Với việc các nhóm Hồi giáo ngày càng có nhiều ảnh hưởng chính trị ở Bangladesh, các nguồn tin từ Giáo hội ngày càng lo ngại về cách đối xử với các Kitô hữu và các vụ tấn công liên tục vào các trường học Công giáo.
Các Kitô hữu thường phải vật lộn để tìm việc làm, các dự án xây dựng nhà thờ bị trì hoãn và tương lai của các trường học Công giáo đang bị đe dọa, theo một nguồn tin của Giáo hội muốn giấu tên vì lý do an ninh.
Phát biểu với tổ chức từ thiện Công giáo mang tên Trọ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN), nguồn tin giấu tên cho biết quyền tự do tôn giáo – mặc dù được hiến pháp bảo đảm – nhưng không được tôn trọng.
Người liên lạc của ACN cho biết thêm rằng “đảng Jamaat-e-Islami theo chủ nghĩa chính thống”, có quan hệ với chính phủ, “muốn Hồi giáo thở thành tôn giáo duy nhất ở Bangladesh”.
“Danh sách các ngày lễ gần đây đã thay đổi, và nhiều lễ hội Hồi giáo đã trở thành ngày lễ quốc gia. Các Kitô hữu đang yêu cầu ít nhất một ngày nghỉ vào dịp lễ Phục Sinh, vốn thậm chí không được liệt kê như là một ngày nghỉ lễ một cách hợp thức. Vò dịp lễ Phục Sinh, mọi người phải đi làm và học sinh phải ngồi làm bài thi, vì vậy họ không thể tham dự Thánh lễ và các buổi cử hành phụng vụ khác”.
Nguồn tin giải thích rằng các Kitô hữu không thể tìm được việc làm ở một số vùng của đất nước, và “chính quyền cũng gây khó khăn cho chúng tôi trong việc xây dựng nhà nguyện mới”, không cấp phép đúng hạn.
Người liên lạc của ACN cho biết các trường học và trường đại học Công giáo cũng đã bị nhắm mục tiêu – một đám đông “do Jamaat-e-Islami kiểm soát” đã phóng hỏa một trường học, và những đám đông tương tự đã gây áp lực ngày càng tăng đối với các tổ chức Công giáo để thay thế những người phụ trách.
“Mục tiêu của họ là tiếp quản việc quản lý trường học. Họ đang yêu cầu một quy định về trang phục Hồi giáo – khăn trùm đầu cho nữ sinh và mũ topi truyền thống cho nam sinh. Họ đang nỗ lực tiếp quản ủy ban quản lý trường học và kiểm soát tài chính cũng như mọi thứ khác”, người liên lạc của ACN cho biết thêm.
“Họ nói với các trường học rằng họ không muốn một Linh mục, một Nữ tu hay một giáo viên nào đó ở đó. Ở một số trường, các nhà quản lý tôn giáo của chúng tôi đã bị buộc phải từ chức. Ở một trường nọ, 2 Nữ tu đã bị buộc phải từ chức. Ở một trường đại học, 1 Linh mục đã bị buộc phải nghỉ việc”.
Nguồn tin nhấn mạnh rằng Giáo hội đã thành lập một ủy ban liên tôn gồm các chuyên gia pháp lý và các nhà lãnh đạo khác, những người đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các cộng đồng Kitô giáo “duy trì tình hình hòa bình” và “kêu gọi công lý”.
ACN đã giúp Giáo hội Bangladesh xây dựng trường học, nhà thờ, tu viện và nhà dòng, cũng như cung cấp phương tiện cho các Linh mục và hỗ trợ các chương trình đào tạo cho các Giáo lý viên. Nguồn tin nói về tầm quan trọng của sự hỗ trợ này: “Các Giáo lý viên thường giúp các nhà lãnh đạo làng xã trong công tác quản lý và hành chính công vì họ thường có trình độ học vấn cao hơn chính các nhà lãnh đạo. Chúng tôi đào tạo các Giáo lý viên về thần học và Giáo lý của Giáo hội để họ có thể giúp điều hành cộng đồng của mình tốt hơn”.
Và ông kết luận: “Các Linh mục cũng nhận được bổng lễ từ ACN. Điều này rất cần thiết, vì thu nhập ở nhiều khu vực rất thấp, và các khoản quyên góp trong Thánh lễ rất ít ỏi. Xin Chúa chúc lành cho ACN vì sự quảng đại giúp đỡ của tất cả anh chị em”.
Minh Tuệ (theo ACN)