Một nhóm gồm phần lớn các học giả, các luật sư và các nhà hoạt động vì nhân quyền có trụ sở tại Hồng Kông đã cảnh báo rằng việc hợp thức hóa bảy Giám mục được tấn phong bất hợp pháp ở Trung Quốc đại lục sẽ khiến người Công giáo ở nước này “bị rơi vào tình trạng hỗn loạn cũng như sự đau đớn, và đồng thời sự ly giáo có thể sẽ được tạo ra trong Giáo hội tại Trung Quốc”.
Bức thư ngỏ đã được gửi tới các Hội đồng Giám mục trên toàn thế giới, và đồng thời cho biết rằng những người ký tên đã “kinh ngạc và thất vọng” về những tin tức chưa được xác nhận cho rằng Vatican và Trung Quốc đang trên đường tiến tới thỏa thuận về việc bổ nhiệm các Giám mục trong nước.
Thỏa thuận đề xuất sẽ cho phép chế độ cộng sản đề cử các Giám mục, tùy thuộc vào quyết định của Vatican. Một phần của thỏa thuận này sẽ cho phép 7 Giám mục đã được chính phủ bổ nhiệm – và đã bị Vatican ra vạ tuyệt thông – sẽ được Toà Thánh hợp thức hóa và công nhận.
Bức thư ngỏ kêu gọi các Giám mục thế giới kêu gọi Vatican “cân nhắc lại bản thỏa thuận hiện tại và đồng thời chấm dứt việc gây ra những sai lầm không thể đảo ngược và đáng tiếc”.
Hai vị Giám mục “hầm trú” đã được Vatican đề nghị từ chức để được thay thế bởi những người được chỉ định bởi chính phủ, và hôm Chúa nhật 11/2 vừa qua, một trong các Giám mục, Đức Cha Joseph Guo Xijin Địa phận Mindong thuộc tỉnh Phúc Kiến, cho biết Ngài sẽ chấp nhận yêu cầu.
“Lập trường nhất quán của chúng ta đó là tôn trọng thỏa thuận được đưa ra giữa Vatican và chính phủ Trung Quốc”, Đức Cha Guo chia sẻ trước Thánh Lễ tối Chúa nhật 11/2, theo tờ New York Times. “Nguyên tắc của chúng ta đó là Giáo hội Công giáo Trung Quốc cần phải có mối liên hệ với Vatican; và mối liên kết ấy không thể bị cắt đứt”.
Vị Giám chức cũng bày tỏ quan điểm của mình rằng trong những năm gần đây, chính phủ đã “nới lỏng” khi nói về vấn đề tôn giáo.
Cho đến nay, Đức Giám mục Phêrô Trang Kiện Kiện (Peter Zhuang Jianjian) năm nay 88 tuổi, thuộc Địa phận Sán Đầu ở tỉnh Quảng Đông miền Nam đã không đồng ý từ chức.
Thỏa thuận này đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi nguyên Giám mục Hồng Kông, Đức Hồng Y Joseph Zen, 86 tuổi, người đã cáo buộc Vatican vì đã “bán rẻ” Giáo Hội tại Trung Quốc.
Hiệp hội Công giáo yêu nước Trung Quốc do chính phủ Cộng sản thành lập vào năm 1957 để giám sát các nhà thờ Công giáo độc lập với Vatican. Một Giáo hội hầm trú trung thành trung thành với Đức Giáo Hoàng đã tồn tại song song với thực thể được nhà nước phê chuẩn.
Các Giám mục mà nhà nước phê chuẩn được tấn phong mà không có sự chấp thuận của Tòa Thánh sẽ tự động bị vạ tuyệt thông với Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới.
Năm 2007, nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã viết một bức thư mang tính bước ngoặt, mà trong đó Ngài nói rằng việc hòa giải hoàn toàn “không thể được thực hiện một sớm một chiều”, nhưng đồng thời Ngài cũng nhấn mạnh thêm rằng “việc Giáo hội phải sống lén lút bí mật không phải là một tình huống bình thường”. Bức thư nói rằng chỉ có một Giáo hội Công giáo duy nhất tại Trung Quốc và đồng thời khuyến khích tinh thần hiệp nhất trong việc tuyên xưng đức tin của họ, ban hành một số hiệu lực đối với Hiệp hội Công giáo yêu nước Trung Quốc cũng như cho phép người Công giáo tham gia vào Giáo hội chính thức.
Hiện nay, dân số Công giáo tại nước này ước tính khoảng 12 triệu người, trong đó khoảng một nửa tham dự các nhà thờ được nhà nước chấp thuận, và một nửa khác tham dự các nhà thờ “hầm trú”.
Thỉnh thoảng, hai bên đã nhất trí về việc bổ nhiệm các Giám mục. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đương nhiệm đã nỗ lực để tái khẳng định sự kiểm soát của chính phủ đối với tôn giáo trong nước. Cuối năm ngoái, Đảng Cộng sản đã sửa đổi “Quy chế về Tôn giáo”, được thực hiện vào ngày 1 tháng 2 và đồng thời kêu gọi việc “Hán hóa” lớn hơn đối với các Kitô hữu Trung Quốc.
Theo ĐHY Zen, thỏa thuận được đề xuất giữa Vatican và chính phủ Tập Cận Bình sẽ “giam giữ” các thành viên của Giáo hội hầm trú.
“Chính quyền Cộng sản chỉ muốn Giáo hội phải quy phục, bởi vì họ muốn kiểm soát hoàn toàn, không chỉ đối với Giáo hội Công giáo mà còn đối với cả các tôn giáo”, ĐHY Zen cho biết vào tuần trước. ĐHY Zen cũng cho biết rằng Ngài không hoàn toàn chống lại chế độ: Ngài đề nghị để cho Vatican chỉ định các Giám mục, với việc chính phủ nắm quyền phủ quyết.
ĐHY Zen là Giám mục Hồng Kông từ năm 2002-2009. Cựu thuộc địa của Anh đã có được tự do tôn giáo như một phần của thỏa thuận với Anh Quốc dẫn đến việc chuyển giao lãnh thổ cho Trung Quốc.
Bức thư ngỏ được công bố hôm Thứ Hai cho biết rằng “tính toàn vẹn về luân lý của bảy vị Giám mục được tấn phong bất hợp pháp là vấn đề còn hồ nghi” và đồng thời cho biết thêm rằng nếu họ được công nhận là “hợp pháp” thì các tín hữu sẽ “rơi vào tình trạng hỗn loạn cũng như sự đau đớn”.
“Chúng tôi hiểu rõ rằng Tòa Thánh rất hăng say để có thể truyền giáo tại Trung Quốc một cách có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vô cùng quan ngại rằng thỏa thuận sẽ gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được”, bức thư cho biết.
“Đảng Cộng sản ở Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, đã nhiều lần phá hủy Thánh giá và nhiều ngôi Thánh đường, và Hiệp hội Yêu nước vẫn duy trì sự kiểm soát nặng nề của nó đối với Giáo hội. Cuộc bách hại tôn giáo chưa bao giờ dừng lại. Tập Cận Bình cũng đã xác quyết rằng Đảng cộng sản sẽ tăng cường kiểm soát các tôn giáo”, lá thư tiếp tục.
“Vì vậy, không có khả năng Giáo Hội có thể được tận hưởng tự do hơn. Ngoài ra, Đảng Cộng sản còn có một lịch sử lâu dài của việc phá vỡ những lời hứa hẹn”, bức thư cho biết.
Những người ký tên cho biết rằng họ lo lắng rằng thỏa thuận sẽ không những không đảm bảo được sự tự do giới hạn mà Giáo hội mong muốn, “mà còn làm tổn hại đến tính Thánh thiện, Công giáo, và Tông truyền của Giáo hội, và đồng thời làm tổn hại đến năng quyền luân lý của Giáo hội”.
Bức thư này thừa nhận rằng ĐTC Phanxicô đã vô cùng “đau đớn” vì những đau khổ mà các Kitô hữu đã phải chịu đựng tại Trung Quốc, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng thỏa thuận đề xuất sẽ không chấm dứt cuộc bách hại tôn giáo, chỉ ra những quy định mới của chính phủ “cho phép sự kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với các tôn giáo”.
“Chúng ta không thể nhận thấy bất kỳ khả năng nào mà thỏa thuận sắp tới có thể dẫn đến việc chính phủ Trung Quốc chấm dứt cuộc bách hại đối với Giáo hội và đồng thời chấm dứt sự vi phạm của nó đối với vấn đề tự do tôn giáo”, bức thư cho biết.
Minh Tuệ chuyển ngữ