Với hy vọng rằng những hạt giống truyền giáo được gieo trồng trong Tháng Truyền giáo Ngoại thường tiếp tục nảy mầm và sinh hoa trái trong các hoạt động tông đồ truyền giáo, Đức Tổng Giám mục Giampietro Dal Toso, Chủ tịch Hội Truyền giáo Giáo hoàng (PMS), phát biểu trong Thánh lễ bế mạc Tháng Truyền giáo Ngoại thường tại Tanzania, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Châu Phi chính là một niềm hy vọng to lớn cho Giáo hội toàn cầu”.

Đức Tổng giám mục Giampietro Dal Toso (Ảnh: Bo Petrik / CNA)
Với hy vọng rằng những hạt giống truyền giáo được gieo trồng trong Tháng Truyền giáo Ngoại thường tiếp tục nảy mầm và sinh hoa trái trong các hoạt động tông đồ truyền giáo, Đức Tổng Giám mục Giampietro Dal Toso, Chủ tịch Hội Truyền giáo Giáo hoàng (PMS), phát biểu trong Thánh lễ bế mạc Tháng Truyền giáo Ngoại thường tại Tanzania, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Châu Phi chính là một niềm hy vọng to lớn cho Giáo hội toàn cầu”, Fides News Agency đưa tin.
Trong Thánh lễ long trọng được cử hành hôm Chúa nhật ngày 10 tháng 11 năm 2019, tại Trung tâm Msimbazi ở Dar es Salaam, với sự tham gia của các Giám mục, Tu sĩ và giáo dân, cũng như chính quyền dân sự, Đức Tổng Giám mục Dal Toso đã nhấn mạnh sự phát triển của Giáo hội Châu Phi cả về mặt số lượng và chất lượng, và trên hết là sự phát triển của Giáo hội nơi đây trong lĩnh vực truyền giáo, bởi vì Giáo Hội Phi Châu gửi các nhà truyền giáo đến các quốc gia khác nhau không chỉ ở Châu Phi mà còn nhiều khu vực khác trên toàn thế giới. Đức TGM Dal Toso kêu gọi việc cùng nhau hướng nhìn về tương lai, vào năm 2022, khi mà dịp kỷ niệm các sự kiện quan trong như: trước tiên là kỷ niệm 400 năm thiết lập Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, kế đến là kỷ niệm 200 năm thành lập Hội Truyền bá Đức tin, và thứ ba là kỷ niệm 100 năm Hội này được công nhận là “Hội Truyền Giáo Giáo Hoàng”, sẽ được tổ chức. Chủ tịch PMS cảm ơn về những gì Giáo hội Công giáo Tanzania đã và đang làm nhằm thúc đẩy các Hội Truyền giáo Giáo hoàng và toàn bộ công việc truyền bá Tin Mừng, đồng thời mời gọi họ tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo, đặc biệt là giữa các thế hệ trẻ”.
Trích dẫn những lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo hoàng Phanxicô về sự cấp bách của việc mang lại sức sống mới và tăng cường công việc truyền giáo, hiện vẫn chưa hoàn thành, khiến cho tất cả những người đã được rửa tội nhận thức được tinh thần trách nhiệm truyền giáo của mình, Đức Tổng Giám mục Dal Toso nhắc lại rằng, “Việc nâng cao nhận thức truyền giáo chính là một ơn gọi lớn lao đối với Hội Truyền giáo Giáo hoàng của chúng ta”. Được thành lập tại châu Âu, nhằm thúc đẩy công cuộc truyền giáo tại các lãnh thổ truyền giáo, bao gồm Tanzania, PMS đã hỗ trợ việc thành lập và phát triển của các Giáo hội non trẻ. “Nhiệm vụ của chúng ta giờ đây – Đức TGM Dal Toso nhắc lại – sẽ tiếp tục với sứ mạng truyền giáo của các Hội Truyền giáo này, bởi vì giờ đây chúng ta cần lan truyền trong Giáo hội một tinh thần nhiệt huyết truyền giáo”, và Đức TGM Dal Toso cũng kêu gọi việc cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để làm cho tinh thần truyền giáo ấy được mọi người biết đến, thúc đẩy tinh thần nhiệt huyết này trong các kế hoạch mục vụ của các Giáo phận và thậm chí ngay cả trong đời sống thường ngày của các cộng đồng Kitô giáo nhỏ lẻ.
Trong phần kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Dal Toso tập trung vào chủ đề gia đình, “mà nếu như không có yếu tố quan trọng này thì sẽ không thể xây dựng một xã hội lành mạnh”, và đồng thời thúc giục “việc Phúc Âm hóa gia đình, để rồi gia đình trở thành những nhà truyền giáo”. Về vấn đề này, Đức TGM Dal Toso đã trích dẫn kinh nghiệm của các gia đình truyền giáo, được khởi xướng bởi PMS của Paraguay cách đây 10 năm trước, khi một số gia đình bắt đầu đến thăm các gia đình khác và đồng thời mang Tin Mừng đến với họ. Ngày nay có hơn 5000 gia đình truyền giáo đã bắt đầu sứ mạng của họ ở các quốc gia Mỹ Latinh khác. Từ ví dụ điển hình này, Chủ tịch PMS đã đề xuất việc cùng nhau đọc Tin Mừng mỗi ngày trong các gia đình Công giáo, như một hình thức cầu nguyện chung, “bởi vì việc cùng nhau quy tụ nhân danh Chúa Kitô cho phép chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài và đồng thời tạo ra mối quan hệ hiệp thông thực sự giữa chúng ta”.
Hoàng Thịnh (theo Zenit)