
Trong bức ảnh được chụp hôm thứ Hai, ngày 18 tháng 2 năm 2019, Rebecca Ishaku, một đứa trẻ bị di tản bởi những kẻ cực đoan Hồi giáo đang nghịch tràng hạt khi em được mẹ, chị Lucy Ishaku, bế trên tay tại trại tập trung Malkohi ở Yola, Nigeria (Ảnh: Sunday Alamba / AP)
Ít nhất 3.462 Kitô hữu, bao gồm 10 Linh mục hoặc Mục sư, đã bị sát hại tại Nigeria trong 200 ngày đầu năm 2021.
Con số, chỉ ít hơn 68 ca tử vong so với tổng số ước tính cho năm 2020, phù hợp với những cảnh báo từ các tổ chức nhân quyền tập trung vào cuộc đàn áp chống Kitô giáo liên quan đến sự gia tăng của bạo lực do tôn giáo ở Nigeria, và một quốc gia nơi dân số theo Kitô giáo và Hồi giáo được coi là ít nhiều có sự phân chia đồng đều.
Theo một báo cáo gần đây xuất phát từ chính Nigeria do Hiệp hội Quốc tế về Quyền tự do dân sự và Pháp quyền thực hiện, số lượng các Kitô hữu không vũ trang đã bị sát hại bởi các thành viên của tổ chức khủng bố Hồi giáo Boko Haram hoặc các nhóm Jihadist khác trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 18 tháng 7 năm 2021, hầu như không thấp hơn so với ước tính của Tổ chức ‘Open Door’s International’ cho năm 2020.
Con số này có nghĩa là mỗi ngày có 17 Kitô hữu bị sát hại vì những lý do liên quan đến đức tin của họ trong nửa đầu năm 2020, mức trung bình hàng ngày cao thứ hai kể từ năm 2014, khi hơn 5.000 Kitô hữu thiệt mạng được ghi nhận dưới bàn tay của lực lượng Boko Haram và những người chăn nuôi gia súc Fulani thánh chiến.
Ngoài những Kitô hữu đã bị giết hại trong 200 ngày đầu năm 2021, khoảng 3.000 Kitô hữu, nhiều người trong số họ là trẻ em gái và phụ nữ, đã bị bắt cóc bởi những kẻ khủng bố Hồi giáo và nơi ở của họ hiện vẫn chưa được biết. Những người đứng sau báo cáo ước tính, ngoại suy từ các trường hợp trước đó, rằng cứ 10 Kitô hữu bị bắt cóc thì có ít nhất 3 người đã thiệt mạng.
Ở cấp độ cấu trúc, gần 300 nhà thờ đã bị đe dọa hoặc bị tấn công và phải đóng cửa, phá hủy hoặc bị phóng hỏa kể từ tháng 1 năm 2021.
Hiệp hội Quốc tế về Quyền tự do dân sự và Pháp quyền là một nhóm nghiên cứu và điều tra về quyền đã theo dõi và điều tra các cuộc đàn áp tôn giáo và các hình thức bạo lực tôn giáo khác bởi các tổ chức nhà nước và phi nhà nước trên khắp Nigeria kể từ năm 2010. Trong báo cáo về bạo lực chống lại các Kitô hữu năm nay, họ lưu ý rằng họ thực hiện nghiên cứu của mình “thông qua việc sử dụng các mối liên hệ trực tiếp với nạn nhân, nhân chứng, theo dõi phương tiện truyền thông, xem xét các báo cáo địa phương và quốc tế đáng tin cậy, các cuộc phỏng vấn và các nguồn đóng, v.v.”.
Trong tuyên bố sứ mạng của mình, họ tự định nghĩa mình là một “nhóm vận động nhân quyền, dân chủ, pháp quyền và an ninh và an toàn độc lập và phi lợi nhuận, ủng hộ và bảo vệ quyền của người dân trong và ngoài các bờ biển của Nigeria”.
“Điều này chúng tôi thực hiện không phân biệt nạn nhân hay bộ tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, màu da, địa vị hoặc giai cấp của nhóm bị trù dập của họ” là những gì được đăng trên trang web của họ. “Chúng tôi điều tra thực tế và nhất quán các hành vi lạm quyền và các vụ vi phạm, đặc biệt là những hành vi liên quan đến tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, diệt chủng và các hành vi bị quốc tế nghiêm cấm khác bao gồm tra tấn và những hành vi đối xử vô nhân đạo khác; vạch trần những hành vi đó một cách rộng rãi bao gồm cả những kẻ thủ phạm, và đồng thời gây áp lực buộc những người có thẩm quyền phải tôn trọng và bảo vệ các quyền cũng như đảm bảo công lý cho các nạn nhân”.
Trong báo cáo về cuộc đàn áp chống Kitô giáo ở Nigeria, họ cũng lưu ý rằng điều “đáng buồn sâu sắc” là cho đến nay, những người chịu trách nhiệm đối với “các vụ tàn sát chém giết” chống Kitô giáo ở nước này đã “tiếp tục trốn tránh công lý và vẫn không bị kiểm soát, không bị điều tra, và chưa bị xét xử; dẫn đến thái độ dủng dưng trước pháp luật và tái phạm các hành vi tàn ác”.
Họ cũng cho rằng chính phủ đã hoàn toàn “bỏ rơi” các nạn nhân, những người sống sót sau các vụ tấn công với những vết sẹo lâu dài về thể chất và tinh thần, và gia đình của họ.
“Các lực lượng an ninh của đất nước đã lúng túng và thỏa hiệp đến mức họ hầu như không can thiệp khi các Kitô hữu dễ bị tổn thương đang gặp nguy cơ bị đe dọa hoặc bị tấn công, mà chỉ xuất hiện sau các vụ tấn công như vậy để tiến hành bắt giữ và mưu hại cùng một nhóm dân cư bị đe dọa hoặc bị tấn công”, Hiệp hội Quốc tế về Quyền tự do dân sự và Pháp quyền cho biết.
Ở miền bắc đất nước với đa số là người Hồi giáo, các chiến binh thánh chiến hoạt động tự do dưới sự che chở và bảo vệ của các lực lượng an ninh, báo cáo lập luận, với những người theo trào lưu chính thống bị bắt cóc, giết hại, cướp bóc, phá hủy hoặc đốt cháy và cưỡng bức cải đạo các Kitô hữu bị giam cầm và không được bảo vệ cũng như nhà cửa và những nơi thờ phượng linh thiêng và cơ sở học tập của họ. Tuy nhiên, báo cáo lập luận, cùng một lực lượng an ninh đã “đáp trả một cách căm thù và tàn bạo với các Kitô hữu miền Nam và miền Bắc bị cáo buộc vi phạm pháp luật”.
Minh Tuệ (theo Crux)