Các chuyên gia tranh luận về ý nghĩa của 'tính hiệp hành' đối với Giáo hội hoàn vũ

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì cuộc họp với đại diện các Hội đồng Giám mục đến từ khắp nơi trên thế giới tại Vatican vào ngày 9 tháng 10 năm 2021. Cuộc họp diễn ra khi Vatican khởi động tiến trình dẫn đến cuộc họp của Thượng hội đồng Giám mục thế giới vào năm 2023 (Ảnh: Paul Haring / CNS)

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì cuộc họp với đại diện các Hội đồng Giám mục đến từ khắp nơi trên thế giới tại Vatican vào ngày 9 tháng 10 năm 2021. Cuộc họp diễn ra khi Vatican khởi động tiến trình dẫn đến cuộc họp của Thượng hội đồng Giám mục thế giới vào năm 2023 (Ảnh: Paul Haring / CNS)

Trong suốt tháng 7, khoảng 100.000 người sẽ có thể tham dự một cuộc hội thảo trực tuyến miễn phí về tính hiệp hành do ba thần học gia đến từ Mỹ Latinh phụ trách và bao gồm các nhân chứng đến từ khắp nơi trên thế giới.

Sự phân định chung và việc đưa quyết định trong Giáo hội” là chủ đề của khóa đầu tiên trong một loạt các khóa đào tạo sẽ được tổ chức bởi Trường Thần học và Mục vụ thuộc Trường Đại học Boston, được tài trợ bởi các Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh, Châu Âu và Châu Á, như cũng như các Tu sĩ Dòng Tên ở Châu Mỹ Latinh và các tổ chức của các Bề trên Tổng quyền các Dòng tu nam nữ.

Sáu trong số các diễn giả của hội nghị đã trả lời các câu hỏi liên quan đến chủ đề họ đã chọn và cung cấp cho Crux một ví dụ mẫu về những gì các tham dự viên tham gia khóa đào tạo sẽ học. Sáng kiến này nhằm giúp các tín hữu Công giáo hiểu khái niệm về tính hiệp hành trước Thượng hội đồng Giám mục về Hiệp hành, được Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc vào tháng 10 năm ngoái và sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2023, khi các Giám mục từ khắp nơi trên thế giới nhóm họp tại Rôma.

Dưới đây là những câu hỏi mà mỗi người sẽ được nhận, phù hợp với những bài phát biểu của họ và những điều họ phải nói. Danh sách bao gồm các nhà thần học giáo dân – cả nam lẫn nữ – các Nữ tu và các Linh mục. Họ đến từ Châu Phi, Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ Latinh.

Diễn giả: Judith Gruber, thần học gia người Đức đến từ Đại học Ku Leuven của Bỉ.

Bài thuyết trình: Quản lý xung đột và sự bất đồng

Crux: Xung đột đóng vai trò thế nào trong một Giáo hội hiệp hành?

Tính hiệp hành cũng tạo không gian cho việc suy tư theo những cách thức mới và hữu ích về xung đột và sự bất đồng trong Giáo hội – theo những cách thức không nhận thức được sự xung đột như là một sự kiện “ngoại thường” trong một Giáo hội hiệp nhất “như thường lệ”. Thay vào đó, trong một Giáo hội hiệp hành, xung đột có thể được tiếp cận như một con đường đầy thử thách, nhưng hiệu quả nhằm hướng đến một tầm nhìn sâu sắc hơn về bản sắc và sứ mạng của Giáo hội trên thế giới. Hiệp hành là một quá trình đối thoại của sự kiên nhẫn và lắng nghe lẫn nhau giữa và ở tất cả các cấp trong Giáo hội nhằm tạo điều kiện cho Giáo hội “lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài, chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của dân Ngài; lắng nghe dân Chúa cho đến khi chúng ta trở nên phù hợp với thánh ý mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta”.

