Bước vào Năm Thánh 2025 với hy vọng cho Ngôi nhà chung của chúng ta

(Ảnh: Porapak Apichodilok/Pexels/Creative Commons)

(Ảnh: Porapak Apichodilok/Pexels/Creative Commons)

Niềm hy vọng của một năm mới đã đến khi Giáo hội Công giáo bước vào Năm Thánh 2025, thời gian của sự tha thứ và lòng thương xót với chủ đề được trích từ Rô-ma 5: “Niềm Hy vọng không làm thất vọng“. Năm Thánh này cũng trùng với kỷ niệm 10 năm ban hành Laudato Si’, Thông điệp quan trọng của Đức Thánh Cha Phanxicô về môi trường.

Sự kết hợp của những sự kiện này khơi dậy trong tôi cảm giác về sự lạc quan về tương lai của hành tinh chúng ta. Theo Rhodium Group, Hoa Kỳ hiện đang trên đà đạt được 80% hoặc hơn mục tiêu giảm phát thải theo Thỏa thuận Khí hậu Paris. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng đây quả là một sự tiến bộ. Tôi cũng được khích lệ bởi các nhà lãnh đạo Giáo hội, dẫn đầu là Đức Thánh Cha Phanxicô, tận dụng tiếng nói của họ. Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB), đã gửi một bức thư với những lời mạnh mẽ tới Đức Thánh Cha Phanxicô để cảm ơn ngài vì “lời nhắc nhở liên tục của ngài về sự cần thiết cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và trải nghiệm hoán cái môi sinh”.

Đức Tổng Giám mục Broglio thừa nhận những thách thức hiện tại của chúng ta trong thông điệp về sự cảm kích của ngài, than phiền về sự đau khổ do thiên tai gây ra và đồng thời thời lưu ý rằng “những cơn bão tàn khốc và các sự kiện khác đã san phẳng toàn bộ cộng đồng”. Việc thừa nhận cả tiến trình của chúng ta lẫn khối lượng công việc chúng ta phải làm mang lại cho tôi hy vọng vì chúng ta phải trung thực về vị trí hiện tại của mình để thực sự thấy được nơi chúng ta phải đến.

Với tư cách là một nhóm, USCCB đã đưa ra lập trường quan trọng về cuộc khủng hoảng khí hậu, khẳng định tiếng nói của mình bằng các lập trường chính sách rõ ràng. Năm ngoái, tôi đã ủng hộ lập trường khí hậu của họ với tư cách là một phần của phái đoàn các nhà lãnh đạo Công giáo đến thăm Nhà Trắng để khuếch đại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về khí hậu, Tông Huấn ‘Laudate Deum’. Đức Tổng Giám mục John Wester, Đức Giám mục Edward Weisenburger, Nữ tu Carol Zinn đến từ Hội nghị Lãnh đạo Nữ tu và Lonnie Ellis đến từ In Solidarity đã cùng nhau thực hiện chuyến đi.

Thật là một trải nghiệm tuyệt vời khi mang thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đến tòa nhà nơi có rất nhiều chính sách quốc gia được hình thành. Trong vòng 5 tháng sau chuyến thăm của chúng tôi, Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã ban hành tất cả bốn lập trường chính sách của chúng tôi — về thủy ngân, mê-tan, ô nhiễm carbon từ các nhà máy điện và khí thải từ các phương tiện hạng nặng. Chúng tôi không phải là những người duy nhất lên tiếng — các nhóm ủng hộ sức khỏe cộng đồng và môi trường từ lâu đã thúc đẩy các biện pháp bảo vệ này. Việc trở thành một phần của nền dân chủ trong hành động cũng mang lại cho tôi hy vọng.

Tuy nhiên, mặc dù chính sách rất quan trọng, nhưng với tư cách là một người có đức tin, hy vọng cuối cùng của tôi nằm ở điều gì đó sâu sắc hơn: sự phục sinh của Chúa Kitô và cùng với đó là sự khôi phục toàn bộ mọi loài thọ tạo vào thời điểm viên mãn. Tôi nghĩ đến Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Công trình Sáng tạo vào tháng 9 vừa qua. Ngài đã liên kết niềm hy vọng trần thế và niềm hy vọng cánh chung của chúng ta: “Sự lạc quan của người Kitô hữu chúng ta được xây dựng trên một niềm hy vọng sống động: niềm hy vọng này thừa nhận rằng mọi thứ đều được sắp đặt để tôn vinh Thiên Chúa, hướng đến đến sự viên mãn cuối cùng trong sự bình an của Ngài và sự phục sinh nơi thân xác trong sự công chính, khi chúng ta đi ‘từ vinh quang này đến vinh quang khác'”.

Một số người có thể tự hỏi liệu hy vọng, dù chúng ta định nghĩa nó như thế nào, có đủ để chống lại nhiều cuộc khủng hoảng giao thoa của chúng ta hay không. Bản thân cuộc khủng hoảng khí hậu đôi khi có thể cảm thấy không thể vượt qua. Khi chúng ta chứng kiến ​​sự lan tràn của chiến tranh, nghèo đói, di cư, chủ nghĩa độc tài và sự tan vỡ của các mối quan hệ và thể chế xã hội, mọi thứ có thể trở nên vô vọng vượt quá khả năng thay đổi của chúng ta.

Khi chúng ta bị cám dỗ đánh mất niềm hy vọng, chúng ta phải nhớ rằng đó không phải là cảm giác hay cảm xúc mà là một nhân đức. Không giống như cảm xúc đến rồi đi, nhân đức có thể được vun đắp một cách có chủ đích. Đức Thánh Cha đã đề cập đến điều này trong thông điệp của mình nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện, khi ngài định nghĩa hy vọng là “khả năng kiên định giữa nghịch cảnh, không nản lòng khi gặp đau khổ hoặc khi đối diện với sự dữ của con người”. Niềm hy vọng làm sống động sự chăm sóc của chúng ta đối với công trình sáng tạo; nó vừa là bước đầu tiên vừa là phần thưởng chung cuộc, vừa là động lực vừa là ý hướng. Chúng ta hãy bước vào năm Thánh và biến lời của Thánh Phaolô thành của riêng mình: “Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong”.

Joseph J. Tyson

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết