Linh mục Al-Sabbagh: ‘Những gì chúng ta đã chứng kiến quả là hết sức khó khăn, thế nhưng các gia đình vẫn đang cố gắng giữ vững đức tin của mình’
Có một phép lạ xảy ra giữa cảnh hoang tàn đổ nát của thành Mosul: Nhà thờ Thánh Tôma, có niên đại từ thế kỷ thứ VII, Ngôi thánh đường này vẫn đang đứng hiên ngang bất chấp các cuộc chiến tàn bạo của quân đội Iraq trong việc tiếp quản thành phố.
Với việc Mosul hiện nay đã được giải phóng, một vấn đề chính đó là liệu các Kitô hữu có thể trở lại nơi mà họ đã vội vã rời khỏi vào đêm hôm 9 tháng 6 năm 2014 chăng.
CHA DANIEL AL-SABBAGH
Linh mục Công giáo Syro, Mosul (Irac)
“Vào thời điểm này, cả các Kitô hữu Chính thống lẫn các Kitô hữu Chaldean đều không thể trở lại Mosul. Thứ nhất, vì chuyến trở lại này không an toàn. Thứ hai, vì các gia đình chúng ta đều đã đánh mất niềm tin vào những người Hồi giáo, những người cư trú khác của thành phố. Thứ ba, bởi vì vẫn không có các dịch vụ cơ bản về điện hoặc nước sinh hoạt để có thể sinh sống ở đó”.
Linh mục Al-Sabbagh cũng đã bị buộc phải chạy trốn khỏi Erbil thuộc khu vực Kurdistan của Iraq cùng với hàng ngàn Kitô hữu khác. Những Kitô hữu này không có ý định trở lại vào lúc này, ít nhất là cho đến khi họ được đảm bảo một cảm giác an toàn hơn. Tuy nhiên, họ đã chứng kiến một số người hàng xóm Hồi giáo đang có dấu hiệu thiện chí với họ.
CHA DANIEL AL-SABBAGH
Linh mục Công giáo Syro, Mosul (Irac)
“Chúng tôi đã chứng kiến một số nhóm thanh thiếu niên Hồi giáo bước vào trong các ngôi thánh đường để dọn dẹp. Quân đội Iraq cũng đã cho dựng một cây Thánh giá tại một trong các tu viện, và đưa ra thông báo bên cạnh để chào đón các anh chị em Kitô hữu. Tuy nhiên, điều đó không đủ để biện minh cho những gì đã xảy ra”.
Đối với nhiều cư dân trước đây, chính những người Hồi giáo hàng xóm của họ đã chỉ đường cho bọn ISIS tiến vào các ngôi nhà của họ. Đó chính là lý do tại sao, thậm chí ngay cả khi họ đã có thể quay trở về, họ cảm thấy rằng việc hình thành một mối tương quan và việc cải thiện cảm thức về sự phản bội này sẽ phải mất nhiều năm.
CHA DANIEL AL-SABBAGH
Linh mục Công giáo Syro, Mosul (Irac)
“Các Kitô hữu nghĩ rằng nếu như những người khác từ chối chúng ta, làm thế nào chúng ta sẽ lại có thể tiếp tục cùng chung sống với họ hoặc lại tiếp tục chia sẻ cùng một vùng đất? Những gì chúng ta đã chứng kiến quả là hết sức khó khăn, thế nhưng, tạ ơn Chúa, các gia đình của chúng ta đã hiểu được điều này và bỏ lại tất cả mọi thứ để có thể giữ vững đức tin của mình. Giáo hội đã có thể thực hiện sứ mạng của mình trong ba năm qua với niềm vui và tình yêu”.
Vị linh mục chính xứ Erbil đã đề nghị các Kitô hữu Tây phương đừng bỏ quên các anh chị em của mình tại Mosul, nơi mà lần đầu tiên trong hàng thế kỷ, đã không có sự hiện diện của các Kitô hữu trong vòng ba năm trời. Linh mục Al-Sabbagh nhấn mạnh rằng họ không nên bị lãng quên, bởi vì mặc dù việc viện trợ tài chính là quan trọng, thế nhưng điều quan trọng nhất là làm sao để các Kitô hữu này cảm thấy được tinh thân liên đới cũng như gần gũi từ các Kitô hữu khác trên thế giới.
Minh Tuệ (theo Romereports.com)