Bài giảng trong thánh lễ cầu nguyện cho anh chị em ngư dân tại Miền Trung và các tù nhân lương tâm tại nhà thờ Thái Hà, lúc 20 giờ,Chúa Nhật 29/05/2016 của Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT:
………………………………………………….
Kính thưa ông bà và anh chị em,
Đoạn Lời Chúa mà Giáo Hội cho chúng ta nghe đọc trong thánh lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay rất sinh động, qua câu chuyện Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dâng chúng ăn (Lc 9, 11b-17). Đây là một trong nhiều đoạn Lời Chúa mà theo các nhà chú giải Kinh Thánh cũng như trong truyền thống của Giáo hội ám chỉ đến Bí tích Thánh Thể. Qua chính việc Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích này trong bữa Tiệc Ly, trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn, chịu đóng đinh trên thập giá.
Và trong suốt chiều dài hơn hai ngàn năm qua, Giáo hội đã cử hành Bí Tích Thánh Thể, như là đỉnh cao của việc tôn thờ Thiên Chúa. Các kitô hữu đã được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Thánh Chúa. Đó là sức mạnh để họ có thể tiến bước trong hành trình Đức Tin giữa trần gian này.
Thưa cộng đoàn, khi đọc đoạn Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta cũng nhận ra điều này, trong khi rao giảng Tin Mừng, đứng trước hoàn cảnh khó khăn cụ thể, đối diện với nhu cầu thiết yếu hằng ngày của con người, nhất là những người nghèo khổ đang lắng nghe Ngài giảng dạy, Chúa Giêsu đã không làm ngơ để họ phải đói, phải khát, ngược lại, Ngài đã nuôi dưỡng họ, nên “tất cả đều ăn no nê” đến nỗi còn dư, còn thừa, mà bài Tin Mừng thuật lại “người ta thu lượm được mười hai thúng”. Và điều đó cho chúng ta biết, Thiên Chúa cứu độ nhân loại, cứu độ mỗi người chúng ta một cách toàn diện. Nói cách khác, Đức Giêsu, Ngài đến cho chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10,1-10), Ngài nuôi dưỡng chúng ta về đàng thiêng liêng, nhưng Ngài cũng muốn chúng ta không phải đói, phải khát nếu như cái đói, cái khát đó làm ta đánh mất phẩm giá cao quý là một con người được Thiên Chúa dựng nên.
Trong khung cảnh của thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình tối nay, mời ông bà và anh chị em, suy nghĩ đôi chút về cái đói, cái khát của chính chúng ta, của anh chị em chúng ta đang phải đối diện qua mỗi ngày sống. Và thiết nghĩ, đây là cơn đói, cơn khát cơ bản, quan trọng nhất; đó chính là cơn đói, cơn khát ‘sự thật’. Sự thật liên quan đến các vấn đề khác nhau đang xảy ra trên quê hương đất nước chúng ta:
– Qua các phương tiện truyền thông với những số liệu thống kê về tăng trưởng kinh tế, hay qua quan sát qua loa bề ngoài, đôi khi chúng ta vẫn ảo tưởng là chúng ta đã có một cuộc sống đảm bảo về vật chất; anh chị em trên quê hương đất nước chúng ta đang được đảm bảo về những nhu cầu thiết yếu hằng ngày như cái ăn, cái mặc và những dịch vụ cơ bản.
Sự thật là người dân nhiều nơi vẫn thiếu cơm ăn, áo mặc, nhất là vùng sâu, vùng xa. Không chỉ thiếu theo thời vụ mà thiếu quanh năm. Ngay đến anh chị em ngư dân Miền Trung không thể ra biển chỉ thời gian ngắn đã rơi vào tình cảnh thiếu ăn. Trong lá thư gửi cho cha Lê Quang Uy, DCCT Sài Gòn, cha xứ Cồn Sẻ tại Quảng Bình viết: “Tình thế biển thế này, Giáo Xứ chúng con gặp quá nhiều khó khăn hiện tại cũng như về lâu về dài. Tàu về neo đậu kín cả sông, ngư dân đến nay không được một lời giải thích. Giáo Xứ chúng con hết đường sống rồi cha ạ. Vậy xin cha tìm cách giúp cho Giáo Xứ chúng con ít gạo.” (Lm. Phêrô Hoàng Anh Ngợi, ngày 11/5/2016.
Dù biết rằng, lòng người thì chẳng biết đâu mà đủ, nhưng cứ nhìn vào đời sống của chúng ta, xung qanh chúng ta, của đồng bào chúng ta với hơn 90 triệu dân. Bao người không có nhà cửa, hay phải ở những ngôi nhà tạm bợ, chật chội, chen chúc; bao nhiều gia đình phải quay quắt, cực nhọc để sao có thể sống qua ngày. Và thử hỏi, bao người trong chúng ta được hưởng dịch vụ y tế tốt? Bao bạn trẻ được hưởng môi trường giáo dục lành mạnh, trong lành, tiến bộ?
Sự thật là do nghèo đói, khổ cực, hàng năm, người dân ở nhiều nơi vẫn bất chấp nguy hiểm để vượt biên ra nước ngoài tìm vận may. Số liệu thống kê, từ năm 2009 đến năm 2013 có gần 1000 người vượt biên qua Úc vì bần cùng đói khổ. Và tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Nhiều người thì được ra nước ngoài “dù trong thân phận xuất khẩu lao động, làm ô sin hay cô dâu bất đắc dĩ… vẫn là một giấc mơ đổi đời và họ sẵn sàng chớp lấy một khi có cơ hội dù phải đánh đổi bất chấp thứ gì” (RFA, Vì sao người Việt vẫn bỏ nước ra đi, 07.4.2016)
Cơ chế xã hội, nạn tham nhũng đã và đang đẩy đất nước chúng ta vào tình trạng tụt hậu. Một nhóm nhỏ có đặc quyền đặc lợi, câu kết, bắt tay nhau để vơ vét của cải trở nên giầu có bất thường, không do mồ hôi, sức lao động bỏ ra. Phá hủy tài nguyên môi trường để vơ vét, nhiều công nhân bị bóc lột sức lao động, làm việc cực nhọc nhưng nhận được đồng lương ít ỏi, phải sống tằn tiện qua ngày; nhiều nông dân khắp Bắc – Trung – Nam bị mất đất, mất ruộng, vườn, rơi vào cảnh thất nghiệp – ngày này, tháng khác vác đơn đi kêu oan khiếu kiện.
Chúng ta đói, chúng ta khát sự thật đó thưa ông bà và anh chị em. Sự thật đất nước bị tụt hậu, người dân rơi vào cảnh thiếu thốn, bần cùng mà không phải do lỗi của mình.
– Chúng ta đói, chúng ta khát thông tin sự thật, liên quan đến những gì đang diễn ra. “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”, đó là khẩu hiệu người dân yêu cầu, liên quan đến thảm họa môi trường đã và đang xảy ra tại các tỉnh Miền Trung. Đâu là nguyên nhân thật sự xảy ra thảm họa môi trường này? Câu hỏi cứ được đặt ra, nhưng cơ quan chức năng có trách nhiệm không có câu trả lời rốt ráo, thỏa đáng. Đã gần hai tháng xảy ra thảm họa, nước biển nhiễm độc tố, cá voi chết, cá to, cá nhỏ chết, tôm chết, ngao sò chết; muối nhiễm độc tố…nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang cố gắng, “sớm công bố kết quả”, cái gọi là công bố kết quả thì loan quanh, mù mở, chẳng có kết quả gì cả…
Điều gì đang bị che đậy, điều gì khiến các cơ quan chức năng không thể đưa ra nguyên nhân và có hướng giải quyết rốt ráo. Khả năng yếu kém, tính chất sự việc phức tạp hay đang bao che, lấp liếm cho qua chuyện vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích đản phái nên phải làm như thế?
Việt Nam có hơn 800 (838) cơ quan báo chí và gần 70 (67) đài phát thanh, truyền hình (wikipedia), nhưng những sản phẩm từ các cơ quan báo chí và đài truyền hình chính thống luôn được định hướng để phục vụ thể chế. Cái định hướng ấy sẵn sàng bóp méo, vu khống. Vụ việc xảy ra tại Thái Hà nơi đây hay Tòa Khâm Sứ từ năm 2008 cho chúng ta kinh nghiệm về điều đó. Vu khống giáo dân, các linh mục và cách riêng đối với nguyên Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt khi cắt xén lời phát biểu của ngài.
Mới đây, đài truyền hình VTV1 trong bản tin thời sự lúc 19 giờ, ngày 15.05 cũng đã vu khống, chụp mũ những người dấn thân cho dân chủ; vu khống cho Đức cha Phaolô Nguyễn Thải Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh là ‘thổi phồng, gây hoang mang, dùng lời lẽ kích động giáo dân’, khi ngài lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm rõ nguyên nhân, cũng như có cách khắc phục hậu quả, và kêu gọi con cái của mình có những hành động cụ thể phù hợp với Tin Mừng trước thảm họa ô nhiễm môi trường biển đã và đang xảy ra.
Tại Hà Nội và Sài Gòn, vào các ngày Chúa Nhật vừa qua, đã có hàng ngàn người xuống đường bảy tỏ quan điểm ôn hòa vì môi trường bị an ninh chìm nổi bắt bớ, đánh đập, nhưng báo chí, truyền hình, phát thanh không đưa được một mẩu tin phản ánh sự kiện; khi đưa tin lại xuyên tạc, bôi nhọ, quy chụp: nào là gây rối trật tự, bị xúi giục, bị kích động, bị những phần tử phản động lôi kéo…
Trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ, ông Obama tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình hôm 24 tháng 5, những đoạn đề cập đến nhân quyền bị các phương tiện truyền thông của nhà nước né tránh, bóp méo, xuyên tạc, cắt xén (VOA, 27/5/2016).
Chính chúng ta và anh chị em chúng ta đang đói, đang khát sự thật liên quan đến thông tin mà hằng ngày chúng ta tiếp nhận, thưa ông bà và anh chị em. Những điều tôi đưa ra chỉ là điển hình, và còn nhiều thông tin liên quan đến vận mệnh quốc gia, người dân có quyền được biết sự thật, nhưng đã không được biết, và nếu có biết lại là những thông tin sai sự thật.
– Chúng ta đói, chúng ta khát nhân phẩm và những quyền cơ bản của con người mà trong tư cách là những con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta.
Người dân đang đói, đang khát được bày tỏ quan điểm, bày tỏ chính kiến mà không bị xách nhiễu, bắt bớ, đánh đập, bỏ tù. Người dân mong mỏi được hưởng quyền tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác. Nhà hoạt động dân chủ tại Sài Gòn, ông Huỳnh Ngọc Chênh viết trên mạng xã hội facebook như thế này: ‘Những gì Obama nói thì Hà Sĩ Phu, Phạm Đình Trọng, Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Điếu Cầy đã nói. Ông nói được hàng triệu người nghe và qua đó thuyết phục được nhiều người, và quan trọng hơn là sau đó ông không bị bắt tù. Còn các bạn tôi nói thì hầu hết đều vào tù’ (FB Hunh Ngoc Chenh, 26/5/2016).
15 người thuộc các nhóm xã hội dân sự khác nhau được mời đến gặp ông Obama vào sáng 24.5 tại Hà Nội, nhưng chỉ có 6 người có mặt; những người khác – những người có thể ông Obama cần được lắng nghe tiếng nói của họ hơn, thì bị an ninh ngăn chặn, cấm cản nhiều cách khác nhau (Thông tin trên BBC, VOA và FB).
Sự thật là rất nhiều anh chị em chúng ta bị bắt bớ, giam giữ cách bất công, sai trái vì bất đồng chính kiến. (có hơn 100 người đang bị cầm tù). Sự thật là rất nhiều anh chị em đã không được đối xử công bằng, minh bạch tại các phiên tòa, họ phải chịu những bản án nặng nề mà một trong những người hôm nay chúng ta cũng được mời gọi cầu nguyện cho ông vì ông đang tuyệt thực trong lao tù; đó là ông Trần Huỳnh Duy Thức. Ông Thức sinh năm 1966 tại Sài Gòn, nguyên là Tổng giám đốc của Công ty dịch vụ điện thoại internet OCI. Năm 2010, ông Thức bị kết án 16 năm tù với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ (wikipedia).
Thưa ông bà và anh chị em, sự thật đó, sự thật là những vấn đề liên quan đến phẩm giá con người, những quyền cơ bản của người dân không hề được tôn trọng trên quê hương đất nước chúng ta. Cho dù những quyền đó có ghi trong Hiến pháp, đã được Việt Nam kí kết với Quốc Tế.
—————-
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại, các môn đệ nói với Chúa Giêsu: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn”. Chúa Giêsu nói với các ông “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,12).
Khi dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện cho công lý và hòa bình tối nay, chúng ta cũng được chính Chúa Giêsu nói với từng người chúng ta ” Chính anh em hãy cho họ ăn “
Mở lòng ra để liên đới trợ giúp anh chị em chúng ta thoát khỏi cảnh phải đói, phải khát – những nhu cầu thiết yếu hằng ngày như lời mời gọi của Chúa chúng ta: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc. Cách cụ thể, trong những ngày này, chúng ta hãy quảng đại trước lời mời gọi trợ giúp anh chị em ngư dân tại các Tỉnh Miền Trung đang gặp khó khăn.
Lên án mạnh mẽ nạn tham nhũng đang đẩy đất nước vào cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Nạn tham nhũng xảy ra trong cơ cấu điều hành đất nước, nơi quan chức và những người có địa vị trong xã hội. Như lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nạn tham nhũng như một vết thương mưng mủ, “vết thương mưng mủ này là một trọng tội đang kêu thấu tới trời, vì đang hủy hoại nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội. Nạn tham nhũng không cho chúng ta tin tưởng nhìn về tương lai, vì sự tàn nhẫn và tham lam sẽ làm tiêu tan dự định của những người yếu kém, và giẫm nát những người nghèo khổ nhất” “Để loại trừ tham nhũng khỏi cuộc sống cá nhân và xã hội, cần phải khôn ngoan, tỉnh thức, trung thực, lương thiện, kèm theo sự can đảm để tố giác điều sai trái. Nếu không công khai loại trừ, thì sớm hay muộn, tham nhũng cũng biến chúng ta thành người đồng lõa và sẽ hủy hoại cuộc sống” (Misericordiae Vultus, 19)
” Chính anh em hãy cho họ ăn “. Chúa Giêsu có thể tự làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng Ngài cần sự cộng tác của đám đông dân chúng với năm chiếc bánh và hai con cá. Trước lời mời gọi của Chúa Giêsu, chính chúng ta hãy thúc đẩy, cộng tác với nhau để lên tiếng, hành động, yêu cầu cần được biết thông tin sự thật liên quan đến các vấn đề quan trọng của đất nước. Cụ thể hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho anh chị em của mình tại Miền Trung: Chính các ngư dân tại Miền Trung và chúng ta cần được biết những gì đang xảy ra cho môi trường biển, nguyên nhân do đâu? Và cách giải quyết vấn đề cụ thể để môi trường biển an toàn, ngư dân không phải rơi vào tình trạng phơi lưới, cột thuyền vì không thể ra khơi.
Đại họa ô nhiễm môi trường biển đang xảy ra không chỉ liên quan đến anh chị em ngư dân Miền Trung, nhưng còn ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người chúng ta, đến thế hệ tương lai của Dân Tộc. Chúng ta cần đòi hỏi những người có trách nhiệm minh bạch, các phương tiện truyền thông phải được tự do phản ánh sự thật khách quan. Không thể đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt, lợi ích của một nhóm người. Hãy lắng nghe tiếng khóc của biển cả, tiếng kêu than của anh chị em ngư dân nghèo khổ và sự sợ hãi diễn ra mỗi ngày của chính chúng ta khi phải ăn các loại thực phẩm bẩn, để rồi trả lời trước cầu hỏi: ‘Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?”
” Chính anh em hãy cho họ ăn “. Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta khi ngài viết trong Tông Sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót: “Hãy mở to mắt để nhận ra tình trạng khốn khổ của thế giới, để thấy những vết thương của anh chị em chúng ta đang bị tước mất nhân phẩm, và ý thức rằng chính chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng họ kêu gào xin được cứu giúp. Ước gì bàn tay chúng ta nắm lấy đôi tay họ và kéo họ đến với chúng ta, Ước chi tiếng nói của họ trở thành tiếng nói của chúng ta, và ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm, vẫn thường được dùng để che giấu thói giả hình và tính ích kỷ.” (Misericordiae Vultus, 15). Lên tiếng, dấn thân cho những giá trị cơ bản của con người hầu có một xã hội công bằng, tự do, dân chủ thực sự; đó không chỉ là bày tỏ sự liên đới, tình bác ái với anh chị em chúng ta nhưng còn là cho chính chúng ta, cho tương lại con cháu và vì tương lai quê hương đất nước chúng ta.
Thưa ông bà và anh chị em, Chúa Giêsu đã khẳng định ‘sự thật giải phóng anh em’. Thiếu vắng sự thật, sự giả dối sẽ ngự trị và điều này đang làm cho đời sống cá nhân, gia đình, cộng đoàn và xã hội chúng ta mỗi ngày một èo uật, mất sức sống, lương tâm, nhân phẩm con người trở nên méo mó, dị dạng.
Cầu nguyện cho công lý và hòa bình tối nay, chúng ta được mời gọi ý thức về sự thật mà chúng ta vừa cùng nói với nhau. Và nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể bổ sức cho mỗi người chúng ta. Để ta không làm ngơ quên đi nỗi khao khát sự thật về các vấn đề xã hội đang xảy ra; hầu quảng đại cộng tác với những tâm hồn thành tâm thiện chí mà góp phần mình làm cho quê hương được thay đổi. Đức Giêsu, Chúa của chúng ta Ngài đến làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật là đón nhận lấy Ngài. Và sự thật sẽ giải thoát chúng ta (Ga 8,32) Amen!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT
Nguồn: http://nhathothaiha.net/bai-giang-le-cong-ly-va-hoa-binh-su-giai-thoat-anh-em-ga-832/