
Một Nữ tu vẫy cờ của Iraq trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Franso Hariri ở Irbil, Iraq, ngày 7 tháng 3 năm 2021 (Ảnh: Paul Haring / CNS)
Đối với người dân Iraq, tuần lễ đầu tiên của tháng 8 năm 2014 sẽ mãi mãi khắc sâu vào ký ức của họ khi bắt đầu một trong những giai đoạn khủng bố tôn giáo và sắc tộc tồi tệ nhất mà đất nước này từng chứng kiến khi cái gọi là Nhà nước Hồi giáo vượt qua Đồng bằng Nineveh.
Hàng trăm nghìn Kitô hữu, người Yazidis, và thậm chí cả những người Hồi giáo ôn hòa, những người không theo cách giải thích cực đoan của ISIS về Hồi giáo đã buộc phải rời bỏ nhà cửa và làng mạc của họ hoặc phải trả một khoản thuế cắt cổ để thoát chết.
Trong suốt 3 năm cai trị của ISIS, họ đã giết hại những người không chịu hoặc không tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt của họ, họ cướp phá các ngôi nhà của các Kitô hữu và người Yazidi, đồng thời đốt phá những ngôi nhà này cùng vô số các Nhà thờ và Tu viện cổ trở thành những đống đổ nát.
Đồng bằng Nineveh được giải phóng vào năm 2017; tuy nhiên, bốn năm sau, các công dân – và đặc biệt là các nhóm sắc tộc thiểu số – phải đối mặt với nhiều câu hỏi tương tự như khi ISIS vẫn còn hoành hành.
“Nhiều năm sau khi cơn ác mộng này kết thúc, với nghị lực của người dân Iraq và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, các Kitô hữu vẫn đang nhớ lại kỷ niệm này với nỗi đau buồn và sự cay đắng”, Đức Hồng y Louis Raphael Sako người Iraq, Thượng phụ Babylon thuộc Giáo hội nghi lễ Chaldeans, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 6 tháng 8.
“Đây là sự ngoại suy đối với thực tế của tình hình, cho thấy nỗi sợ hãi của các nhóm thiểu số và tìm kiếm hy vọng bám trụ với cội nguồn”, Đức Hồng y Sako nói, đồng thời cũng lưu ý rằng thậm chí 7 năm sau ISIS, những nỗi sợ hãi này vẫn chưa biến mất.
“Các Kitô hữu phải đối mặt với nỗi sợ hãi và lo lắng về tương lai, đặc biệt là khi đối mặt với những chỉ số đáng ngờ”, Đức Hồng y Sako nói, trích dẫn “nỗ lực thay đổi nhân khẩu học trong khu vực của họ” và sự thất bại của các chính phủ kế tiếp, “bất chấp việc có tiền của, để giải quyết sự tàn phá của các cơ sở hạ tầng trong các thị trấn của họ”, như trong số các chỉ số này.
Nhiều nhà thờ, trường học, nhà cửa và các tài sản khác hiện vẫn còn trong tình trạng đổ nát, tình trạng thất nghiệp phổ biến và nhiều người không thể cung cấp các nhu cầu thiết yếu.
“Nếu không có Giáo hội đồng hành cùng họ trong cuộc di dời về thể chất, nhân đạo và tinh thần, xây dựng nhà cửa và giúp họ không đánh mất hy vọng vào tương lai, thì không ai trong số họ sẽ tiếp tục ở lại Iraq”, Đức Hồng y Sako nói.
Với hiện trạng này gần một thập kỷ sau, Đức Hồng y Sako đã đưa ra lời kêu gọi chính phủ trung ương “xem xét nghiêm túc xem liệu họ có thực sự mong muốn các Kitô hữu và các nhóm sắc tộc thiểu số khác tiếp tục ở lại Iraq hay không”.
Nếu như vậy, Đức Hồng y Sako cho biết rằng chính phủ cần phải chứng minh điều đó “thông qua hành động chứ không phải là những bài phát biểu”, và ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo Iraq tái khôi phục “quyền và tài sản cho các nhóm thiểu số”, bởi vì nếu tình hình vẫn tiếp tục như hiện tại, tương lai của họ sẽ hướng tới việc di cư”.
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 tới Iraq, đánh dấu lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đặt chân đến đất nước này, đây được coi như là một dấu hiệu của sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cộng đồng Kitô hữu địa phương, và là một khoảnh khắc tuyệt vời của niềm hy vọng.
Chính phủ đã thực hiện một số bước quan trọng cả trong và trước chuyến viếng thăm đó để đảm bảo với các Kitô hữu và các nhóm sắc tộc thiểu số khác về tầm quan trọng của họ đối với cấu trúc xã hội Iraq, chẳng hạn như tuyên bố vào tháng 12 năm 2020 coi Lễ Giáng sinh là ngày lễ quốc gia hàng năm.
Trong chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi đã tuyên bố rằng ngày 6 tháng 3 – ngày mà Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ giáo sĩ Shiite hàng đầu Grand Ayatollah Ali al-Sistani – sẽ là ngày quốc gia về lòng khoan dung và việc cùng nhau chung sống.
Trong những ngày sau chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, Tổng thống Iraq Barham Salih đã phê chuẩn luật mới có lợi cho những người Yazidi sống sót sau cuộc diệt chủng ISIS năm 2014-2017.
Tuy nhiên, bất chấp sự tăng cường rất cần thiết mà chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra, những vấn đề cơ bản đối với các công dân thiểu số vẫn chưa biến mất, và những câu hỏi hóc búa vẫn còn dành cho những người hiện đang phải tiếp tục vật lộn về việc liệu họ có tương lai ở Iraq hay không, hay liệu đã đến lúc phải tìm đường ra nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu này, Đức Hồng y Sako trong tuyên bố của mình đã đưa ra một số gợi ý mà ngài tin rằng sẽ giúp đảm bảo sự tồn vong của Iraq nói chung, nhưng đặc biệt là các nhóm sắc tộc thiểu số của nó.
Trong số những đề xuất đó là việc thành lập “một nhà nước thực sự và mạnh mẽ” với các yếu tố như “tuân thủ luật pháp, tôn trọng tiền của công, sự phát triển của các thể chế nhà nước, nỗ lực làm việc về vấn đề phúc lợi”.
Đức Hồng y Sako kêu gọi các nhà lập pháp nỗ lực làm việc vì “một nhà nước của công dân” vốn áp dụng luật pháp của mình “cho tất cả mọi người không có ngoại lệ và tôn trọng tất cả mọi công dân như họ xứng đáng, không liên quan đến tôn giáo và chủng tộc của họ, mà chỉ vì họ là công dân Iraq”.
“Đây là một biện pháp khắc phục triệt để đối với sự suy giảm các giá trị thông qua các tổ chức chính thức, dân sự, giáo dục, văn hóa và truyền thông, cũng như thông qua bục giảng của các đền thờ Hồi giáo và các Nhà thờ Kitô giáo”, Đức Hồng y Sako nói.
Một yếu tố khác mà Đức Hồng y Sako cho là then chốt đó là việc hình thành một quân đội mạnh mẽ và đoàn kết, hành động “dưới một sự chỉ huy thống nhất” và không trung thành với nhóm sắc tộc hoặc tôn giáo này hay nhóm khác, mà trung thành “với Iraq và người dân Iraq”.
“Đây chính là thách thức lớn nhất”, Đức Hồng y Sako nói, đồng thời nhấn mạnh rằng hệ thống tư pháp của Iraq cũng phải được củng cố để những kẻ tham nhũng phải bị quy trách nhiệm, “bất kể cấp bậc của họ”, và số tiền công bị bòn rút bởi những kẻ tiêu pha bất chính sẽ được trả lại.
Cũng cần phải chấm dứt chủ nghĩa bè phái tôn giáo, Đức Hồng y Sako nói, và đồng thời lập luận, như ngài đã làm trong quá khứ, rằng nhà nước phải coi tôn giáo “là vấn đề riêng tư giữa con người và Thượng đế, với quyền thực hành các nghi thức tôn giáo một cách tự do và an toàn”.
Đức Hồng y Sako cũng cho biết chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố chính thống phải được chống lại một cách có chủ đích hơn bằng cách nỗ lực nhiều hơn trong việc “ngăn chặn những ngôn từ kích động sự thù địch, hình sự hóa và quy trách nhiệm cho những người áp dụng và quảng bá nó, đổi mới chương trình giáo dục và truyền bá văn hóa tự do, lý trí, sự khai sáng, và sự khác biệt, thông qua công tác thực địa trong dân chúng”.
Với tư cách là một Thượng phụ Công giáo, Đức Hồng y Sako đã lên tiếng ủng hộ tất cả các cộng đồng tôn giáo ở Iraq, và đồng thời nhấn mạnh rằng lời kêu gọi của ngài không chỉ gửi đến các nhà lãnh đạo địa phương, mà “tôi đang ngỏ lời thông qua các nền tảng quốc tế” với hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ lắng nghe và giúp đỡ Iraq để đạt được sự ổn định mà công dân của nó vẫn đang hết sức cần đến.
Minh Tuệ (theo Crux)