Ấn định ngày phong chân phước cho 12 vị tử đạo Dòng Chúa Cứu Thế thuộc Tỉnh Dòng Madrid

Trưa ngày 11/02/2022, trang web chính thức của TW Dòng Chúa Cứu Thế (cssr.news) loan tin rằng, ngày 22 tháng 10 năm 2022, tại nhà thờ chính tòa Almudena ở Madrid, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh sẽ chủ sự Thánh lễ Phong Chân phước cho 12 vị tử đạo Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT), thuộc tỉnh dòng Madrid (6 linh mục và 6 tu sĩ).

Đây là tin vui cho toàn thể DCCT, đặc biệt tỉnh dòng Madrid. Đứng trước biến cố trọng đại này, tỉnh dòng Madrid đã ráo riết chuẩn bị cả về việc canh tân đời sống thánh hiến trong các cộng đoàn lẫn những hoạt động bên ngoài. Đồng thời, tỉnh dòng cũng mời gọi mọi người cầu nguyện và cộng tác vào các công tác chuẩn bị cho Thánh lễ Phong Chân phước vào tháng 10 sắp tới.

Được biết, vào tháng Tư năm ngoái, sau khi xem xét kết luận tích cực của các cuộc điều tra do các nhà sử học, nhà thần học, các giám mục và hồng y, cùng với các cố vấn của Bộ Phong thánh về cuộc đời, các nhân đức và sự tử đạo của các tôi tới Chúa, Vicente Renuncio Toribio và 11 bạn tử đạo của DCCT, ĐTC Phanxicô đã chấp thuận việc ban hành Sắc lệnh tử đạo.

Sau đây là tiểu sử và gương tử đạo của các tôi tới Chúa:

1. Cha Vicente Renuncio Toribio, sinh ngày 11/9/1876 tại Villayuda (Burgos). Ngài vào Dòng và tuyên lời khấn dòng ngày 08/9/1895, được thụ phong linh mục ngày 23/3/1901. Sau khi chịu chức, ngài chuyên tâm trong các hoạt động truyền giáo, đào tạo và giảng dạy trong tiểu chủng viện. Từ năm 1912 – 1923, ngài là cố vấn tỉnh Dòng và giám đốc tạp chí của Đền thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Madrid. Sau một thời gian vắng mặt, ngài quay trở về Madrid đảm nhận chức vụ giám đốc Đền thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho đến tháng 7/1936. Khi cuộc bách hại nổ ra, ngài tới trú ẩn ở các gia đình bạn bè thân quen. Ngày 17/9 ngài bị bắt và bị giam tù, sau đó bị giết vào ngày 07/11. Khi rời khỏi phòng giam, người ta nghe thấy ngài thốt lên: “Tôi hiến dâng mạng sống mình cho anh chị em của tôi, cho toàn thể DCCT và cho đất nước Tây Ban Nha bất hạnh này”.

2. Cha Crescencio Severo Ortiz Blanco, sinh ngày 10/3/1881 tại Pamplona. Ngài khấn dòng ngày 24/9/1900 và được chịu chức linh mục ngày 28/12/1905. Ngài tích cực trong sứ vụ đại phúc và giảng dạy triết học. Ngài sống trong nhiều cộng đoàn khác nhau như: Astorga, Cuenca, Valencia và Barcellona. Sau đó, ngày 13/7/1936, ngài được bề trên sai tới Madrid, trong cộng đoàn San Michele Arcangelo ( Thánh Tổng lãnh Thiên thần Micael). Ngày 20/7, ngài bị dân quân bắt và giết cùng với các anh em DCCT khác là Cha Angel Martinez Miquélez và Thầy Bernardo Saiz Gutiérrez (còn gọi là Thầy Gabriel).

3. Cha Angel Martinez Miquélez, sinh ngày 02/3/1907, tại Funes (Navarra). Ngài được nhận vào DCCT và tuyên khấn ngày 24/8/1925, được chịu chức linh mục ngày 20/9/1930. Trong cuộc đời tu sĩ thừa sai của mình, ngài tham gia vào công việc giảng dạy và các hoạt Phúc âm hóa ở nhiều cộng đoàn khác nhau. Ngày 10/7/1936, ngài được chuyển từ cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tới cộng đoàn San Michele Arcangelo. Ngày 20/7, với sự nổ ra cuộc bách hại, ngài đã rời khỏi cộng đoàn cùng với Cha Crescencio Ortiz và Thầy Bernardo Saiz để tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn hơn. Trên đường đi, họ đã bị bắt và bị giết chết.

4. Thầy Bernardo Saiz Gutiérrez, sinh ngày 23/7/1896 tại Melgosa (Burgos). Ngài mặc áo dòng ngày 12/11/1919 và tuyên khấn ngày 13/11/1920. Sau khi ở cộng đoàn Pamplona, năm 1925 ngày được chuyển tới cộng đoàn San Michele Arcangelo ở Madrid. Ngài là một tu sĩ mẫu mực về sự sẵn sàng cho sứ vụ, chuyên cần trong đời sống cầu nguyện và luôn tận tâm trong việc phục vụ ở nhà cơm và nhà bếp. Cùng với các cha Crescencio Ortiz và Angel Martinez, ngài đã chịu tử đạo ngày 20/7/1936.

5. Thầy Nicesio Pérez, sinh ngày 02/4/1859 tại Tuesta (Alava). Ngài vào Dòng và tuyên khấn ngày 30/3/1891. Thầy Nicesio Pérez có tính cách cương quyết và bền chí được biểu hiện bởi đức tin vững vàng và đời sống thiêng liêng thánh thiện. Ngài phục vụ ở nhiều cộng đoàn với nhiều vai trò khác nhau, thợ mộc, người làm vườn, người nuôi ong, thợ nề và quản lý xưởng mộc. Năm 1934, ngài được chuyển tới cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Madrid. Ở tuổi 77 và gần như bị mù thì cuộc đàn áp bắt đầu, ngài cùng với Thầy Gregorio Zugasti Fernandez de Esquide đã tìm đến gia đình người thân để tá túc. Chiều ngày 14/8/1936 ngài bị bắt và hai ngày sau ngài đã bị giết.

6. Thầy Gregorio Zugasti Fernandez de Esquide, sinh ngày 12/3/1884 tại Murillo de Yerri, (Navarra). Sau khi tuyên lời khấn dòng này 25/12/1912, ngài chỉ sống và phục vụ cho nhà xuất bản tại cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Madrid. Ngài được anh em đánh giá là một tu sĩ đạo đức, người phục vụ tin cậy và luôn vâng phục bề trên. Ngài đã làm chứng cho lòng bác ái của Tin Mừng, khi không bỏ rơi người anh lớn tuổi, là Thầy Nicesio Pérez trong thời gian bách hại. Hai ngày sau việc tử đạo của Thầy Nicesio Pérez, ngài cũng được chia sẻ hồng phúc lớn lao cùng với người anh của mình vào ngày 16/8/1936.

7. Thầy Aniceto Lizasoain Lizaso, sinh ngày 17/4/1877 tại Iraneta (Navarra). Ngài tuyên lời khấn dòng trong DCCT ngày 15/10/1896, sau đó ngài phục vụ ở nhiều cộng đoàn với nhiều công việc khác nhau. Ngoài trách vụ nội trợ, ngài còn là người trực phòng thánh, người gác cổng và quản lý của cộng đoàn. Mặc dù mong muốn của ngài là trở thành linh mục nhưng không thành. Tuy nhiên, vì muốn ở lại trong Nhà Dòng nên ngài xin phép bề trên được sống bậc sống tu sĩ DCCT không chức thánh (thầy trợ sĩ). Khi cuộc đàn áp nổ ra, ngài đến tá túc ở một gia đình của một người bạn. Nhưng không lâu sau đó, ngài bị tố giác, bị bắt và bị giết chết ngày 18/8/1936.

8. Cha José Maria Urruchi Ortiz, sinh ngày 17/02/1909 tại Ebro (Burgos). Sau khi tuyên lời khấn dòng ngày 24/8/1926, ngài tiếp tục việc học trong sự bền chí và nỗ lực hết mình tại Astorga. Ngài được thụ phong linh mục ngày 20/10/1932 và được chuyển đến Nava del Rey. Sau đó, trong những năm 1934-1935 ngài chuyển đến Coruna, Cuenca và Vigo. Tháng 10/1935 ngài chuyển về Madrid trong cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ngài ở lại đó đến ngày 20/7/1936. Cuộc bách hại nổ ra, ngài rời cộng đoàn để tìm đến trú ẩn tại một gia đình thân. Sau một cuộc lùng soát gay gắt, ngày 22/8/1936 ngài bị bắt cùng với Thầy José Joaquin Erviti Insausti và bị giết chết trong đêm hôm đó, khi mới 27 tuổi.

9. Thầy José Joquin (Pascual) Erviti Insausti, sinh ngày 15/11/1902 tại Imorz (Navarra). Sau khi tuyên lời khấn dòng ngày 24/02/1930, ngài được gửi tới cộng đoàn Astorga. Ngày 24/02/1935, ngài được bề trên sai về cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Madrid trong vai trò người phục vụ nhà cơm. Ngài sống tại đó cho đến tháng 7/1936. Cuộc bách hại nổ ra, bị buộc phải chạy trốn, ngài đã đến trú ẩn ở nhà của một người bạn. Anh em cùng cộng đoàn nhận xét ngài là một tu sĩ khôn ngoan, đạo đức và có đức tin mạnh mẽ, do đó ngài đã dành khoảng thời gian sau cùng để cầu nguyện liên tục. Ngài bị bắt và bị giết chết cùng với Thầy José Maria Urruchi Ortiz. Thi thể của ngài được tìm thấy vào ngày 22/8/1936 dọc theo con đường đến Andalusia.

10. Cha Antonio Giron Gonzalez, sinh ngày 11/12/1871 tại Ponferrada (Leon). Ngài tuyên lời khấn dòng trong DCCT ngày 15/8/1889 và lãnh nhận chức linh mục ngày 19/5/1894. Trong cuộc đời tu sĩ-linh mục của mình, ngài đã sống ở nhiều cộng đoàn với nhiều trách vụ khác nhau như: tham gia công vào việc giảng dạy và đào tạo, cố vấn tỉnh dòng. Ngài là một tu sĩ mẫu mực, với trí tuệ trổi vượt và đời sống nội tâm sâu sắc. Đồng thời, ngài có lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria rất đặc biệt, với tràng Chuỗi Mân Côi trên tay. Trước khi cuộc bách hại nổ ra, ngài là thành viên của cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trong thời gian bách hại, ngài lẫn trốn ở nhiều nơi, khi thì ở nhà riêng, khi thì ở trong tu viện của một dòng tu khác, khi thì ở trong viện tế bần. Ngài bị phát hiện và bị bắt giữ, sau đó là bị giết chết vào ngày 30/8/1936.

11. Cha Donato Jiménez Viviano, sinh ngày 21/3/1873 tại Alaejos (Valladolid). Ngài khấn dòng ngày 08/9/1893, được thụ phong linh mục ngày 27/5/1899. Ngài phục vụ ở nhiều cộng đoàn khác nhau và hầu như ở đâu ngài cũng luôn giữ chức vụ bề trên của cộng đoàn. Ngài là người nhiệt thành trong việc Phúc Âm hóa và cỗ võ ơn gọi tu trì. Trước khi bị bắt và bị giết chết ngài là thành viên của cộng đoàn San Michele Arcangelo ở Madrid. Cuộc bách hại bắt đầu từ ngày 23/6/1936, ngài đã phải trú ngụ ở một gia đình một người bạn. Ngài bị bắt ngày 13/9, sau đó bị giam tù và bị giết, có lẽ vào đêm 17/9/1936.

12. Thầy Rafael (Maximo) Perea Pinedo, sinh ngày 24/10/1903 tại Villalba de Losa (Burgos). Ngài tuyên lời khấn dòng ngày 27/02/1926, sau đó ngài được sai đến các cộng đoàn Astorga, Santander và cuối cùng là ở Madrid. Với đức tính hiền lành, vui vẻ, cùng với lòng quảng đại phục vụ, ngài đã đảm nhận trách vụ gác cổng, trực phòng thánh, quản lý và đầu bếp của cộng đoàn. Cuộc bách hại nổ ra, ngài bỏ lại cộng đoàn để tới tá túc trong nhà của người quen, sau đó là một quán trọ, tại đây ngài bị bắt và bị giết chết vào ngày 02/11/1936.

                                                                            An Bình, C.Ss.R. tổng hợp và chuyển dịch từ cssr.news

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết