MỘT THÂN MÌNH
MÙA VỌNG – PHẦN 4
Các chứng nhân trong Kinh Thánh về Mùa Vọng
Suy niệm 4
Thánh Giu-se
Thánh Giu-se: Đấng Yêu thương và Bảo vệ Giáo hội, Thân Mình Chúa Kitô trong dòng lịch sử
Mùa Vọng đang dần khép lại. Thời gian chờ đợi này nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa “đang trên hành trình hướng tới nhân loại”. Trong bốn tuần bản thân chúng ta đã chuẩn bị, cùng với toàn thể Giáo Hội – là dân của Thiên Chúa ngang qua dòng lịch sử – để cử hành một biến cố mầu nhiệm Nhập Thể, để hướng tới vinh quang của Thiên Chúa vào thời sau hết, nhưng chúng ta cũng tiếp tục học cách mở lòng để việc Chúa đến với chúng ta qua mỗi ngày sống. Trong bài suy niệm thứ tư này cũng là bài cuối cùng, chúng tôi muốn đưa ra một bài suy niệm ngắn dành cho cá nhân và cộng đoàn để chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho việc Thiên Chúa đang đến – và điều này cũng có nghĩa rằng như đã nói từ đầu là chúng ta nhìn vào bản thân để hoà hợp hơn với Tin Mừng – do đó chúng ta chọn một nhân vật trong bài suy niệm này, đó là chứng nhân của thánh Giu-se.
- Ahaz và Thánh Giu-se: Hai cách thức trả lời khác khác nhau trước tiếng gọi của Thiên Chúa
Sách I-sai-a 7, 10-14 kể câu chuyện về Vua A-khát (734-728 TCN), hậu duệ của Đa-vít, vương quốc của ông bị đe dọa bởi liên minh xâm lược gồm các vua Đa-mát (Sy-ri-a) và Sa-ma-ri (Ít-ra-en). Hai vị vua kia muốn buộc A-khát tham gia cùng họ và cùng họ chiến đấu chống lại đế quốc Át-sua. Vua A-khát nhận thức được sức mạnh của Át-sua, kẻ thù lớn nhất của Ít-ra-en trong lịch sử và không muốn mạo hiểm như vậy. Đối mặt với nguy hiểm, ông đã tìm ra giải pháp chính trị theo cách riêng của mình. Ông đã nhờ người Át-sua giúp đỡ. Một giải pháp cuối cùng sẽ gây ra thảm họa cho đất nước.
Chính trong bối cảnh đầy bi kịch này của đời ông, trong khó khăn của Vua A-khát, Thiên Chúa đã can thiệp. Thiên Chúa đi vào lịch sử của vị vua đang bị đe dọa này. Ngài làm như vậy thông qua một người, ngôn sứ I-sai-a, người mời gọi nhà vua hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, trông cậy vào sự hướng dẫn của Đấng Tối Cao, Đấng sẽ giải thoát ông và dân Ít-ra-en ra khỏi nguy hiểm. Do đó, nhà vua không cần phải cậy dựa vào sự hỗ trợ từ sức mạnh của đất nước Át-sua nữa. Sự cứu rỗi của Thiến Chúa đã ở gần kề. Tất cả những gì cần thiết là tin tưởng vào Chúa và hợp tác với Ngài. Tuy nhiên, vua A-khát đã không tin tưởng. Ông đã chọn con đường “cứu rỗi” cho riêng mình, nghĩ ra kế hoạch của riêng mình, biện minh cho mình bằng cách không muốn thử thách Chúa. Chính trong hoàn cảnh này mà ngôn sứ I-sai-a đã thốt lên một trong những lời ngôn sứ quan trọng nhất về đấng cứu thế: “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7, 14).
Khi kể cho chúng ta câu chuyện về thánh Giu-se, dòng dõi vua Đavít, thánh sử Mát-thêu trong 1, 18-25 cho chúng ta thấy thánh Giu-se đang ở trong một thời điểm khó khăn, thậm chí bi thảm trong cuộc đời ngài. Giu-se đã có những kế hoạch cụ thể cho cuộc đời mình. Kế hoạch này đã bắt đầu được thực hiện, bởi vì “bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se” (câu 18), tức là Ma-ri-a đã đồng ý trở thành vợ của ông. Ở đây Giu-se phải đối diện với một tình huống khó khăn và khó hiểu đối với chính mình. Ma-ri-a, vợ chưa cưới của ông, đang mang thai. Và ông biết rằng đứa trẻ không thể là của mình. Qua tin mừng Mát-thêu, chúng ta biết rằng thánh Giu-se “là một người công chính” (Mt 1,19) – theo nghĩa là ông tin vào Thiên Chúa và tuân theo các giới răn của Thiên Chúa trong cuộc đời mình – và ông “không muốn đặt Đức Ma-ri-a vào tình huống để bị bôi xấu”. Do đó, Giu-se đã định liệu một kế hoạch trước tình thế nghiêm trọng tiến thoái lưỡng nan của mình.
Luật quy định chính xác phải làm gì trong tình huống như thế này. Luật Tô-ra đã đưa cho Giu-se hai lựa chọn. “Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô trong thành và nằm với cô, thì anh (em) sẽ lôi cả hai ra cửa thành ấy và ném đá, và chúng sẽ phải chết: cô gái, vì lý do ở trong thành mà đã không kêu cứu, và người đàn ông, vì lý do đã cưỡng bức vợ người đồng loại. Anh (em) phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh (em) (Đnl 22, 23-24). “Nhưng nếu người đàn ông gặp ở ngoài đồng cô gái đã đính hôn, bắt lấy nàng và nằm với nàng, thì chỉ một mình người đàn ông đã nằm với nàng sẽ phải chết; còn cô gái, thì anh (em) đừng làm gì nàng, nàng không có tội đáng chết (Đnl 22, 25-26). Giu-se phải đưa ra lựa chọn. Ông có thể yêu cầu một phiên tòa để tha bổng cho Mary. Tuy nhiên, như thánh Mát-thêu nói, ông “không muốn làm mất danh dự của Ma-ri-a” (deigmatizein = trưng ra), do đó ông không muốn đưa trường hợp này ra công chúng. Thay vào đó, Giu-se định bỏ Ma-ri-a một cách kín đáo (tiếng Hy Lạp : λάθρᾳ / lathra = âm thầm, không công khai). Nghĩa là, không để một ai biết về sự ra đi của ông, nhằm không có một cuộc điều tra chính thức nào về việc mang thai không rõ ràng của Ma-ri-a. Điều này cho thấy sự công chính của Giu-se.
Thực ra, Giu-se có thể quyết định để lại cho Mary một loại giấy ly hôn và bí mật rời bỏ cô. Quyết định rời bỏ Ma-ri-a xuất phát từ việc Giu-se không biết cha của đứa trẻ là ai. Kế hoạch này của ông có nghĩa là ông đã quyết định nhận trách nhiệm để cứu Ma-ri-a khỏi hình phạt ném đá. Tất nhiên, trình thuật của Mát-thêu đã cho thấy tình yêu của Giu-se dành cho Ma-ri-a, người vợ tương lai của ngài. Ngài mong muốn điều tốt lành cho Đức Ma-ri-a, ngay cả vào thời điểm vô cùng thất vọng. “Sự cao thượng của tâm hồn Thánh Giu-se là ở chỗ những gì ngài học được từ lề luật thì ngài đã sống theo tình bác ái.”[1]
Trong kế hoạch của Giu-se, người ‘công chính’, giờ đây Thiên Chúa đã bước vào đời ông, Thiên Chúa đã can thiệp – như Ngài đã làm trong trường hợp của vua A-khát. Nhưng sự can thiệp này của Thiên Chúa đòi hỏi nhiều tín thác hơn, cần nhiều đức tin hơn. Lần này Thiên Chúa hành động trong giấc mơ chứ không phải giữa ban ngày như trường hợp của vua A-khát. Lần này Thiên Chúa can thiệp thông qua một thiên thần chứ không phải thông qua một ngôn sứ. Hai chi tiết này cho thấy sự can thiệp của Thiên Chúa vào cuộc đời Giu-se lại càng đòi hỏi nhiều đức tin hơn, nhiều tín thác hơn. Giống như Thiên Chúa đã gọi A-khát qua ngôn sứ I-sai-a, giờ đây Ngài gọi Giu-se qua một thiên thần: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20-21). Giu-se không phải sợ hãi, vì chính Thiên Chúa đang hành động! Khi Thiên Thần nói với ngài: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (c. 20), thiên thần tiết lộ cho Giu-se một điều mà ông chưa biết. Việc thụ thai của trinh nữ Ma-ri-a không đến từ con người nhưng đến từ Thiên Chúa.
Thiên thần giải thích thêm rằng những điều này là sự ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” (Mt 1:23). Điều đáng chú ý là chính lời của thiên thần (người đại diện cho Thiên Chúa và nói nhân danh Thiên Chúa) đã mang lại cho Giu-se can đảm để đưa ra quyết định của mình. Thánh Giu-se bám rễ sâu vào Lời Chúa. Ông chấp nhận rằng Thiên Chúa có thể làm những điều con người không thể làm được. Vì vậy, Giu-se đã quyết định từ bỏ những dự tính của mình, ông nghiêm túc chấp nhận bước vào một kế hoạch lạ thường của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, ông tin tưởng vào Lời Chúa: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1, 24). Qua điều này, ông đã khiến cho lời đề nghị cứu độ của Thiên Chúa dành cho chính mình và cho toàn thể nhân loại trở nên khả thi.
2. Yêu Thương và Bảo Vệ Giáo Hội
Chứng nhân của thánh Giu-se mang lại cho chúng ta một sự thật quan trọng: Thiên Chúa hành trình hướng tới nhân loại, Thiên Chúa đến gặp chúng ta và mời gọi chúng ta, kêu gọi chúng ta mở lòng đón nhận việc Ngài sẽ đến. Dựa vào chứng nhân của Giu-se, thật đáng để chúng ta đặt câu hỏi về chính “thế giới có tổ chức” của chính chúng ta. Thiên Chúa còn có thể bước vào đó được không? Trong các dự án của con người chúng ta, liệu Thiên Chúa, với những kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta, có còn khả năng bước vào cuộc sống có tổ chức của chúng ta hay không? Tôi phải hành động như thế nào? Như Vua A-khát, người đã tự thực hiện các kế hoạch của mình, hay như ông Giu-se, người công chính, “trong mọi hoàn cảnh, Thánh Giu-se đều nói lời “fiat” của chính mình, cũng như khi Đức Ma-ri-a được sứ thần truyền tin và như Chúa Giê-su trong Vườn Cây Dầu.”[2]
Trong cuốn sách Kitô Giáo Là Gì, hầu hết những kết luận về thiêng liêng của Đức Bênêđictô XVI đều kết thúc bằng một bài suy niệm ngắn về thánh Giu-se. Đức cố Giáo hoàng viết: “Có một sự tương ứng giữa nhiệm vụ được giao phó bởi thiên thần hiện ra với ông trong giấc mơ và những hành động của thánh Giu-se, sự tương ứng ấy được bộc lộ nơi thánh Giu-se”. “Trong mệnh lệnh mà ngài nhận được trong giấc mơ là đón Đức Ma-ri-a về làm vợ, câu trả lời của ngài được đưa ra bằng một cụm từ đơn giản: ‘Ông thức dậy và làm như lời sứ thần truyền lệnh’ (Mt 1, 24). Sự tương ứng giữa nhiệm vụ và hành động còn được thể hiện rõ ràng hơn trong tình tiết việc trốn sang Ai Cập, trong đó cũng sử dụng những lời như vậy: “Ông chỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người đi”. (Mt 2:14). Cả hai cách diễn đạt này đều được sử dụng lần thứ ba khi biết tin về cái chết của vua Hê-rô-đê và khả năng trở lại Đất Thánh. Tất cả những sự kiện ấy nối tiếp nhau đều được diễn tả bằng những lời: “ông liền trỗi dậy và đưa Hài Nhi và mẹ Người”[3] Ở cuối mỗi câu chuyện mà thánh Giu-se là nhân vật chính, Tin Mừng ghi rằng ngài đứng dậy, mang theo trẻ Giê-su và mẹ Người, và làm theo điều Thiên Chúa đã truyền. “Thật vậy, Chúa Giê-su và Đức Ma-ri-a Mẹ Ngài là những kho tàng quý giá nhất trong đức tin của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khẳng định trong Tông thư Patris corde nhân dịp kỷ niệm 150 năm tuyên bố thánh Giu-se là Thánh Bổn Mạng của Giáo hội Hoàn vũ.
Gợi ý suy tư dành cho cá nhân
Dưới ánh sáng chứng từ của Thánh Giu-se “đã dùng cuộc đời mình để phục vụ, hy sinh cho mầu nhiệm nhập thể và sứ mạng cứu chuộc”[4], – đối với các tu sĩ DCCT chúng ta, – tôi đề nghị với anh em những lời của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi trong Tông thư gửi toàn thể Giáo hội, Patris corde. “Chúng ta cần luôn xét xem, liệu chúng ta có đang bảo vệ Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a hay không, vì các Ngài cũng được trao phó cho trách nhiệm của chúng ta một cách mầu nhiệm, để chăm sóc và giữ gìn. (…) Hội Thánh là sự tiếp nối Nhiệm Thể Chúa Kitô trong lịch sử, cũng như tư cách làm mẹ của Đức Ma-ri-a được phản ánh trong tư cách Mẹ của Hội Thánh. Khi tiếp tục bảo vệ Hội Thánh, Thánh Giu-se tiếp tục bảo vệ Hài nhi và mẹ Người, và cả chúng ta nữa, khi yêu mến Giáo hội, là chúng ta tiếp tục yêu Hài nhi Giê-su và mẹ Người. (…) Từ nơi thánh Giu-se, chúng ta cũng phải học cách chăm sóc và trách nhiệm ấy. Chúng ta phải học cách yêu thương Hài nhi và mẹ Người, yêu mến các bí tích và đức bác ái, yêu mến Giáo hội và người nghèo. Mỗi thực tại ấy luôn là Hài nhi và mẹ Người.”[5]
Trong bài giáo lý ngày 29 tháng 5 năm 2013, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắc lại rằng Giáo hội “không phải là một tổ chức”, nhưng “là công trình của Thiên Chúa” được sinh ra trên Thập Giá “từ cạnh sườn rộng mở của Chúa Giê-su, từ đó máu và nước chảy ra, tượng trưng cho Bí tích Thánh Thể và Bí tích Rửa tội” và được biểu lộ vào Lễ Hiện Xuống, khi “ân sủng Chúa Thánh Thần đổ đầy tâm hồn các Tông đồ và thôi thúc họ ra đi và bắt đầu hành trình loan báo Tin Mừng, lan toả tình yêu của Thiên Chúa”. Đối với những người nói “có với Chúa Kitô, và nói không với Giáo hội”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô sẽ đáp lại rằng: “Nhưng chính Giáo hội mang Chúa Kitô đến cho chúng ta và đưa chúng ta đến với Thiên Chúa; Giáo Hội là đại gia đình của con cái Thiên Chúa.”[6]
– Trong tư cách là một tu sĩ DCCT và là một cộng đoàn DCCT, tôi được mời gọi để yêu thương và bảo vệ Hội Thánh như thế nào trong thế giới hôm nay?
– Trong tư cách là một tu sĩ DCCT, tôi yêu thương và bảo vệ Nhà Dòng – một Giáo Hội thu nhỏ/ Giáo Hội địa phương – như thế nào?
Cha Krzysztof Bielinski, C.SS.R
Học viện Thánh Anphongsô tại Rôma
Bản gốc bằng tiếng Ý – Được chuyển qua tiếng Anh bởi Lm. Joseph Ivel Mendanha, C.Ss.R.
Chuyển ngữ tiếng Việt: Lm. Antôn Nguyễn Văn Nam, C.Ss.R.
“ONE BODY” – MỘT THÂN MÌNH – Là những bản văn cầu nguyện được biên soạn bởi Trung Tâm Linh Đạo Dòng Chúa Cứu Thế. Mọi thông tin xin liên hệ: Piotr Chyla CSsR (Giám đốc Trung Tâm Linh Đạo – [email protected]).
[1] FRANCIS, Apostolic Letter Patris corde on the occasion of the 150th anniversary of the declaration of St. Joseph as Patron of the Universal Church, 8 December 2020, no. 4, in https://www.vatican.va/content/francesco/it/apost_letters/documents/papa-francesco- lettera-ap_20201208_patris-corde.html [accessed: 30.11.2023].
[2] Patris corde, no. 3.
[3]BENEDETTO XVI, Che cos’è il cristianesimo. Quasi un testamento spirituale, Mondadori, Milano 2023, 178-179.
[4] Patris corde, no. 1.
[5] Patris corde, no. 5.
[6] FRANCESCO, General Audience, 29th May 2013, in https://www.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2013/documents/papa- francesco_20130529_udienza- generale.html [accesso: 29.11.2023].