Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Ngày Năm Thánh dành cho những người đau yếu và khuyết tật

Dưới đây là bản dịch bài giảng do Tòa Thánh cung cấp của Đức Thánh Cha  trong Thánh Lễ Năm Thánh dành cho những người đau yếu và khuyết tật sáng Chủ Nhật 12/6 tại Quảng trường Thánh Phêrô:

“Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào Thập giá; tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 19). Qua những lời này, Thánh Tông Đồ Phaolô đã mạnh mẽ bày tỏ mầu nhiệm của đời sống Kitô hữu, có thể được tóm gọn trong mầu nhiệm Vượt qua của sự chết và sống lại mà chúng ta lãnh nhận qua Bí tích rửa tội. Thật vậy, thông qua việc được nhận chìm trong nước, mỗi người trong chúng ta cùng được chết và cùng được mai táng với Chúa Kitô (Rm 6, 3-4), để rồi từ đó, chúng ta được tái sinh bằng sự sống mới trong Chúa Thánh Thần. Việc tái sinh này bao trùm mọi khía cạnh trong đời sống chúng ta: ngay cả bệnh tật, đau khổ và sự chết sẽ được Chúa Kitô gánh lấy và nơi Người chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa sâu xa qua những bệnh tật, khổ đau và chết chóc ấy. Hôm nay, nhân ngày cử hành Năm Thánh cầu nguyện cho các bệnh nhân và những người khuyết tật, Lời Chúa về sự tái sinh này lại có một âm vang đặc biệt cho mỗi người chúng ta.

Dù sớm hay muộn, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để đối mặt – vào những thời điểm rất đau đớn – với sự yếu đuối mong manh và bệnh tật của chính chúng ta cũng như của người khác. Đã có biết bao khuôn mặt khác nhau đã phải trải qua không ít lần như vậy! Tuy nhiên, Tất cả những điều ấy làm dấy lên câu hỏi bức thiết về ý nghĩa của đời sống con người. Chúng ta dường như dễ yếu lòng và trở nên hoài nghi, như thể cách giải quyết duy nhất chỉ đơn giản là kiên nhẫn chịu đựng những kinh nghiệm đau thương và cậy dựa vào sức của riêng bản thân. Hoặc chúng ta có thể đặt niềm tin hoàn toàn vào khoa học và nghĩ rằng chắc chắn ở đâu đó trên thế giới sẽ có một phương thuốc có khả năng chữa lành bệnh tật.Nhưng đáng buồn thay, sự thật không phải như thế, thậm chí thần dược có tồn tại đi nữa, nó cũng sẽ chỉ đến được với một số người.

Bản chất của con người vốn bị tổn thương bởi bởi tội lỗi và luôn luôn mang trong mình những hạn chế. Chúng ta đã quen thuộc với những sự ngăn trở ngày một gia tăng đối với những người mắc những giới hạn thể lý nghiêm trọng. Người ta nghĩ rằng bệnh nhân hay người khuyết tật không thể hạnh phúc, vì họ không thể sống một cuộc sống vốn được định hình bởi một nền văn hóa vui chơi và giải trí. Trong một thời đại khi sự chăm sóc cho thân xác của con người trở thành nỗi ám ảnh và gây ra nhiều tốn kém, bất cứ ai không hoàn hảo đều phải được che giấu đi, vì họ cho rằng những người này sẽ đe dọa đến hạnh phúc và sự yên bình của một nhóm người có đặc quyền đặc lợi và đó cũng chính là mối nguy hiểm đối với những người có chức có quyền.  Những người khuyết tật như vậy tốt nhất nên được tránh xa – thậm chí bị “cách ly” trong những tòa nhà “hào nhoáng” – hay những “ốc đảo” của lòng mộ đạo hay công ích xã hội, chính vì vậy mà người ta không giữ lại những hữu thể mà người ta cho là không có ích cho xã hội. Trong một số trường hợp, chúng ta thậm chí được nói rằng tốt hơn hết là hãy loại trừ những người khuyết tật đi càng sớm càng tốt, vì họ sẽ trở thành những gánh nặng kinh tế không thể chấp nhận được trong thời buổi khủng hoảng hiện nay. Nhưng thật là ảo tưởng khi con người ngày nay nhắm mắt làm ngơ trước khuôn mặt của biết bao bệnh nhân và người khuyết tật. Họ đã không hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống chính là phải biết đón nhận những đau khổ và giới hạn. Thế giới sẽ không trở nên tốt hơn khi chỉ tồn tại những người ‘hoàn hảo’ theo vẻ bề ngoài – Cha muốn sử dụng từ ‘hoàn hảo’ hơn là ‘giả tạo’ – thế nhưng thế giới này chỉ trở nên tốt hơn khi tình liên đới nhân loại, việc đón nhận và tôn trọng lẫn nhau được gia tăng. Lời của Thánh Tông Đồ Phao-lô quả thật chính xác: ‘Những gì thế gian cho là yếu kém, Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh’ (1 Cr 1:27)!

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Lc 7, 36- 8, 3) trình bày cho chúng ta một tình huống cụ thể về sự yếu đuối. Một người  phụ nữ bị xem là kẻ tội lỗi, bị người ta xét đoán và loại trừ, nhưng Đức Giêsu lại đón nhận và bảo vệ chị: ‘Chị đã yêu mến nhiều’ (Lc 7, 47). Đó là lời kết luận của Đức Giêsu – Đấng đã quan tâm đến những đau khổ và sự nài xin của chị. Sự tha thứ của Đức Giêsu là dấu chỉ của tình yêu mà Thiên Chúa bày tỏ cho những ai đau khổ và bị gạt ra bên lề.  Đau khổ không chỉ là về mặt thể lý nhưng còn về mặt tinh thần – một trong những bệnh lý thường gặp nhất hiện nay. Đó là sự đau khổ trong tâm hồn; khiến người ta trở nên buồn khổ vì thiếu tình yêu mến. Khi kinh nghiệm được sự thất vọng hay bị phản bội trong những mối tương quan thân thiết, chúng ta mới nhận ra rằng chúng ta dễ bị tổn thương và mong manh đến là dường nào. Chính vì vậy, cám dỗ của việc chỉ quan tâm đến bản thân mình ngày càng mạnh mẽ hơn, và chúng ta vụt mất cơ hội lớn nhất trong đời: để yêu và bất chấp mọi thứ!

Hạnh phúc mà mọi người đều mong muốn có thể được diễn tả bằng rất nhiều cách thức và chỉ đạt được khi chúng ta có khả năng biết yêu thương.  Đó chính là đường lối của tình yêu, ngoài ra không còn cách nào khác. Nhưng thách đố chính là ai mới là người yêu thương nhất. Đã có biết bao nhiêu người khuyết tật và đau khổ rộng mở tâm hồn khi họ nhận ra họ được yêu thương! Đã có biết bao nhiêu tình yêu nảy sinh nơi một tâm hồn đơn giản chỉ với một nụ cười! Liệu pháp đơn giản này chính là sức mạnh của nụ cười. Như thế, chính sự yếu đuối mong manh của chúng ta có thể trở thành nguồn mạch của sự an ủi và nâng đỡ chúng ta trong những khi cô đơn. Chúa Giêsu, qua cuộc khổ nạn đau thương của Ngài, đã yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13, 1); trên thập giá Ngài đã biểu lộ tình yêu trao ban không hề có giới hạn. Liệu chúng ta có thể trách cứ Thiên Chúa vì những yếu đuối và đau khổ mà chúng ta phải chịu đựng khi chúng ta nhận ra những đau khổ ấy qua chính diện mạo của Đức Kitô – Đấng Chịu Đóng Đinh? Những đau đớn thể xác mà Người phải chịu cùng với sự nhạo báng, hạ nhục và khinh miệt, thế nhưng Đức Giêsu đã đáp lại những điều ấy bằng Lòng thương xót khi Ngài đón nhận và tha thứ tất cả: Chính bởi thương tích của Người mà chúng ta được chữa lành’(Is 53, 5; 1 Pr 2, 24). Đức Giêsu là thầy thuốc chữa lành chúng ta bằng phương dược tình yêu, vì Ngài đã gánh lấy mọi đau khổ và cứu độ chúng ta. Thiên Chúa có thể hiểu thấu những yếu đuối của chúng ta, vì chính Ngài đã kinh nghiệm điều ấy khi mặc lấy thân phận như một người phàm (Dt 4, 15).

Cách chúng ta trải nghiệm những bệnh tật và những khiếm khuyết chính là chỉ số tình yêu để chúng ta đang có thể sẵn sàng để trao ban. Cách chúng ta đối mặt với đau khổ và những giới hạn là sự đo lường tự do của chúng ta trong việc đem lại ý nghĩa cho kinh nghiệm cuộc sống của một người, thậm chí ngay khi những đau khổ và giới hạn ấy làm chúng ta có cảm giác là mình làm những điều vô nghĩa và chẳng đem lại ích lợi gì. Nhưng chúng ta đừng để bị nao núng vì các nỗi gian truân ấy (1 Tx 3, 3). Chúng ta biết rằng qua sự yếu đuối chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ (2 Cr 12, 10) và được lãnh nhận ân sủng để mang lấy vào thân cho đủ mức những gian nan thử thách của Đức Kitô vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1, 24). Vì thân thể ấy – hình ảnh của chính Đấng Kitô Phục Sinh – gìn giữ những thương ấy như những dấu vết của một cuộc chiến đấu cam go, nhưng đó là những thương tích được biến đổi mãi mãi vì tình yêu”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết