Trong những giây phút đau khổ khi tiếp xúc với con người, một cái ôm, một nụ cười và những lời an ủi có giá trị rất lớn. Với xác quyết này, Đức Tổng Giám mục Sebastian Shaw Địa phận Lahore đã đến thăm thành phố Jaranwala thuộc tỉnh Punjab của Pakistan, nơi vào ngày 16 tháng 8 đã xảy ra một làn sóng bạo lực chống lại các Kitô hữu vì những cáo buộc báng bổ. Đặc biệt, Đức Tổng Giám mục Shaw đã đến thăm các gia đình bị ảnh hưởng ở đó, cầu nguyện với họ, lắng nghe họ và an ủi họ. Cách đây vài ngày trước, Đức Giám mục Indrias Rehmat Địa phận Faisalabad – đã đến thăm và cử hành Thánh lễ tại khu vực bị tàn phá (xem Fides, 21/8/2023) – cũng như phái đoàn của Ủy ban Giám mục “Công lý và Hòa bình” do Đức Tổng Giám mục Joseph Arshad lãnh đạo, Đức Tổng Giám mục Shaw cũng muốn hiện diện, bày tỏ tinh thần liên đới, gặp gỡ các gia đình di tản và lắng nghe nhu cầu của họ, đọc Tin Mừng với họ và nhận được sự an ủi và hy vọng từ Lời Chúa.
Điều đặc biệt của chuyến viếng thăm là Đức Tổng Giám mục Shaw đã đến nơi cùng với một số nhà lãnh đạo Hồi giáo, những người đã lên án bạo lực ngay từ đầu và muốn có mặt ở đó để bày tỏ tình liên đới và dâng lời cầu nguyện chung.
“Những gì chúng tôi chứng kiến là một sự tàn phá khủng khiếp khiến chúng tôi rất cảm động. Mọi người không khỏi bàng hoàng và tuyệt vọng, họ không còn gì cả. Chúng ta có nhiệm vụ phải an ủi họ bằng cách trở thành những chứng nhân cho tình yêu của Chúa Giêsu. Chúng tôi cần sự gần gũi của con người, sự giúp đỡ về tâm lý và vật chất, và chúng tôi đang tổ chức mọi sự giúp đỡ có thể thông qua tổ chức Caritas, cũng như thông qua các tình nguyện viên và các cộng đoàn Dòng tu khác nhau. Tôi đã nói với các Kitô hữu rằng họ không đơn độc trong sự đau khổ này, Chúa Giêsu hiện diện cùng với họ và chúng tôi sát cánh cùng với họ, chúng tôi quan tâm và chúng tôi sẽ chăm sóc họ”, Đức Tổng Giám mục Shaw nói.
Cộng đồng Jaranwala cũng chào đón ông Anwar ul Haq, Thủ tướng lâm thời của Pakistan, tại một cuộc họp mặt các tín đồ thuộc nhiều giáo phái và các công dân Hồi giáo. Để thể hiện sự quan tâm của các tổ chức, Thủ tướng Anwar ul Haq muốn bày tỏ sự liên đới với cá nhân các nạn nhân và thay mặt cho chính phủ Pakistan. Trong một bài phát biểu được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Pakistan, Tổng thống Anwar ul Haq đã nhắc lại rằng “cộng đồng Kitô giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập Pakistan” và là một phần không thể thiếu của quốc gia, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “trách nhiệm của mọi người Hồi giáo là bảo vệ các cộng đồng thiểu số”. “Chúng tôi hành động chống lại kẻ thù của các nhóm thiểu số không chỉ vì nghĩa vụ mà còn vì niềm tin”, Tổng thống Pakistan cho biết thêm. “Với tư cách là tín đồ của người sáng lập quê hương, Ali Jinnah và là tín đồ của Nhà tiên tri Muhammad, chúng tôi hành động theo luật pháp và Hiến pháp Pakistan, điều khuyến khích và bắt buộc chúng tôi phải đáp trả những hành động tàn bạo này. Chúng tôi sẽ không ân xá dễ dàng cho những kẻ bức hại. Nếu bất cứ ai đàn áp một cộng đồng, công lý sẽ đến với họ”.
“Anh chị em thân mến”, Thủ tướng Pakistan nói với các Kitô hữu, “chúng tôi sẽ sát cánh cùng với các bạn, chúng tôi sẽ là tiếng nói của những người không có tiếng nói. Chúng tôi sẽ thực thi luật pháp và các bạn sẽ thấy rằng nhà nước và xã hội không chỉ đề nghị với các bạn bằng lời nói suông mà còn sát cánh bằng những cử chỉ cụ thể và ý nghĩa”. Thủ tướng Anwar ul Haq sau đó đã phân phát hỗ trợ tài chính trị giá 2 triệu rupee cho mỗi Kitô hữu có nhà cửa bị phá hủy do bạo lực.
Ở cấp độ đối thoại liên tôn như một cách để củng cố các mối quan hệ và xây dựng nền văn hóa hòa bình và chung sống, hiệp hội quốc tế “Các Tôn giáo vì Hòa bình” kêu gọi “các đối tác đại kết và liên tôn trên toàn thế giới nói ‘Không’ với mọi hình thức bạo lực và áp bức và tiếp tục cầu nguyện cho công lý và hòa bình ở Pakistan”. Tinh thần liên đới với các cộng đồng Kitô giáo bị ảnh hưởng cũng rất mạnh mẽ giữa những người Pakistan sống ở hải ngoại: “Vụ việc chấn động này đã làm rung động trái tim của mọi người trên toàn thế giới và đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về sự đoàn kết, sự hiểu biết và khoan dung tôn giáo”, theo hiệp hội Pakistan “Tiếng nói của Những người không có tiếng nói” (VOV) được thành lập ở nước ngoài. “Vào thời điểm đau buồn và khốn khổ này, chúng tôi gửi lời cảm thông sâu sắc nhất đến cộng đồng Kitô giáo Pakistan. Chúng tôi kêu gọi tất cả các cá nhân, cộng đồng quốc tế và các nhà lãnh đạo cùng nhau chống lại sự hận thù, bạo lực và không khoan dung, đồng thời thúc đẩy và nuôi dưỡng một môi trường nơi tất cả các tín ngưỡng đều được tôn trọng và được đánh giá cao tại Pakistan”.
Hoàng Thịnh (theo Fides)