Giáo hội tại Ba Lan đã tham gia tích cực vào việc cử hành Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới hôm Chúa nhật, ngày 14 tháng 1, theo lời của linh mục Pawel Rytel-Andrianik, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Ba Lan.
Cha Pawel cho biết nhiều nhà thờ đã cử hành Thánh lễ cho “Những người tị nạn và di dân”. Ngoài ra, Hội đồng Giám mục Ba Lan đã kêu gọi các tín hữu tham gia vào việc trợ giúp cụ thể cho những người nhập cư đến từ Trung Đông và Ukraine. Có 1,5 triệu người tị nạn Ukraina hiện đang sinh sống ở Ba Lan.
Trong buổi họp báo của Hội đồng Giám mục Ba Lan vào ngày 15 tháng 1 vừa qua, Đức Tổng Giám mục Stanislaw Gadecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, đã nhắc lại những lời của ĐTC Phanxicô và giáo huấn của Giáo hội, theo đó tất cả những người nhập cư cần phải được tôn trọng nhưng đồng thời họ cũng phải tôn trọng đất nước nơi mà họ đặt chân đến. Đức TGM Gadecki cũng nhấn mạnh đến những từ khoá trong Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới: “chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập” những người nhập cư cũng như những người tị nạn.
Đức Tổng Giám mục Wojciech Polak đã nhấn mạnh hôm Chúa nhật 14/1 vừa qua – lặp lại những lời của ĐTC Phanxicô – rằng tất cả những người sống cảnh tha hương và tị nạn gõ cửa nhà chúng ta chính là “một cơ hội để gặp gỡ Chúa Giêsu”.
“Với tình yêu thương của một người Mẹ đối với Giáo Hội, để yêu thương tất cả chúng ta, Thiên Chúa đã trao phó những người dân Ba Lan sống bên ngoài Ba Lan; Ngài trao phó tất cả những người đến với chúng ta từ Ukraine; Ngài ủy thác tất cả những ai phải trở thành những người tị nạn, cần được giúp đỡ và chăm sóc’, Đức TGM Polak nói. “Tất cả những con người này, chúng ta phải, như ĐTC Phanxicô đã chỉ ra cho chúng ta, theo giới luật quan trọng nhất của Thiên Chúa, hãy học cách yêu thương những người lân cận, yêu thương đồng loại, như chính mình”.
Trước đó, Đức Tổng Giám mục Polak đã gặp gỡ gia đình Salloum đến từ Homs ở Syria, hiện đang sống và làm việc tại Olawa, Ba Lan trong khoảng ba năm.
Đức Giám mục Krzysztof Zadarko, Chủ tịch Ủy ban Di dân của Hội đồng Giám mục Ba lan, đã giải thích hôm 14/1 rằng sự miễn cưỡng đối với những người mới đến, hiện diện nơi rất nhiều Kitô hữu, xuất phát từ quy mô của việc di dân và sự đơn giản hóa trong cuộc tranh luận công khai. Đức Cha Zadarko cho biết rằng giáo huấn của Giáo hội quả là hết sức cụ thể: chúng ta cần phải tạo cho những người tị nạn một nơi để trú ngụ, nhưng khi một người tị nạn trở thành một người nhập cư, chúng ta có quyền yêu cầu một sự tuyên bố rõ ràng từ họ: “Nếu anh muốn ở lại đây, để sinh sống giữa chúng tôi, anh phải có nghĩa vụ, được thừa hưởng đặc quyền của tinh thần hiếu khách, tôn trọng nền văn hoá, luật pháp và phong tục của chúng tôi”.
Đức Hồng Y Kazimierz Nycz, Tổng Giám mục Địa phận Warsaw, đã giải thích trong Thánh lễ được cử hành hôm Chúa nhật 14 tháng 1 vừa qua rằng vấn đề người tị nạn đang trở thành một vấn đề ngày càng khó khăn, bởi vì hiện tượng địa phương, liên quan đến các cuộc chiến tranh ở một góc nhất định trên thế giới, hiện nay đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Điều này là do sự phân bố bất bình đẳng về sự giàu có mà thế giới có thể sử dụng, tình trạng quá tải ở một số khu vực của châu Phi và châu Á. Vấn đề này hiện đang ngày càng phát triển và có vẻ như nó khó có thể sớm kết thúc. Nó sẽ luôn luôn là một thách thức đối với tất cả chúng ta, ĐHY Nycz nói.
Cha Marcin Iżycki, Giám đốc Caritas Polska, tuyên bố trong buổi họp báo tại trụ sở của Tòa Giám mục Ba Lan vào ngày 15 tháng Giêng: “Có sáu trung tâm trợ giúp cho người tị nạn ở Ba Lan. Năm ngoái, chúng tôi đã trợ giúp cho 6.000 người tị nạn trong cả nước, một nửa trong số họ là trẻ em”. Cha Marcin Iżycki cũng đã biểu dương chương trình “Gia đình kết nối Gia đình” của tổ chức Caritas Polska, trong đó, 17.000 công dân Ba Lan đã giúp đỡ cho 9.000 gia đình tại Syria và Lebanon.
Minh Tuệ chuyển ngữ