Các tín hữu Công giáo và Tin lành đã cùng nhau quy tụ vào ngày 13 tháng 8 để ghi nhớ sự kiện vào năm 1961 khi thành phố của họ bị chia cắt, trở thành biểu tượng của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Đức Tổng Giám mục Công giáo Heiner Koch đã cùng với vị Giám chức Tin lành đồng nhiệm của mình, Đức Giám mục Christian Stäblein, đã tham gia buổi cầu nguyện đại kết trong Nhà nguyện Hòa giải, tại địa điểm nơi một phần của bức tường được xây dựng. Ngày nay, một vài tàn tích của bức tường vẫn còn sót lại trong một khu vườn tưởng niệm.
Đức Tổng Giám mục Koch nhắc nhở những người quy tụ trong ngôi nhà nguyện nhỏ rằng nếu không có Thứ Sáu Tuần Thánh, thì sẽ không có sự kiện Phục sinh vào Lễ Phục sinh.
“Hôm nay chúng ta hồi tưởng một trong những Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trong lịch sử của Berlin và Đức. Chúng ta đã đã cùng nhau quy tụ tại một trong nhiều ngọn đồi Golgotha trong thành phố và đất nước của chúng ta, trực tiếp tại một đài tưởng niệm mà đối với nhiều người trong chúng ta là biểu tượng của sự tù tội và giam cầm, và điều đó nhắc nhở chúng ta ngày nay về sự quý giá của sự tự do”, Đức Tổng Giám mục Koch nói.
Đức Tổng Giám mục Koch nhớ lại khi còn là một cậu bé, lúc đó ngài đang đi nghỉ cùng bố mẹ ở Ý thì bức tường được dựng lên. Đức Tổng Giám mục Koch nhớ lại sự tức giận và bất lực của cha mẹ ngài và những người lớn khác khi họ xem những hình ảnh này trên tivi. Hôm đó là sinh nhật của mẹ ngài, nhưng không có ai tổ chức.
Vào sáng sớm ngày Chúa nhật năm 1961, biên giới khu vực Liên Xô đã bị phong tỏa khi hơn 10.000 lực lượng an ninh Đông Đức bắt đầu phá hủy vỉa hè ở Berlin; họ dựng rào chắn và hàng rào thép gai. Vài ngày sau, các khối bê tông sẽ trở thành bức tường bắt đầu được dựng lên. Trong 28 năm tiếp theo, việc đi từ Đông sang Tây ở Berlin bị chặn lại bởi một đường biên giới được canh gác nghiêm ngặt dài gần 96 dặm, và người dân Đông Đức trên thực tế đã bị giam cầm trong chính đất nước của họ. Từ năm 1961 đến năm 1989, khi bức tường bị phá bỏ, 140 người đã thiệt mạng tại Bức tường Berlin khi cố gắng chạy trốn.
“Sự bất lực mà người dân, các thể chế và nhà nước không thể hoặc không muốn làm bất cứ điều gì là điều mà tôi cũng trải nghiệm ngày hôm nay – trong những bối cảnh chắc chắn là khá khác nhau”, Đức Tổng Giám mục Koch nói. “Bất cứ ai đã xem những hình ảnh từ Afghanistan sáng nay, bỏ lại tất cả mọi thứ cho Taliban sau khi NATO rút quân, nó cũng giống như một ví dụ hùng hồn về những người tị nạn lênh đênh trên những chiếc thuyền trên Địa Trung Hải và những xác chết dạt vào bờ biển của những người đã thiệt mạng trong cuộc chạy trốn hôm nay”.
Nhà nguyện nơi diễn ra buổi cầu nguyện được dành để tưởng nhớ những người đã chết tại bức tường này khi cố gắng chạy trốn. Nó được dựng lên sau khi nước Đức thống nhất và nằm trên vị trí của Nhà thờ Hòa giải thuộc Giáo hội Tin lành trước đây, được xây dựng vào năm 1894, nằm trên Phố Bernauer. Khi bức tường được dựng lên, nhà thờ được xây dựng trên vùng đất không có người ở thuộc khu vực (phía Đông) của Liên Xô, trong khi nghĩa trang và hầu hết giáo dân thuộc khu vực người Pháp (phía Tây). Năm 1985, bốn năm trước khi Bức tường sụp đổ, quân Đông Đức đã phá hủy Nhà thờ Hòa giải.
Mỗi buổi trưa, mọi người tập trung tại Nhà nguyện Hòa giải để cầu nguyện và tưởng nhớ những người đã chết. Thomas Jeutner, Mục sư Tin lành của nhà nguyện, cho biết các buổi cầu nguyện diễn ra dù có đông người hay không.
Tại đài tưởng niệm, Đức Giám mục Stäblein đã đọc ‘Cuốn sách về những người đã khuất’, vốn luôn được lưu giữ ở bàn thờ và có ghi chép tiểu sử của những người đã thiệt mạng tại Bức tường Berlin khi cố gắng chạy trốn.
Đức Giám mục Stäblein nhớ đến cái chết đầu tiên ở Bức tường Berlin, Ida Siekmann. Sáng sớm ngày 22 tháng 8 năm 1961, một ngày trước sinh nhật lần thứ 59 của mình, bà Siekmann đã nhảy ra khỏi cửa sổ của căn hộ gần đó ở biên giới giữa Đông và Tây, sau khi cánh cửa trước – trước đó mở ra vỉa hè ở Tây Berlin – đã bị binh lính rào chắn. Bà bị thương nặng và qua đời trên đường đến bệnh viện. Đức Giám mục Stäblein đã thắp một ngọn nến để tưởng nhớ người đã khuất.
Buổi cầu nguyện vào buổi trưa diễn ra sau khi các vị Giám chức và những người còn sống đã cùng nhau tưởng niệm sự kiện đau buồn này phía trước nhà nguyện. Thomas Sternberg, Chủ tịch Ủy ban Trung ương các tín hữu Công giáo Đức, phát viểu với Hãng thông tấn Công giáo Đức KNA rằng ngày 13 tháng 8 năm 1961 là một ngày đen tối trong lịch sử.
Tổng thống Đức Frank Walter Steinmeier phát biểu với những người tụ tập, “ngày 13 tháng 8 là một ngày định mệnh đối với người dân Đức chúng ta”.
Nhà thờ Hòa giải không phải là nhà thờ duy nhất mà các Giáo xứ bị ảnh hưởng và bị chia cắt bởi bức tường. Nhà thờ Công giáo St. Michael nằm ở phần phía Đông của bức tường, trong khi nhiều giáo dân ở phía tây. Giáo xứ cuối cùng bị tách thành hai. Tuy nhiên, Tổng Giáo phận Berlin vẫn thống nhất, bất chấp áp lực và tình hình đôi khi cực kỳ căng thẳng.
Minh Tuệ (theo Crux)