Bắc Kinh tẩy chay Lễ Giáng Sinh: một dấu hiệu của sự ngờ vực trong văn hóa Trung Quốc

Cina-_catholics_prayer-light

Có một cuộc chiến về Lễ Giáng Sinh tại Trung Quốc trong năm nay, được coi như là một yếu tố của “sự đầu độc tinh thần” của phương Tây. Một sự pha trộn của chủ nghĩa dân tộc, chống lại nhân quyền và sự kiêu ngạo đã dẫn đến lệnh cấm việc trang trí Giáng Sinh (mà Trung Quốc sản xuất và bày bán trên toàn thế giới), Hang đá Giáng sinh, thiệp chúc mừng, các cuộc tụ họp cầu nguyện. Tại các trường học, có những hiệu trưởng thẳng tay trừng phạt những học sinh nào dám nói rằng chúng sẽ tham dự Thánh lễ bởi vì chúng “phản bội văn hóa Trung Quốc”. Cha Peter, một Linh mục từ miền Bắc Trung Quốc, tác giả của bài viết này, cho thấy Trung Quốc cần phân biệt “một cách khoa học” hơn giữa “phương Tây” và “Kitô giáo”, nhưng đồng thời cũng phải nhận ra rằng rất nhiều điều tuyệt vời của nền văn minh phương Tây, vốn hiện đang tạo ra một Trung Quốc hùng cường, phát xuất từ các nhà truyền giáo và các Kitô hữu. Giáng Sinh chính là dịp lễ mừng ngày Ngôi Lời Nhập Thể, ngày Thiên Chúa hòa nhập với con người. Theo cách này, dịp lễ này cũng chính là mô hình của sự hội nhập và đối thoại giữa các nền văn hóa.

Cả văn hóa Trung Quốc và Kitô giáo đều là hai nền văn minh. Thế giới văn minh có nhiều sắc màu khác nhau bởi vì nó được tạo thành từ nhiều nền văn minh. Các nền văn minh khác nhau phải khoan dung và bổ sung cho nhau, để chúng có thể cùng nhau tỏa sáng. Thật không may, chủ nghĩa dân tộc thiển cận và chủ nghĩa phát xít, tâm lý dốt nát và thiếu văn minh của cuộc đấu tranh chống Tây phương, chỉ có thể dẫn đến sự hủy diệt các nền văn hóa và văn minh trên phạm vi toàn thế giới và khu vực.

Cái được gọi là ‘Cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc’, xảy ra vào thế kỷ trước, ngày nay được gọi là “10 năm hỗn loạn”. Nó không chỉ nhằm mục đích tiêu diệt và loại bỏ nền văn minh Kitô giáo, mà còn nhắm mục tiêu và gây tổn hại cho nền văn minh Trung Quốc, gây ra sự tổn hại nghiêm trọng như vậy trên quy mô chưa từng nghe thấy trong lịch sử loài người. Tất nhiên, chủ nghĩa đế quốc phương Tây vốn xâm chiếm Trung Quốc trong triều đại nhà Thanh sẽ bị lên án và đáng phải chịu sự kháng cự từ phía Trung Quốc. Nhưng thật bất công khi sự tức giận của mọi người đối với chủ nghĩa đế quốc đã dẫn đến tính trạng bạo lực chống lại các nhà truyền giáo và các tín hữu Kitô giáo.

Vài năm trước, 10 sinh viên tốt nghiệp người Trung Quốc đã đề xuất việc tẩy chay các hoạt động mừng lễ Giáng sinh. Kể từ đó, luôn có những người trẻ giận dữ, sẵn sàng tẩy chay dịp lễ này. Giờ đây, có những người điều hành chính phủ, một số doanh nghiệp và trường học ra chỉ thị rằng chúng ta không nên mừng lễ Giáng sinh nữa, để tôn vinh lá cờ của nền văn hóa và văn minh Trung Quốc. Nhưng văn hóa và văn minh Trung Quốc có nên từ chối các nền văn hóa cũng như các nền văn minh khác? Nếunhư tất cả các quốc gia chỉ quan tâm đến nền văn hóa và nền văn minh của riêng họ, làm thế nào việc hội nhập văn hóa có thể diễn ra, thông qua các cuộc trao đổi giữa các nền văn hóa khác nhau?

Kitô giáo không chỉ mang lại đức tin cho người dân Trung Quốc, mà còn mang lại cả khoa học, triết học, y học, toán học. Hầu hết các nhà truyền giáo Công giáo ở cuối triều đại nhà Minh và đầu triều đại nhà Thanh đều có những phẩm chất khoa học và là những chuyên gia về toán học. Hãy nghĩ về các nhà truyền giáo như Matteo Ricci, Nan Huairen (Linh mục Ferdinand Verbiest người Bỉ, 1623-1688), Tang Ruowang (Giáo sĩ người Đức Adam Schall von Bell, 1592-1666) và một số nhà Thừa sai khác. Họ không chỉ mang nền khoa học châu Âu đến đất nước chúng ta, mà thậm chí còn dịch văn hóa Trung Quốc thành sách và mang nó đến châu Âu. Nếu chúng ta không học hỏi từ nền văn minh châu Âu, tôi e rằng người dân Trung Quốc chúng ta vẫn còn giữ truyền thống thắt bím đuôi sam và sẽ không có máy bay cũng như không thể có những khẩu đại bác. Trong triều đại nhà Thanh, nhà truyền giáo Tang Ruowang đã được Triều đình Hoàng gia khen thưởng vì những đóng góp quý báu của ngài trong việc tăng cường năng lực phòng thủ.

Nếu không có nền y học hiện đại được giới thiệu bởi các nhà truyền giáo, chúng ta sẽ không thể có được tất cả các bệnh viện như thế này lan rộng khắp đất nước chúng ta. Và nền y học hiện đại là một phần của văn hóa hoặc văn minh phương Tây. Các nền văn hóa của tất cả các quốc gia thuộc về toàn thế giới, không có biên giới; cũng như chân lý, vốn không thuộc về một quốc gia nào. Sự phản kháng đối với các nền văn hóa nước ngoài và nền văn minh Kitô giáo thể hiện sự thiếu niềm tin vào nền văn hóa của chính mình và đồng thời cũng cho thấy một trái tim nhỏ mọn và khép kín.

Chúa Giêsu Kitô sinh ra là người Do Thái, tại đất nước Israel, một quốc gia châu Á nhỏ bé. Sự tha thứ và tinh thần huynh đệ của Kitô giáo đã ảnh hưởng đến Châu Âu và thế giới. Bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến, Giáo hội Công giáo luôn luôn giới thiệu bản chất cao quý của đức tin cho các dân tộc, thể hiện sự tôn trọng đối với các nền văn minh địa phương và ý chí đồng hóa các yếu tố tích cực từ họ.

Giáo hội Nestorian, vốn xuất hiện tại Trung Quốc vào thời nhà Đường, đã giải thích Ơn cứu độ của Chúa Kitô, với một ngôn ngữ bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc và là điều dễ hiểu đối với người dân địa phương. Sự khôn ngoan sáng suốt này đã giúp đỡ rất nhiều cho công cuộc truyền giáo. Có những nhà truyền giáo, như các Giáo sĩ Matteo Ricci và Michele Ruggeri (Luo Mingjian), những người mà lần đầu tiên đến giảng đạo ở Trung Quốc, đã cạo trọc đầu và ăn mặc như “những Tu sĩ nước ngoài”. Sau này họ ăn mặc như những trí thức Nho giáo. Tất nhiên, có sự khác biệt giữa văn hóa châu Âu và Trung Quốc. Giờ đây, người dân Trung Quốc ăn mặc như những người châu Âu hoặc người Mỹ. Có thể một số người muốn quảng bá trang phục Trung Quốc, nhưng điều đó sẽ không thành công, bởi vì các loại trang phục Trung Quốc có thể dễ chịu khi mặc trong các nghi lễ, nhưng chúng không thực tế.

Giáng Sinh là một dịp lễ Kitô giáo, có tính chất tôn giáo, để tưởng nhớ sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã tận dụng dịp lễ này như một cơ hội kinh doanh thương mại, mà không hề nhận thức được Ơn cứu độ và Lòng thương xót của Chúa Giêsu Kitô và ý nghĩa của Kitô giáo.

Vì vậy, những người cảm thấy lo ngại rằng Kitô giáo phá hủy văn hóa Trung Quốc có thể yên tâm. Hàng chục triệu Kitô hữu sống ở Trung Quốc không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho nền văn hóa Trung Quốc. Trên thực tế, các Kitô hữu Trung Quốc cảm thấy tự hào về nền văn hóa Trung Quốc, và họ có một mong muốn hết sức tốt đẹp đó chính là kết hợp Kitô giáo và nền văn minh Trung Quốc để hai thực tại này hòa nhập một cách hoàn hảo. Các linh mục Công giáo Trung Quốc cũng đã nỗ lực tìm ra mọi phương thế nhằm hội nhập văn hóa Kitô giáo.

Chúa Giêsu Kitô đã nhập thể và trở nên một con người trong số chúng ta, chính bởi vì tất cả mọi người chúng ta đều có thể nhận thức được rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, yêu thương nhau như những thành viên trong cùng một gia đình. Chỉ với nhận thức này, thế giới mới có thể trở nên thực sự tốt đẹp, thực sự nhân văn hơn, giống như một Thiên đường trên trái đất.

Padre Pietro (伯铎神父)

Ngày 21 tháng 12 năm 2019

Minh Tuệ (theo Asia News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết