Liên quan đến vụ việc các nữ giáo viên ở Hà Tĩnh bị ép tiếp rượu cho quan, bên hành lang Quốc hội sáng nay 14/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã cho rằng cần phải hỏi trách nhiệm các cô giáo trước khi tính đến trách nhiệm của mấy ông quan đã ép họ tiếp khách.
Trả lời câu hỏi: “Những giáo viên này rất khó để “cãi lệnh” của lãnh đạo địa phương, nếu không thực hiện lệnh điều động có thể gặp rất nhiều rắc rối, phiền phức. Trước vấn đề này, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có những quy định, quy chế như thế nào để hạn chế những việc làm phản cảm, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà giáo tương tự?”, ông Phùng Xuân Nhạ thản nhiên nói:
“Luật Giáo dục có hẳn một chương nói về giáo viên, tất cả mọi người đều phải chấp hành về phẩm chất nhà giáo. Trên cơ sở đó có hướng dẫn năm học, hướng dẫn chỉ thị các thầy cô phải giữ nguyên tắc phẩm chất.
Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên, chứ mình thực hiện là vi phạm.
Khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, xong đó mới tính đến người ép buộc. Tôi đề nghị nghiêm túc từ trong ngành, từng thầy cô một phải nghiêm túc đã” (hết trích).
Như thế, theo ông Nhạ, trách nhiệm trước hết thuộc về chính các nữ giáo viên.
Ông bảo rằng họ “phải tự xem xét lại chính mình”, rằng khi “lãnh đạo địa phương cứ ép [các cô giáo đi tiếp rượu các ông quan]” mà các cô giáo “thực hiện [việc tiếp rượu ấy] là vi phạm”.
Rồi ông kết luận một cách rất khó hiểu: “Khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, xong đó mới tính đến người ép buộc”.
Đáng lẽ khi các giáo viên đã “giữ nguyên tắc phẩm chất” mà họ vẫn còn bị quan chức chính quyền Hà Tĩnh “lôi kéo, ép buộc”, thì ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung, phải bảo vệ họ, giúp họ “giữ nguyên tắc phẩm chất”. Tuy nhiên, ông Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo lại đòi hỏi tội – chữ dùng của ông là “hỏi trách nhiệm” – các cô giáo, tức là hỏi tội các nạn nhân bị mấy ông quan ép đi tiếp rượu cho khách, trước khi hỏi tội mấy ông quan làm sai ấy.
Có vẻ ông Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo đang “nối giáo cho giặc”, tiếp tay dung dưỡng cho các quan chức địa phương làm sai, thay vì bảo vệ các cô giáo bị ép phải làm những việc không phù hợp với tư cách nhà giáo của họ.
Tân Thanh
UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã điều động một số nữ giáo viên đi tiếp rượu cho quan khách sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm lễ tân tại các sự kiện do thị xã tổ chức. Gần nhất, vào ngày 12/8, UBND thị xã Hồng Lĩnh có thông báo điều động 21 giáo viên nữ, các bậc mầm non, tiểu học và THCS với nội dung: “Phân công nhiệm vụ các cán bộ, giáo viên tham gia phục vụ tại Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh”. Sau khi liên hoan kết thúc, một số nữ giáo viên tiếp tục được phân công đi dự tiệc và phải mời rượu quan khách.
Những nữ giáo viên được điều động làm lễ tân đều có ngoại hình ưa nhìn và bày tỏ thái độ bức xúc khi một số quan khách khi uống rượu vào đã có các hành động khiếm nhã.
(Theo dantri.com.vn)