
Một nhân viên Bệnh viện Thánh Vinh Sơn đang tiêm vắc xin cho một người đàn ông vô gia cư tại Matthew Talbot Hostel ở Woolloomooloo, Úc, ngày 20 tháng 5 năm 2021 (Ảnh: Kate Geraghty/ The Catholic Weekly qua CNS)
Việc tuân thủ các chỉ thị nghiêm ngặt về y tế để ở yên trong nhà là điều bất khả thi khi bạn không có nhà cửa, khiến những người phải ngủ ngoài đường có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 rất cao trong bối cảnh đại dịch.
Trong khi tiểu bang đông dân nhất của Úc ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ khi bắt đầu bùng phát virus corona vào năm 2020, các nhân viên y tế từ Bệnh viện Thánh Vinh Sơn đang xắn tay áo để đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất được tiêm chủng.
Các nhân viên của Bệnh viện Thánh Vinh Sơn đang xuống đường để chăm sóc cho những người vô gia cư và những người sống trong những căn nhà tạm thời hoặc nhà ở xã hội.
“Nếu họ không đến với chúng tôi, chúng tôi sẽ đến với họ”, Danielle Austin, quản lý ứng phó sự cố và thảm họa cho biết.
Trên toàn quốc, gần như tất cả 11.500 trường hợp dương tính với biến thể delta đều ở New South Wales và, mặc dù đã đạt đến cột mốc 6 triệu người ở một bang với khoảng 8,1 triệu người, những lời kêu gọi khẩn cấp vẫn đang được đưa ra nhằm kêu gọi mọi người tiêm phòng.
Chị Austin, người đã điều hành “Vax Van” trong 18 tháng qua, cho biết chính “những người vô hình trong cộng đồng của chúng ta” là những người đầu tiên đáp lại lời kêu gọi tiêm chủng.
“Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng họ chỉ biết nếu nó có trong cộng đồng của họ, tất cả họ sẽ được tiêm chủng”, chị Austin nói.
“Chúng tôi biết rằng đây là nhóm dân số cực kỳ dễ bị tổn thương và nếu như COVID tấn công những người phải ngủ lang thang ngoài đường như vậy hoặc những nhóm dân cư trong nhà trọ hoặc chỗ ở tạm thời, thì quả là sẽ vô cùng khó khăn đôi với việc ngăn chặn vi-rút”.
Chị Austin cho biết chương trình tiêm chủng của chính phủ dựa vào việc “mọi người có quyền truy cập Internet miễn phí để họ có thể đặt chỗ, điều mà nhiều người phải ngủ lang thang ngoài đường không có, vì vậy chúng tôi đang nỗ lực làm cho điều này trở nên cực kỳ đơn giản đối với những người có thể không có quyền truy cập miễn phí với công nghệ để được an toàn và được tiêm phòng”.
Robert Norford, người đã phải sống lang thang trên đường phố trong nhiều năm, là một trong những người đầu tiên tiến tới và tiêm phòng vì anh ấy đã trở nên “cô lập hơn với gia đình của mình do đại dịch”.
“Việc được tiêm vắc xin giống như việc trúng số, tôi thực sự chỉ muốn được tiêm vắc xin và tiếp tục cuộc sống của mình và để gia đình không phải căng thẳng nhiều”, anh Norford nói. “Giờ đây, tôi có nhiều cơ hội gặp lại mẹ già và các thành viên khác trong gia đình mà tôi đã không được gặp trong một khoảng thời gian dài”.
Debbie Cramsie
Cramsie là nhà văn và nhà bình luận cho tờ The Catholic Weekly, tờ báo của Tổng giáo phận Sydney.
Minh Tuệ (theo Crux)