Có vẻ kỷ luật mục vụ mà Amoris Laetitia dành cho các tín hữu ly dị tái hôn có dự liệu những khả năng cụ thể mới mẻ vốn đã bị loại trừ trước đây, kể cả liên quan đến việc lãnh nhận các bí tích
Trong các giới hạn kỷ luật của Familiaris Consortio, hai kỳ họp Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua đã đi đến chỗ yêu cầu rằng cần thiết “phải phân biệt đâu là các hình thức loại trừ khác nhau hiện đang được thực hành trong lãnh vực phụng vụ, mục vụ, giáo dục và thể chế mà có thể được vượt quá”.[1]
Đức Phanxicô đã chấp nhận yêu cầu của Thượng Hội Đồng, nhưng không bị giới hạn vào chỗ chỉ xác nhận yêu cầu đó, vì ngài đã nói rõ, tại hai chỗ trong Amoris Laetitia, rằng sự phân định về việc tham gia của các tín hữu đã ly dị và tái hôn vào trong đời sống của Giáo Hội còn có thể đi đến chỗ của quyền lãnh nhận các bí tích .
Chỗ đầu tiên là khi, lặp lại nhận định của các Nghị phụ Thượng Hội đồng về sự kiện “mức độ trách nhiệm là không như nhau trong mọi trường hợp”, Đức Thánh Cha lưu ý rằng “các hệ quả hoặc các hiệu quả của một luật không nhất thiết phải luôn luôn giống nhau” (AL 300). Làm rõ tiêu chí này trong một cước chú, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng nó cũng liên quan đến “kỷ luật bí tích, vì sự phân định có thể nhận ra rằng trong một hoàn cảnh đặc thù, không có tồn tại lỗi nặng nào” (cước chú 336).
Chỗ thứ hai là khi Đức Giáo Hoàng suy tư về khả năng rằng “vì những yếu tố hoàn cảnh chi phối hay các yếu tố giảm khinh”, có thể không (hoàn toàn) là tội “một hoàn cảnh khách quan là tội” mà người ta đang ở trong đó, và vì thế, người ta có thể “sống trong ân sủng của Thiên Chúa, […] yêu thương, và […] ngay cả tăng trưởng trong đời sống ân sủng và bác ái, trong khi đón nhận sự trợ giúp của Hội Thánh vì mục đích ấy” (AL 305). Làm rõ bản chất của sự trợ giúp này, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định “trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự trợ giúp của các bí tích” (cước chú 351).
Ở cả hai chỗ trong đó sự hội nhập của các tín hữu ly dị tái hôn được nói là có thể hướng đến sự lãnh nhận các bí tích, Đức Thánh Cha Phanxicô đều trích hai số của Evangelii Gaudium, số 44 và số 47, một liên quan đến bí tích Hòa Giải và một liên quan đến bí tích Thánh Thể. Với số 44, Đức Thánh Cha nhắc các linh mục rằng “tòa giải tội không phải là một buồng tra tấn, nhưng đúng hơn là một nơi gặp gỡ lòng thương xót của Chúa”; với số 47, ngài cũng lưu ý rằng bí tích Thánh Thể “không phải là một phần thưởng cho những người hoàn hảo, mà là một phương dược đầy hiệu năng và là lương thực bổ dưỡng cho những người yếu đuối”.
Với những giải thích đó, có vẻ rõ ràng rằng kỷ luật mục vụ dành cho các tín hữu ly dị tái hôn có dự liệu những khả năng cụ thể mới mẻ vốn đã bị loại trừ trước đây, kể cả liên quan đến việc lãnh nhận các bí tích.
Đúng là con đường của sự phân định, mở rộng đến chỗ tính đến việc các tín hữu ly dị tái hôn lãnh nhận các bí tích, đã chỉ được ám chỉ trong Amoris Laetitia và thậm chí không phải là trong chính bản văn mà chỉ là trong hai cước chú. Nhưng trong cách thức trình bày khiêm tốn như thế, chúng ta có thể hình dung được những khó khăn của việc đối đầu với những xu hướng khác nhau mà Đức Phanxicô, ngay trong phần mở đầu của Amoris Laetitia, đã nhắc đến, không chỉ “trên các phương tiện truyền thông hay trên sách báo”, mà còn “ngay cả giữa các thừa tác viên của Hội Thánh”, những khác biệt “đi từ ước muốn quá cao muốn thay đổi mọi sự mà không có suy tư đầy đủ hoặc thiếu nền tảng, đến thái độ tham vọng, muốn giải quyết tất cả mọi sự bằng cách áp dụng những quy tắc chung hoặc bằng cách rút ra những kết luận không thích đáng từ một số suy tư thần học cá biệt” (AL 2).
Tuy nhiên, lời giải thích mang tính ngoại giao hoặc ác ý về lý do Đức Phanxicô không nói rõ ràng hơn về điểm nóng nhất trong các cuộc thảo luận Thượng Hội Đồng, dường như không phải là lời giải thích phù hợp nhất. Trong thực tế, người ta cũng có thể nói rằng sở dĩ sự quy chiếu về việc lãnh nhận các bí tích dành cho những người đang sống trong sự kết hợp mới đã chỉ được đề cập ở hình thức tối thiểu, thì lý do là vì như thế mới tương ứng với sức nặng rất giới hạn của vấn đề gai góc này, theo Đức Phanxicô, xét trong sự nghiêm trọng của các thách đố đương đại đang gây ra trên gia đình.[2]
Linh mục Aristide Fumagal
Trích “VIA CARITATIS” – VỀ CHƯƠNG VIII CỦA “AMORIS LAETITIA”
Ngọc Huỳnh chuyển ngữ
Chú thích:
[1] Thượng Hội Đồng Giám Mục – XIV, Phiên họp khoáng đại chung, Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Hội Thánh và trong thế giới đương đại, Báo cáo đúc kết, 84.
[2] Khi được hỏi về lý do tại sao ngài đã viết “một điều quan trọng như vậy trong một cước chú nhỏ”, phải chăng là vì đã “lường trước những chống đối” hay “muốn nói rằng điểm này không phải là điểm quan trọng”, Đức Thánh Cha Phanxico trả lời: “Một trong những Đức Giáo Hoàng gần đây, khi nói về Công Đồng, đã nói rằng có hai Công Đồng: Công Đồng Vaticanô II, đã được thực hiện trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, và công đồng khác là ‘Công Đồng truyền thông’. Khi tôi triệu tập Thượng Hội Đồng đầu tiên, mối quan tâm lớn của đa số các phương tiện truyền thông là: Những người ly dị tái hôn có thể rước lễ không? Và vì tôi không phải là một vị thánh, điều đó đã làm cho tôi hơi khó chịu, và thậm chí là hơi buồn. Bởi vì tôi nghĩ rằng: Nhưng chẳng lẽ những người nói điều này, điều này, điều này, lại không nhận ra rằng đó không phải là vấn đề lớn? Họ không nhận ra rằng các gia đình trên khắp thế giới đang gặp khủng hoảng? Và gia đình là nền tảng của xã hội! Họ không nhận ra rằng những người trẻ không muốn kết hôn? Họ không nhận ra rằng tỷ lệ sinh giảm ở châu Âu khiến chúng ta lo lắng đau đớn? Họ không nhận ra rằng việc thiếu công ăn việc làm và cơ hội làm việc khiến người cha và người mẹ phải làm hai công việc, và trẻ em lớn lên một mình và không được học để phát triển trong cuộc đối thoại với cha và mẹ? Đây là những vấn đề lớn! Tôi không nhớ cước chú nọ, nhưng chắc chắn là nếu một điều như vậy được ghi ở cước chú thì là bởi vì nó đã được nói trong Evangelii Gaudium. Chắc chắn! Đó phải là một trích dẫn từ Evangelii Gaudium. Tôi không nhớ số, nhưng chắc chắn là như vậy”
[http://w2.vatican.va/content/francesco/it/speeches/2016/april/documents/papa-francesco_20160416_lesvos-volo-ritorno.html, accesso 13 giugno 2016).