Bề trên Tổng Quyền Dòng Tên: ‘Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô không tìm kiếm sự nổi tiếng’

 Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, Cha Arturo Sosa, SJ, ở giữa, phát biểu về Đức cố Giáo hoàng Phanxicô tại một cuộc họp báo tại trụ sở trung ương của Dòng Tên ở Rôma vào ngày 24 tháng 4 năm 2025 (Ảnh: Hannah Brockhaus/CNA)

Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, Cha Arturo Sosa SJ, ở giữa, phát biểu về Đức cố Giáo hoàng Phanxicô tại một cuộc họp báo tại trụ sở trung ương của Dòng Tên ở Rôma vào ngày 24 tháng 4 năm 2025 (Ảnh: Hannah Brockhaus/CNA)

Cha Arturo Sosa SJ, Bề trên Tổng Quyền Dòng Tên, đã suy tư về vị Giáo hoàng đầu tiên của Dòng Tên trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, đồng thời nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô “không tìm cách làm hài lòng tất cả mọi người” hoặc đánh giá bản thân bằng chỉ số nổi tiếng.

“Khi ngài chọn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, động lực sâu xa trong cuộc sống của ngài là thi hành thánh ý của Thiên Chúa”, Cha Sosa nói, và đồng thời gọi Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô là “một con người cầu nguyện, người đã cầu nguyện để đưa ra quyết định theo thánh ý Thiên Chúa”.

Trong buổi họp báo được tổ chức tại trụ sở trung ương của Dòng Tên ở Rôma, Cha Sosa cũng đã trả lời một câu hỏi về những phẩm chất cần có ở vị Giáo hoàng kế nhiệm. “Chắc chắn là chúng ta đang tìm kiếm một vị Mục tử khác của Thiên Chúa”, Bề trên Tổng Quyền Dòng Tên nói.

“Và sau đó, đối với tôi, điều quan trọng là phải có một Giáo hoàng có tầm nhìn toàn cầu”, Cha Sosa nói thêm, đồng thời phân biệt điều mà ngài gọi là “tầm nhìn quốc tế”.

Bề trên Dòng Tên đã bảo vệ Đức Phanxicô trước những cáo buộc cho rằng ngài gây tranh cãi — như với Fiducia Supplicans, tuyên bố của Vatican về việc ban phép lành cho người đồng giới — hoặc thiếu sót ở một số khía cạnh khi nói rằng ngài không phải là nguồn gốc của các vấn đề trong Giáo hội mà là người thừa hưởng những vấn đề vốn đã tồn tại.

 “Tôi không nghĩ Đức cố Giáo hoàng Phanxicô là một nhà cải cách”, Cha Sosa nói. “Tôi nghĩ ngài là người tiếp tục cuộc cải cách mà Giáo hội vẫn luôn thực hiện”.

Về tiếng tăm của Đức Phanxicô liên quan đến việc giải quết vấn nạn lạm dụng, Cha Sosa cho biết Đức cố Giáo hoàng “luôn thừa nhận những hạn chế, sai lầm và sự chậm trễ” của mình trong việc phản ứng với các trường hợp. “Đây không phải là việc trao tặng Đức cố Giáo hoàng Phanxicô một huy chương hay cho điểm mà là việc tìm hiểu về những lời chỉ trích và những sai lầm tiềm ẩn”.

“Về các vụ lạm dụng, tôi thiết nghĩ Giáo hội không còn ở cùng một vị trí khi Đức Giáo hoàng Phanxicô được bầu chọn. Điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Đó không phải là một đường thẳng… nhưng Giáo hội đã tiến triển theo đường hướng đó”, Cha Sosa cho biết thêm.

Theo Cha Bề trên Tổng Quyền Dòng Tên, di sản cấp thiết nhất của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô cho thời đại ngày hôm nay sẽ là lời kêu gọi hòa bình: “Tôi thiết nghĩ Đức Giáo hoàng Phanxicô trong mọi khoảnh khắc, trong mọi dịp, đã luôn kêu gọi hòa bình”.

“Thế giới cần hòa bình và chúng ta cần xây dựng hòa bình”, Cha Sosa nói thêm. “Hòa bình có nghĩa là gạt sang một bên bất kỳ ưu tiên nào khác ngoài con người và phẩm giá của con người. Và hòa bình có nghĩa là công lý với người nghèo. Tôi thiết nghĩ lời cầu nguyện liên tục và lập luận liên tục về hòa bình của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô là một thông điệp vô cùng quan trọng cho thời đại ngày hôm nay”.

Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, người gia nhập Dòng Tên vào năm 1958, là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu chọn làm Giáo hoàng. Trong các chuyến Tông du quốc tế, ngài luôn dành thời gian cho các tu sĩ Dòng Tên địa phương ở các quốc gia ngài đến thăm. Ngài cũng đã gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên tại Rôma tại Tổng Hội lần thứ 36 của họ vào ngày 24 tháng 10 năm 2016.

“Ngài đã thiết lập mối tương quan hệ đạm tình huynh đệ với Dòng Tên”, Cha Sosa cho biết vào ngày 24 tháng 4. “Chúng ta sẽ kết thúc giai đoạn Đức Giáo hoàng Phanxicô tạ ơn Chúa này.”

Hoàng Thịnh (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết