Bị phân biệt đối xử, các bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam tìm đến các Nữ tu

  • Bác ái
  • Thứ Sáu, 17-02-2023 | 16:03:58
Nữ tu Lucia Nguyễn Thị Ngô FMI phát cơm, mì gói và sữa cho một bệnh nhân (được che mặt để bảo vệ danh tính) vào ngày 12 tháng 11 năm 2022, tại huyện Phú Lộc, Việt Nam (Ảnh: GSR/Joachim Phạm)

Nữ tu Lucia Nguyễn Thị Ngô FMI phát cơm, mì gói và sữa cho một bệnh nhân (được che mặt để bảo vệ danh tính) vào ngày 12 tháng 11 năm 2022, tại huyện Phú Lộc, Việt Nam (Ảnh: GSR/Joachim Phạm)

Cách đây 3 năm trước, các bác sĩ tại một bệnh viện công ở tỉnh Quảng Trị, Việt nam, đã từ chối đỡ đẻ cho sản phụ Trần Thị Hồng, một phụ nữ bị nhiễm AIDS.

Biết bệnh tình của chị Hồng, các bác sĩ cam đoan không đủ máu truyền phòng trường hợp chị phải mổ lấy thai nên chuyển chị đến một bệnh viện công khác ở tỉnh Thừa Thiên Huế lân cận.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận sự giới thiệu”, chị Hồng chia sẻ, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng chồng chị đã phải chở chị bằng xe máy vào Huế, cách đó 70 km. Ở đó, cặp vợ chồng đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các Nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (Filles de Marie Immaculée – FMI) ở thủ phủ của tỉnh.

Các Nữ tu đã cộng tác với Bệnh viện Trung ương Huế và sử dụng xe cứu thương của họ để đưa chị Hồng đến bệnh viện, nơi chị đã hạ sinh một bé trai khỏe mạnh.

“Đó quả là một trải nghiệm bi thương về việc sinh con trong đời tôi, nhưng thật may mắn cho tôi khi được cứu bởi sự giúp đỡ quảng đại của các Nữ tu”, người mẹ 29 tuổi làm nghề thợ may để kiếm sống cho biết.

“Giờ đây, chúng tôi đang sống rất hạnh phúc, có sức khỏe tốt và xây dựng mối quan hệ hòa thuận với những người lân cận của chúng tôi”, chị Hồng chia sẻ với GSR, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng chị và chồng cũng đã đến thăm viếng và tặng thức ăn cho những bệnh nhân HIV/AIDS khác cũng như những người gặp khó khăn.

“Điều các Nữ tu trao cho chúng tôi vào thời điểm khó khăn là món quà không ngừng cho đi”, chị Hồng chia sẻ.

Việt Nam ước tính có khoảng 242.000 người nhiễm HIV và ghi nhận 13.000-14.000 trường hợp nhiễm mới mỗi năm, với các trường hợp được phát hiện ngày càng gia tăng trong vài năm gần đây. Nhiều người trong số họ từ chối khám chữa bệnh tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe vì sợ bị bạc đãi và phân biệt đối xử.

Nữ tu Agnes Trương Ngọc Lan FMI cho một bệnh nhân bị bệnh nặng ăn (được che mặt để bảo vệ danh tính) vào ngày 3 tháng 12 năm 2022, tại Huế (Ảnh: GSR/Joachim Phạm)

Nữ tu Agnes Trương Ngọc Lan FMI cho một bệnh nhân bị bệnh nặng ăn (được che mặt để bảo vệ danh tính) vào ngày 3 tháng 12 năm 2022, tại Huế, Việt Nam (Ảnh: GSR/Joachim Phạm)

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hằng, phụ trách các bệnh nhân HIV/AIDS tại phòng khám từ thiện Kim Long do các các Nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm điều hành, là một trong số 4 Nữ tu và 30 tình nguyện viên (bao gồm các Phật tử, các Kitô hữu và các tín hữu Đạo giáo) làm việc với khoảng 200 bệnh nhân.

Sơ Hằng cho biết mọi người thường coi thường các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, cho rằng họ là gái mại dâm, những người nghiện ma túy và những người nam giới quan hệ tình dục đồng tính; Sơ Hằng nói, họ bị người khác đánh giá thấp, họ cũng thường bị từ chối công việc.

Sơ Hằng cho biết rằng Sơ biết 7 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đã qua đời vì COVID-19 vào năm ngoái, vì sự phân biệt đối xử đã ngăn cản họ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Sơ Hằng cho biết một phụ nữ ở tỉnh Hà Tĩnh đã bị nhiễm HIV từ bạn trai, người cuối cùng đã bỏ rơi người phụ nữ này sau khi chị sinh con trai. Sau đó, chị kết hôn với một người đàn ông quê ở Thừa Thiên Huế và sinh được một cô con gái, thế nhưng, mẹ chồng của chị đã yêu cầu chị không được về nhà khi biết chị mang bệnh. Đứa con gái của chị đã chết vì căn bệnh này trong khi chồng chị đang làm việc ở Lào.

Hiện tại, người phụ nữ này đang làm việc ở thành phố biển Đà Nẵng, thỉnh thoảng về thăm đứa con trai mà các Nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đang nuôi nấng.

Để chống lại sự phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV, Sơ Hằng cho biết họ cung cấp thông tin về lại virus này cho các bậc phụ huynh, thanh thiếu niên và các em thiếu nhi học hỏi Giáo lý tại các Giáo xứ địa phương. Họ cung cấp cho các bệnh nhân sự hỗ trợ về tài chính để điều hành các doanh nghiệp nhỏ và chăn nuôi gia cầm và gia súc để kiếm sống.

“Một khi họ có thể tự nuôi sống bản thân và có được một cuộc sống tốt đẹp, họ sẽ giữ được phẩm giá của mình và nhận được sự tôn trọng của người khác”, Sơ Hằng nói.

Chị Anna Trần Thị Thanh, một người mẹ bị nhiễm HIV từ người chồng đã qua đời của mình, cho biết chị  sẽ không vượt qua được sự kỳ thị công khai từ những người khác nếu không có sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của các Nữ tu.

Chị Thanh, 43 tuổi, cho biết Nữ tu Maria Benedictine Nguyễn Thị Điền FMI đã cung cấp cho họ chỗ ở miễn phí và 5 triệu đồng (khoảng 212 đôla) vào năm 2005 để làm công việc kinh doanh nhỏ kiếm sống. Chị Thanh làm công việc buôn thúng, đĩa, tô, cốc nhựa ở chợ An Hòa nhưng mọi người kỳ thị xa lánh, bảo vệ chợ lại còn vứt hàng xua đuổi chị.

Chị Thanh không tìm được cách nào tiếp tục sống ở thành phố. Chị đã quyết định quay trở về Giáo xứ Phổ Thạch, huyện Phong Điền, quê hương của mình để tránh xa sự phân biệt đối xử từ tất cả mọi người xung quanh đối với chị. Tuy nhiên, cơ thể tiều tụy của chị Thanh đã làm dấy lên những lời đồn đoán về bệnh tình của chị khắp nơi trong Giáo xứ.

“Những người đi tham dự Thánh lễ không dám ngồi vào hàng ghế của tôi trong nhà thờ, và tôi cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng về số phận của mình và quyết định không đến nhà thờ nữa”, chị Thanh nói.

Nhiều năm sau, một số Nữ tu thuộc Ủy ban phòng chống HIV/AIDS của Tổng Giáo phận Huế đã mời chị Thanh tham gia ủy ban và truyền bá kiến thức của chị về căn bệnh này cũng như kinh nghiệm cá nhân của chị về sự phân biệt đối xử tại các Giáo xứ địa phương.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hằng FMI gặp gỡ những người phụ nữ học nghề may ở Huế (Ảnh: GSR/Joachim Phạm)

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hằng FMI gặp gỡ những người phụ nữ học nghề may ở Huế (Ảnh: GSR/Joachim Phạm)

“Các Nữ tu kêu gọi họ đối xử nhân đạo với những bệnh nhân vô tội và đã nhiều lần ôm tôi thật chặt trước mặt họ như một cách để chứng tỏ rằng HIV không lây nhiễm”, chị Thanh chia sẻ với GSR. “Kết quả là mọi người đã thay đổi thái độ và bày tỏ sự cảm thông đối với tôi”.

“Tôi dồn hết sức mình để ngăn chặn sự phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV và sự lây lan của căn bệnh này trong cộng đồng”, chị Thanh tiếp tục. “Kết quả là, nó cho phép tôi sống với phẩm giá ngày hôm nay”.

Chị Thanh buôn bán hàng rong nuôi con cho biết hai con của chị không bị nhiễm virus. Sau giờ làm việc, chị cùng với các Nữ tu chia sẻ cho người dân về cách thức phòng chống HIV/AIDS tại các Giáo xứ địa phương và thăm viếng những người bị rối loạn tâm thần.

“Giờ đây tôi có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất nhờ các Nữ tu, vì vậy tôi luôn biết ơn sự hỗ trợ vững chắc của họ”, chị Thanh chia sẻ.

Nữ tu Lucia Nguyễn Thị Ngô FMI, người bắt đầu phục vụ những người nhiễm HIV/AIDS từ năm 2008, đã nhắc lại việc chăm sóc cho chị Lucia Trần Thị Mai, một bệnh nhân nhiễm AIDS ở huyện Hương Thủy. Anh em của chị Mai đưa chị ra một túp lều gần bờ sông và hàng ngày dùng gậy đút cho chị ăn.

Sơ Ngô hàng tuần đều đến thăm và cho chi Mai ăn uống, gội đầu cho chị trong khi thuyết phục người thân cho chị ở nhờ.

“Ba tháng sau, chị Mai quyết định theo đạo Công giáo trước khi qua đời vào năm 2019”, Sơ Ngô chia sẻ, và đồng thời cũng lưu ý rằng 27 bệnh nhân đã được rửa tội sau khi họ được các Nữ tu và tình nguyện viên tận tình chăm sóc.

Nữ tu Lucia Nguyễn Thị Ngô FMI (trái) và Nữ tu Clare Mai Trần Tú Uyên FMI tặng chăn mền và sữa cho trẻ em mồ côi và dễ bị tổn thương vào ngày 21 tháng 12 năm 2022, tại Huế, Việt Nam (Ảnh: GSR/Joachim Phạm)

Nữ tu Lucia Nguyễn Thị Ngô FMI (trái) và Nữ tu Clare Mai Trần Tú Uyên FMI tặng chăn mền và sữa cho trẻ em mồ côi và dễ bị tổn thương vào ngày 21 tháng 12 năm 2022, tại Huế, Việt Nam (Ảnh: GSR/Joachim Phạm)

Sơ Ngô, làm công việc y tá, cho biết Sơ và các tình nguyện viên cho các bệnh nhân mắc bệnh nan y ăn uống, tắm rửa và giặt giũ quần áo cho họ.

Cuối tuần, các Nữ tu và các tình nguyện viên còn tặng đồ ăn và hoa cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Trung ương Huế như một cách thức để an ủi họ, vì nhiều bệnh nhân không có người thân bên cạnh.

Sơ Ngô cho biết họ cũng giáo dục người dân địa phương về phòng chống HIV, chia sẻ cho người thân của các bệnh nhân cách chăm sóc, cung cấp các kỹ năng giải quyết vấn đề cho trẻ ẻm mồ côi và những đứa trẻ dễ bị tổn thương. Nhiều bệnh nhân còn được dạy những kỹ năng cơ bản như may vá, thêu thùa, chế tác tranh bằng vỏ ốc, vỏ sò để mưu sinh.

“Chúng tôi và các bệnh nhân thực sự cần đến nhau”, Sơ Ngô chia sẻ. “Họ nhận được sự chăm sóc tận tình, an ủi và cảm thông của chúng tôi trong khi chúng tôi tìm hiểu những thách đố và niềm vui của họ nhằm thúc đẩy đời sống tu trì của chúng tôi”.

Minh Tuệ (theo GSR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết