Các nhà thần học và các chuyên gia nhân quyền Hoa Kỳ về Cuba lo ngại rằng bất kỳ sự lặp lại nào của các cuộc biểu tình lan rộng ở Cuba vào ngày 11 tháng 7 có thể gặp phải một loạt phản ứng nhanh chóng, bạo lực do nhà nước bảo trợ.
Đã có những tín hiệu cho thấy Chính phủ Cuba đã phổ biến một kế hoạch hành động đa diện vào ngày 12 tháng 7 kéo dài 72 giờ. Kế hoạch này bao gồm việc tắt các phương tiện liên lạc qua internet, cũng như triển khai cảnh sát chính phủ mặc thường phục và quân nhân nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình tiếp theo sau cuộc biểu tình quy mô lớn vào ngày 11 tháng 7, theo bà Elsie Miranda.
“Tôi sợ cho người dân ở đó bởi vì họ tuyệt vọng và họ sẵn sàng chết để có cơ hội sống”, bà Miranda, Giáo sư thần học và là giám đốc công nhận của Hiệp hội các Trường Thần học, cho biết.
Bà Miranda đã dẫn đầu các phái đoàn đến Cuba cùng với Giáo hội Công giáo ở đó và tham dự chuyến viếng thăm Cuba của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2015.
Một thông tin mà bà Miranda đã nhìn thấy, được viết bằng tiếng Tây Ban Nha và được lưu hành giữa các nhà hoạt động nhân quyền, dường như trình bày chi tiết kế hoạch bao gồm chín điểm của chính phủ Cuba nhằm chấm dứt những biểu hiện bất ổn dân sự và đồng thời kêu gọi sử dụng bất kỳ phương tiện nào cần thiết để làm như vậy, bao gồm cả sự hiện diện đông đảo cảnh sát mặc thường phục được phái đến để hòa vào những người biểu tình để tiến hành bắt giữ.
Bà Miranda, người thường sống ở Pittsburgh nhưng đang làm việc vào mùa hè này tại Miami, phát biểu với hãng tin CNS trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng các cuộc biểu tình gần đây cho thấy một sự sẵn sàng và quyết tâm táo bạo mới của thanh thiếu niên Cuba để đứng lên chống lại chế độ cộng sản và đồng thời bày tỏ rằng họ chẳng còn gì để mất vào thời điểm hiện tại.
Nhưng nếu như không có sự thay đổi trong quân đội Cuba, bà Miranda nói, nó có thể kết thúc một cách tồi tệ đối với những người biểu tình.
“Trừ khi có sự thay đổi trong quân đội và họ quay đầu – và tôi không nhận thấy điều đó xảy ra – đây sẽ là một thời điểm rất đau buồn trong lịch sử của chúng ta”, bà Miranda nói, và đồng thời chỉ ra sự lãnh đạo cứng rắn của Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel là sự tiếp nối nhiệm kỳ Chủ tịch của Raul Castro.
“Chủ tịch Díaz-Canel có thể nắm giữ quyền lực trong bao lâu khi sử dụng những phương pháp này nếu xảy ra việc tàn sát người dân? Ông ấy có sự hỗ trợ của Venezuela, Nicaragua và thậm chí có thể cả Argentina để tiến vào Cuba”, bà Miranda nói.
Cung bậc của các cuộc biểu tình vào ngày 11 tháng 7 ở Cuba được gói gọn trong một bài rap nổi tiếng của Cuba mang tên “Patria y Vida” (“Quê hương và cuộc sống”). Đó là một cách chơi chữ và một phản ứng mới đối với slogan nổi tiếng của Cách mạng Cuba, “Patria o Muerte” (“Quê hương tổ quốc hay cái chết”).
“Tôi phải tin vào phép màu và hy vọng vào một sự can thiệp nào đó, nhưng tôi lo sợ sẽ có rất nhiều người chết trong đêm nay”, bà Miranda cho biết thêm. “Người dân đã đến một thời điểm mà giá trị cuộc sống của họ giờ đây không bằng giá trị của việc tạo điều kiện cho sự thay đổi”.
“Thực sự có cảm giác rằng giọt nước đã tràn ly và họ chẳng còn quan tâm đến hậu quả là gì nữa vì nếu họ chết, họ sẽ chết như những anh hùng”.
Tình hình kinh tế nghèo nàn ở Cuba đã được báo cáo là đã trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây do đại dịch coronavirus, mặc dù những người ngoài cuộc khó có thể biết được đại dịch đang ảnh hưởng đến đất nước này đáng kể như thế nào.
Cuba tuyên bố đã phát triển vắc-xin COVID-19 và những người biểu tình kêu gọi việc tiếp cận đáng kể hơn với vắc-xin cũng như yêu cầu chấm dứt chế độ độc tài kéo dài 62 năm.
Một điều phối viên quốc gia của Phong trào Giải phóng Kitô giáo, được gọi là MCL với tên viết tắt của nó bằng tiếng Tây Ban Nha, cho biết hàng nghìn người dân Cuba đang kêu đòi tự do và kêu gọi chấm dứt sự đàn áp và tình cảnh khốn khổ.
Nhóm này cũng yêu cầu “trả tự do cho các tù nhân chính trị, bãi bỏ các luật đàn áp chống lại tự do, công nhận các quyền kinh tế của doanh nghiệp tự do cho người Cuba, và công nhận quyền của mỗi người dân Cuba – trong và ngoài đảo quốc – để được bỏ phiếu và được bầu chọn”.
“Quan điểm của tôi về điều này đó là sự kết hợp của tình hình kinh tế tồi tệ do sự sụt giảm nghiêm trọng của du lịch, mất sự hỗ trợ về mặt kinh tế từ Venezuela và sự kết nối ngày càng tăng của người dân Cuba, cả trong nước và nước ngoài”, Peter Sanchez, Giáo sư danh dự về Chính trị học so sánh tại Đại học Loyola Chicago, người đã thực hiện nghiên cứu thực địa ở Cuba. Ông Sanchez đã đưa ra những lời nhận xét trong một email gửi tới CNS.
Các bản tin cho biết các cuộc biểu tình chưa từng có ở Cuba không chỉ diễn ra ở Havana mà ở 14 thành phố khác của Cuba. Chúng được phản ánh bởi một cuộc biểu tình đường phố đầy náo nhiệt ở khu phố Little Havana của Miami vào chiều muộn ngày 11 tháng 7.
Bà Miranda, người đã tham dự sự kiện ở Miami, diễn ra xung quanh nhà hàng Versailles Cuban nổi tiếng của thành phố, cho biết những người biểu tình ở đó và những người gọi đến đài phát thanh tiếng Tây Ban Nha của Miami đang yêu cầu Tổng thống Joe Biden can thiệp.
Những người khác vẫn gọi cựu Tổng thống Donald Trump là tác nhân thay đổi đối với Cuba, bà Miranda nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng cựu tổng thống vẫn được những người Mỹ gốc Cuba ở Miami xem như là người ủng hộ sự thay đổi chế độ ở Cuba.
Nhưng bà Miranda cho biết Giáo hội Công giáo và Đức Thánh Cha Phanxicô – được trao cho sự độc lập tương đối của Giáo hội ở Cuba – nên nắm bắt thời điểm để đưa ra một cử chỉ mới và bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với các cuộc biểu tình của giới trẻ Cuba.
“Tôi đã ở đó (ở Havana) trong chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô khi các bạn trẻ nói với ngài rằng chúng ta cần phải có một tương lai và không có chỗ cho họ mưu sinh kiếm sống; Đức Giáo hoàng cần thực hiện quyền lãnh đạo của mình ở Cuba một cách mạnh mẽ hơn và tôi nghĩ rằng ngài hơi chậm về vấn đề này”, bà Miranda nói.
“Nhưng giờ đây chúng ta cần sự lãnh đạo – sự lãnh đạo mạnh mẽ, mang tính cách mạng đứng lên chống lại những kẻ cầm quyền lạm dụng quyền lực và chế độ áp bức này”, bà Miranda cho biết thêm. “Tôi lo ngại rằng điều đó có thể còn lâu mới xuất hiện”.
Tại Colorado, Miguel De La Torre, Giáo sư về đạo đức xã hội và nghiên cứu về Latinx tại Trường Thần học Iliff của Đại học Denver, đã dẫn đầu các phái đoàn nghiên cứu đến Cuba. Ông De La Torre cho biết rằng ông đang thận trọng theo dõi để xem điều gì sẽ xảy ra ở Cuba trong những ngày sắp tới trong bối cảnh của những thách thức trong quá khứ đối với chế độ cầm quyền Cuba trong những năm qua đã bị bóp nghẹt như thế nào.
Ông De La Torre đã chỉ ra một cuộc đàn áp vào năm 2020 đối với phong trào nghệ sĩ San Isidro ở Havana, trong đó chính phủ cưỡng bức bắt giữ và sau đó trả tự do cho những người biểu tình đòi quyền tự do lớn hơn.
“Việc người dân kêu gào rất có ý nghĩa. Nó không chỉ là biểu tình vì mục đích phản đối, nó đang kêu gọi một điều gì đó có ý nghĩa”, ông De La Torre nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng nếu như đại dịch đang tấn công đất nước này, nó có thể đẩy người dân Cuba vượt qua ngưỡng giới hạn.
“Chính phủ Cuba đang kêu gọi đổ máu yêu cầu những người cách mạng chân chính giành lại đường phố. Người dân Cuba ở Mỹ đang kêu gọi đổ máu, yêu cầu chính phủ Mỹ giành lại hòn đảo”, ông De La Torre nói. “Cả một cuộc xâm lược của Hoa Kỳ hay một cuộc nội chiến đều không phải là câu trả lời”.
“Vào thời điểm như thế này, có lẽ chúng ta nên lắng nghe những người đang biểu tình trên đường phố – mạo hiểm tất cả mọi thứ – và chú ý đến những gì họ – và chỉ một mình họ – mong muốn”, ông De La Torre cho biết thêm. “Họ không phải là những con tốt để bị cánh tả hay cánh hữu thao túng – thay vào đó, cơ quan thông tấn tự do của họ phải được tôn trọng và hỗ trợ trong những sự kiện quan trọng này”.
Minh Tuệ (theo Crux)