“Bất bình đẳng là gốc rễ của tệ nạn xã hội”. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhận được một sự hưởng ứng rộng rãi khi kết luận như thế tại số 202 của Tông huấn Evangelii Gaudium (EG). Ngài tuyên bố Giáo Hội nhất quyết nói “không” với hệ thống kinh tế xã hội loại trừ và bất bình đẳng mà ngài coi là nguồn gây ra bạo lực (x. EG, 53 và 59).
Lập trường đó đúng một cách đặc biệt trong tình cảnh xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay.
Bất bình đẳng về thu nhập ngày càng lớn
Tại Việt Nam, sự bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng. Hệ số Gini của Việt Nam, tức là hệ số đo lường mức độ bất bình đẳng về thu nhập giữa các nhóm dân cư, đang ngày càng tăng dần. Hệ số cách biệt thu nhập một nhân khẩu tính theo tháng giữa nhóm 20% dân số có thu nhập thấp nhất với nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất, cũng “kiên cường” đi theo xu hướng tăng dần.
Điều đó cho thấy khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, và sự phân phối thành quả phát triển kinh tế rõ ràng là không đồng đều. Có những nhóm được hưởng lợi nhiều hơn các nhóm khác, và sự “được hưởng lợi nhiều hơn” đó càng ngày càng tăng theo chiều tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế chung của cả quốc gia.
Bất bình đẳng xã hội cũng ngày càng tăng
Bên cạnh sự bất bình đẳng về thu nhập là sự bất bình đẳng xã hội. Và sự bất bình đẳng này có xu hướng “liên thế hệ”, nhất là trong thể chế chính trị và xã hội được xây dựng và duy trì tại đất nước chúng ta từ mấy chục năm nay.
Chúng ta có thể thấy sự bất bình đẳng xã hội trước hết trong sự bất bình đẳng về cơ hội. Càng ngày, dân nghèo càng bị tước mất cơ hội tiếp cận các dịch vụ căn bản trong cuộc sống như giáo dục, y tế, nhà ở…, khi nhà nước cứ dựa trên nguyên tắc khả năng chi trả của người dân để thiết kế các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở…. Những người có thu nhập thấp bị gạt ra bên ngoài, vì ít hoặc không có khả năng chi trả.
Sự bất bình đẳng xã hội lại càng khốc liệt hơn nữa vì nguyên nhân chính trị. Sự ưu đãi dành cho các đảng viên cộng sản mà chế độ buộc mọi người phải chấp nhận, chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra những bất bình đẳng xã hội. Chỉ các đảng viên cộng sản mới được quyền nắm giữ các chức vụ chính trị cao cấp, và trong thực tế, chức vụ chính trị có thể tạo ra những cơ sở để người ta đạt được địa vị và những cơ hội trong cuộc sống, từ đó dẫn đến những bất bình đẳng dựa trên cơ sở chính trị.
Đức Phanxicô nói “không” với bất bình đẳng
Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, ban hành tháng 11 năm 2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô lên án thực tế bất bình đẳng trong xã hội và thế giới. Ngài nói rõ: “Tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng” (EG, 52) và “trong khi thu nhập của một thiểu số tăng theo cấp số nhân, thì hố ngăn cách giữa đa số với một thiểu số được hưởng sự thịnh vượng cũng tăng theo cấp số nhân” (EG, 56).
Đức Thánh Cha chỉ trích “lý thuyết lọt sàng xuống nia”, là lý thuyết “cho rằng sự tăng trưởng kinh tế, được khuyến khích bởi thị trường tự do, tự nó sẽ thành công trong việc tạo ra công bằng và sự bao gồm (inclusion) nhiều hơn trong xã hội” (EG, 54).
Để dẹp bỏ sự bất bình đẳng, Đức Giáo hoàng Phanxicô lưu ý sự cần thiết phải cải cách cơ cấu cũng như chuyển đổi văn hóa (EG, 188-189) và tuyên bố rằng “liên đới là một phản ứng tự nhiên của những người nhận ra rằng chức năng xã hội của tài sản và mục tiêu phổ quát của của cải là những thực tại đi trước quyền tư hữu… Liên đới phải được sống như là quyết định hoàn trả cho người nghèo những gì thuộc về họ” (EG, 189).
Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người “làm việc để loại trừ các cơ cấu gây nên đói nghèo, đồng thời cổ vũ sự phát triển toàn diện của người nghèo” (EG, 188). Tất cả mọi người, kể cả người nghèo, đều xứng đáng không chỉ với việc bảo đảm dinh dưỡng hay một “điều kiện sinh sống xứng đáng”, mà cả với “hạnh phúc và sự thịnh vượng vật chất chung”, tức là được hưởng một nền giáo dục, chăm sóc y tế, và trên hết là có việc làm (xem EG, 192).
Đó không phải chỉ là nhiệm vụ của “người đời”, mà còn là nhiệm vụ của chính Hội Thánh nữa. Trong cái nhìn của Đức Phanxicô, “đối với Hội Thánh, lựa chọn người nghèo là một phạm trù chủ yếu thần học hơn là một phạm trù xã hội học, chính trị hay triết học… Hội Thánh ưu tiên chọn lựa vì người nghèo, được hiểu như là một hình thức đặc biệt chiếm vị trí hàng đầu trong việc thực thi bác ái Kitô giáo mà toàn thể truyền thống của Hội Thánh luôn làm chứng” (EG, 198).
Đức Thánh Cha lưu ý mọi người về sự cần thiết phải giải quyết các nguyên nhân cơ cấu của nghèo đói. Điều này càng đúng hơn trong trường hợp Việt Nam chúng ta.
Đức Thánh Cha thẳng thắn: “Các chương trình an sinh xã hội đáp ứng được một số nhu cầu khẩn cấp, nhưng chỉ được coi là những giải pháp tạm thời. Chừng nào mà các vấn đề của người nghèo không được giải quyết triệt để bằng cách loại bỏ tính tự trị tuyệt đối của thị trường và nạn đầu cơ tài chánh cũng như bằng cách tấn công vào các nguyên nhân của cơ cấu bất bình đẳng, thì không một giải pháp nào có thể được tìm thấy cho các vấn đề của thế giới, hay cho bất cứ vấn đề nào trong lãnh vực này” (EG, 202).
Đâu là nguyên nhân của cơ cấu bất bình đẳng cần phải bị tấn công tại Việt Nam hôm nay, nếu muốn giải quyết triệt để các vấn đề của người nghèo?
Thanh Tâm