Bầu cử Quốc hội: Vì sao ông Trần Đăng Tuấn bị loại?

Thông tin không lạ, nhưng vẫn gây “sốc” trong ngày 15/4 là thông báo của hội nghị hiệp thương lần 3 tại Hà Nội về việc 95% số ứng viên tự do ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 thành phố Hà Nội chính thức bị loại qua màn bỏ phiếu bằng tay.

hiep-thuong

Ảnh: Internet

Theo đó, 46/48 ứng cử viên ứng cử tự do tại thành phố Hà Nội đã bị gạt ra ngoài. Ngoài những trường hợp mà ai cũng biết chắc chắn sẽ bị loại ngay từ khi họ tham gia ứng cử như trường hợp tiến sĩ Nguyễn Quang A, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện… thì trường hợp nhà báo Trần Đăng Tuấn gây nhiều tiếc nuối cho những người còn hy vọng về sự “tốt lành” của thể chế chính trị này.

Sở dĩ, có sự tiếc nuối là vì ông Trần Đăng Tuấn từng một thời phục vụ đắc lực cho chế độ. Năm 2008, lúc đó đang là Phó Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ông đã có “thành tích” cắt xén lời Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, dùng ngòi bút nô dịch để tấn công cách có chủ ý và không lương thiện, vị lãnh đạo tinh thần của Giáo hội. Hiện nay, ông đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất chương trình An Viên; Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xã hội – Từ thiện “trò nghèo vùng cao”. Trước đó, tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác, ông Tuấn đều đạt tín nhiệm 100%.

Theo bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội, thì những trường hợp bị loại khỏi danh sách ứng cử viên sau màn bỏ phiếu bằng tay đều là những người đủ tiêu chuẩn theo luật qui định, nhưng vì phụ thuộc vào “cơ cấu” nên phải “so bó đũa chọn cột cờ”.

Nói cách khác, trường hợp ông Trần Đăng Tuấn là bằng chứng cho thấy, cho dù ứng cử viên tự do “có tài có tâm” (theo đúng tiêu chuẩn của chế độ) hay một thời “cùng mâm với lãnh đạo quyết giữ gìn và bảo vệ thể chế” đi chăng nữa, nhưng nếu không được Đảng Cộng sản cơ cấu thì cũng chắc chắn bị loại. Các bước hiệp thương một, hai, ba chỉ làm cho những ứng cử viên “không phải cột cờ” thêm chút thời gian hy vọng trước khi chính thức bị loại cách không thương tiếc vì không được cơ cấu làm đại biểu.

Những người được “cơ cấu” hay được “đảng cử cho dân bầu”, thì dù như ông Đào Ngọc Dung, bị bắt quả tang vi phạm quy chế thi và bị khiển trách về mặt đảng, cũng vẫn có thể “ghế cao ngồi tót sỗ sàng”, làm đến Bộ trưởng Lao động – Thương binh & Xã hội, trong một cuộc bỏ phiếu cho một ứng viên duy nhất.

Tất cả những sự kiện đó khiến nhiều người đặt vấn đề về tính dân chủ trong bầu cử dưới thể chế chính trị này. Phải chăng tất cả đều do xếp đặt? Và người dân phải chăng chỉ là những tham dự viên trong vở kịch “bầu cử tự do” mà Đảng Cộng sản là người đạo diễn mọi “thắng lợi”?

Trong một diễn biến khác, Hội đồng Bầu cử quốc gia vừa nhóm họp phiên thứ tư để phân công, phân nhiệm cho các thành viên của hội đồng. Điều đáng nói là 21 thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia – đứng đầu là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đều là ứng cử viên chính thức của Quốc hội khóa 14 tới đây.

Trong một thể chế chính trị mà ứng cử viên thì do đảng cầm quyền cơ cấu, mọi thành viên trong Hội đồng Bầu cử Quốc gia lại cũng là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, thì không lạ gì khi nhiều người cho rằng việc người dân đi bầu chỉ là hình thức, một kiểu “trò chơi dân chủ” theo kiểu “dân bầu đảng quyết định”.

Vì thế, cũng không lạ gì khi nhiều người, trong những ngày này, đang bàn đến chuyện người dân cần phát huy quyền làm chủ của mình trong kỳ bầu cử tới đây, bằng cách tẩy chay bầu cử dân chủ giả hiệu.

Hà Thạch

Lấy ý kiến cử tri người tự ứng cử: Màn kịch vụng vẫn diễn lại

Bầu cử Quốc hội: Kiểm phiếu tín nhiệm trong miếu cô hồn

Ts Nguyễn Quang A: Tôi muốn thức tỉnh người dân, thúc đẩy quá trình học tập dân chủ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết