Một báo cáo mới được công bố từ một nhóm giám sát châu Âu đã phát hiện gần 2.500 trường hợp được ghi nhận về tội ác thù hận chống lại các Kitô hữu sống ở châu Âu. Khoảng 1.000 vụ tấn công này xảy ra ở Pháp.
Theo báo cáo của Đài quan sát về sự bất khoan dung và phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu ở Âu Châu (OIDAC), dựa trên dữ liệu của cả cảnh sát lẫn xã hội dân sự, đã có 2.444 tội ác thù hận chống lại các Kitô hữu và các hành vi phân biệt đối xử và bất khoan dung xảy ra trên 35 quốc gia Châu Âu từ năm 2023 đến năm 2024.
Trong số đó, có 232 vụ tấn công cá nhân, quấy rối, đe dọa và hành hung các Kitô hữu.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất: Pháp, Anh và Đức
Gần 1.000 tội ác thù hận chống lại các Kitô hữu được báo cáo ở Châu Âu vào năm 2023 đã xảy ra ở Pháp, với 90% các vụ tấn công nhằm vào nhà thờ hoặc nghĩa trang. Báo cáo cũng phát hiện có khoảng 84 vụ tấn công cá nhân nhằm vào các cá nhân.
Ngoài các vụ tấn công về thể lý, báo cáo còn trích dẫn dữ liệu từ Đài quan sát Di sản Tôn giáo Pháp, nơi ghi nhận 8 trường hợp đốt phá nhà thờ được xác nhận tại Pháp vào năm 2023 và 14 vụ tấn công trong 10 tháng đầu năm 2024. Một số trường hợp được báo cáo là do “bom xăng”, một loại bom cháy cầm tay tự chế.
Các cộng đồng tu trì cũng đã báo cáo các vụ việc quấy rối. Ví dụ, 2 Nữ tu được trích dẫn trong báo cáo đã tuyên bố vào năm 2023 rằng họ sẽ rời khỏi thành phố Nantes ở phía tây bắc vì “sự thù địch và bất an liên tục”. Các Nữ tu được cho là đã trải qua “những vụ đánh đập, khạc nhổ và lăng mạ”.
Theo báo cáo, Vương quốc Anh đứng sát sau Pháp với 702 vụ tội ác thù hận chống lại các Kitô hữu được báo cáo, tăng 15% so với năm 2023.
Báo cáo cũng coi những vụ việc các Kitô hữu bị truy tố vì cầu nguyện thầm lặng ở những nơi được gọi là “vùng đệm” của đất nước là hành vi chống Kitô giáo, chẳng hạn như trường hợp của Adam Smith-Connor, người bị kết án vì cầu nguyện trước một phòng khám phá thai.
Báo cáo nêu rõ rằng tại Đức, quốc gia bị ảnh hưởng nhiều thứ ba, số liệu thống kê chính thức của chính phủ cho biết có 277 “tội ác thù hận có động cơ chính trị” chống lại các Kitô hữu vào năm 2023, tăng 105% so với năm trước khi có 103 vụ tấn công được báo cáo.
OIDAC Châu Âu ước tính độc lập rằng “ít nhất 2.000 vụ phá hoại tài sản tại các địa điểm thờ phượng của các Kitô hữu vào năm 2023” đã xảy ra.
Động cơ và thủ phạm của tội ác thù hận chống lại các Kitô hữu
OIDAC Châu Âu phát hiện rằng trong số 69 trường hợp được ghi nhận có thể giải thích chính xác động cơ và hoàn cảnh của thủ phạm, 21 trường hợp bị kích động bởi vấn đề Hồi giáo cực đoan, 14 trường hợp có bản chất chung là chống tôn giáo, 13 trường hợp có liên quan đến động cơ chính trị cực tả và 12 trường hợp “có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine”.
Báo cáo cũng lưu ý rằng số lượng về mặt này vẫn không thay đổi so với năm 2022, “ngoại trừ các trường hợp có lý do Hồi giáo, tăng từ 11 lên 21 trường hợp”.
Bị đẩy đến bờ vực im lặng
Ngoài các vụ tấn công công khai, báo cáo của OIDAC còn nhấn mạnh hiện tượng phân biệt đối xử ngày càng gia tăng tại nơi làm việc và đời sống công cộng, dẫn đến tình trạng tự kiểm duyệt gia tăng ở những người thực hành đức tin của mình.
Theo một nghiên cứu có trụ sở tại Vương quốc Anh từ tháng 6 được trích dẫn trong báo cáo, 56% trong số 1.562 người được hỏi cho biết họ “đã từng trải qua sự thù địch và chế giễu khi thảo luận về niềm tin tôn giáo của mình”, tăng tổng thể 61% trong số những người dưới 35 tuổi. Ngoài ra, 18% những người tham gia nghiên cứu cho biết đã từng trải qua sự phân biệt đối xử, đặc biệt là trong số những người ở nhóm tuổi trẻ hơn.
Hơn 280 người tham gia cuộc khảo sát tương tự cho biết “họ cảm thấy mình bị thiệt thòi vì tôn giáo của mình”.
“Tôi đã bị bắt nạt tại nơi làm việc, bị coi là kém cỏi, mặc dù tôi rất thành công trong công việc ở những môi trường khác, cho đến khi tôi nghỉ việc”, một người phụ nữ trả lời ở độ tuổi cuối 40 đã nêu trong cuộc khảo sát, trong khi một người trả lời khác, một người đàn ông ở độ tuổi giữa đến cuối 50, cho biết: “Bất kỳ sự đề cập nào đến đức tin trong CV đều ngăn cản một người khỏi một cuộc phỏng vấn. Đánh giá hàng năm của tôi đã bị hạ thấp vì tôi đã nói về Chúa Kitô”.
Báo cáo giải thích rằng phần lớn sự phân biệt đối xử xảy ra do “thể hiện niềm tin tôn giáo về các vấn đề xã hội”. Tuy nhiên, theo báo cáo, tại Vương quốc Anh, những trường hợp này đã lan rộng đến các cuộc trò chuyện và bài đăng riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân.
Một trường hợp liên quan đến một bà mẹ có hai con, chị Kristie Higgs, đã được trích dẫn trong báo cáo. Chị Higgs đã bị sa thải khỏi công việc trợ lý sau khi chia sẻ, trong một bài đăng riêng tư trên Facebook, “mối quan ngại về việc thúc đẩy chủ nghĩa chuyển giới trong các bài học giáo dục giới tính tại trường tiểu học của con trai của chị”.
“Tôi không phải là người duy nhất bị đối xử theo cách này — nhiều người khác ở đây để ủng hộ tôi hôm nay cũng phải đối mặt với hậu quả tương tự”, chị Higgs tuyên bố sau phiên điều trần của bà tại Tòa Phúc thẩm vào tháng 10.
“Đây không chỉ là về tôi”, chị Higgs cho biết thêm. “Không thể đúng khi có quá nhiều Kitô hữu mất việc hoặc phải chịu kỷ luật vì chia sẻ chân lý Kinh Thánh, đức tin Kitô giáo của chúng ta”.
Sự can thiệp của chính phủ đối với Giáo hội Công giáo
Hai trường hợp chính phủ can thiệp vào quyền tự chủ của tôn giáo Công giáo đã được trích dẫn.
Một trường hợp đã xảy ra ở Pháp, khi một tòa án dân sự thế tục “phán quyết chống lại các thủ tục Giáo luật nội bộ của Vatican” trong một vụ án liên quan đến một Nữ tu người Pháp bị trục xuất khỏi Dòng tu của mình. Vatican đã gửi một lá thư tới Đại sứ quán Pháp để phản hồi phán quyết này, điều mà Tòa Thánh gọi là “một sự vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản về tự do tôn giáo và quyền tự do lập hội của các tín hữu Công giáo”.
Tại Bỉ, báo cáo cũng lưu ý, 2 Giám mục đã bị kết án và phải bồi thường sau khi họ từ chối nhận một phụ nữ vào chương trình đào tạo Phó tế, bất chấp luật nhân quyền bảo vệ quyền của các tổ chức tôn giáo như Giáo hội Công giáo, trong việc quyết định các vấn đề như truyền chức cho hàng giáo sĩ mà không có sự can thiệp của cấp nhà nước.
Các khuyến nghị
“Vì tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo là nền tảng cho các xã hội tự do và dân chủ, chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia sẽ không thỏa hiệp trong việc bảo vệ các quyền cơ bản này, và do đó đảm bảo một môi trường cởi mở và hòa bình trong các xã hội của chúng ta”, báo cáo nêu trong phần kết luận.
Báo cáo của OIDAC bao gồm nhiều khuyến nghị khác nhau gửi tới chính phủ các nước châu Âu, các tổ chức nhân quyền, Liên minh châu Âu, các thành viên phương tiện truyền thông và các “lãnh đạo dư luận” khác cũng như các nhà thờ và cá nhân Kitô hữu.
Các khuyến nghị của tổ chức giám sát bao gồm lời kêu gọi bảo vệ quyền tự do ngôn luận, báo cáo mạnh mẽ hơn về sự bất khoan dung và phân biệt đối xử với các Kitô hữu, từ bỏ “phát ngôn thù hận” chống lại các ở nơi công cộng và để những người có đức tin tham gia vào các cuộc thảo luận công khai như một phương tiện “đối thoại giữa tôn giáo và xã hội thế tục”.
Minh Tuệ (theo CNA)