Lòng Thương Xót và Vấn đề Đối Thoại

23-10-2016 Vatican Francis

Đối thoại là một yếu tố quan trọng của Lòng Thương Xót. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như vậy hôm Thứ Bảy 22/10, Ngài giải thích rằng khi chúng ta ngắt lời người khác để vội vã đưa ra những ý kiến riêng của mình mà không thực sự lắng nghe người khác, chúng ta chẳng may đã phá hủy các mối quan hệ.

Phát biểu với đông đảo các tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm qua, thứ Bảy 22/10, Đức Thánh Cha đã chỉ ra “một khía cạnh rất quan trọng của Lòng Thương Xót, chính xác đó là việc đối thoại”.

“Chúng ta không thể đối thoại với người khác khi chúng ta không thực sự lắng nghe người khác hay mỗi khi chúng ta có khuynh hướng ngắt lời người khác để chứng tỏ rằng chúng ta luôn luôn đúng”, Đức Thánh Cha nói. Ngài lưu ý rằng nhiều khi chúng ta đang lắng nghe một người nào đó, “chúng ta lại ngắt lời họ và nói ‘vấn đề không phải như vậy!'”.

Bằng cách không để cho người khác giải thích những điều mà họ muốn trình bày, “điều này đã gây trở ngại cho việc đối thoại, đây chính là sự công kích đối với người đối diện” – Đức Thánh Cha cho biết – “nếu tôi không để cho người khác trình bày hết mọi điều chất chứa trong thâm tâm họ, và nếu tôi bắt đầu quát tháo – và ngày nay hình như người ta có vẻ thích quát tháo người khác – mối tương quan giữa chúng ta sẽ chẳng mấy tốt đẹp và chẳng đi đến đâu”.

Thay vào đó, “việc đối thoại thực sự cần những khoảnh khắc của sự thinh lặng để đón nhận món quà đặc biệt qua sự hiện diện của chính Thiên Chúa nơi những người anh em của chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trước gần 100.000 khách hành hương hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến chung trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót, theo các Hiến binh Vatican. Buổi tiếp kiến đặc biệt này được tổ chức mỗi tháng một lần thêm vào buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào mỗi thứ Tư trong suốt Năm Thánh về Lòng Thương Xót.

Trong bài chia sẻ, Đức Thánh Cha tập trung vào đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan thuật lại việc Chúa Giêsu gặp gỡ một người phụ nữ Samaria bên một giếng nước, và sau khi nói chuyện với Chúa Giêsu, người phụ nữ này đã kể lại cho mọi người trong thành về cuộc đối thoại của mình với Đấng Messiah.

Một trong những điểm nổi bật nhất trong trình thuật Tin Mừng này – Đức Thánh Cha cho biết – là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ.

“Việc đối thoại cho phép mọi người có thể nhận ra và hiểu được nhu cầu của người khác”, Đức Thánh Cha cho biết. Ngài giải thích rằng đối thoại chính là một dấu chỉ của sự tôn trọng, vì nó đặt chúng ta vào “vị trí để lắng nghe” và để đón nhận những điều tốt đẹp nhất từ những người khác.

Đó cũng là một dấu chỉ của bác ái, bởi vì mặc dù đối thoại không bỏ qua sự khác biệt, thế nhưng “nó có thể giúp cho quá trình tìm kiếm và chia sẻ công ích chung”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

“Nhiều lần, chúng ta đã không gặp gỡ những người anh em chúng ta, mặc dù chúng ta sống ngay bên cạnh họ, và nhiều khi chúng ta cũng đã tự nhìn nhận mình là trổi vượt hơn người khác”, Đức Thánh Cha tiếp tục.

Khi chúng ta lắng nghe những điều người khác đang trình bày “với một thái độ ôn hòa” thì lúc đó, “gia đình, khu xóm và nơi chúng ta làm việc mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn”. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhảy vào họng họ và bắt đầu “quát tháo”, các mối tương quan của chúng ta sẽ chẳng mấy tốt đẹp.

Việc đối thoại giúp “nhân tính hóa những mối tương quan của chúng ta, đồng thời nó giúp chúng ta có thể vượt qua những hiểu lầm”, Đức Thánh Cha nói – trong gia đình, việc đối thoại quả thực vô cùng quan trọng.

“Mọi vấn đề sẽ được giải quyết một cách dễ dàng biết bao nếu người ta biết học cách lắng nghe nhau”, Đức Thánh Cha nói – điều này có thể áp dụng cho tất cả các mối tương quan, kể cả mối tương quan giữa chồng và vợ, giữa cha mẹ và con cái, giữa giáo viên và học sinh cũng như giữa những nhà quản lý với nhân viên.

Giáo Hội cũng luôn luôn đối thoại với con người ở mọi thời đại, để có thể hiểu được “những nhu cầu xuất phát từ thâm tâm mỗi người và góp phần vào việc thực hiện công ích chung”, Đức Thánh Cha cho biết.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc đối thoại với các tôn giáo khác cũng như đối với việc chăm sóc công trình sáng tạo, Ngài cho biết: “đối thoại về những chủ đề quan trọng như thế là một yêu cầu không thể tránh khỏi”.

Đức Thánh Cha kết luận bài chia sẻ bằng cách nhấn mạnh rằng tất cả các hình thức đối thoại “là một biểu hiện của nhu cầu lớn lao đối với tình yêu của Thiên Chúa”, vì đối thoại sẽ “phá vỡ những bức tường chia rẽ cũng như những hiểu lầm”.

Thực sự lắng nghe người khác “tạo nên những cầu nối thông tin liên lạc và không cho phép bất cứ ai tự cô lập bản thân, để rồi tự nhốt mình trong thế giới nhỏ bé của riêng mình”.

Chúa Giêsu thực sự hiểu rõ những suy nghĩ trong thâm tâm của người phụ nữ Samaria, “tuy nhiên, Ngài đã không chối bỏ việc để cho người phụ nữ này thổ lộ tâm can để rồi từng bước Ngài đã tỏ lộ cho chị biết những điều huyền nhiệm” – Đức Thánh Cha nói – và bài học này “cũng dành cho mỗi người chúng ta”.

“Thông qua việc đối thoại, chúng ta có thể khiến cho những dấu chỉ của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được lớn lên và làm cho chúng trở thành công cụ của việc đón nhận và tôn trọng người khác”.

Minh Tuệ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết