Bài phát biểu của Đức Hồng y Peter Turkson tại ‘Tuần lễ Nước Thế giới 2016’

“Nguyện xin cho Hội nghị này sẽ giúp thế giới chúng ta tỉnh táo hơn trước cơn khát của Chúa Giêsu để có thể cung cấp đủ nước sạch cho Ngài uống!”

20160831 Tukson

Dưới đây là bài phát biểu của Đức Hồng Y Peter Turkson – Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình – do Tòa Thánh cung cấp, tại ‘Tuần lễ Nước Thế giới 2016’ tại Hội nghị diễn ra tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển  từ ngày 28/8 đến 2/9:

***

‘Tuần lễ Nước Thế giới’ – Stockholm, Thụy Điển

29/8/2016

Bài phát biểu của Đức Hồng y Peter K.A. Turkson

“Đức tin và Sự phát triển”

Kính thưa đại diện các tôn giáo, các tổ chức khác nhau cùng với toàn thể anh chị em thân mến.

Qủa là một niềm vinh dự khi tôi được hiện diện nơi đây để chào đón quý vị với tư cách là người đại diện cho Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Khi được đề nghị phát biểu về đề tài “Đức tin và Sự Phát triển”, tôi nhận thấy rằng có rất nhiều đại diện các tôn giáo hiện diện nơi đây. Điều này cho thấy rằng thực sự có rất nhiều liên kết giữa đức tin và sự phát triển. Việc hợp tác liên tôn thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả cũng như sự phối hợp đã bắt đầu trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như y tế, an ninh lương thực, đầu tư, giáo dục, quản lý tài nguyên thiên nhiên, và giúp đỡ những người di cư.

Theo quan điểm Công giáo, hành tinh chúng ta – với những nguồn tài nguyên cùng với hệ sinh thái phong phú – quả là một món quà tuyệt vời từ Đấng Tạo Hóa. Cũng vậy, sự sống con người chính là một món quà – chúng ta không thể tự mình tạo nên sự sống, chúng ta đón nhận thân xác và mối tương quan đầu tiên của chúng ta thông qua quá trình tự nhiên đã được Thiên Chúa ban cho. Do đó, chúng ta dễ dàng hiểu rằng thiên nhiên được dựng nên để cả nhân loại cùng hưởng dùng, từ thế hệ này qua thế hệ khác, và cả gia đình nhân loại chúng ta có nhiệm vụ phải cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Những nguyên tắc cơ bản này có thể dễ dàng được tìm thấy nơi nhiều tôn giáo khác nhau cũng như những truyền thống tâm linh, bất kể những nét độc đáo cụ thể của họ.

Tại sao điều này lại chia sẻ những hiểu biết cơ bản vốn rất quan trọng đối với sự phát triển?

Trước hết, khoa học chỉ có thể giải thích được những thực tế cụ thể, những bản chất và các mối quan hệ nhân quả. Khoa học có thể xác định mức độ ô nhiễm nơi các đại dương sâu thẳm hoặc xung quanh các công trường khai thác mỏ, thấy trước những hậu quả tiêu cực của nó và đề xuất những biện pháp khắc phục. Nhưng khoa học không thể đem lại những sự thúc đẩy đối với những hành động mang tính luân lý. Những việc tương tự cũng vượt ra ngoài lĩnh vực khoa học tự nhiên: xã hội học, kinh tế, và các luật sư có thể phân tích cũng như giải thích những tác động tiêu cực của tình trạng thất nghiệp, đầu cơ tích trữ và tham nhũng hối lộ; họ có thể cảnh báo chúng ta về sự bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng, những chính sách mâu thuẫn cũng như sự bất ổn địa chính trị. Nhưng cuối cùng họ không thể cung cấp động cơ cho hành động đạo đức. 

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Thông điệp ‘Laudato Si’ đã đặt câu hỏi: “Nhân loại chúng ta ngày nay muốn trao lại cho các thế hệ mai sau – đó là con em chúng ta đang như những mầm non đang ngày một lớn lên – một thế giới như thế nào? Mục tiêu cũng như tất cả những nỗ lực của chúng ta trong các công việc là gì? “(Laudato Si, số 160). Việc quan sát những chỉ số về xã hội và môi trường ngày càng đáng báo động sẽ dẫn chúng ta đến câu hỏi hóc búa: tại sao tôi lại phải quan tâm? Khoa học và công nghệ sẽ không thể giúp gì trong lĩnh vực này. Bất kỳ giải pháp kỹ thuật nào cũng sẽ trở nên bất lực “nếu chúng ta đánh mất những động lực tuyệt vời vốn có thể giúp chúng ta biết sống trong sự hòa hợp, biết hy sinh bản thân và cư xử hài hòa với tha nhân” (Laudato Si, số 200). Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác quyết rằng “sự thay đổi đó là điều không thể nếu không có một sự thúc đẩy và trải qua quá trình giáo dục” – và vì những mục đích ấy mà Ngài đề xuất “một số hướng dẫn đầy cảm hứng đối với sự phát triển của nhân loại đã được tìm thấy trong kho tàng kinh nghiệm tâm linh Kitô giáo” (Laudato Si, số 15), bởi vì “Đức tin có thể đem lại cho các Kitô hữu sự thúc đẩy phong phú để có thể góp phần chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên cũng như giúp đỡ cho những anh chị em dễ bị tổn thương nhất” (Laudato Si, số 64).

Những thúc đẩy về luân lý chính là sự đóng góp có giá trị mà niềm tin tôn giáo và thực hành tâm linh có thể và phải mang lại đối với sự phát triển, thông qua các nhà lãnh đạo tinh thần và đông đảo các tín hữu. Họ “phải không ngừng cảm thấy như bị thôi thúc để sống hòa hợp với đức tin mà họ tuyên xưng và không mâu thuẫn với đức tin ấy qua những hành động của họ” (Laudato Si, số 200). Họ phải đóng góp vào việc áp dụng và mở rộng hơn nữa các khuôn khổ đầy tham vọng và có căn bản luân lý đối với những hành động phát triển, chẳng hạn như những gì liên quan đến việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững mới.

Viễn tượng thứ hai đặt nền tảng trên đức tin sẽ đụng chạm đến phẩm giá con người. Chúng ta thì cao trọng hơn các loại hàng hóa hoặc các dữ liệu được đo lường và trình bày qua GDP. Chúng ta không đơn giản chỉ là những yếu tố sản xuất hay tiêu dùng. Khi con người đơn giản chỉ là những nguồn nhân lực, lúc ấy họ không còn là thước đo thành công của các chính sách. Thay vào đó, con người trở nên không còn giá trị sử dụng và có thể bị vứt bỏ. Việc gạt bỏ con người sang một bên hoàn toàn có lợi cho các nhà sản xuất. Người ta cho rằng việc loại bỏ những con người này sẽ có lợi đối với việc tiêu thụ nguồn nước.

Tầm nhìn của chúng ta về con người phải đa diện hơn nhiều. Đức Thánh Cha Phanxicô dạy rằng chúng ta phải hội nhập đời sống tâm linh, các mối tương quan trong xã hội, và tất cả những mối tương quan khác của chúng ta với thiên nhiên. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “cái đang bị đe dọa chính là phẩm giá con người. Việc trao lại một hành tinh cho các thế hệ tương lai có thể trú ngụ, đầu tiên và trước hết, tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Vấn đề đó đang ảnh hưởng cách đáng kể trên mỗi người chúng ta, vì nó có liên hệ đến ý nghĩa tối hậu của nơi tạm trú trần gian của chúng ta”(Laudato Si, số 160).

Vì vậy, nhân dịp chúng ta tụ họp nhau nơi đây trong suốt ‘Tuần lễ Nước Thế giới’ năm nay, tôi muốn kết luận bằng việc đưa ra một vài ví dụ về những đóng góp mà các tổ chức tôn giáo có thể đem lại liên quan đến nguồn nước.

– Giáo dục giới trẻ biết trân trọng tình liên đới, tính vị tha, và tinh thần trách nhiệm. Chính những nhân đức này sẽ giúp cho giới trẻ trở thành những nhà quản trị và những chính trị gia thanh liêm.

– Theo Kinh Thánh và những truyền thống tâm linh, chúng ta có thể thấy rằng nước vô cùng quý giá và thậm chí là một yếu tố mang tính thánh thiêng. Nước còn được sử dụng rộng rãi trong các nghi thức phụng vụ. Điều này sẽ khích lệ chúng ta biết sự dụng nước một cách tôn trọng và với lòng biết ơn, cải thiện nguồn nước ô nhiễm, và nhận thức rằng nước không phải là một loại hàng hoá đơn thuần.

– Tổ chức các chiến dịch liên tôn nhằm làm sạch các nguồn nước sông, hồ, thúc đẩy việc tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy hòa bình và hữu nghị giữa các nhóm khác nhau.

– Tái khẳng định phẩm giá con người và công ích chung của toàn thể gia đình nhân loại nhằm cổ võ một thang giá trị khôn ngoan về những ưu tiên đối với việc sử dụng nước, đặc biệt những nơi có những đòi hỏi đa dạng và mang tính cạnh tranh tiềm tàng đối với nước.

Tất cả những yếu tố trên sẽ giúp cho việc tiếp cận bền vững đối với những nguồn nước có thể uống được. Thách thức quan trọng nhất này đã được Giáo Hội Công Giáo đề cập trong nhiều năm qua. Thật đáng hổ thẹn khi rất nhiều anh chị em chúng ta đang chịu đựng những cơn khát hoặc buộc phải uống những nguồn nước không an toàn; nhu cầu chính đáng của họ phải phụ thuộc vào những nghành công nghiệp vốn tạo ra rất nhiều ô nhiễm làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước; chính phủ chỉ chú tâm theo đuổi những ưu tiên khác để rồi bỏ qua tiếng kêu khát của những người dân này. Chúng ta đã biết Chúa Giêsu đã đánh giá thế nào về những vấn đề này. Theo trình thuật Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Mt 25, 35), Chúa Giêsu đã dạy những nghĩa vụ mà chúng ta phải thực hiện: “Vì xưa Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống”. “Nguyện xin cho Hội nghị này sẽ giúp thế giới chúng ta tỉnh táo hơn trước cơn khát của Chúa Giêsu để có thể cung cấp đủ nước sạch cho Ngài uống!”

Xin cảm ơn!

Minh Tuệ (theo Zenit)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết