Bò sữa Việt Nam sẽ đi về đâu?

Đàn bò sữa Việt Nam có nguy cơ thua đậm ngay trên sân nhà khi quy mô chăn nuôi thì nhỏ lẻ, chất lượng sữa thì thấp, mà chi phí chăn nuôi quá cao khiến giá sữa nguyên liệu bị buộc phải đẩy lên cao, mất thế mạnh cạnh tranh.

bosua1

Ảnh: Internet

Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), trong đó mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa được đánh giá là sẽ phải chịu tác động mạnh nhất trong số các sản phẩm chăn nuôi. Mỹ, Úc, New Zealand là những nước sẽ ảnh hưởng đến ngành sữa của Việt Nam, với nền chăn nuôi bò sữa lớn, tỷ lệ cơ giới hóa – tự động hóa cao, có chương trình quản lý chất lượng con giống và sữa nguyên liệu thống nhất trên toàn quốc, chi phí sản xuất và giá thành sản xuất rẻ hơn nước ta hiện nay.

Hiện nay, TP HCM được đánh giá là đơn vị dẫn đầu về cung cấp đàn giống bò sữa chất lượng cao cho cả nước. Tính đến cuối năm 2015, tổng đàn bò sữa của Thành phố Hồ Chí Minh là 101.134 con (chiếm 37,63% tổng đàn bò sữa cả nước), được nuôi tại 9.003 hộ chăn nuôi, trong đó 49.530 con cái vắt sữa (chiếm 48,97% tổng đàn bò sữa), năng suất sữa bình quân đạt 5.657 kg/con/năm.

Nhưng ngay tại TP HCM, quy mô chăn nuôi bò sữa vẫn rất nhỏ lẻ, chất lượng sữa lại thấp, mà chi phí chăn nuôi thì quá cao khiến giá sữa nguyên liệu bị buộc phải đẩy lên cao, mất thế mạnh cạnh tranh.

Giá sữa nguyên liệu: cao

Giá sữa nguyên liệu tại cổng trại của thế giới rẻ hơn nhiều so với Việt Nam và có khuynh hướng giảm từ 2014 đến nay. Giá thành sữa bình quân hiện nay tại TP. HCM khoảng 11.950 – 12.500 đồng/kg, cao hơn so với giá một số nước trên thế giới, bình quân 4.839 – 7.646 đồng/kg. Giá sữa tại cổng trai của một số nước chăn nuôi bò sữa như: Mỹ 7.646 đồng/kg, Brazil 6.619 đồng/kg, Hà Lan 4.839 đồng/kg,  New Zealand 5.500 đồng/kg, Úc 8.046 đồng/kg.

Hiện nay, tại TP HCM, Công ty Vinamilk và Công ty Friesland Campina thu mua sữa với giá bán tại trại bình quân 12.500 đồng/kg (từ 7.500 – 14.000 đồng/kg). Chính giá nguyên liệu đầu vào như các loại thức ăn hỗn hợp, thức ăn thô xanh và các loại phụ phế phẩm, vật tư chăn nuôi, thuốc thú y, xăng dầu không ổn định, luôn trong tình trạng tăng cao, đã làm cho giá thu mua sữa bình quân tại Việt Nam tăng cao.

Chất lượng sữa nguyên liệu: thấp

Tại TP HCM, sữa nguyên liệu có chất lượng béo 3,4%, đạm 2,99%, vật chất khô 12,09%, số lượng tế bào soma 966.000 tế bào/ml. Mức chất lượng này chưa đạt chuẩn so với một số nước trên thế giới, như béo 3,65 – 4,78%, đạm 3,12 – 3,84%, số lượng
tế bào soma (SCC) 187.000 – 483.000 tế bào/ml. Chất lượng sữa của một số nước chăn nuôi bò sữa như: Canada: năng suất sữa 10.043 kg/năm,  béo 3,95%, đạm 3,23%, SCC 205.515 tế bào/ml; Mỹ: sản lượng sữa 10.157 kg/năm, béo 3,76%, đạm 3,12%, SCC 204.000 tế bào/ml; Úc: năng suất sữa 6.890 kg/năm, béo 3,96%, đạm 3,31%; New Zealand: năng suất sữa 5.081 kg/năm, béo 4,78%, đạm 3,84%, SCC 187.000 tế bào/ml; Israel: năng suất sữa 13.247 kg/năm, béo 3,65%, đạm 3,24%, SCC 221 tế bào/ml; Thái Lan: năng suất sữa 4.200 kg/năm, béo 3,66%,SCC 483.000 tế bào/ml.

Quy mô chăn nuôi: nhỏ lẻ

Quy mô chăn nuôi bò sữa tại hộ gia đình của chúng ta rất nhỏ lẻ. Lấy thí dụ tại TP HCM, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số: bình quân 11,23 con/hộ, quy mô chăn nuôi dưới 10 con/hộ chiếm 57,88% tổng số hộ chăn nuôi và 25,73% tổng đàn bò sữa. Đang khi ấy, quy mô bình quân của một số nước như Canada là 120 con/hộ, Mỹ 186 con/hộ, Israel 155 con/hộ, Úc 223 con/hộ, Thái Lan 30 con/hộ.

Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ như thế sẽ gây hạn chế cho việc đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ mới trong chăn nuôi bò sữa và khả năng cạnh tranh khi hội nhập.

Hiện nay TP HCM có 4.245 hộ chăn nuôi dưới 8 con/hộ (chiếm đến 49,30% tổng hộ), với tổng đàn 19.334 con (chiếm 20% tổng đàn), trong đó quy mô dưới 5 con/hộ là 8.588 con/2.705 hộ và quy mô 6 – 8 con/hộ là 10.746 con/ 1.540 hộ.

Theo lộ trình thu mua sữa của Công ty Vinamilk, đến năm 2017 chỉ thu mua đối với các hộ có quy mô bò/bê sữa trên 5 con và tăng lên 15 con trong năm 2020 và giá thu mua sữa sẽ giảm từ 5 – 10%. Năm 2017, Vinamilk sẽ chỉ ký hợp đồng với các hộ có quy mô đàn bò/bê sữa tối thiểu là 5 con trở lên, 8 con trở lên vào năm 2018, 12 con trở lên vào năm 2019 và trên 15 con vào năm 2020.

Những hộ chăn nuôi bò sữa đang phải đối diện với những khó khăn rất lớn.

Trần Tuấn

 

 

 

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết