Burkina Faso: “Các Kitô hữu mà chúng tôi đồng hành không biết liệu họ có thể sống sót sau 24 giờ hay không”

Cha Pierre Rouamba từ Fada N'Gourma, Burkina Faso (Ảnh: ACN)

Cha Pierre Rouamba từ Fada N’Gourma, Burkina Faso (Ảnh: ACN)

Bề trên Tổng quyền của Dòng Tu huynh Truyền giáo Nông thôn (FMC), Cha Pierre Rouamba, đã trò chuyện với Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) về việc phục vụ các Kitô hữu tại Burkina Faso, một trong những khu vực nguy hiểm nhất trên thế giới.

Thưa Cha, Hội Dòng của Cha đang hoạt động ở một số quốc gia Tây Phi. Cuộc sống ở khu vực này như thế nào?

Bối cảnh chính trị cực kỳ hỗn loạn. Burkina Faso, nơi đặt trụ sở khu vực của chúng tôi, gần đây đã phải hứng chịu hai cuộc đảo chính. Tình trạng bất an đang lan tràn ở Mali, Burkina Faso, Togo và Benin, nơi đặt trụ sở Tỉnh Dòng của chúng tôi và các Kitô hữu đang phải chịu đau khổ. Năm 2022, Burkina Faso là quốc gia xảy ra nhiều vụ tấn công chống Kitô giáo nhất thế giới.

Việc truyền giáo ở những quốc gia này mới diễn ra gần đây, cách đây không quá 150 năm và ở hầu hết các khu vực đều chưa đến 100 năm. Tất cả bốn quốc gia đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, đặc biệt là Mali và cả Burkina Faso, nơi căng thẳng và đàn áp đang gia tăng. Các Kitô hữu bị ảnh hưởng hàng ngày bởi những hành động kinh hoàng của Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo.

Xin Cha có thể chia sẻ cho chúng tôi biết một chút về công việc mục vụ giữa những nguy hiểm này sẽ như thế nào không?

Tôi đã trải qua lễ Phục sinh ở Kompienga, Burkina Faso, trong một bầu không khí hết sức đặc biệt, bởi vì nơi này bị cô lập với phần còn lại của thế giới, bị cắt đứt bởi bom mìn và trạm kiểm soát do những kẻ khủng bố quản lý. Chúng ta chỉ có thể vào được đó bằng trực thăng. Vào khoảng dịp Lễ Ngũ Tuần năm 2023, những kẻ khủng bố đã bắt đầu nhắm vào người dân địa phương. Nhiều người đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng và phải được đưa bằng máy bay ra ngoài. Những kẻ khủng bố cũng đã tịch thu gia súc và đang làm mọi thứ có thể để khiến người dân cải đạo hoặc sơ tán. Nếu mọi người từ chối chuyển sang đạo Hồi, họ buộc phải rời đi, nhưng vì đường sá bị chặn, họ phải lang thang trong rừng mà không có tài sản, và nhiều người chết vì thiếu thức ăn và sự chăm sóc.

Trại tập trung dành cho những người di tản trong nước ở Burkina Faso (Ảnh: ACN)

Trại tập trung dành cho những người di tản trong nước ở Burkina Faso (Ảnh: ACN)

Tại một Giáo xứ mà chúng tôi chịu trách nhiệm, một nhóm phụ nữ đã cố gắng vượt qua vòng vây vì nghĩ rằng bọn khủng bố sẽ không tấn công họ. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã bị bắt giữ và bị hãm hiếp. Một số bị giam giữ trong thời gian dài để làm nô lệ tình dục và chỉ trở về sau vài tuần đã mang thai. Đây là những bi kịch có thật không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hội Dòng của Cha có kế hoạch gì cho tương lai?

Dự án lớn tiếp theo của chúng tôi là khai trương văn phòng khu vực của chúng tôi tại Giáo phận Ouagadougou, ở Burkina Faso. Đây cũng là nơi chúng tôi muốn tập hợp và đào tạo anh chị em giáo dân để có thể sai họ đi truyền giáo đến những nơi khó khăn và lần đầu tiên mang Tin Mừng đến với người dân vùng nông thôn.

Chúng tôi lo lắng về tương lai. Làm thế nào có thể đạt được sự tha thứ lâu dài? Vì quên đi mọi việc là điều không thể. Đây là một trong những lý do khiến chúng tôi muốn thành lập các đơn vị hỗ trợ để hỗ trợ về tinh thần và tâm lý. Nhiều người đến với chúng tôi chỉ để được lắng nghe.

Chúng tôi muốn nhìn về lâu dài, đặc biệt là thời kỳ hậu khủng hoảng, chào đón và đồng hành với nhiều nạn nhân của bạo lực. Nhiều người đã chứng kiến người thân của mình bị cắt cổ, bị chặt đầu, bị hãm hiếp hoặc bị biến thành nô lệ tình dục. Trẻ em đã được sinh ra vì những vụ cưỡng hiếp này. Khi tất cả những điều này qua đi, làm sao chúng ta có thể có được một bài diễn văn phù hợp với Tin Mừng? Chúng ta sẽ phải chữa lành tất cả những vết thương này, dù là về thể chất hay tâm lý. Công việc mục vụ hứa hẹn sẽ rất lớn lao.