Việc lắng nghe như vậy không cung cấp những thông tin mâu thuẫn với thánh ý của Thiên Chúa, nhưng là nỗ lực chung để phân định thánh ý của Thiên Chúa đối với công trình sáng tạo của Ngài, ở đây và hôm nay.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh, quá trình phân định như vậy không tránh khỏi sự tranh cãi và do đó ngài đã khuyến khích các nhà thần học khám phá các vấn đề gây tranh luận như một phần của cuộc hành trình hướng tới việc phân định những gì Chúa Thánh Thần đang nói với Giáo hội ở nơi này. Nói cách khác, Giáo hội học hiệp hành tạo không gian cho sự bất đồng và xung đột theo quan niệm thần học của Giáo hội.

Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể hiểu xung đột để có đặc tính mặc khải – cho phép chúng ta phân định điều gì đó thực sự mới mẻ về Giáo hội, về thế giới và về Thiên Chúa, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rất hay trong ‘Querida Amazonia’ khi ngài cho biết rằng giải quyết xung đột không chỉ đơn giản là việc xác định ai đúng ai sai, nhưng con đường phía trước đúng hơn phải là “vượt qua hai cách tiếp cận và tìm ra những cách khác tốt hơn, có lẽ thậm chí còn chưa được hình dung. Xung đột được khắc phục ở cấp độ cao hơn, nơi mỗi nhóm có thể tham gia cùng nhóm kia trong một thực tế mới mẻ”.

Diễn giả: Nữ tu Josée Ngalula đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo

Bài thuyết trình: Sự lãnh đạo và quản trị của phụ nữ trong Giáo hội

Crux: Phụ nữ trong Giáo hội Châu Phi gặp phải những khó khăn gì cần phải được thay đổi?

Có ba khó khăn chính mà phụ nữ châu Phi ở châu Phi phải đối mặt cần phải được thay đổi một cách cấp bách: tình trạng bấp bênh về tài chính, việc tầm thường hóa bạo lực khi chính phụ nữ là nạn nhân, lạm dụng tình dục tại nơi làm việc, trong môi trường Giáo hội, cũng như trong những tình huống bất ổn và chiến tranh.

Xin Sơ vui lòng chia sẻ một số khái niệm quan trọng của thần học Châu Phi có thể giúp hiểu và tiếp nhận tốt hơn tính hiệp hành?

Tôi có thể nghĩ đến một số khái niệm quan trọng nhưng hãy để tôi chia sẻ ba khái niệm: Giáo hội học về “Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa và tình huynh đệ (Eglise Famille de Dieu-Fraternité)”, cuộc hội đàm của châu Phi như một không gian nơi sự ưu tiên đó là hoàn toàn để mọi người tự bày tỏ; tầm nhìn “ubuntu”, nơi mà việc sống trên trái đất có nghĩa là cùng nhau bước đi.

Diễn giả: Gregor- Maria Hoff người Đức, Giáo sư Thần học nền tảng và Thần học đại kết tại Đại học Paris Lodron ở Salzburg

Bài thuyết trình: Quyền bính trong Giáo hội

Crux: Chúng ta có thể định nghĩa quyền bính trong Giáo hội thế nào và ông nghĩ điều gì cần phải thay đổi?

Giáo hội là không gian mà trong đó quyền năng sáng tạo sự sống vô hạn của Thiên Chúa cần phải được phát huy. Đó là sự khởi đầu của và trong mọi thứ. Chúa Giêsu Kitô đã thể hiện điều đó – trong cuộc đời của Ngài, trong thông điệp của Ngài về Triều đại của Thiên Chúa – và nó tiếp tục hoạt động như một sức mạnh của đức tin và sức sống trong Giáo hội nếu và miễn là nó tạo ra những dấu chỉ của sự sống. Đó là điều mà quyền bính của Giáo hội phụ thuộc vào, đó là những gì nó được đo lường.

Tất cả mọi thứ chết chóc phải được chuyển đổi sang các lựa chọn sự sống mới. Do đó, sự biến đổi, không chỉ trong Bí tích Thánh Thể, đi vào cốt lõi của tất cả những gì Giáo hội hướng đến. Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa là nơi mà Giáo hội không hoạt động như một không gian mà ở đó quyền năng sự sống sáng tạo của Thiên Chúa có thể được cảm nghiệm, nó phải thay đổi. Điều này liên quan không nhỏ đến khả năng tất cả những người đã được rửa tội tham gia một cách có trách nhiệm vào các quá trình biến đổi như vậy.

Con đường Công nghị Đức có thể đóng góp thế nào cho Thượng hội đồng về Hiệp hành?

Con đường Công nghị Đức bắt đầu với một trải nghiệm được xác định bởi quyền bính của Giáo hội: lạm dụng tình dục và tinh thần con người. Nó có những lý do mang tính hệ thống liên quan sâu sắc đến cách thức quyền bính được trao quyền trong Giáo hội Công giáo: như Quyền thánh “Sacra Potestas”( Sacred Power).

Quyền bính phải được kiểm soát trong việc sử dụng nó – điều này cũng áp dụng cho Giáo hội. Sự minh bạch ở tất cả các cấp đưa ra quyết định của Giáo hội không chỉ là một kỹ thuật hay một sự thay đổi chức năng. Đó là về trải nghiệm tâm linh sâu sắc rằng các đặc sủng của tất cả những người đã được rửa tội cần có không gian trong Giáo hội để loại bỏ sự tập trung quyền lực cách sai lệch. Cần có sự phân chia quyền lực một cách toàn diện: tinh thần, thể chế và cả nhận thức. Con đường Công nghị Đức thực hành sự phân chia quyền lực như vậy – như một thử nghiệm mà nó có thể có tác động đến Giáo hội. Rõ ràng là: các chủ đề và vấn đề được thương thuyết về Con đường Công nghị không chỉ liên quan đến Giáo hội tại Đức. Tương lai của Giáo hội Công giáo phụ thuộc vào việc Giáo hội tự coi mình là một Giáo hội hiệp hành thực sự.

Diễn giả: Thần học gia Christina Kheng đến từ Singapore, giảng dạy về lãnh đạo mục vụ tại Viện Mục vụ Đông Á ở Manila

Bài thuyết trình: Các kiểu mẫu của sự phân định ở Châu Á

Crux: Những yếu tố chính yếu cần có trong quá trình phân định chung là gì?

 Một yếu tố quan trọng là sự tự do nội tại của chúng ta để cùng nhau tìm kiếm thành ý của Thiên Chúa. Mặc dù mỗi người chắc chắn nên nói lên những mong muốn và mối quan tâm thực sự của mình trong một cuộc đối thoại, nhưng cần phải chuyển từ “tôi” sang “chúng ta” để chúng ta buông bỏ những quyến luyến của mình và chân thành hỏi: “Chúa Thánh Thần đang mặc khải điều gì cho cả cộng đồng? Đâu là điều tốt nhất cho công ích?”. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới thực sự phân định với tư cách là một cộng đồng.

Đâu là những thách thức và cơ hội cho việc xây dựng một Giáo hội hiệp hành tại Châu Á?

Các vấn đề về sinh kế, giáo dục, y tế và an ninh cơ bản vẫn là mối bận tâm hàng đầu nếu không muốn nói là cuộc tranh đấu vật lộn hàng ngày của nhiều người ở châu Á. Họ thường không nghĩ về tính hiệp hành hoặc tinh thầnđồng trách nhiệm đối với sứ mạng của Giáo hội. Tuy nhiên, thách thức này cũng có thể là cơ hội.

Nhiều nhà lãnh đạo cấp cơ sở đã tìm ra những cách thức để gắn kết mọi người lại với nhau trong việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản này, với việc mọi người đều nắm giữ một vai trò nào đó và tiếp cận với những người dễ bị tổn thương nhất. Điều này đặc biệt rõ ràng trong đại dịch COVID-19. Giáo hội cần xây dựng trên đà này với sự hợp tác của những người khác.

Diễn giả: Thần học gia Carlos García de Andoin người Tây Ban Nha đến từ Đại học Deusto, Tây Ban Nha

Bài thuyết trình: Tính hiệp hành, chế độ dân chủ và chế độ đại nghị

Crux: Tại sao một mô hình hiệp hành mang tính thể chế dành cho Giáo hội không thể so sánh với chế độ dân chủ hay chế độ đại nghị?

Việc đưa ra quyết định trong Giáo hội không đáp lại các chương trình chính trị mà là để lắng nghe thánh ý của Thiên Chúa ở đây và bây giờ. Đó không phải là tự tham chiếu. “Norma normans” [chuẩn mực của các chuẩn mực] là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, đã được ban cho, không phải là một hiến pháp để được thỏa thuận. Đối với chúng ta, sự suy xét thận trọng mang tính dân chủ là sự phân định mang tính hiệp hành: điều Chúa Thánh Thần nói với các Giáo hội. Một mô hình hiệp hành mang tính thể chế không dựa trên lôgic đối kháng mà dựa trên lôgic cộng đồng.

Chúng ta có thể học được gì từ các hệ thống tổ chức chính trị đương thời vốn giúp cho việc cải cách Giáo hội?

Công cụ và quy định về sự tham gia để thông qua các quyết định và bầu chọn lãnh đạo. Tính phổ quát của sự tham gia. Việc tuân theo pháp luật của việc thực thi quyền hạn nhằm tránh sự chuyên quyền độc đoán. Việc quy định các đối trọng trong việc thực thi quyền lực, tránh nguy cơ lãnh đạo chuyên quyền độc đoán. Sự cần thiết của nguyên tắc chiều dọc và nguyên tắc chiều ngang trong việc thực thi quyền lực mà trong trường hợp của Giáo hội, đòi hỏi một sự cân bằng lại giữa nguyên tắc tông truyền hoặc phẩm trật với nguyên tắc đồng nghị.

Diễn giả: Carlos Schickendantz, Thần học gia người Argentina đến từ Đại học Alberto Hurtado của Chilê

Bài thuyết trình: Trách nhiệm giải trình: các báo cáo quốc tế và phản ứng của Giáo hội

Crux: Tại sao lại nói về một cuộc cải tổ trong Giáo hội?

Trong tài liệu về chủ nghĩa đại kết, Công đồng Vatican II đã nhắc lại một cách diễn đạt của Đức Phaolô VI đã công bố vào năm 1964: “với tư cách là một tổ chức loài người và trần thế”, Giáo hội được Chúa Kitô mời gọi tiến hành một cuộc “canh tân không ngừng”.

Vì vậy, việc đổi mới con người và đổi mới thể chế phải được coi như là những nhiệm vụ thường xuyên. Mỗi thế hệ tín hữu có trách nhiệm thực hiện “cuộc canh tân không ngừng” này một mặt bằng cách cho phép mình được hướng dẫn bởi Tin Mừng và truyền thống Tin Mừng, và mặt khác bởi các dấu chỉ của thời đại.

Tính hiệp hành có thể góp phần như thế nào trong việc cải cách Giáo hội và nó bao gồm những chiều kích nào?

Tiến trình hiệp hành đại diện cho một cơ hội cho sự đổi mới toàn bộ đời sống của Giáo hội. Nó bao gồm sự hoán cải cá nhân của mỗi và mọi tín hữu, đồng thời, việc cải tổ các cơ cấu, các cách thức tiến hành khác nhau trong các trường hợp Giáo phận, quốc gia và toàn cầu khác nhau. Trong nhiệm vụ canh tân đổi mới, không nên chọn khía cạnh này hay khía cạnh khác, hoán cải tinh thần cá nhân hay cải cách thể chế. Cũng không nên phát huy một khía cạnh nào trước và khía cạnh kia để lại vào thời điểm khác sau đó.

Cần phải thúc đẩy đồng thời những thay đổi cá nhân và những chuyển đổi về mặt thể chế, ngay cả những thay đổi về mặt pháp lý. Đây là cách thức duy nhất để đạt được một sự đổi mới sâu sắc và một cuộc cải cách hiệu quả và lâu dài. Đặc biệt, nguyên tắc về trách nhiệm giải trình, vốn mô tả một hình thức quản trị và lãnh đạo phù hợp với thời đại của chúng ta, đòi hỏi những điều chỉnh sâu sắc trong cách thức tiến hành ở tất cả các cấp độ trong đời sống của Giáo hội.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết