Bí tích Thánh Tẩy là bí tích làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nên một với Ngài. Nên một với Đức Kitô nghĩa là chúng ta cùng chết với Đức Kitô, và được phục sinh với Ngài. Nước Thánh Tẩy vừa biểu thị cho sự chết, vừa biểu trưng cho sự sống. Chính khi chúng ta được dìm trong sự chết là chính lúc sự sống mới bừng lên trong ta, và cũng là lúc ta chết đi đối với tội lỗi để sống cho cuộc sống mới, một cuộc sống trong Đức Kitô. Vì thế, theo Theodore: “Khi tôi được thánh tẩy và đầu tôi được dìm vào trong nước, tôi lãnh nhận sự chết của Chúa và tôi ước ao được mai táng với Ngài; nên chính lúc ấy cũng là lúc tôi tuyên xưng lòng tin vào sự phục sinh của Chúa chúng ta, vì tôi nghĩ rằng khi bước ra khỏi nước, tôi đã được sống lại rồi” (Theodore, Các Bài Giảng Lễ, 14, 5).
Cùng chết với Đức Kitô
Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được thông phần vào tình trạng đóng đinh, chết, mai táng và sống lại của Đức Kitô: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào Thập giá” (Gl 2, 19 ; Rm 6, 3-5), và ta cũng được tháp nhập vào Chúa Kitô, trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Kitô (x. Rm 8, 29). Đó là lý do tại sao sau khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, thụ nhân được cha mẹ đỡ đầu mặc cho chiếc áo trắng, tượng trưng cho việc người ấy chết đi đối với con người cũ của mình và giờ đây mặc lấy Chúa Kitô, trở nên con người mới. Thánh Phaolô viết: “Bất cứ ai trong anh em được thánh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3, 27). Quả đúng như vậy, chúng ta đã được Máu Thánh Đức Kitô, hy lễ cứu độ, đổ ra trên thập giá làm cho ta nên công chính, nên sự sống và sự chết của ta được nên giống như sự sống và sự chết của Đức Kitô.
Thánh Phaolô quả quyết: “Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại… Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6, 5-8). Theo đó, cái chết của chúng ta không còn là một biến cố cô độc, tang thương nữa, nhưng được biến đổi nhờ nên đồng hình đồng dạng trong cái chết của Đức Kitô. Nghĩa là cái chết của chúng ta, giống như Chúa Giêsu, là chiều kích của việc tôn vinh, và tháp nhập vào “thế giới làm con” của Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô (x. F.X Durrwell, Đức Giêsu Phục Sinh, tập II, 748).
Trở nên đồng hình đồng dạng một cách viên mãn với Đức Kitô trong việc chết với Người được hoàn tất với cái chết thể lý của mình. Hay nói cách khác, cái chết phần xác hoàn tất cái chết mầu nhiệm xảy ra trong Bí tích Thánh Tẩy (x. F.X. Durrwell, Đức Giêsu Phục Sinh, tập II, 750). Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta cùng chết với Đức Kitô, nghĩa là chết đi cho thế gian bằng đủ thứ hy sinh, bằng đức tin, đức mến và đức cậy, bằng đức trong sạch và khó nghèo, bằng tất cả mọi sự nhiệt thành và vâng lời Thiên Chúa. Cho đến giờ chết cuối cùng, lúc đó mới thật sự hoàn tất sự chết trong bí tích Thánh Tẩy. Lúc đó, chúng ta mới hoàn tất việc chết với Đức Kitô để ra khỏi thế gian về cùng Chúa Cha (x. Rm 2, 2) (x. F.X. Durrwell, Trong Đức Kitô Cứu Thế, 23).
Cùng sống lại với Đức Kitô
Người lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy được dìm trong biến cố tiên khởi là sự Vượt Qua của Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Tẩy của Kitô giáo hiện tại hóa vào biến cố cứu độ này: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, thì cũng được chỗi dậy với Người” (Cl 2,12). Khi được dìm vào trong nước, chúng ta liên kết với Đức Kitô trong việc chết đi đối với tội lỗi, và khi được đưa ra khỏi nước, họ trỗi dậy để bước vào trong một cuộc sống được biến đổi và cứu độ. Quyền lực của tội lỗi và sự chết đã bị phá vỡ, thế nên các Kitô hữu không chỉ cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc đời hiện tại này thôi mà họ còn mong sẽ được trỗi dậy với Đức Kitô trong vinh quang nữa (x. Rm 6, 1-11). Thánh Phaolô đã khẳng định: “Anh em không biết rằng tất cả chúng ta đã được dìm vào trong Đức Kitô Giêsu, nên cũng được dìm vào trong cái chết của Người sao?…để như Đức Kitô nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, đã được trỗi dậy thế nào, thì chúng ta cũng được trỗi dậy để sống một đời sống mới sao?” (Rm 6, 3-4). Và “chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết; Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4, 24-25). “Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em” (2Cr 4, 14-15).
Trong Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc, con người tìm lại được phẩm giá và giá trị cao cả của nhân tính, đó là được siêu tôn, được trở nên con cái Thiên Chúa. Như thế, con người được tái tạo trong sự sống mới của Chúa Phục Sinh. Từ tình trạng tội lỗi trước đó (x. Rm 5,12 ; St 2,17 ; 3,17), con người đã được làm cho nên công chính, được trở thành con Thiên Chúa. Đây chính là một cuộc tạo thành mới trong Đức Kitô (x. Ep 4,21 ; Cl 3,10). “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người” (2 Cr 5, 17-18 ; x. Gl 6,15). Chính lúc chấp nhận cái chết và để Chúa Cha phục sinh Ngài, Chúa Giêsu đã đưa thẳng nhân tính của Ngài vào tận trong cung lòng Cha. Nói như cha F. X. Durrwell: “Cái chết là sự sinh ra của sự thành toàn; nó chính là giây phút đỉnh cao của tạo thành, giây phút đưa tất cả chúng ta ra khỏi thế giới này mà vào trong Thiên Chúa” (x. F.X. Durrwell, Hiểu Và Sống Mầu Nhiệm Thánh Thần, 255).
Sống trong Thần Khí
Nhờ Bí tích Thánh Tẩy Kitô hữu sinh ra trong sự sống của Thần Khí, một cuộc sống được dìm trong Thần Khí. Chính Thần Khí biến đổi các Kitô hữu thành con cái của Chúa Cha và những người em của Đức Kitô (x. Gl 4, 6 ; Rm 8, 29) (x. Nguyễn Văn Khanh, Thánh Phaolô Cuộc Đời Và Tư Tưởng, 201). Do đó, Thánh Tẩy lột bỏ những lối sống theo xác thịt và đưa con người vào trong lối sống mới theo Thần Khí (x. Cl 2,11-13 ; Ep 12, 1-6). Ai được thánh tẩy thì đều được lãnh nhận Thần Khí của Đức Kitô, và được Thần Khí duy nhất làm cho sống, họ được gia nhập một thân mình duy nhất của Đức Kitô là Hội Thánh (x. Ep 4,4-6).
Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta có thể khẳng định như cha Durrwell khi nói về vai trò Thần Khí trong cái chết của Đức Kitô và của chúng ta:
Với cái chết của Đức Kitô và các tín hữu Ngài, Thần Khí vẫn giữ vai trò không thay đổi trong mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngài là tình yêu, qua đó, Con sinh ra từ Cha và trở về lại Cha. Đối với Đức Kitô và người tín hữu, sự chết là một cuộc sinh nở viên mãn, một mũi tên phóng đi biền biệt đưa họ từ thế giới này đi về Thiên Chúa. Trong Ba Ngôi, Thần Khí là “một” ngôi vị ở trong “hai” vị, Ngài liên kết hai Ngôi vị kia lại. Đức Kitô chia sẻ với tín hữu chính cái chết của mình: hai người trong duy một cái chết, cả hai kết hiệp với nhau, trong sự duy nhất khôn tả. Có dây ràng buộc nào sánh ví được một cái chết độc nhất cho hai người cùng “sống” cái chết ấy chăng? Lời hứa của Đức Giêsu đã ứng nghiệm: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14, 20). Chết trong hiệp thông là lời thổ lộ tình yêu triệt để và nguyên căn hạnh phúc vĩnh hằng. “Cái chết ấy là hình thức hiện diện trọn vẹn của Thần Khí trong Đức Giêsu và trong người tín hữu (.X. Durrwell, Hiểu Và Sống Mầu Nhiệm Thánh Thần, 259).
Tóm lại, trong ngày chịu Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được xức dầu Thánh Thần (x. Ep 1,13), được Thần Khí sinh ra, giải thoát và nuôi sống (x. 1Cr 12,13), được trở nên đền thờ của Người (x. 1Cr 6, 9). Do đó, “Hội Thánh thường coi giếng Rửa tội là ‘dạ mẹ’: vì ở đó người ta “sinh bởi Thần Khí và nước” như từ dạ mẹ, bởi ‘nước’ vốn biểu tượng về Thánh Thần” (F.X. Durrwell, Đức Giêsu Phục Sinh, tập I, 257). Bí tích Thánh Tẩy ghi trên chúng ta một dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa để chỉ cho biết chúng ta thuộc về Chúa Kitô, về Hội Thánh. Thật vậy, ấn tín này là dấu ấn Chúa Thánh Thần ghi trên chúng ta “chờ ngày cứu chuộc” (Ep 4,30), là “ấn tín của sự sống muôn đời” (Thánh Irênê, Trình Bày Đức Tin 3, trích trong Nguyễn Đức Thông, Kết Duyên, 92).
Benedict Nhật Nguyễn