Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew nhấn mạnh mối lo ngại về sự suy giảm ảnh hưởng tôn giáo ở Mỹ

80% người Mỹ tin rằng tôn giáo đang mất dần ảnh hưởng đến đời sống công cộng (Ảnh: 123RF)

80% người Mỹ tin rằng tôn giáo đang mất dần ảnh hưởng đến đời sống công cộng (Ảnh: 123RF)

Trong một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 80% người Mỹ tin rằng tôn giáo đang mất dần ảnh hưởng đối với đời sống công cộng, với gần một nửa coi xu hướng này là tiêu cực. Ngược lại, 18% số người được hỏi cảm thấy ảnh hưởng tôn giáo đang gia tăng.

Sierra Johns, một người nội trợ Kitô giáo 33 tuổi đến từ gần Charlotte, Bắc Carolina, đồng tình với những phát hiện của cuộc khảo sát. Sierra lưu ý rằng mặc dù ảnh hưởng chung của tôn giáo có thể đang suy yếu, nhưng những người trước đây bị ảnh hưởng bởi tôn giáo dường như thậm chí còn giữ vững đức tin của mình sâu sắc hơn.

“Tôn giáo là văn hóa lâu đời nhưng không còn nữa”, Sierra nhận xét. “Nhiều người từng tự nhận mình là “có đạo” không còn cảm thấy cần thiết nữa vì xã hội giờ đây có một thế giới quan mang tính đạo đức hơn là hữu thần”.

94% số người được khảo sát bày tỏ tầm quan trọng của việc Tổng thống Mỹ có một đời sống đạo đức. Tuy nhiên, vẫn có sự hoài nghi về sự sùng đạo của các ứng cử viên Tổng thống chính cho cuộc bầu cử năm 2024. Chỉ 13% xem Tổng thống Joe Biden, một người thực hành đức tin Công giáo, là “rất sùng đạo”, trong khi chỉ 4% nhìn nhận cựu Tổng thống Donald Trump, một Kitô hữu phi giáo phái, cũng có quan điểm tương tự.

Sở thích chính trị cũng bộc lộ sự khác biệt rõ ràng: 51% đảng viên Đảng Cộng hòa thích một Tổng thống có cùng niềm tin tôn giáo với họ, con số này tăng lên 70% ở các tín hữu Tin lành da trắng. Ngược lại, chỉ 25% đảng viên Đảng Dân chủ ưu tiên niềm tin tôn giáo của Tổng thống, và chỉ 11% người Mỹ không theo tôn giáo nào coi điều đó là quan trọng.

Helen Thomas, một nhà văn tự do 40 tuổi đến từ Kenosha, Wisconsin, cho rằng sự suy giảm ảnh hưởng tôn giáo là do những gương mù gương xấu của các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị. “Chúng ta có những tấm gương tồi tệ về ‘các nhà lãnh đạo tôn giáo’ và Kitô giáo nói chung”, Thomas nhận xét khi đề cập đến các nhà lãnh đạo và những nhân vật như Donald Trump. Thomas, người được xác định là một Kitô hữu phi giáo phái, tin rằng chủ nghĩa cực đoan, đặc biệt là từ phe cực hữu với quan điểm Kitô giáo bảo thủ, góp phần làm giảm ảnh hưởng của tôn giáo trong văn hóa Mỹ.

Trong khi 49% số người được hỏi nhìn nhận sự suy giảm của tôn giáo trong đời sống công cộng một cách tiêu cực thì 13% lại nhìn nhận điều đó một cách tích cực. Lisa York, một họa sĩ 47 tuổi đến từ Buffalo, New York, thuộc nhóm sau. “Một số cuộc chiến tranh và hành động tồi tệ nhất đã được thực hiện nhân danh Thiên Chúa”, York nói, đồng thời chỉ trích việc một số người lợi dụng tôn giáo để biện minh cho thành kiến và sự hận thù. York, một người trước đây theo đạo Công giáo, khẳng định rằng người ta không cần phải kính sợ Thiên Chúa mới có thể đối xử tử tế với người khác.

Mandy Devine, một huấn luyện viên Kitô giáo 56 tuổi đến từ Statesville, Bắc Carolina, đồng ý với kết quả của cuộc khảo sát nhưng gợi ý rằng “tôn giáo” nên được thay thế bằng “Kitô giáo”. Bà chỉ ra sự mất đoàn kết nội bộ và việc Giáo hội không thể phân biệt được mình với những quan điểm thế tục như là những lý do dẫn đến sự suy thoái được nhận thức. “Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa bằng cả tâm hồn, yêu thương những người lân cận và bước đi trong sự đoàn kết”, bà Devine khẳng định, “thì mọi người sẽ đổ xô đến để được trở thành một phần của món quà ân sủng tuyệt vời này”.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew nhấn mạnh một sự thay đổi văn hóa quan trọng ở Mỹ, phản ánh những quan điểm khác nhau về vai trò và ảnh hưởng của tôn giáo trong xã hội hiện đại.

Minh Tuệ (theo Zenit)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube