Các chuyên gia giải thích lý do tại sao chế độ độc tài ở Nicaragua bắt cóc và đày ải các Linh mục

Ông Emilio Blasco, Giám đốc Trung tâm về các vấn đề toàn cầu tại Đại học Navarra ở Tây Ban Nha, cho biết Daniel Ortega đàn áp Giáo hội Công giáo vì "ông ta coi đó là thành trì của phe đối lập, của những người có chính kiến của riêng mình và  ông không thể thống trị như ông thống trị các lĩnh vực khác của xã hội" (Ảnh: : EWTN Noticias/ Ảnh chụp màn hình)

Ông Emilio Blasco, Giám đốc Trung tâm về các vấn đề toàn cầu tại Đại học Navarra ở Tây Ban Nha, cho biết Daniel Ortega đàn áp Giáo hội Công giáo vì “ông ta coi đó là thành trì của phe đối lập, của những người có chính kiến của riêng mình và ông không thể thống trị như ông thống trị các lĩnh vực khác của xã hội” (Ảnh: : EWTN Noticias/ Ảnh chụp màn hình)

Chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo, tại Nicaragua đã tiến hành một chiến dịch dài nhằm trả đũa Giáo hội Công giáo bắt đầu từ năm 2018, khi các nhà lãnh đạo Giáo hội bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình phản đối các cải cách được đề xuất và chế độ độc tài của Ortega.

Một trong những chiến thuật của chế độ để đáp trả là bắt cóc và trục xuất các Linh mục. Trong cuộc truy quét gần đây nhất bắt đầu từ ngày 26 tháng 7, cảnh sát đã bắt cóc 9 Linh mục từ Giáo phận của họ và đưa họ đến Chủng viện Liên Giáo phận Đức Mẹ Fatima tại thủ đô Managua của đất nước. Trong số này, 7 người đã bị trục xuất sang Rôma.

Hai chuyên gia đã giải thích lý do tại sao chế độ ở quốc gia Trung Mỹ này lại tăng cường chiến thuật đàn áp vào thời điểm này.

Emilio Blasco, Giám đốc Trung tâm các vấn đề toàn cầu tại Đại học Navarra ở Tây Ban Nha, nói với EWTN Noticias” rằng “mọi nỗ lực mà chính phủ đang thực hiện để đàn áp bất kỳ dấu hiệu đối lập nào, không chỉ về chính trị mà còn về văn hóa và tôn giáo, cho thấy ý định của chính phủ là tự củng cố và loại bỏ, đôi khi là loại bỏ, những người có suy nghĩ khác biệt”.

Đối với ông Blasco, Tổng thống Ortega đàn áp Giáo hội Công giáo vì “ông ta coi đó là thành trì của phe đối lập, của những người có chính kiến của riêng mình và ông không thể thống trị như cách ông thống trị các lĩnh vực khác của xã hội”.

Điều này càng trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là ở Nicaragua, “thẩm quyền của Giáo hội Công giáo vẫn rất lớn, và một cách để kiểm soát mọi thứ là chống lại Giáo hội, loại bỏ những tiếng nói mà Ortega coi là chỉ trích nhất”.

Đối với nhà phân tích người Tây Ban Nha, những cuộc trục xuất này diễn ra trong bối cảnh “những sự việc đang diễn ra ở Venezuela: dư luận quốc tế, sự chú ý của giới truyền thông ở Mỹ Latinh tập trung vào Venezuela và điều đó có lẽ khiến Ortega có thể cảm thấy rằng ông ta có thể tự do hơn trong việc thực hiện những vụ bắt giữ này ở Nicaragua”.

Miguel Mendoza, một nhà báo người Nicaragua đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ, cũng nói với “EWTN Noticias” rằng mục đích của chế độ độc tài Nicaragua là “chấm dứt một tôn giáo rất quan trọng đối với tất cả mọi người dân Nicaragua”.

Chế độ độc tài có thể đang hướng đến thỏa thuận giống như thỏa thuận Trung Quốc-Vatican

Nhà báo Mendoza cũng bình luận rằng những ngày này “có suy đoán rằng chế độ độc tài đang lo lắng, tin rằng từ Rôma, Đức Giám mục Rolando Álvarez tiếp tục hướng dẫn các Linh mục này. Matagalpa là Giáo phận mà họ coi là hoàn toàn đối đầu. Đó chính là lý do, vì nó không có ý nghĩa nào khác khi các linh mục bị bịt miệng dưới sự đe dọa bị bắt cóc”.

Matagalpa là Giáo phận của Đức Cha Álvarez, một người bảo vệ nhân quyền và chỉ trích chế độ độc tài, người đã bị quản thúc tại gia từ tháng 8 năm 2022 và cuối cùng bị kết án 26 năm tù vào tháng 2 năm 2023 trong một quá trình tư pháp gây tranh cãi. Vị Giám chức đã bị trục xuất vào tháng 1 năm nay sang Rôma, nơi ngài hiện đang phải sống lưu vong.

Nhà báo này cũng cáo buộc rằng những ngày này “các Thánh lễ Chúa nhật và ngày thường không diễn ra trong bầu không khí yên bình, mà thay vào đó có sự hiện diện cảnh sát, xách nhiễu và đàn áp”.

“Người ta cũng tin rằng Daniel Ortega và Rosario Murillo đang nỗ lực gây sức ép buộc Vatican phải… có một mô hình tương tự như mô hình của Trung Quốc” liên quan đến việc lựa chọn các Giám mục mới, như đã được thiết lập trong thỏa thuận tạm thời được ký kết vào năm 2018, được gia hạn vào năm 2020năm 2022 giữa Vatican và Trung Quốc.

“Người ta cho rằng đây là chiến thuật” của chế độ độc tài Ortega và Murillo để có được “các Giám mục đồng quan điểm chính trị với họ vì cũng có những Linh mục thân cận với chế độ này”, nhà báo Mendoza lưu ý.

Theo nhà nghiên cứu Martha Patricia Molina, tác giả của báo cáo “Nicaragua: Một Giáo hội bị đàn áp?”, các Linh mục bị chế độ độc tài giam giữ trong những ngày gần đây là Cha Ulises Vega Matamoros, Cha Edgar Sacasa Sierra, Cha Victor Godoy, Cha Jairo Pravia Flores, Cha Marlon Velasquez, Cha Harvin Torrez và Cha Raul Villegas, tất cả đều thuộc hàng giáo sĩ của Giáo phận Matagalpa.

Hoàn thiện danh sách là Cha Silvio Romero của Giáo phận Juigalpa và Cha Frutos Constantino Valle Salmerón, với tư cách là người quản lý “ad omnia” của Giáo phận Esteli, chịu trách nhiệm quản lý tài sản vật chất của Giáo phận này khi vắng mặt vị Giám Quản Tông Tòa thực tế, Đức Giám mục Rolando Alvarez hiện đang sống lưu vong.

Vatican News đưa tin rằng tên của các Linh mục bị trục xuất sang Rôma vào ngày 7 tháng 8 là Ulises Vega, Edgar Sacasa, Víctor Godoy, Jairo Pravia, Silvio Romero, Harvin Torres và Marlon Velázquez.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết