Anh em hãy canh thức (suy niệm Tin Mừng - Chúa Nhật 27-11-2016)

Bài tin mừng hôm nay  (Mt 24,37-44) nói về một trong hai đặc tính căn bản của Mùa Vọng: các Kitô hữu hướng lòng trông đợi ngày Chúa quang lâm.

 

20171126-canh-thuc

 

Bài học thời Nôê (cc.37-39)

Vào thời ông Nôê, “thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu” (c.38). Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Người ta vẫn miệt mài hưởng thụ cuộc đời (ăn uống) và sắp xếp cuộc sống tương lai (dựng vợ gả chồng để duy trì nòi giống). Xem ra không điều gì có thể ngăn chặn được dòng chảy của cuộc sống hưởng thụ ấy. Có thể có những người đã thấy ông Nôê đóng tàu và chuẩn bị đối diện với một tai họa lớn lao sẽ xảy đến. Nói cách khác, có những người biết đến lời loan báo về nạn hồng thủy. Nhưng dù sao, đó vẫn chỉ là lời loan báo, vẫn chỉ là nguy cơ, chứ chưa phải hiện thực. Nên họ “vẫn ăn uống và dựng vợ gả chồng”. “Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy” (c.39a).

Cũng tương tự như vậy là những gì liên quan đến cuộc Quang Lâm của Con Người. Không phải là loài người không được báo trước về cuộc Quang Lâm. Nhưng họ vẫn mải miết chạy theo cuộc sống kim tiền, hưởng thụ và không tỉnh thức chuẩn bị.

Đức Giêsu khẳng định: “Khi Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy” (c.39b), tức là như những gì xảy đến vào thời ông Nôê. Cuộc Quang Lâm chắc chắn sẽ xảy đến. Đó sẽ là một sự kiện hoàn toàn bất ngờ dù đã được báo trước. Rất nhiều người không hề sẵn sàng cho biến cố đó, vì thiên hạ vẫn ăn uống, dựng vợ gả chồng… Và cuối cùng, đó là một biến cố phổ quát và triệt để, “ập tới cuốn đi hết thảy”.

Biến cố Quang Lâm mà Mùa Vọng này nhắc chúng ta chờ đợi là biến cố đặc biệt và quan trọng đó, chứ không phải chỉ là một vài lễ hội hay sự kiện nho nhỏ làm cho cuộc sống thêm phần thi vị…

Có người được cứu thoát, có kẻ bị kết án (cc.40-41)

Bấy giờ, hai người đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay bột, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại” (cc.40-41).

“Được đem đi” tức là được cứu độ, còn “bị bỏ lại” tức là bị kết án.

Quyết định chung cục về tình trạng được cứu thoát hay bị kết án này xảy ra vào thời điểm “bấy giờ” (c.39), tức là “khi Con Người quang lâm” (c.40). Trước đó, người ta không hề thấy bất cứ sự khác biệt nào giữa hai người đàn bà đang kéo cối xay bột hay giữa hai người đàn ông đang cày ruộng. Nhưng khi cuộc quang lâm xảy đến, sự khác biệt căn bản về số phận của họ sẽ lộ ra.

Vậy sự khác biệt không nằm ở bình diện bề ngoài của hoàn cảnh hay của các hoạt động thế tạm, mà nằm ở một sự thực bên trong. Đó là sự gắn bó hay không với chính Con Người, Đấng sẽ ngự đến trong vinh quang khải hoàn.

Lời giáo huấn của Chúa Giêsu về sự phân rẽ vào ngày quang lâm này nhắc chúng ta một số điều quan trọng:

– Trước hết, chúng ta được mời gọi đừng nhìn vào vẻ bề ngoài của cuộc sống thế tạm này mà đánh giá số phận chung cục của mình cũng như của người khác.

– Thứ hai, quyết định chung cục và tối hậu đó sẽ xảy đến vào thời điểm của biến cố Chúa Giêsu quang lâm với cá nhân và với toàn thể nhân loại. Vậy đó sẽ là biến cố phán xét, và đức chúa sẽ ngự đến trong tư cách Thẩm Phán chứ không phải trong tư cách Đấng Cứu Độ mà thôi.

– Thứ ba, điều cốt yếu là một cuộc sống gắn bó thực sự với Chúa Kitô ngay trong cuộc “xay bột” và “làm ruộng” hiện nay.

Hãy canh thức để được sẵn sàng (cc.42-44)

“Canh thức” (tiếng Hy Lạp là grêgoreô), có nghĩa là không ngủ, là tỉnh thức.

Khi xuất hiện trong trình thuật về Đức Giêsu trong vườn Ghêtsêmani (26,38.40.41), động từ này diễn tả sự liên đới và đồng nhất hóa với cái chết mà Chúa Giêsu trải qua trong chiều sâu kinh hoàng của cái chết cứu độ đó. Vậy đây không chỉ là sự không mê ngủ, mà còn là sự nên một với Đức Giêsu trong mầu nhiệm vượt qua của Ngài.

Đó chính là nội dung của lời Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta là đồ đệ của Ngài: “Anh em hãy canh thức” (c.42a).

Chúng ta vẫn “xay bột”, vẫn “làm ruộng”, tức là vẫn sống trong các thực tại bình thường hằng ngày của cuộc sống con người, nhưng bên trong phải là một sự canh thức đích thực, tức là một sự tham dự thật sự vào số phận và mầu nhiệm của Đức Giêsu. Đó mới là điều quan trọng.

Lý do để chúng ta luôn canh thức là “vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến” (c.42b). Sự kiện Chúa sẽ đến trong cuộc quang lâm là một thực tại chắc chắn, nhưng đồng thời đó cũng là một thực tại sẽ xảy đến hoàn toàn bất ngờ, vượt ra bên ngoài những dự đoán hay hiểu biết chính xác của con người.

Để minh họa cho tính chất bất ngờ đó của cuộc quang lâm, Chúa Giêsu kể dụ ngôn kẻ trộm đêm khuya: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã canh thức, không để nó khoét vách nhà mình” (c.43). Tân Ước vẫn thường dùng hình ảnh kẻ trộm để nói về tính chất bất ngờ của ngày Chúa đến (x. 1Tx 5,2; 2Pr 3,10; Kh 3,3; 16,15).

Vì tính chất bất ngờ này, các đồ đệ của Chúa được yêu cầu phải luôn luôn hiện diện trong tư thế sẵn sàng đối diện với biến cố đó (c.44), tức là luôn hiện diện một cách tròn đầy trong từng phút giây hiện tại trong sự liên kết mật thiết với cuộc vượt qua của chính Đức Kitô Giêsu. Cuộc quang lâm của Chúa là biến có cứu độ, vì Ngài ngự đến để tập hợp những người được tuyển chọn (x. 24,31), và khi ấy, “kẻ nào bền chí đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu độ” (24,13).

Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết