Phát biểu của Đức TGM Paul Gallagher tại LHQ về việc Bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trong các cuộc xung đột

‘Điều cần thiết để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số là gì? Tôi muốn đề cập một cách ngắn gọn đến bảy yếu tố cơ bản’

Dưới đây là bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh hôm thứ Sáu, ngày 22 tháng 9 năm 2017, tại Toà nhà Liên Hiệp Quốc tại New York, trong Phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 72, về việc bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trong các cuộc xung đột:

Kính thưa toàn thể quý vị,

WIKI-Gallagher_2-740x493Quả thực là một vinh dự khi được tham gia sự kiện sáng nay về việc Bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trong cuộc xung đột được bảo trợ bởi Phái đoàn Thường trực của Hungary phối hợp với Phái đoàn Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh và Viện Văn hoá Ngoại giao.

Sự cần thiết phải tập trung vào việc bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trong các tình huống chiến tranh và xung đột phát sinh từ thực tế gây phẫn nộ rằng, như tất cả chúng ta đã chứng kiến trong nhiều năm qua ở nhiều khu vực đẫm máu khác nhau trên thế giới, chiến tranh và xung đột thường tạo ra nền tảng cho việc các nhóm tôn giáo thiểu số bị trở thành mục tiêu cho việc bị bách hại, bạo lực tình dục và mọi hình thức bạo lực về thể lý, bị nô dịch, giam giữ trái phép, tước đoạt tài sản, nô lệ, cưỡng bức lưu vong, giết người, thanh trừng sắc tộc cũng như các tội ác khác chống lại loài người.

Những kinh nghiệm gần đây đã khiến cho việc bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trở thành một trong những trách nhiệm cấp bách nhất đối với cộng đồng quốc tế. Việc bảo vệ như vậy phải vượt ra ngoài việc ngăn ngừa hành động tiêu diệt hiện nay đối với các nhóm thiểu số, nhưng đồng thời cũng phải bao gồm việc xem xét và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng phân biệt đối xử và bách hại cũng như thúc đẩy việc ngăn chặn mạnh mẽ và bảo vệ nhân phẩm, quyền sống, quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo của họ.

Khi chúng ta quan sát kĩ lưỡng tình hình thế giới, chúng ta nhận thấy rằng việc bách hại đối với các nhóm tôn giáo thiểu số không phải là một hiện tượng riêng biệt đối với một khu vực nào, chẳng hạn các hành động dã man gây ra bởi tổ chức ISIS tại Trung Đông. Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế trong Báo cáo Thường niên năm 2016 cho biết có những vi phạm đặc biêt nghiêm trọng có tính hệ thống đang diễn ra liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo xảy ra ở 27 quốc gia khác nhau. Báo cáo về Tự do Tôn giáo Thế giới năm 2016 do Tổ chức viện trợ các Giáo hội đau khổ cho biết rằng 38 trong tổng số 196 quốc gia trên thế giới đã cho thấy những bằng chứng rõ ràng về các vi phạm liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo đáng kể, trong đó 23 vụ liên quan đến các cuộc bách hại công khai. Báo cáo tạm thời năm 2016 của ông Heiner Bielefeldt, sau đó là Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hợp quốc về Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng, đã mô tả rằng những vi phạm đối với các quyền tôn giáo của các nhóm thiểu số đã vượt quá các vi phạm có phương pháp, liên tục và hết sức kinh khủng gây ra bởi các nhân tố nhà nước và phi nhà nước, chẳng hạn như chủ nghĩa khủng bố, các nhân viên thanh tra biên giới, các vụ giết người hàng loạt và cá nhân, việc trục xuất bằng vũ lực, việc thanh trừng sắc tộc, việc hãm hiếp và bắt cóc phụ nữ và sau đó bị bán để trở thành nô lệ, việc phá hoại và tịch thu tài sản, các cuộc tấn công nhằm vào những người cải đạo và những người bị cáo buộc là đã xúi giục họ, khuyến khích hoặc cho phép bạo lực đối với những người không có niềm tin tôn giáo và những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số. Các hành động đó cũng bao gồm các luật chống chống bội giáo và chống báng bổ, các hành động sách nhiễu quan liêu cũng như các gánh nặng hành chính liên quan đến việc xây dựng những cơ sở thờ tự và các trường học, các cấu trúc có phân biệt đối xử trong luật gia đình và giáo dục, và việc đóng dấu sắt nung trên những người không có niềm tin tôn giáo hay những người dị giáo.

Nói tóm lại, ba báo cáo được nghiên cứu sâu rộng này vào năm ngoái cho thấy các cuộc tấn công chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số là khá phổ biến. Trong khi hầu hết các nhóm tín ngưỡng có thể nhận biết đều trải qua một mức độ nào đó của việc bị bách hại trên toàn thế giới, thì Kitô giáo vẫn là nhóm tôn giáo bị bách hại nhất. Hơn nữa, đã xảy ra nhiều cuộc tấn công gia tăng đột ngột chống Do Thái, đặc biệt ở nhiều khu vực của Châu Âu, và những người Hồi giáo phải đối mặt với cuộc bách hại nghiêm trọng, thường là từ các nhóm người theo chủ nghĩa cực đoan, những người không có cùng cách giải thích đối với các nguyên lý đức tin của họ.

Trong bối cảnh này, điều cần thiết để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số là gì? Tôi muốn đề cập một cách ngắn gọn đến bảy yếu tố cần thiết.

Trước hết, có một sự cấp thiết cần phải hành động. Những ví dụ gần đây về sự tàn ác chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số chắc chắn đã làm rung động cộng đồng quốc tế khỏi bất kỳ sự trì trệ nào. Những người đã được ủy thác việc bảo vệ sự tôn trọng đối với các quyền cơ bản của con người cần phải thực hiện trách nhiệm của mình để bảo vệ những người có nguy cơ phải chịu đựng những tội ác khủng khiếp. Chúng ta cần phải nâng cao nhận thức về các trường hợp khẩn cấp nhân đạo và đồng thời phản ứng một cách hào phóng. Tương tự, đối với tình hình tại Trung Đông, điều kiện để các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số quay trở lại nơi xuất xứ và sống trong phẩm giá và sự an toàn của mình, cùng với các khuôn khổ cơ bản cần thiết về xã hội, kinh tế và chính trị để đảm bảo sự gắn kết cộng đồng, cần phải được cung cấp và đảm bảo. Không chỉ là việc xây dựng lại nhà cửa, vốn là một bước quan trọng, như đang xảy ra ở nhiều thị trấn khác nhau tại Nineveh Plain nhờ vào sự hào phóng của các chính phủ như Hungary hoặc các tổ chức từ thiện như Tổ chức Viện trợ cho các Giáo hội đau khổ hoặc ‘Knights of Columbus’ (Hiệp sĩ Columbus). Điều cần thiết đó là xây dựng lại xã hội bằng cách đặt nền móng cho việc cùng nhau tồn tại trong hòa bình.

Thứ hai, việc cai trị bằng luật pháp và sự bình đẳng trước pháp luật dựa trên nguyên tắc công dân, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hay sắc tộc là điều thiết yếu để thiết lập và duy trì sự tồn tại hài hòa và hiệu quả giữa các cá nhân, cộng đồng và các quốc gia. Luật pháp phải đảm bảo tất cả các quyền con người của mọi công dân một cách công bằng và dứt khoát, trong số đó là quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, bao gồm quyền được tự do thay đổi tôn giáo của một người mà không bị phân biệt đối xử hoặc bị giết hại vì bội giáo. Thậm chí ngay cả ở những nơi mà một tôn giáo được chấp thuận đặc quyền hiến pháp đặc biệt, quyền của mọi công dân và các cộng đồng tôn giáo đối với vấn đề tự do tín ngưỡng, việc bình đẳng trước pháp luật và các biện pháp thích hợp để nhờ cậy đến khi các quyền của họ bị vi phạm, phải được công nhận và bảo vệ. Một Nhà nước hoạt động đúng đắn vốn làm việc vì lợi ích chung chính là điều kiện tiên quyết để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số và đồng thời đảm bảo tương lai của họ.

Thứ ba, phải có sự tự chủ lẫn nhau cũng như việc hợp tác tích cực giữa các cộng đồng tôn giáo với Nhà nước. Tất cả họ, trong các lĩnh vực của mình, đều tự trị và độc lập với nhau. Tuy nhiên, cả hai, theo những danh nghĩa khác nhau, đều được dành hết cho sự thịnh vượng của cùng một người với tư cách vừa là tín hữu vừa là công dân. Sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa họ càng được củng cố trong khi tôn trọng quyền tự chủ của nhau, thì việc vụ của họ vì lợi ích của tất cả mọi người sẽ càng hiệu quả hơn. Khi các cộng đồng tôn giáo và Nhà nước trở nên mập mờ hoặc đan xen với nhau, như ĐTC Phanxicô đã chia sẻ vào hồi tháng Tư vừa qua tại Đại học Al-Azhar tại Cairo, “tôn giáo có nguy cơ bị cuốn hút vào việc quản lý những vấn đề về trần tục và bị cám dỗ bởi sự quyến rũ của các quyền lực trần gian mà trên thực tế đã lợi dụng họ”.

Thứ tư, các nhà lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm quan trọng và cụ thể để đối đầu và lên án việc lạm dụng niềm tin tôn giáo cũng như những quan điểm tôn giáo để biện minh cho chủ nghĩa khủng bố và bạo lực chống lại các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cần phải không ngừng khẳng định rằng không ai có quyền giết hại những người vô tội nhân danh Thiên Chúa. Như ĐTC Phanxicô đã chia sẻ tại Ai Cập và trước đó tại Albania và ở nhiều nơi khác, cần phải có một “thái độ ‘nói Không!’ đầy xác quyết và rõ ràng đối với mọi hình thức bạo lực, sự trả thù và thái độ thù hận được thực hiện với danh nghĩa tôn giáo hoặc nhân danh Thiên Chúa”. Những vấn đề về xã hội, chính trị và kinh tế mà những kẻ mị dân có thể lợi dụng để kích động bạo lực cũng cần phải được giải quyết.

Thứ năm, có một nhu cầu cấp bách đối với việc đối thoại liên tôn hiệu quả như là một liều thuốc giải độc đối với trào lưu chính thống với mục đích đó là vượt qua giả thuyết bất cần đạo lý rằng cuộc xung đột giữa các tín đồ tôn giáo là điều tất yếu và thách thức việc giải thích hẹp hòi đối với các văn bản tôn giáo vốn làm mất nhân cách của những người thuộc các niềm tin tôn giáo khác. Việc đối thoại liên tôn hiệu quả có thể, và thường cho thấy mô hình cho các cuộc đối thoại chính trị và giao tiếp giữa các cá nhân với nhau là cần thiết cho sự hòa hợp xã hội.

Thứ sáu, một nền giáo dục hoàn hảo nói chung và một nền giáo dục tôn giáo vững chắc nói riêng chính là chìa khóa để ngăn chặn quá trình cực đoan con người vốn dẫn đến chủ nghĩa cực đoan, việc bách hại đối với các nhóm tôn giáo thiểu số và chủ nghĩa khủng bố. Xã hội sẽ gặt hái những gì mà nó đã gieo trồng. Điều quan trọng đó là việc giảng dạy trong các trường học, nơi các bục giảng và thông qua Internet không khuyến khích việc không khoan nhượng cũng như quá trình cực đoan hóa con người nhưng khuyến khích việc đối thoại, việc tôn trọng người khác và sự hòa hợp. Tại Đại học Al-Azhar tại Cairo, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh rằng một nền giáo dục về “sự cởi mở và đối thoại chân thành đối với người khác, việc thừa nhận các quyền lợi và tự do cơ bản của họ, đặc biệt là vấn đề tự do tôn giáo, diễn tả cách tốt nhất để xây dựng tương lai với nhau, trở thành những người kiến tạo sự văn minh… Sự thay thế duy nhất cho sự lịch thiệp của việc gặp gỡ đó chính là sự khiếm nhã của cuộc xung đột. … Để đối phó một cách hiệu quả đối với sự tàn bạo của những kẻ đã gây ra hận thù và bạo lực, chúng ta cần phải cùng đồng hành với những người trẻ, giúp đỡ họ trên con đường trưởng thành và đồng thời hướng dẫn họ để họ có thể phản ứng lại với sự ác bằng cách kiên nhẫn làm việc cho sự phát triển của những điều tốt đẹp. Có như thế, những người trẻ, như những cây trồng được chăm sóc cẩn thận, có thể bắt rễ sâu trong mảnh đất của lịch sử, và ngày càng phát triển lớn mạnh, có thể mỗi ngày biến bầu khí ô nhiễm của hận thù trở thành oxy của tình huynh đệ”.

Thứ bảy và sau cùng, chúng ta cần phải ngăn chặn dòng chảy của tiền bạc và vũ khí dành cho những người có ý định sử dụng chúng để nhắm mục tiêu vào các nhóm tôn giáo thiểu số.  Như ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh khi kết thúc bài diễn văn của mình tại Đại học Al-Azhar, “Việc phổ biến vũ khí cần phải được chấm dứt; nếu chúng được sản xuất và được bán ra, sớm hay muộn chúng cũng sẽ được sử dụng”. Việc ngăn chặn các hành động tàn ác không chỉ liên quan đến việc giải quyết sự hận thù cũng như những căn bệnh ung thư nơi tâm hồn con người vốn sinh ra bạo lực mà còn liên quan đến việc loại bỏ các phương tiện mà qua đó sự hận thù sẽ dẫn đến vấn đề bạo lực.

Việc bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trong cuộc xung đột thực sự là một trong những trách nhiệm cấp bách nhất của cộng đồng quốc tế hiện nay. Tôi xin cảm ơn Phái đoàn thường trực Hungary, Viện Văn hoá Ngoại giao, và toàn thể quý vị đã đến tham dự ngày hôm nay để đảm bảo rằng vấn đề này sẽ nhận được sự chú ý một cách xứng đáng.

Xin cảm ơn sự chú ý lắng nghe của toàn thể quý vị!

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết