Bảo vệ di sản văn hoá của những người tị nạn Trung Đông

Hôm Chúa Nhật Phục Sinh, ĐTC Phanxicô đã lên án một cuộc tấn công nhằm vào các thường dân Syria đang trốn tránh khỏi cuộc nội chiến nơi đây, ĐTC Phanxicô gọi đó là “cuộc tấn công đê tiện mới nhất nhằm vào những người tị nạn đang bị buộc phải trốn chạy”. Trong bài diễn văn ‘Urbi et Orbi’, gửi thành Rome và thế giới, ĐTC Phanxicô đã cầu nguyện cho hòa bình khắp Trung Đông, Ngài đặc biệt lên án một vụ đánh bom trên xe buýt làm thiệt mạng hàng chục người gần thành phố Aleppo tại Syria.

RV24932_ArticoloStephanie Saldaña là một nhà văn và đồng thời là một giáo viên hiện đang dẫn đầu một dự án có tên gọi ‘Câu chuyện Mosaic’, nhằm mục đích bảo vệ di sản của những người tị nạn, đặc biệt là những người đang trốn chạy khỏi cuộc xung đột ở Syria và Irac. Cô đã sống nhiều năm tại Trung Đông và rất say mê đối với sự cần thiết phải bảo vệ nền văn hóa đang dần biến mất khi các thị trấn và làng mạc bị phá hủy trên khắp khu vực.

Cô đã gặp gỡ những người tị nạn tại các trại tập trung, các nhà thờ, ga tàu điện ngầm và nhà hàng, cả ở Trung Đông cũng như các nước châu Âu, nơi nhiều người trong số họ đã định cư để bắt đầu cuộc sống mới. Cô hiện đang sống tại Viện Đại Kết Tantur tại Jerusalem, nơi cô chia sẻ một số câu chuyện của cô với Philippa Hitchen – cộng tác viên Vatican Radio.

Stephanie miêu tả công việc của cô là “một dự án của việc lắng nghe”. Nhiệm vụ đầu tiên, đó chính là cố gắng tìm hiểu từ những người tị nạn “điều gì quan trọng với họ” khi họ đang phải trốn chạy khỏi quê hương của họ. 

Thường thì cô đã ngạc nhiên trước những câu trả lời mà cô nhận được, với những người được phỏng vấn liệt kê những thứ đo chính là: rau củ và trái cây, cây cối hoặc các mặt hàng dệt may, xà phòng, nghề thủ công mỹ nghệ, các vũ điệu đám cưới, hoặc các ngôn ngữ như Aramaic và Syriac, là những thứ quan trọng nhất mà họ đã phải bỏ lại phía sau.

 

Đánh mất các mối tương quan tôn giáo

“Một tiêu điểm khác của các cuộc phỏng vấn “vốn thường xuyên xuất hiện” và có thể “chỉ được bắt gặp qua các câu chuyện” – cô Stephanie nói – đó chính là những mối quan hệ: “Mọi người thường bỏ lỡ các mối quan hệ mà họ đã có được, đặc biệt là giữa các cộng đồng tôn giáo đa dạng vốn đã bị phân tán vì chiến tranh”.

Cô nhớ lại rằng trong khoảng thời gian cô sống tại Syria, cô đã chứng kiến cảnh những người Hồi giáo và các Kitô hữu “cùng nhau đi thăm các đền thờ tôn giáo” hoặc chia sẻ các bữa ăn vào dịp Giáng sinh và lễ hội Eid của người Hồi giáo. Cô đã lắng nghe nhiều câu chuyện về mối quan hệ hữu nghị với những người Yazidis và “những người mong muốn ngay cả những cộng đồng Do Thái vốn đã biến mất khỏi Iraq và Syria”.

Một số cộng đồng dân cư – cô Stephanie nói – “vẫn còn rất thích lưu giữ  những kí ức về những mối quan hệ này,” mặc dù “chủ nghĩa bè phái đã phá hủy mọi thứ”. Ở những nơi khác – cô Stephanie lưu ý – đặc biệt trong số những người tị nạn trẻ Iraq, “quý vị có thể nhận thấy sự hận thù này đã phát triển lớn mạnh vì việc họ đã mất quê hương xứ sở của mình”.

Những ký ức cần thiết trong công cuộc xây dựng hòa bình

Một phần của lý do tồn tại đối với dự án này – cô Stephanie nói – đó chính là cô tin rằng “những kí ức này sẽ vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hòa bình” nơi các quốc gia vốn đã bị chiến tranh tàn phá. “Nếu mọi người chỉ có thể nhớ đến những điều đã xảy ra trong chiến tranh và chẳng hề có những kí ức gì về các câu chuyện đối với các mối quan hệ đã tồn tại trước đó, thì người ta sẽ chẳng thể nghĩ ra khả năng của việc tái xây dựng các mối quan hệ đó trong xã hội trong thời hậu chiến”.

Trong khi thế hệ thứ hai của những người lưu vong thường muốn quên đi quá khứ – cô Stephanie lưu ý – thì chính thế hệ thứ 3 “lại muốn hồi tưởng để nhớ lại mọi thứ”. Thông qua việc lưu trữ các câu chuyện cũng như các cuộc phỏng vấn, các đối tượng và các video, cô Stephanie hy vọng tạo ra “một nơi để bảo vệ những điều này” để họ có thể “tìm lại những kí ức về quá khứ”.

Áp lực quên đi quá khứ

Những người tị nạn thường cảm thấy “vô cùng áp lực đểcó thể hòa nhập” nơi các quốc gia mới – cô Stephanie nhận thấy – khiến họ phải ngừng nói tiếng mẹ đẻ của mình. Cô kể về cuộc gặp gỡ của cô với một giáo viên Iraq đến từ Qaraqosh, hiện đang sinh sống tại Jordan, hỏi anh ta về việc liệu anh ta đang giảng dạy tiếng Iraq cho những người tị nạn ở đó hay không. “Ồ không” – anh trả lời – “hiện tại họ muốn học tiếng Pháp và tiếng Anh, họ đang nghĩ về tương lai phía trước, chứ không phải cứ bám chặt lấy quá khứ”. 

Cô Stephanie cũng chia sẻ những câu chuyện về một số tài sản quý giá do những phụ nữ đã bỏ chạy khỏi Iraq và Syria mang theo. Chúng bao gồm các loại gia vị để chế biến các món ăn ưa thích, các vật liệu để may các trang phục truyền thống, đất từ các đền thờ hoặc những nơi yêu thích, hoặc các đồ vật giản dị nhắc nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc của những bữa tiệc tùng ăn uống với hàng xóm láng giền trước khi chiến tranh xảy ra.

Cô Stephanie lưu ý rằng thật khó để nói về những người tị nạn nói chung, vì nhiều người trong số họ “nghèo khổ và thực sự mất hy vọng”, những người khác thì có trình độ và “hy vọng có thể bắt đầu lại” ở một quốc gia mới, cũng như “những người chỉ cảm thấy mất định hướng”. Nhưng một điểm chung có thể nhận thấy nơi những người tị nạn đó chính là mong muốn giúp cho con cái của họ để chúng được đến trường, và tạo cho chúng một tương lai tốt đẹp hơn.

Những hạt giống của niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp

Cô Stephanie kết luận với câu chuyện về một tài xế đến từ thành phố Homs tại Syria, anh đã không thể làm việc trong suốt cuộc xung đột này và buộc phải tháo chạy đến Amman cùng với cả gia đình. Cô có thể cảm nhận anh ta đã bắt đầu đánh mất hy vọng khi mỗi sáng thức dậy mà chẳng biết phải làm gì. Nhưng vào một buổi sáng, anh quyết định làm một khu vườn nhỏ, trồng vài củ hành và một ít bạc hà. Khi anh chia sẻ câu chuyện của mình, anh đã nói với cô rằng năm tới anh hy vọng cũng có thể trồng một ít cà chua. “Trong câu chuyện đó” – Stephanie nói – “Tôi nhận thấy chỉ có hy vọng mới có thể giúp cho một người đàn ông và gia đình của anh ta có thể trải qua những khoảnh khác đầy khó khăn này”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết