Bài giảng Thánh lễ mừng kính Thánh Phêrô và Phaolô của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong bài giảng Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến những chủ đề “ràng buộc” và “tháo cởi” nơi đời sống của 2 vị Thánh Quan Thầy của thành Rome.

hai thánhGiáo Hội phải tránh tình trạng tự khép mình khỏi những cuộc bách hại và những nỗi sợ hãi, Đức Thánh Cha cho biết. Đồng thời, Giáo Hội phải “Mở toang các cánh cửa để Thiên Chúa có thể hoạt động.  Việc cầu nguyện cho phép chúng ta có thể mở toang những cánh cửa của sự sợ hãi để trở nên can trường hơn, từ những nỗi u sầu sẽ trở nên những niềm vui, và từ những chia rẽ trở nên hiệp nhất với nhau” – Đức Thánh Cha nói.

Dưới đây là bài giảng do  Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị nhân dịp mừng kính 2 Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô:

Phụng vụ Lời Chúa trong hôm nay cho chúng ta thấy một sự tương phản rõ ràng giữa việc ‘ràng buộc’ và ‘tháo cởi’. Cùng với hình ảnh này, chúng ta hãy để ý đến biểu tượng ‘chìa khóa’ mà Chúa Giêsu hứa sẽ trao cho Simon Phêrô để ông có thể mở lối vào Nước Trời, và không ngăn người ta vào lối ấy, như một số các kinh sư và người Pharisiêu giả hình mà Chúa Giêsu đã khiển trách (Mt 23,13).

Bài đọc thứ nhất trích sách Công Vụ Tông Đồ (12, 1-11) cho chúng ta thấy 3 ví dụ về việc bị “ràng buộc”: Thánh Phêrô bị tống ngục, cộng đoàn các tín hữu tụ họp đằng sau các cánh cửa đóng kín để dâng lời cầu nguyện; và – tiếp tục bài đọc thứ nhất – Thánh Phêrô đến gõ cửa nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan cũng được gọi là Máccô sau khi thoát cảnh ngục tù.

Qua 3 ví dụ về sự “rành buộc” này, ta có thể thấy việc cầu nguyện dường như là việc làm hữu hiệu nhất lúc này. Đó như là lối thoát duy nhất đối với  các cộng đoàn lúc đó đang phải run sợ sau các cánh cửa khép chặt vì sợ những cuộc bách hại. Đó cũng là cứu cánh duy nhất cho Phêrô ngay khi ông bắt đầu sứ vụ mà Thiên Chúa trao phó để chịu cảnh vua Hê-rô-đê tống ngục và có thể bị xử tử. Trong khi Phêrô chịu cảnh ngục tù, “Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12, 5). Thiên Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện đó và sai một thiên sứ để “giải thoát ông khỏi tay Hêrôđê” (Cv 12, 11). Việc cầu nguyện với cả tấm lòng chân thành và tín thác nơi Thiên Chúa cũng như Thánh ý Ngài, luôn luôn là cứu cánh cho những “ràng buộc” của mỗi chúng ta cũng như mỗi cộng đoàn.

Thánh Phaolô cũng vậy, trong thư gửi cho ông Timôthê, ngài đã kể về kinh nghiệm vì đã được Thiên Chúa giải thoát. “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tim 4, 17). Nhưng Thánh Phaolô lại cho thấy những “tháo cởi”, hướng tới những chân trời rộng lớn vô hạn hơn. Đó chính là chân trời của sự sống vĩnh cửu đang chờ đợi ngài ở cuối chặng đường trần gian mà ngài đã “chạy hết chặng đường và giữ vững niềm tin”. Chúng ta có thể thấy suốt cuộc đời Thánh Tông Đồ Phaolô, ngài đã “rong ruổi khắp mọi nẻo đường” để rao giảng Tin Mừng. Cuộc đời Thánh Phaolô đã dâng hiến hoàn toàn cho sứ vụ đem Chúa Kitô đến với những người vẫn chưa nhận biết Chúa, để rồi cuối cùng Thiên Chúa “sẽ đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời” (2 Tim 4, 18).

Chúng ta cùng trở lại với vị Tông đồ Phêrô. Trình thuật Tin mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt 16, 13-19) về việc tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô và sứ vụ mà Chúa Giêsu trao phó cho ông cho chúng ta thấy cuộc đời ông Simon Phêrô, một ngư phủ Galilê – cũng như bao người trong chúng ta – đã biết mở rộng tâm hồn để đón nhận những mạc khải từ Thiên Chúa Cha. Simon đã bắt đầu cuộc hành trình – một cuộc hành trình vạn dặm đầy gian nan thử thách phía trước. Trên chuyến hành trình này, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đầy quyết đoán: “Thầy đã cầu nguyện cho anh [Simon], để anh khỏi mất đức tin” (Lc 22, 32). Cũng vậy, ánh mắt đầy nhân hậu của Chúa Giêsu đối với Phêrô sau khi ông đã chối Thầy mình tới ba lần: đó là một ánh mắt xuyên thấu tâm hồn ông khiến những giọt nước mắt ăn năn bỗng lăn trên gò má của một môn đệ phản bội (Lc 22, 61-62). Vào giây phút đó, ông Simon Phêrô đã được giải thoát khỏi cảnh ngục tù của sự kiêu căng tự phụ và những nỗi sợ hãi của mình, và vượt qua những cám dỗ để đóng cửa tâm hồn trước lời mời gọi của Chúa Giêsu để bước theo Ngài trên con đường thập giá.

Cha cần phải nhắc đến một điều đó là, trong đoạn tiếp theo trong sách Công Vụ Tông Đồ, có một chi tiết chúng ta cần để ý (Cv 12, 12-17). Khi Phêrô tự nhận thấy mình đã được giải thoát một cách kì diệu khỏi tay vua Hê-rô-đê, ông liền đến nhà mẹ của ông Gioan còn gọi là Mác-cô. Ông đập cổng thì có một tớ gái tên Rô-đa chạy ra nghe ngóng. Nhận ra giọng nói của ông Phêrô, cô mừng quýnh, không mở cổng mà lại chạy vào báo tin với bà chủ của mình. Trình thuật trên, có vẻ có điều gì đó hơi hài hước, làm chúng ta cảm nhận được bầu không khí sợ hãi đã bao trùm lên cộng đoàn các tín hữu lúc bấy giờ đang ẩn mình sau những cánh cửa đóng kín, thậm chí khén kín trước những điều tuyệt diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi họ. Chi tiết này cho chúng ta thấy rằng luôn luôn có một sự cám dỗ trong Giáo Hội, đó là sự sợ hãi khi phải đối diện trước những nguy hiểm. Nhưng chúng ta cũng có thể thấy rằng có những lỗ nhỏ mà thông qua đó, Thiên Chúa có thể làm việc. Thánh Luca đã cho chúng ta thấy rằng trong ngôi nhà đó “có nhiều người tụ họp và đang cầu nguyện” (c. 12). Việc cầu nguyện cho phép chúng ta có thể mở toang những cánh cửa của sự sợ hãi để trở nên can trường hơn, từ những nỗi u sầu sẽ trở nên những niềm vui, và từ những chia rẽ trở nên hiệp nhất với nhau. Vâng, chúng ta có thể xác quyết như vậy cùng với các anh em được Đức Thượng Phụ Bartholomew phái đến đây để cùng tham gia mừng kính hai vị Thánh bảo trợ thành Rôma. Hôm nay cũng là dịp toàn thể Giáo hội cùng hiệp thông qua sự hiện diện của các vị Tổng Giám mục, cùng chứng kiến việc chúc lành cho những dây pallia được dệt từ lông những con chiên mà họ sẽ được lãnh nhận sắp tới.

Nguyện xin 2 Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô cầu bầu cho chúng ta, để chúng ta vui vẻ  tiến bước trên cuộc hành trình trần gian, để trải nghiệm việc Thiên Chúa giải thoát chúng ta, và để trở nên những chứng nhân cho Ngài trước thế giới.

29.6.2016

+ Giáo Hoàng Phanxicô

Minh Tuệ (theo Radio vatican)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết