Những người Bắc Triều Tiên bị hồi hương từ Trung Quốc và đã tiếp xúc với các Kitô hữu sẽ bị đưa vào các trại tù chính trị của Bắc Triều Tiên, theo báo cáo mới nhất về tự do tôn giáo của Tổ chức Giáo hoàng mang tên Trợ giúp cho các Giáo hội Đau khổ (ACN).
“Bị bách hại và bị lãng quên? Báo cáo về các Kitô hữu bị đàn áp vì Đức tin của họ 2022-24” được xuất bản trong tháng này trong Tuần lễ Đỏ và là sáng kiến của ACN nhằm thu hút sự chú ý đối với tình trạng đàn áp tôn giáo trên toàn thế giới. Báo cáo năm 2024 đề cập đến tình hình ở 18 quốc gia chính, trong đó có Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên là một quốc gia cộng sản do triều đại Kim cai trị từ năm 1948, và mặc dù “việc ước tính số lượng Kitô hữu thực sự hoặc mức độ đức tin của họ ở Triều Tiên là vô cùng khó khăn”, ACN cho biết, “ước tính họ chiếm khoảng 0,38% dân số, tương đương với hơn 98.000 người”.
Tuy nhiên, mặc dù số lượng tín đồ ít ỏi, Kitô giáo vẫn bị coi là mối đe dọa đối với nhà nước, đó là lý do tại sao các Kitô hữu buộc phải hoạt động bí mật.
Theo Đài Phát thanh Truyền hình Hàn Quốc (KBS), toàn bộ dân chúng buộc phải tuân theo tư tưởng Juche, “một hệ tư tưởng về ‘tự lực cánh sinh’ của chủ nghĩa Marx do người sáng lập đất nước, Kim Il-Sung, tạo ra”.
Để trốn khỏi đất nước, người dân Bắc Triều Tiên thường sử dụng đường biên giới dài 880 dặm với Trung Quốc. Nếu họ vượt qua được biên giới được kiểm soát chặt chẽ, những người chạy trốn phải đến biên giới thứ ba mà không bị phát hiện, chủ yếu là Thái Lan, và xin tị nạn tại đại sứ quán Hàn Quốc, nơi sẽ đưa họ đến Hàn Quốc.
Tuy nhiên, những người bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ sẽ bị hồi hương về Bắc Triều Tiên. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, vào tháng 4, chính quyền Bắc Kinh đã trục xuất khoảng 60 người Bắc Triều Tiên.
Trong báo cáo của mình, ACN đề cập đến những người đào tẩu đã bị hồi hương vào tháng 10 năm 2023 và cho biết có lý do để lo ngại cho những người “đã tiếp xúc với các Kitô hữu khi họ ở bên ngoài đất nước. Tất cả họ đều bị đưa đến các trại tù chính trị, khét tiếng với sự đối xử khắc nghiệt với những người bị giam giữ ở đó”.
Báo cáo lưu ý rằng trong khi nhiều người được giảm án, “những người tiếp xúc với Kitô giáo” bị giam giữ “trong các trại tù chính trị, trên thực tế là án chung thân không được ân xá”.
Trích dẫn một nguồn tin giấu tên tại Bắc Triều Tiên với Daily NK vì lý do an ninh, báo cáo của ACN cho biết “các cơ quan an ninh nhà nước Bắc Triều Tiên căn cứ các hồ sơ do cảnh sát Trung Quốc cung cấp để thẩm vấn những người đào tẩu hồi hương”.
“Nếu bất cứ điều gì liên quan đến tôn giáo được đề cập trong hồ sơ, những người đào tẩu sẽ bị giam giữ không thể tránh khỏi trong các trại tập trung” bất kể họ nói gì về những sự việc đã xảy ra, báo cáo lưu ý.
Những người có đức tin bị coi là ‘một tầng lớp thù địch’
Tổ chức Giáo hoàng tuyên bố rằng ở Bắc Triều Tiên, “bị coi là quốc gia tồi tệ nhất thế giới đối với các Kitô hữu”, người dân được phân loại theo lòng trung thành của họ với nhà nước và “những người có đức tin tự động bị coi là ‘giai cấp thù địch’ và phải chịu sự đàn áp không ngừng nghỉ”.
“Mặc dù có những vi phạm nhân quyền tràn lan trên khắp cả nước và sự đàn áp tôn giáo ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống và mọi nhóm tôn giáo, nhưng theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các Kitô hữu và các tín đồ Mugyo (Shaman giáo) là những người bị đàn áp nhiều nhất”, báo cáo giải thích.
Illyong Ju, một người đào tẩu khỏi Triều Tiên hiện là một Kitô hữu, nói với ACN rằng những người đào tẩu bị hồi hương đang bị buộc phải thú nhận mọi thông tin họ biết về 1.000 người vẫn chưa bị hồi hương về Triều Tiên trước khi họ thực sự đến nước này.
Tuy nhiên, Illyong Ju nhấn mạnh rằng trong số những người đào tẩu “sẽ có những người tin vào Chúa Giêsu và sẽ truyền bá Tin Mừng ở bất cứ nơi nào họ đến. Giống như Sơ Kim, người làm việc với tôi và đã truyền giáo cho 8 người khi Sơ ở trong nhà tù Bắc Triều Tiên do bị cưỡng bức hồi hương”.
“Do đó, chúng tôi tin rằng những người bị cưỡng bức trở về Bắc Triều Tiên sẽ trở thành những thành viên tuyệt vời của Dân Chúa, những người sẽ đứng lên chống lại sự áp bức của chế độ Bắc Triều Tiên”, Illyong Ju nói.
Minh Tuệ (theo CNA)