Thật vậy, vai trò của Nguyên tắc Bổ trợ là Giúp cho các thành phần phân cấp trong một hệ thống (chính trị, xã hội) được tồn tại và triển nở một cách vừa độc lập theo tính đặc thù của cấp mình, vừa liên đới và tương trợ lẫn nhau trong tính tổng thể, ngõ hầu đưa đến sự tồn tại và phát triển đồng bộ. Cụ thể các cấp cao hơn phải nâng đỡ và tạo điều kiện cho các cấp thấp hơn thực hiện tốt được vai trò của họ, theo xu hướng thăng tiến họ, chứ không can thiệp sâu, làm thay hay chèn ép, vì như thế sẽ làm thui chột và triệt tiêu cấp dưới. Do đó, đặc thù của Nguyên tắc Bổ trợ là chống lại xu hướng thâu tóm quyền lực, độc tài toàn trị.
Nguyên tắc vàng cho một xã hội lý tưởng
Xét vai trò của Nguyên tắc Bổ trợ như trên, ta thấy Giáo huấn Xã hội Công giáo thừa nhận cuộc sống xã hội con người tại trần thế này được cấu thành, tồn tại và phát triển dưới dạng nhiều hình thức, nhiều phân cấp. Cơ cấu và các lãnh vực trong đời sống xã hội loài người thì vô cùng phong phú, cho nên khả năng, vị trí và vai trò của nhân sự đảm trách cũng cần thiết trở nên đa dạng. Xét về phẩm giá, mọi người như nhau trước Thiên Chúa, nhưng về điều kiện và hoàn cảnh, sức khỏe và khả năng, thì mọi người rất khác nhau, cho nên vị trí, vai trò và bổn phận trong cuộc sống cũng khác nhau là điều hiển nhiên.
Ở từng cấp độ, dẫu cho vị trí, vai trò và công việc có tầm quan trọng, mức ảnh hưởng, độ nặng nhẹ hay cao thấp khác nhau, nhưng tất cả đều cần thiết và không loại trừ nhau. Từ đó suy ra, những người ở vị trí cao như bộ trưởng, giáo sư đại học…, hay những người có vị trí rất nhỏ như tổ trưởng tổ dân phố, người phu quét đường…, cũng không được coi thường nhau, nhưng phải chuyên cần làm việc để hoàn thành phận sự của mình theo đúng khả năng, với sự nhiệt thành và thiện chí. Như thế, giá trị của công việc không hệ tại nhiều ở vị trí, vai trò hay tính chất công việc cho bằng ở thái độ làm việc, có hoàn thành và thiện chí hay không. Một công việc dù nhỏ đến mấy, nhưng nhằm phục vụ đời sống con người, và được làm một cách chu đáo với sự thành tâm thiện chí, thì giá trị của nó cũng rất to lớn. Ví như người làm nghề rửa chén nhà hàng, nếu làm việc tử tế, rửa chén bát sạch sẽ, hợp vệ sinh, thì các Thiên Thần trên Trời cũng phải vui mừng mà ca khen họ.
Một lát cắt nhỏ: Ở Nhật, có những người chỉ làm công việc quản gia, nhưng họ cũng làm rất tốt, rất trung thành, có khi truyền từ đời bố sang đời con. Họ coi nó như một nghề chính đáng. Và điều đáng nói là họ vui vẻ, trân trọng đón nhận công việc và làm một cách cần mẫn, chuyên chăm, chứ không tự ti mặc cảm, hay than vãn kêu ca. Điều đáng nói hơn nữa là ông chủ của gia đình cũng luôn tin tưởng và tôn trọng người quản gia (người làm công), tôn trọng từ cách sắp đặt công việc cho đến những quyết định của người quản gia trong tinh thần bàn bạc và hỏi ý kiến nhau. Phải chăng từ những tinh thần làm việc như thế, mà nước Nhật phát triển nhanh mạnh, xã hội Nhật văn minh, bởi: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn, ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn.” (Lc 16,10).
Phân tích trên đây để rút ra kết luận rằng, trong đời sống xã hội, tất cả các phân cấp và lãnh vực đều nằm trong mối quan hệ liên đới, bổ túc cần thiết cho nhau. Và những nhân sự đảm trách vị trí, vai trò, công việc thuộc các phân cấp và lãnh vực đó cũng không có lý do gì để coi thường và triệt tiêu nhau, ngược lại, phải cộng tác và hỗ trợ lẫn nhau đúng mực. Do đó, không một cá nhân hay tập thể nào, được cho mình cái đặc quyền, đặc lợi; và càng không có quyền chi phối, thao túng, hay tước đi quyền lợi chính đáng của các cá nhân hay tổ chức thuộc cấp độ thấp hơn. Như thế, nguyên tắc Bổ trợ chính là kim chỉ nam để xây dựng một xã hội có tôn ti, trật tự; là một trong những nền tảng để xã hội đạt đến sự ổn định, công bằng, dân chủ và văn minh thực sự.
Tín Thành
Nguồn: Tập san GHXHCG số 6