Bài suy niệm Mùa Vọng - Phần 3

Picture1

MỘT THÂN MÌNH

MÙA VỌNG – PHẦN 3

 Si-mê-on và An-na

1520080957503

Si-mê-on và An-na: Những người lớn tuổi và khoan dung, những nhân chứng thật sự hơn là những nhân vật nổi bật

 

Trong bài suy niệm thứ 3 của Mùa Vọng này nhằm chuẩn bị cho việc Chúa đến, chúng ta có điều kiện để có thể suy ngẫm một chút về đời sống cá nhân và cộng đồng với mong muốn điều chỉnh để theo sát hơn với Tin Mừng – tôi xin đề nghị tập trung vào chứng tá của Si-mê-on và An-na được nêu ra trong Lc 2, 25-38. Tin Mừng Luca kể cho chúng ta về Si-mê-on và An-na, hai người lớn tuổi đã chờ đợi Thiên Chúa như là lý do để họ tiếp tục sống –  họ chính là hình mẫu cho các tín hữu lớn tuổi. Tôi muốn nhắc lại ở đây lời mang tính ngôn sứ của cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI: “Điều chúng ta cần trên hết vào thời điểm này trong lịch sử là có những con người mà đời sống đức tin của họ được soi sáng và thử luyện, qua đó họ có khả năng làm cho Thiên Chúa trở nên đáng tin cậy trong thế giới ngày hôm nay. Chỉ thông qua những con người đã được đụng chạm bởi Thiên Chúa thì khi ấy Thiên Chúa mới có khả năng năng quay trở lại với con người.”[1]

  1. SI-MÊ-ON

Si-mê-on hay Shimon (từ trong tiếng Do Thái là Šimʿon) có nghĩa là ‘Chúa đã nghe’, “Chúa nghe”. Vậy cụ Si-mê-on là ai? Những ngụy thư chứa đầy những suy đoán về ông.[2] Tin Mừng theo thánh Giacôbê (một bản ngụy thư viết bằng tiếng Hy Lạp có niên đại khoảng năm 150 sau Công nguyên) nói rằng Si-mê-on là một tư tế. Sách Công vụ Phi-la-tô cho chúng ta biết rằng Si-mê-on là một bậc thầy trong Do Thái. Ông ở độ tuổi gần 112 khi gặp Chúa Giêsu, Ngụy Tin Mừng Mat-thêu cũng nói như vậy. Một nguỵ thư khác nói rằng chính Hài Nhi Jesus đã nói chuyện với Si-mê-on và nói với ông rằng những lời cầu nguyện của ông đã được lắng nghe. Vì thế, có một cuộc gặp gỡ tương phản tuyệt vời ở giữa một cụ già và một trẻ thơ, giữa một người đàn ông sắp kết thúc cuộc hành trình dương thế và một trẻ thơ mới bắt đầu cuộc đời. Cụ già Si-mê-on đại diện cho dân tộc Israel đang đi đến hồi kết trong bối cảnh này. Nhưng đồng thời, chúng ta cảm nhận rằng dân Israel già nua này lại rất trẻ trung nhờ sự hiện diện của Thánh Thần. Ông Si-mê-on đại diện cho một Israel sắp kết thúc, báo trước một Israel sắp được đổi mới, nghĩa là ông báo trước Hội Thánh sẽ là một cộng đoàn mà Chúa Thánh Thần ngự xuống trên đó, trong Hội Thánh ấy có Chúa Thánh Thần sống và Hội Thánh được dẫn dắt bởi chín Ngài.

Si-mê-on được miêu tả có hai đặc điểm: ông là “một người công chính và ngoan đạo” và ông “những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en” (c. 25). Với việc chờ đợi “sự an ủi,” người đàn ông lớn tuổi này đã ôm lấy niềm hy vọng lớn lao là làm cho Itrael trở nên sinh động hơn, đó là sự mong đợi sự an ủi mang cứu độ (x. Is 40, 1; 49,13; 52, 9). Một điều khá rõ ràng là tin mừng Lu-ca đã nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc hình thành nên con người của của ông Si-mê-on.  Việc nhắc đến Chúa Thánh Thần trong ba lần: “Thánh Thần hằng ngự trên ông” (c. 25); “Chúa Thánh Thần” đã mặc khải cho ông –  rằng ông sẽ không chết trước khi nhìn thấy Đấng Kitô (câu 26); cuối cùng, “được Thánh Thần thúc đẩy, ông đi vào đền thờ” (c.27).

Tin Mừng thuật lại rằng ông Si-mê-on “đã đón Hài Nhi Giêsu vào vòng tay mình và chúc tụng Thiên Chúa” (c.28). Điều đáng chú ý là bản gốc không nói rằng ông “bắt gặp” Chúa Giêsu, nhưng ông đã “tiếp nhận và chào đón Chúa Giêsu”. Ý nghĩa này bắt nguồn từ động từ tiếng Hy Lạp ἐδέξατο /edeksato được sử dụng ở đây[3] và nêu bật một chân lý thần học quan trọng là tất cả chúng ta đều nhận (đón chào) Chúa Giêsu.

Si-mê-on là nhân chứng cho sự thật được mặc khải, được Thánh sử Lu-ca diễn tả theo một cách thức là: bất cứ ai bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần thì luôn tới đúng nơi, dứng thời điểm để từ đó có khả năng tiếp nhận / chào đón Chúa Giêsu. Và khi tiếp nhận Chúa Giêsu, người ta nhận được sự an ủi và niềm vui, như Si-mê-on đã mong đợi: “Ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en” (c. 25). Chờ đợi sự an ủi này là đặc tính quan trọng nhất của ông Si-mê-on. Ông ấy là hiện thân của niềm hy vọng lớn lao đã làm sống động Israel, niềm mong đợi niềm an ủi của Đấng Thiên Sai (x. Is 40:1; 49:13; 52:9). Vì vậy, sau khi đón nhận Chúa Kitô, Si-mê-on hát lên niềm vui vì đôi mắt đã thấy và giờ đây có thể nhắm lại: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu đô Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (c. 29-32). Đôi mắt của Si-mê-on nhìn thấy nơi Chúa Giêsu ánh sáng đã được tiên báo để chiếu sáng cho Muôn Dân.[4] Ông Si-mê-on, người lớn tuổi đã “được Thiên Chúa chạm đến” để làm chứng rằng “qua một đức tin được soi sáng và kinh nghiệm” thì sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử sẽ được sáng tỏ hơn.

  1. NGÔN SỨ AN-NA

Khác với Si-mê-on, người tới đền thờ vì trách nhiệm của mình, thì An-na được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đã ở sẵn trong đền thờ. Lu-ca giới thiệu bà ấy một cách ngắn gọn: Bà là con gái của Pơ-nu-ên (tên của cha cô nhắc nhở về Pơ-nu-ên, tức “khuôn mặt của Thiên Chúa”: St 32, 21). Tên này chỉ định danh tính của một ngôn sứ. Vị ngôn sứ mà quả thật đã trở thành “khuôn mặt của Thiên Chúa”. Những người Do Thái, họ sống một đời sống du mục, thiếu những ngôn ngữ triết học phức tạp, khi nói về sự hiện diện của một người, họ nói về một khuôn mặt. Do đó, khi người Do Thái nói: ‘Tôi đang đứng trước mặt bạn’, bằng cụm từ này họ muốn nói: ‘Tôi đứng trước sự hiện diện của bạn’. Do đó, việc trở thành một ngôn sứ có nghĩa là “trở thành khuôn mặt của Chúa”. Chúng ta cũng biết rằng nữ ngôn sứ An-na đến từ vùng dân ngoại thuộc Ga-li-lê, họ bị phê phán bởi các Nhóm Pha-ri-sêu, Nhóm Sa-đốc và những người thông luật. Nguồn gốc của bà cho thấy rằng, bất kỳ ai, bất kể gốc gác của họ, đều có thể được tràn đầy Thần Khí.

Đền thờ trở thành nhà của người phụ nữ già này, vì: “Bà ấy không bao giờ rời khỏi đền thờ” (v. 37). Điều này chứng tỏ rằng việc ngợi khen Thiên Chúa trở thành ý nghĩa và lý do cho đời sống hàng ngày của bà. Lu-ca cũng cho rằng qua việc ăn chay và cầu nguyện, bà thể hiện công cuộc loan báo tin mừng bởi vì “bà nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem” (c. 38). Lời ngôn sứ của bà An-na chứa đựng việc loan báo một cách nhiệt thành về Chúa Giêsu cho tất tả những người đang chờ đợi ơn cứu chuộc.

Ông Si-mê-on không dành cuộc đời mình để hối hận về quá khứ, nhưng hướng về tương lai, cố gắng chào đón và giới thiệu cho thế giới một Đấng là ‘Ánh sáng dành cho muôn dân’. Bà An-na ở tuổi già đã hướng tới điều cần thiết và vẫn mạnh mẽ trong hy vọng. Đối với cả hai ông bà, tuổi già không trở thành thời gian thất vọng hay bất lực, mà là thời điểm của sự mong đợi, của hy vọng. Si-mê-on và An-na chính là những nhân chứng cho vẻ đẹp của tuổi già, khi không sống trong nuối tiếc về quá khứ, mà trong hy vọng và khát vọng muốn gặp gỡ Thiên Chúa.[5]

Không phải ngẫu nhiên mà Hội Thánh đã chọn đoạn Tin Mừng về Lễ Hiển Linh để đọc trong các lễ của đời sống thánh hiến. Thật vậy: sống lâu trong đền thờ để nghe Lời Chúa; kiên trì trong cầu nguyện và chuyển cầu cho thế giới, chấp nhận sống trong sự mong đợi, là những đặc điểm cần thiết của đời sống thánh hiến. Nhưng còn một yếu tố khác quan trọng hơn nhiều. Lu-ca nói với chúng ta rằng ông Si-mê-on và bà An-na không được hướng dẫn bởi suy nghĩ hay cảm xúc của họ, nhưng bởi Thánh Thần. Do đó, Luca nhắc nhở chúng ta rằng đời sống thiêng liêng không gì khác ngoài việc sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và lắng nghe Ngài.

3. Những người lớn tuổi là chứng nhân về sự Tỉnh Thức Thiêng Liêng trong suốt cuộc đời

Hình thức mà Chúa Thánh Thần ban tặng cho đời sống thánh hiến là “tính ngôn sứ”. Những người thánh hiến được gọi để trở thành những ngôn sứ. Chúng ta nên biết ơn Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong lá  Thư của Ngài trong Năm Đời sống Thánh Hiến, Ngài đã chấm dứt một sự mơ hồ đã tồn tại quá lâu: “Việc loan báo Tin Mừng không chỉ dành riêng cho những người đi tu: nó là đòi buộc dành cho tất cả mọi người.” Một điều cần lưu ý rằng đời sống tận hiến không phải là một điều gì đó tách biệt lạ thường, nhưng mang tính ngôn sứ: “Những tu sĩ bước theo Chúa Giêsu trong một cách thức đặc biệt, trong tư cách của một ngôn sứ.”[6] Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa yêu một cách đặc biệt, và tất cả đều được kêu gọi để yêu Chúa hết lòng.

Làm sao những người thánh hiến có thể dám nói rằng những người mẹ của họ đã và đang yêu mến Thiên Chúa ít hơn chúng ta, trao ban bản thân họ ít hơn chúng ta, phục vụ ít hơn chúng ta? Thực ra chính chúng ta đôi khi phải cảm thấy xấu hổ vì chúng ta sống thoải mái hơn so với cuộc sống của cha mẹ. Vậy thì điều gì đã được tín nhiệm trao cho người tu để họ trở thành ngôn sứ? Những tu sĩ bằng cách lựa chọn các lời khuyên Tin Mừng, họ trở thành những ngôn sứ như trong Kinh Thánh đã trình bày, “thức tỉnh thế giới” về những giá trị của Nước Thiên Chúa.[7] Những người tận hiến là những chứng nhân trong hành động và lối ứng xử khác biệt trong thế giới này. Những người tận hiến thực sự đến từ tương lai và cho thấy một viễn tượng con người sẽ như thế nào khi sự cứu độ được hoàn tất. Tính ngôn sứ của những người thánh hiến hệ tại ở việc “làm cho thế giới nhận ra rằng…có một thực tại mới mới đang hiện diện và họ không mệt mỏi xây dựng điều đó để nhân loại đã được cứu độ cảm nhận được thực tại ấy, thực tại mà họ đang khao khát bấy lâu.”[8]

Trong Bài Giáo lý thứ 5 về tuổi già có tựa đề “Trung thành với sự thăm viếng của Chúa dành cho thế hệ tương lai,” Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đề cập đến vấn đề của xã hội ngày nay “vốn đang nuôi dưỡng ảo tưởng về tuổi thanh xuân vĩnh cửu” và “việc đánh mất cảm thức thiêng liêng” – dựa trên sự thoả mãn và say sưa về thể xác – trước thực tế ấy, những chứng nhân của “tuổi già được trao phó cho sự cảnh tỉnh thiêng liêng, sự nhạy bén của linh hồn” là điều thật sự cần thiết. Sự nhạy bén của linh hồn (ví dụ về các cảm thức thiêng liêng) – như Đức Thánh Cha nói – không chỉ là về việc suy nghĩ về Thiên Chúa hay tôn giáo, mà còn là về lòng trắc ẩn và lòng chạnh thương, lòng trung thành và sự hiến dâng, lòng nhân ái và danh dự, trách nhiệm đối với bản thân và sự cảm thương đối với người khác. Ngày nay, chúng ta rất cần sự nhạy bén tâm linh, sự trưởng thành của tâm hồn; chúng ta cần những người cao niên như Si-mê-on và An-na: những người khôn ngoan, trưởng thành về tâm linh để mang lại cho chúng ta niềm hy vọng vào cuộc sống. Trong Bài Giáo lý hướng về con đường thành thoàn trong tuổi già, ĐTC Phan-xi-cô đã nói một điều có rất thực thế rằng: “Những người đón nhận ‘sự thăm viếng của Chúa trong đời của họ’ sẽ chấp nhận rằng họ không còn là những nhân vật nổi trội, mà chỉ là những chứng nhân.”[9]

Tuổi già đã được trau dồi sự nhạy bén tâm linh, trong tiến trình họ hướng về cái chết của mình, họ dập tắt tất cả sự hận thù giữa các thế hệ, tất cả lòng căm phẫn, tất cả sự kết án để hướng tới sự hiện diện của Thiên Chúa nơi thế hệ tương lai.

Một sự chú ý cần thiết về Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Christus vivit” nhấn mạnh về người trẻ và toàn thể Hội Thánh. Một điều được lặp lại trong Tông Huấn là việc khuyến những người cao tuổi đồng hành với người trẻ trong đời sống hằng ngày, lắng nghe người trẻ khi họ khám phá những mầu nhiệm của cuộc sống và đức tin. Đức Thánh Cha PHAN-XI-CÔ nhắc nhở chúng ta rằng mối quan hệ và việc đối thoại giữa các thế hệ là một kho báu cần được giữ gìn và củng cố. “Nếu người trẻ và người lớn tuổi mở lòng cho Chúa Thánh Thần, họ cùng nhau tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời”[10] Một điều thú vị rằng khi ngài đưa ra những đề nghị cho người lớn tuổi, ngài dùng ngôn ngữ ngôi thứ nhất số nhiều, ám chỉ rằng ngài cũng bao hàm trong đó, cụ thể khi ngài trả lời ba câu hỏi quan trọng: chúng ta, những người lớn tuổi, có thể trao ban cho người trẻ điều gì, có thể chia sẻ và dạy dỗ điều gì cho họ?

a – “Đối với những người trẻ đang sống trong sự kết hợp giữa những tham vọng hão huyền và những nỗi lo lắng, chúng ta [những người già] có thể nhắc nhở họ rằng cuộc sống không có tình yêu là một cuộc sống tẻ nhạt”.

b – “Đối với những người trẻ sợ hãi, chúng ta có thể nói cho họ rằng những lo lắng về tương lai đều có thể vượt qua được”.

c – Đối với những người trẻ quá lo lắng về bản thân, chúng ta có thể dạy chúng có một niềm vui lớn lao hơn trong viêc cho hơn là nhận, rằng tình yêu không chỉ diễn tả qua lời nói, mà phải thể hiện qua hành động nữa.”[11]

Do đó, Đức Thánh Cha mong muốn làm mới niềm tin trong chúng ta rằng: “nếu chúng ta đi cùng nhau, người trẻ và người cao tuổi có thể (…) hướng tới tương lai, nuôi dưỡng sự nhiệt thành, ươm mầm những giấc mơ, đưa ra những dự phóng, làm cho những hy vọng trổ sinh.”[12]

Ngay khi tôi hoàn tất bài suy niệm này, tôi nhận được một tin nhắn qua WhatsApp: “Thầy Wladyslaw Drozd C.Ss.R. của chúng ta đã về Nhà Cha tại Gliwice lúc 2 giờ chiều. Mong thầy yên nghỉ!” (Chúng tôi, các Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế của Tỉnh Warszawa, có một nhóm WhatsApp gọi là MEMORES, được đặt tên bởi một anh em đã tạo ra nó và theo dõi mỗi ngày. Mỗi ngày, chúng tôi nhận được thông báo từ anh ấy về những người trong tỉnh đã qua đời vào ngày hôm đó. MEMORES cũng là cách thức để thông báo về sự qua đời của các anh em hoặc người thân để nhớ và sống trong sự hiệp nhất với những người đang ở cùng Thiên Chúa). Ngay sau thông tin về sự ra đi của người anh em Wladyslaw, đã có những lời chia buồn và lời cầu nguyện từ các anh em.  Một anh em trẻ tên Krzysztof nhớ về thầy Wladyslaw với những ngôn từ xúc động: “Một người gương mẫu đã ra đi. Anh Wladyslaw, cảm ơn anh đã trở thành hình mẫu về đời sống tu trì, vì sự tốt lành, thân thiện và nụ cười của anh. Mẫu gương về đời sống của anh đã ảnh hưởng rất nhiều trên em cho tới ngày hôm nay trong tư cách cũng là một Tu sĩ DCCT. Nguyện xin Chúa Kitô banh thưởng cho anh!” Tôi nói lên điều này để xác nhận về một sự thật rất tốt lành và linh thiêng rằng mối quan hệ giữa các thế hệ là “một kho báu cần được bảo vệ và củng cố, vì những chứng nhân lớn tuổi có thể cho đi, kể lại và dạy bảo nhiều điều cho những người trẻ.”

Nhưng nhận định và những câu hỏi để suy gẫm thêm cho cá nhân:

Tại cuối bài suy niệm thứ ba này, tôi mời mọi người đến với một suy niệm ngắn trong tư cách cá nhân và cộng đoàn. Lần này, chúng ta được hướng dẫn bởi COMMUNICANDA số 3 có tiêu đề “Khám phá ra rượu ngon sau cùng. Suy niệm về Tuổi Già” được viết vào ngày 8 tháng 12 năm 2000 bởi Cha Tổng Quyền Joseph W. Tobin, C.Ss.R.

1- Đấng sáng lập của chúng ta, thánh Anphongsô, như chúng ta đọc trong Communicanda, “Đề xuất rằng tự do hơn về tinh thần có thể đạt được bằng cách giảm bớt sự kiểm soát quá mức mà hoàn cảnh cuộc sống áp đặt lên một người để dần dần họ trở nên tự do để yêu Chúa… Điều mà thánh Anphongsô đang cố gắng truyền đạt là chúng ta cần phải kiểm tra cuộc sống của mình một cách trung thực và xem ai hoặc cái gì có quyền lực cuối cùng trên trái tim chúng ta. Vì, chính trong trái tim của chúng ta, Thiên Chúa muốn ngự trị nơi đó. Trong chương 11 của Việc Thực Hành, thánh Anphongsô đã hỏi: “Liệu bạn có một trái tim đủ trống rỗng để Chúa Thánh Thần có thể lấp đầy không?” (n. 26-27).

Liệu tôi có cố gắng giữ một trái tim đủ trống rỗng để Chúa Thánh Thần có thể lấp đầy, nhằm làm cho Thiên Chúa trở nên đáng tin cậy, như Si-mê-on đã làm không?

2- “Vào tháng 11 năm 1774, khi thánh Anphongsô chuẩn bị rời khỏi St Agatha, Thánh Anphongsô viết: ‘Khi tôi trở lại một trong những cộng đoàn của chúng ta, tôi sẽ có thể trở nên hữu ích cho các anh em, đặc biệt là những người trẻ’. Có thể là Anphongsô đã nhìn thấy bản thân mình sẽ trở thành một người hướng dẫn cho sinh viên về giảng thuyết hay về thần học luân lý. Những người viết tiểu sử của ngài nói rằng gương sáng của ngài khi về già đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với những anh em trẻ. Một tu sĩ DCCT lớn tuổi không để bản thân mình bị áp đặt bởi những đau khổ và hạn chế của tuổi tác, mà vẫn sống niềm vui, tình yêu và hy vọng, và là một người hướng dẫn quý giá dành cho các anh em trẻ.” (n. 33).

Tôi có gìn giữ được niềm vui, tình yêu và hy vọng nhiều nhất có thể trong mọi hoàn cảnh không? Tôi có nói chuyện với những người khác một cách “nhiệt thành” về Chúa Giêsu, về Thiên Chúa, đang hiện diện ở đây và bây giờ, như nữ ngôn sứ An-na đã làm không?

3- “Cuối cuộc đời, tất cả chúng ta cần là tình yêu: yêu Thiên Chúa như Người phải được yêu và yêu anh chị em của mình. Tình yêu của một tu sĩ DCCT lớn tuổi, được thể hiện bằng những cách thức rất bình thường, có thể để lại ấn tượng sâu sắc cho anh em, đặc biệt là những anh em trẻ (…) Cuối cuộc đời, tình yêu sẽ mang lại cho chúng ta sự dịu ngọt và hương thơm, chứ không phải là vị cay đắng của giấm.” (n. 35-36).

Tôi có phải là một tu sĩ DCCT khiến anh em cảm thấy được chào đón, được lắng nghe, được yêu thương với “tình yêu của Chúa Giêsu” không?

Cha  Krzysztof Bielinski, C.SS.R

Học viện Thánh Anphongsô tại Rôma

 


 

Bản gốc bằng tiếng Ý – Được chuyển qua tiếng Anh bởi Lm. Joseph Ivel Mendanha, C.Ss.R.

Chuyển ngữ tiếng Việt: Lm. Antôn Nguyễn Văn Nam, C.Ss.R.

 

“ONE BODY” –  MỘT THÂN MÌNH – Là những bản văn cầu nguyện được biên soạn bởi Trung Tâm Linh Đạo Dòng Chúa Cứu Thế. Mọi thông tin xin liên hệ: Piotr Chyla CSsR (Giám đốc Trung Tâm Linh Đạo – [email protected]).

 

 

[1]  J. RATZINGER/BENEDETTO XVI, «L’Europa nella crisi delle culture», in: P. Azzaro – C. Granados, La vera Europa. Identità e missione, Edizioni Cantagalli, Siena 2021, 235-247, qui 246-247. (Europe in a crisis of cultures).

[2] Ngụy thư là những tác phẩm mang tính lịch sử đã bị loại ra khỏi Quy Điển Kinh Thánh. Sự loại trừ này dựa trên việc phủ nhận việc đượng linh ứng của các tác phẩm đó.

 

[3]  The theme of the reception of Jesus, his message and his disciples are central in the Third Gospel (Lk 8,13; 9,5.48.53; 10, 8.10; 18,17).

[4] Cf. E. BOSETTI, Luca. Il cammino dell’evangelizzazione, EDB, Bologna 1995, 53-54.

[5] Cf. E. BOSETTI, Luca, 54-55.

[6] FRANCIS, Apostolic Letter to all Consecrated Persons on the occasion of the Year of Consecrated Life, 21 November            2014,      no.          2              in: https://www.vatican.va/content/francesco/it/apost_letters/documents/papa- francesco_lettera-ap_20141121_lettera-consacrati.html [accesso: 10.11.2023].

[7] Cf. A. WODKA, «Proroctwo życia osób konsekrowanych: „być domem” odkupionych relacji ewangelicznych» [Prophecy in the life of consecrated persons “to be at home” for redemptive evangelisation) in: A. Dudek – R. Kantor (edd.), Życie konsekrowane znakiem wiarygodności Kościoła, Uniwersytet Papieski Jana Pawła II w Krakowie, Kraków 2016, 88–104, qui 90.

[8] A. WODKA, «Proroctwo życia osób konsekrowanych», 104.

[9] Cf. FRANCESCO, Catechesi sulla Vecchiaia – 5. La fedeltà alla visita di Dio per la generazione che viene, Udienza Generale, Aula Paolo VI, Mercoledì, 30 marzo 2022, in: https://www.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2022/documents/20220330- udienza-generale.html [accesso: 15.11.2023]. (Catechesis on the Elderly -5. Fidelity in the Visitation of God for the generations to come)

[10] FRANCESCO, Post Synodal Apostolic Exhortation “Christus vivit” To Young People and the People of God, Loreto 25 March 2019, no 192, in: https://www.vatican.va/content/francesco/it/apost_exhortations/documents/papa- francesco_esortazione- ap_20190325_christus-vivit.html [accesso: 16.11.2023].

[11] FRANCESCO, Christus vivit, no 197.

[12] FRANCESCO, Christus vivit, no 199.

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết