Sự suy yếu đức tin đặc biệt đáng chú ý trong thế hệ trẻ người Ba Lan. Trong khi cho đến gần đây người ta vẫn có thể hy vọng rằng xã hội Ba Lan có khả năng chống lại các xu hướng thế tục hóa đặc trưng của phương Tây nhiều hơn, thì ngày nay niềm hy vọng này ngày càng mờ nhạt.
Được chuẩn bị bởi hãng thông tấn Công giáo Ba Lan (KAI) với sự hợp tác của Viện Di sản Tư tưởng Quốc gia Ba Lan (IDMN), báo cáo “Giáo hội tại Ba Lan 2023” cho thấy công việc của Giáo hội tại Ba Lan trong các lĩnh vực mục vụ, lĩnh vực truyền giáo và các lĩnh vực từ thiện và xã hội. Bản báo cáo cũng mô tả các xu hướng tôn giáo hiện nay ở Ba Lan cũng như những thách thức mới mà Giáo hội Ba Lan phải đối mặt ngày nay, trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói đến.
Báo cáo được trình bày hôm qua 27/9 tại Warsaw.
Bản báo cáo cho thấy đức tin tôn giáo vẫn là một yếu tố quan trọng của bối cảnh Ba Lan và Giáo hội có một trong những lực lượng tông đồ lớn nhất ở Châu Âu.
Mặc dù vậy, tôn giáo của người Ba Lan khác nhau tùy thuộc vào thế hệ và môi trường xã hội. Ngày càng khó để nói về Công giáo như yếu tố chính quyết định bản sắc văn hóa của Ba Lan. Giống như các nước châu Âu khác, Ba Lan đang trở thành một quốc gia có tín ngưỡng rất đa dạng. Giáo hội Công giáo không còn là một cơ quan có thẩm quyền phổ quát, nhưng vẫn là một cơ quan có thẩm quyền quan trọng đối với một bộ phận lớn trong xã hội.
Trong khi ở thế hệ cũ, Ba Lan vẫn có tỷ lệ đồng nhất cao với Giáo hội và tuyên bố đức tin vào Chúa (88%), thì thế hệ trung niên đã thấy đức tin suy yếu phần nào, trong khi thế hệ trẻ thì hoàn toàn khác. Báo cáo cho thấy trong lĩnh vực tôn giáo ở Ba Lan có hai thế giới: những người dưới 40 tuổi và những người trên 50 tuổi, với một nhóm người trung gian ở độ tuổi 40.
Báo cáo được công bố hàng năm lưu ý rằng số người tự nhận mình là người thực hành đức tin thường xuyên đã giảm hơn 1/3 trong hai thập kỷ qua.
Theo Viện Thống kê Giáo hội Công giáo Ba Lan, tỷ lệ người Ba Lan tham dự Thánh lễ Chúa nhật đã giảm từ 47% vào đầu thiên niên kỷ xuống còn 28% vào năm 2021.
Theo nghiên cứu của CBOS, từ năm 2022, chỉ 69% người trẻ tự coi mình là tín hữu, trong đó 4% là những người tin tưởng sâu sắc, 14,7% là những người yếu đức tin và 12,3% là những người không còn đức tin. Bản tóm tắt báo cáo cho rằng sự suy giảm việc thực hành tôn giáo trong giới trẻ nghiêm trọng đến mức người ta thậm chí có thể nói về sự gián đoạn trong việc truyền tải đức tin giữa các thế hệ, mà cho đến nay vẫn là một trong những đặc điểm nổi bật của bản sắc Ba Lan.
Một trong những ảnh hưởng của việc suy yếu lòng đạo của giới trẻ, cũng như áp lực của các xu hướng bất lợi cho Giáo hội, là sự suy giảm ơn gọi linh mục và tu sĩ. Vào năm 2000, có 6.800 ứng viên ghi danh vào các chủng viện giáo phận và dòng tu. Nhưng đến đầu năm 2023, con số đó đã giảm xuống còn 1.900.
Quá trình một số trí thức Ba Lan rời khỏi Giáo hội, đặc biệt là cư dân của các thành phố lớn nhất, thật đáng lo ngại. Quyền lực của Giáo hội, được đo bằng những đánh giá tích cực về các hoạt động của Giáo hội với tư cách là một tổ chức được công chúng tin tưởng, cũng đang suy yếu – trong thập kỷ qua đánh giá tích cực đã giảm từ khoảng 65% còn 48%.
Những hiện tượng này tạo thành một lời cảnh báo khi nói đến tương lai tôn giáo của Ba Lan.
Ngọc Huỳnh