Cũng có những mối nguy hiểm rình rập hàng giáo sĩ. Chẳng hạn như hai người anh em tu sĩ của Cha đã bị bắt cóc vào năm 2021…

Đúng, và những sự việc đã xảy ra, tôi dám nói, là một phép lạ. Họ bị những kẻ khủng bố chặn lại ở một trạm kiểm soát, chúng bịt mắt họ và đưa họ vào rừng, ngược đãi, khám xét, thẩm vấn họ về sứ mạng và hoạt động tông đồ của họ, và tất nhiên, yêu cầu họ chuyển sang Hồi giáo Wahabi, vốn đang gây ra rất nhiều thiệt hại cho một đất nước từng là tấm gương về sự hòa hợp giữa các tôn giáo.

Những người anh em tu sĩ của chúng tôi đã trò chuyện với họ trong tinh thần hòa bình thực sự, không giận dữ hay cay đắng. Khi những kẻ khủng bố yêu cầu họ cùng cầu nguyện bằng kinh Hồi giáo, họ nhẹ nhàng từ chối, giải thích rằng với tư cách là người Kitô hữu, họ đã cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, và lời cầu nguyện thực sự là lời cầu nguyện chân thành với Thiên Chúa, chứ không thể là điều gì đó bị áp đặt từ bên ngoài. Bất chấp sự sách nhiễu, họ vẫn ôn hòa, đáp trả bạo lực bằng tinh thần bác ái. Quá ấn tượng, những kẻ khủng bố cuối cùng đã đưa họ quay trở lại trả tự do cho họ. Chúng ta tạ ơn Chúa vì điều này, đó là dấu chỉ cho thấy tình yêu có thể chiến thắng sự hận thù.

Tất cả những điều này đã ảnh hưởng đến đức tin của người dân như thế nào?

Điều thực sự đáng chú ý là các Kitô hữu, ở một mức độ nào đó, đã từ bỏ việc thực hành tôn giáo trước cuộc khủng hoảng, đang quay trở lại với đức tin vào thời điểm khi mà những kẻ khủng bố đang làm những gì có thể để tiêu diệt Kitô giáo. Trong khi những kẻ khủng bố ngăn cản các Kitô hữu tụ tập tại nhà thờ, các gia đình lại tụ tập tại tư gia của họ để thắp lại ngọn lửa đức tin thông qua các lớp giáo lý và các buổi cử hành chung khi không có linh mục.

Cuộc rước vào nhà thờ trong Thánh lễ nhân “Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn” (Ảnh: ACN)

Cuộc rước vào nhà thờ trong Thánh lễ nhân “Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn” (Ảnh: ACN)

Chính vì những Kitô hữu này trực tiếp bị bách hại nên họ đã thắt chặt mối liên hệ sâu sắc hơn với Chúa Kitô. Máu của các vị tử đạo là hạt giống của các Kitô hữu, một cách đặc biệt và hiện hành ở Burkina Faso này. Tại Kompienga, dưới làn đạn của bọn khủng bố, những người xin được rửa tội ngày càng nhiều và các lớp giáo lý vẫn tiếp tục.

Các Kitô hữu phải chịu đựng sự thù hận vì đức tin của mình có hai lựa chọn. Họ có thể tìm kiếm sự cứu rỗi bên ngoài Thiên Chúa, bằng cách nổi loạn chống lại Ngài, hoặc họ có thể tìm kiếm sự cứu rỗi nơi Thánh Tâm của Chúa Giêsu Kitô. Các Kitô hữu của chúng ta có ân sủng đặc biệt này để hiểu và phó thác cuộc đời mình trong tay Đấng Cứu Độ của họ.

Đặc sủng của cộng đoàn của Cha là gì?

Hội Dòng của chúng tôi được thành lập vào thời kỳ đỉnh điểm của Thế chiến thứ hai, vào năm 1943, tại Pháp, để cống hiến hết mình cho công việc mục vụ ở các vùng nông thôn. Đây vẫn là trọng tâm công việc của chúng tôi ngày nay, đặc biệt là ở Tây Phi. Chúng tôi vẫn tiếp tục hiện diện ở những khu vực thiếu thốn nhất về kinh tế và xã hội, chia sẻ cuộc sống của người dân nông thôn và trở thành hạt giống của Tin Mừng.

Chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với người Hồi giáo hoặc những người chưa nghe nói về Chúa Kitô. Chúng tôi đang mở những cánh cửa Tin Mừng một cách có hệ thống!

Đặc sủng của chúng tôi là mang mọi sự trở lại với chính Chúa Giêsu Kitô, niềm vui hay nỗi buồn, và mang chúng trở lại với Đấng Cứu Chuộc trong tâm tình tạ ơn, bất chấp vô vàn những khó khăn hiện tại. Chúng ta muốn trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng Kitô giáo giữa sự buồn phiền đau khổ. Chúng tôi được Chúa Kitô đồng hành vì chính Người đã trải qua những đau khổ mà chúng ta đang trải qua. Đối với các Kitô hữu mà chúng tôi đồng hành, viễn cảnh thời gian không vượt quá 24 giờ tới. Chúng tôi không biết liệu chúng tôi có thể sống sót qua ngày hôm sau hay không. Điều này buộc chúng tôi phải đào sâu mối tương quan cá nhân với Ngài.

Thông qua quan hệ đối tác với ACN, chúng tôi đang trải nghiệm tinh thần liên đới thực sự, đặc biệt thông qua một dự án hỗ trợ lương thực gần đây cho những người tị nạn và những người di tản mà chúng tôi đã thực hiện tại một trong những Giáo xứ được giao phó cho chúng tôi, ở Pama, thuộc Giáo phận Fada N’Gourma.

Minh Tuệ (theo ACN)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết