đốc khu vực Đông Phi của WFP cho biết. “Tình hình đã thảm khốc và có khả năng trở nên tồi tệ hơn nữa trừ khi sự hỗ trợ đến được với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi xung đột”.
Vào đầu tháng 6, Tiến sĩ Tom Catena, Giám đốc y khoa tại Bệnh viện Mẹ của Lòng thương xót, đã nói với Angelus rằng mặc dù bình thường chỉ có hơn chục trẻ em trong đơn vị suy dinh dưỡng của bệnh viện, nhưng ông hiện đang điều trị cho hơn 30 trẻ cùng một lúc. Một số trẻ mắc các bệnh nền như viêm phổi, lao và tiêu chảy, đã quá nặng khi đến bệnh viện… đến mức không thể cứu được.
Dường như mọi tia hy vọng còn lại ở Sudan ngày nay đều có thể tìm thấy ở những người như Sơ Anita và Bác sĩ Catena.
Cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới
Sudan là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi cho đến khi Nam Sudan ly khai vào năm 2011 (hiện là quốc gia thứ ba). Sau khi giành được độc lập từ Anh và Ai Cập vào năm 1956, chính phủ mới đã bắt đầu cai trị theo chủ nghĩa Hồi giáo, làm trầm trọng thêm sự rạn nứt giữa miền bắc Hồi giáo và miền nam theo Kitô giáo và thuyết duy linh.
Nội chiến xảy ra. Từ năm 1989 đến năm 2019, nhà độc tài Omar al-Bashir cai trị đất nước, giám sát nạn diệt chủng sắc tộc ở các tỉnh phía tây Darfur và các vụ vi phạm nhân quyền khác. Một cuộc đảo chính năm 2019 đã dẫn đến việc nhà lãnh đạo Bashir bị cầm tù.
Luật Hồi giáo được áp dụng từ năm 1983 đến năm 2020, khi Sudan trở thành một quốc gia thế tục.
Cuộc giao tranh dữ dội nhất đã diễn ra trong 13 tháng qua sau sự xung khắc giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF), do Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người cai trị trên thực tế của đất nước, và một tổ chức bán quân sự được gọi là Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF). RSF phát triển từ Janjaweed mà ông al-Bashir đã dựa vào vào những năm 2000 để đàn áp cuộc nổi loạn ở Darfur và được chỉ huy bởi Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, hay còn gọi là “Hemedti”.
Hoạt động của những người tị nạn tìm kiếm thức ăn, thuốc men và nơi trú ẩn không giống bất kỳ điều gì từng thấy trong lịch sử hiện đại. Một báo cáo vào tháng 7 từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tuyên bố có 10,6 triệu người tản cư trong nước ở Sudan. IOM cho biết hơn 2,2 triệu người đã vượt biên giới từ Sudan vào các nước láng giềng, phần lớn tiến vào Chad (khoảng 813.000), Nam Sudan (752.000) và Ai Cập (515.000).
Đức Giám mục Stephen Nyodho Ador chứng kiến cuộc khủng hoảng diễn ra hàng ngày tại Giáo phận Malakal, Nam Sudan của mình. Chỉ vài năm sau khi giành được độc lập, Nam Sudan đã bị cuốn vào một cuộc nội chiến của riêng mình, và nhiều người Nam Sudan đã chạy trốn về phía bắc, đến Sudan, để thoát khỏi những điều kiện khắc nghiệt. Giờ đây, nhiều người đang trở về khu vực.
Malakal nằm trên biên giới với Sudan, và 3 Giáo xứ “có liên quan đáng kể đến việc tiếp nhận những người tị nạn và những người hồi hương”, Đức Cha Ador nói với Angelus.
Một chiếc thuyền do Giáo phận sở hữu chở người tị nạn dọc theo Sông Nin Trắng từ Renk, gần biên giới với Sudan, đến Malakal. Renk là điểm nhập cảnh chính thức duy nhất được chính phủ Nam Sudan cho phép.
Đức Cha Ador cho biết Giáo phận đã không trang bị cho dòng người đổ về như vậy khi cuộc chiến hiện tại bắt đầu, nhưng với sự giúp đỡ của các đối tác như Caritas và Quỹ cứu trợ Sudan có trụ sở tại Hoa Kỳ, Giáo phận đã có thể cung cấp khẩu phần ăn hàng ngày cho những người tị nạn.
Giáo phận, cùng với Tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Dòng Tên (JRS), cũng đang hỗ trợ tại trại tị nạn Maban gần Malakal. JRS cung cấp đào tạo cho giáo viên, tài liệu học tập, chăm sóc ban ngày cho trẻ em khuyết tật, thăm viếng, tư vấn, hỗ trợ tâm lý xã hội và hỗ trợ khẩn cấp. JRS điều phối các trung tâm xã hội cho phụ nữ tị nạn trong khi đồng thời cung cấp cơ hội học may vá và các kỹ năng sống.
3 Linh mục phục vụ tại trại tị nạn và cử hành Thánh lễ cho những người tị nạn Công giáo. Sự hiện diện của các Linh mục và Tu sĩ với những người tị nạn là “dấu chỉ hy vọng cụ thể cho những người dân tuyệt vọng của dân Chúa”, Đức Cha Ador nói.
Sudan chỉ có khoảng 4% là người Công giáo, nhưng Giáo hội được coi là một tổ chức quan trọng, với các Linh mục, Tu sĩ nam nữ rất tích cực trong lĩnh vực giáo dục. Các Tu sĩ Dòng Thừa sai Comboni chịu trach nhiệm điều hành một trường đại học lớn ở thủ đô Khartoum.
“Khi chiến tranh nổ ra, mọi người chạy đến gõ cửa Giáo hội vì họ biết rằng họ ở đó để giúp đỡ người khác”, Kinga Schierstaedt, một trưởng nhóm phụ trách ACN Châu Phi, cho biết. “Vấn đề là cuộc chiến này đã khiến chính Giáo hội bất ngờ, vì vậy họ không có bất kỳ nguồn cung cấp thực phẩm hay nước uống nào — chẳng có gì cả. Họ thực sự ở trong cùng hoàn cảnh với những người chạy đến với họ để được giúp đỡ”.
Ông Schierstaedt cho biết ACN, một tổ chức thuộc Giáo hoàng có trụ sở tại Đức, sẵn sàng giúp đỡ về mặt tài chính, nhưng không thể đưa tiền hoặc viện trợ vật chất vào quốc gia này.
Địa ngục trần gian
Đức Cha Ador thấy khó có thể diễn tả bằng lời sự đau khổ mà ngài chứng kiến.
“Cuộc sống của những người dân vô tội đã trở nên vô cùng khốn khổ; đó quả là địa ngục trần gian”, vị Giám chức nói.
“Hãy tưởng tượng một người đang vui vẻ kiếm sống, lập kế hoạch tốt đẹp đâu đấy cho tương lai của gia đình mình, một người đang sống trong một ngôi nhà đẹp, có một công việc tốt nhưng sau đó lại trở thành người tị nạn ở một quốc gia khác, hoặc phải tản cư trong nước và không có nổi đến một bữa ăn mỗi ngày, hoặc thậm chí là một nơi trú ẩn cho gia đình”. Những người mắc bệnh mãn tính hiện nay không được chăm sóc y tế, và những người bị đau không thể có thuốc giảm đau.
“Niềm hy vọng duy nhất của họ là Lòng thương xót của Thiên Chúa”, vị Giám chức nói.
Giáo hội, với chỉ 2 Giáo phận Công giáo La Mã và hầu hết các Giáo xứ đều đóng cửa, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ bên ngoài để duy trì niềm hy vọng đó.
“Nhiều nhà thờ và các cơ sở của Giáo hội đã bị cướp bóc và phá hủy”, Đức Cha Ador nói. “Hầu như tất cả các Linh mục và Tu sĩ nam nữ đã chạy trốn khỏi đất nước khi tình hình trở nên không thể chịu đựng được”.
Đức Cha Ador, 51 tuổi, cho biết vai trò của Giáo hội trong cuộc khủng hoảng này là khuyến khích đối thoại và “trao phó tình hình cho Thiên Chúa quan phòng, nhưng đồng thời cũng vận động cộng đồng quốc tế hỗ trợ các phe phái Sudan đạt được giải pháp hòa bình”.
“Giáo hội có thể kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo rằng người dân Sudan không bị lãng quên, do đó, hãy vận động hỗ trợ nhân đạo. Sudan có vị trí nổi bật ở Châu Phi, do đó, hòa bình ở Sudan là hòa bình trong khu vực”.
Đối với Đức Cha Ador, chuyến thăm Nam Sudan của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào năm ngoái đã mang đến “thông điệp hy vọng rằng cuối đường hầm sẽ luôn có ánh sáng”.
Hiện nay, Giáo hội tại Sudan dựa vào sự hỗ trợ vật chất từ những người Công giáo ở các quốc gia khác như một “dấu chỉ của sự liên đới và tình yêu dành cho thân mình đau khổ của Chúa Kitô nơi những con người tị nạn và những người di tản”, theo lời của Đức Cha Ador.
Bất chấp gánh nặng này, Giáo phận Malakal sẽ tiếp tục hỗ trợ làn sóng người dân đổ về khu vực này của Nam Sudan.
“Giáo phận không có nhiệm vụ làm điều đó”, Đức Cha Ador nói. “Nhưng bạn không thể nhắm mắt làm ngơ khi có người hấp hối gần bạn”.
Cách giúp đỡ những người đang đau khổ ở Sudan đang bị chiến tranh tàn phá
Sau đây là một số tổ chức nhân đạo Công giáo hiện đang hoạt động để cung cấp thực phẩm, thuốc men, nơi trú ẩn và các nhu cầu cơ bản khác cho người tị nạn ở cả Sudan lẫn Nam Sudan.
Dịch vụ cứu trợ Công giáo (CRS)
Tổ chức Dịch vụ cứu trợ Dòng Tên (JRS)
Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN)
Hội đồng Truyền giáo Y tế Công giáo— Nam Sudan
Bệnh viện Mẹ của Lòng thương xót ở dãy núi Nuba
Minh Tuệ (theo Angelus)