Bảo vệ tự do báo chí trong thời đại “tin giả”

“Chúng ta cần một nền báo chí tự do, phục vụ cho sự thật, sự thiện và công lý; một nền báo chí có thể giúp xây dựng một nền văn hóa đối thoại” – Đức Giáo hoàng nói.

 

media-690x450

Hỗn độn các phương tiện truyền thông trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống ở New Hampshire.

Thứ sáu tuần trước là ngày Tự Do Báo Chí được tài trợ bởi Liên Hợp Quốc, cho thấy một năm có nhiều điều đáng lưu ý về tầm quan trọng của tự do báo chí và cái giá mà các nhà báo phải trả trong quá trình tác nghiệp, ở tất cả các nơi trên thế giới cũng như trong Giáo Hội Công Giáo.

Theo Hiệp hội Nhà báo Quốc tế, có ít nhất 95 nhà báo bị giết chết khi tác nghiệp trong năm 2018. Và có ít dấu hiệu cho thấy trong năm 2019 con số người chết đó sẽ thấp hơn. Trong thời khắc chuẩn bị bước sang ngày Tự do Báo chí, một nhà báo đồng thời cũng là nhà sáng lập đài phát thanh cộng đồng ở một vùng bản địa miền nam Mêxicô đã bị bắn chết.  

Mêxicô là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo với con số hơn 100 người bị giết chết kể từ năm 2000 trong bối cảnh làn sóng bạo lực liên quan đến mua bán thuốc phiện và tham nhũng chính trị. Trong trường hợp nói trên, nhà báo Telesforo Santiago Enriquez đã bị bắn vào tim và miệng sau khi bị đe dọa trên sóng phát thanh.

Từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Braxin, từ Philipin tới Myanma và nhiều nơi khác, rất nhiều nhà báo hiện nay đang phải đứng sau song sắt, phải gánh chịu các cáo buộc và những hình thức quấy rối khác hay thậm chí mạng sống bị đe dọa. Tất cả chỉ vì đang cố gắng nói lên những sự thật mà ai đó đang muốn giấu kín.

Riêng đối với các trường hợp các bài viết về Giáo hội Công Giáo, không có nhà báo nào phải gánh chịu các mối đe dọa về mạng sống hay cơ thể nhưng chúng ta cũng chứng kiến các trường hợp người có quyền lực trong Giáo hội cố ý trừng phạt người khác vì những bài báo cáo gây bất lợi cho họ.

Ở Peru, Đức Tổng Giám mục Jose Antonio Eguren Anselmi của Giáo phận Piura đã đệ đơn tố cáo hai nhà báo địa phương Pedro Salinas và Paola Ugaz vì báo cáo của họ liên quan đến vụ bê bối lạm dụng tình dục trong một tổ chức Công giáo quyền lực, Sodalitium Christianae Vitae (SCV) cũng như tố cáo những sai trái về mặt tài chính. Giám mục Eguren tuyên bố rằng ông đã bị các nhà báo đó phỉ báng, và theo luật pháp Peru, ông có quyền khởi kiện một vụ kiện hình sự.

Những cáo buộc đó đã dẫn tới một bản án chống lại nhà báo Salinas vào đầu tháng Tư vừa qua, với phán quyết của tòa là anh phải chịu án tù treo một năm và nộp phạt 24.000 đô la.

Trước khi mực trên bản án kia kịp khô, Hội đồng Giám mục Peru đã công khai lên tiếng tố cáo bản cáo trạng đó và đứng về phía nhà báo Salinas – đồng thời, cũng cho thấy rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đồng quan điểm với Hội đồng Giám mục.

“Đức Thánh Cha đã khen ngợi và cảm ơn các nhà báo trên thế giới, vì thông qua các cuộc điều tra của họ, đã góp phần tố cáo các hành vi lạm dụng, trừng phạt thủ phạm và giúp đỡ các nạn nhân. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng Giáo hội cần sự giúp đỡ của họ trong nhiệm vụ khó khăn là chiến đấu chống lại cái ác” – các Giám mục đã lên tiếng ngày 10 tháng 4.

Ban đầu, Giám mục Eguren đã cố gắng bào chữa cho các hành động của mình. “Quyền tự do biểu đạt, mặc dù có giá trị to lớn trong xã hội dân chủ của chúng ta, vẫn không phải là một giá trị tuyệt đối và có những giới hạn của nó. Ví dụ như: cần phải tôn trọng danh dự và uy tín của người khác” – vị Giám mục nói trong một công bố và thêm rằng việc kết án nhà báo Salinas “sẽ không biến quyền tự do biểu đạt thành một trò hề.”

Tuy nhiên, mười ngày sau, đối diện với những phản ứng trái chiều ngày càng căng thẳng, Giám mục Eguren đã rút đơn kiện đối với nhà báo Salinas, và vì vậy cũng hủy bỏ cáo buộc đối với nhà báo này. Không lâu sau đó vị này cũng đã thực hiện những việc tương tự với nhà báo Ugaz và giải thích rằng hành động của ông là nhằm bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo hội.

Mặc dù đó là tin tốt lành cho Salina và Ugaz, nhưng những tổn hại xảy ra là điều chắc chắn khi sự việc đã đi đến mức độ như vậy. Ông Eguren có thể đã lùi bước trước những phản ứng tiêu cực, nhưng điều gì có thể xảy ra khi một phóng viên ở Peru có một tin tức có thể gây tổn hại đến người nào đó nắm quyền lực trong Giáo hội mà không thể dựa vào sự ủng hộ của cộng đồng.

Dù các nguy cơ là rất rõ ràng nhưng việc bảo vệ tự do báo chí đôi lúc sẽ trở nên một việc rất khó khăn khi mọi người chứng kiến việc tự do bị lạm dụng mỗi ngày. 

Một cuộc thăm dò năm 2018 của Gallup cho thấy 62% người Mỹ tin rằng các tin tức họ tìm thấy trên các phương tiện truyền thông chính thống – đài phát thanh, truyền hình và báo chí – là sai lệch, và 80% cho rằng tin tức được truyền thông xã hội đưa ra là sai lệch. Những báo cáo mới nhất cho thấy, điều đó về cơ bản có ý nghĩa rằng chúng ta đang lúng túng trước các phương tiện truyền thông.

Tám trên mười người Mỹ cảm thấy tức giận về thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông, và hầu như tất cả mọi người, chín trên mười người, nói rằng họ tức giận về báo cáo không chính xác. Một cuộc thăm dò riêng của Gallup cùng năm cho thấy trong số các tổ chức lớn, báo chí và tin tức truyền hình có mức độ tin cậy được đánh giá thấp nhất – vị thứ ảm đạm của các tổ chức này chỉ nằm trên xếp hạng của Quốc hội Hoa Kỳ.

Điều đó nói lên vị thế của chúng ta trong thế kỷ 21, một thời đại mà “tin giả” đã trở thành một trào lưu bùng nổ. 

Từ kinh nghiệm cá nhân, tất cả chúng ta đều biết việc rất dễ để tìm thấy các thông tin xuất phát từ quan điểm cá nhân được trình bày như thông tin chính thống, các bài báo cáo tùy tiện, thiếu chính xác và không đầy đủ. Chúng ta cũng biết rằng các nhà báo thường cũng không mấy để tâm đến những hậu quả xảy ra do hành động của họ, đôi khi gây ra tổn hại vĩnh viễn đến danh tiếng hay sự nghiệp của người khác mà không có bất cứ căn cứ xác thực nào.

Tất cả chúng ta, những người làm truyền thông đều có thể làm và phải làm tốt hơn nữa để sử dụng quyền tự do của chúng ta một cách có trách nhiệm. Đối với riêng cá nhân tôi, tôi biết mình cần phải luôn cố gắng để sống đúng điều đó, và cũng đau đớn nhận ra bản thân đã thường xuyên thiếu sót đến nhường nào.

Tuy nhiên, như một câu ngạn ngữ Latin đã nói, abusus non tollit usum – “việc lạm dụng không làm mất hiệu lực của việc sử dụng đúng đắn.” Thực tế rằng tự do báo chí thường bị lạm dụng không làm vơi đi tầm quan trọng của nó, một điều mà Giáo hội Công Giáo phải ghi khắc qua biến cố các vụ bê bối vì giáo sĩ lạm dụng tình dục và vai trò của tự do báo chí trong việc thúc đẩy Giáo hội phải đương đầu với những khối u ngay giữa lòng Giáo hội.

Cuối cùng, lý tưởng cho bất cứ tổ chức truyền thông nào đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô tóm tắt trong bài tweet của ngài về ngày Tự Do Báo Chí thế giới hôm thứ 6.

 “Chúng ta cần một nền báo chí tự do, phục vụ cho sự thật, sự thiện và công lý; một nền báo chí có thể giúp xây dựng một nền văn hóa đối thoại” – Đức Giáo hoàng nói.

Chỉ tự do thôi thì vẫn chưa đủ thể tạo nên một nền văn hóa báo chí như vậy – nhưng nếu thiếu đi sự tự do ấy thì chỉ có một điều được đảm bảo là chúng ta sẽ không bao giờ đến gần được nền văn hóa ấy. 

John L. Allen Jr.

Huỳnh Phi chuyển ngữ

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết