“Amoris laetitia”, một “hiến chương mới” cho các gia đình

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 09-04-2016 | 00:40:02

Chín chương. 264 trang. Một tài liệu dài và phức tạp. Đó là “Amoris laetitia” – “niềm vui của tình yêu”, Tông huấn của Đức Phanxicô, kết thúc hành trình của hai Thượng Hội đồng về gia đình. Chương thứ nhất cung cấp nền tảng Kinh Thánh, chương thứ hai mô tả những đường nét chính yếu của tình cảnh, chương thứ ba nói về ơn gọi đời sống gia đình. Hai chương bốn và năm được đặc biệt dành cho chủ đề tình yêu vợ chồng. Chương sáu nói về những viễn cảnh mục vụ, chương bảy đề cập việc giáo dục con cái. Chương tám, có lẽ sẽ là chương bị tranh luận nhiều nhất, bao gồm những hương dẫn về việc hội nhập những người ly dị tái hôn.

Amoris

Tình yêu – biểu tượng cho những thực tại sâu thẳm của Thiên Chúa

Trong chương đầu tiên, Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng “Kinh Thánh là cuốn sách  đầy những câu chuyện về các gia đình, các thế hệ, các chuyện tình và các khủng hoảng của đời sống gia đình”. Các cặp vợ chồng “yêu thương nhau và sinh con đẻ cái, thực sự là những “tượng đài” sống động, có khả năng diễn tả Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và cứu độ. Vì thế, tình yêu phong nhiêu trở thành biểu tượng của những thực tại sâu thẳm của Thiên Chúa.

Chủ nghĩa cá nhân và khủng hoảng dân số

Chương II tập trung vào những “thách thức” gia đình phải đối mặt. Có một “mối nguy hiểm ngày càng tăng, được đại diện bởi một chủ nghĩa cá nhân cực đoan”, đề cao, “trong một số trường hợp, ý tưởng về một chủ thể tự kiến tạo mình theo những ước muốn riêng được coi là tuyệt đối của mình”. Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời cảnh báo về hiện tượng sụt giảm dân số “do tâm lý không muốn có con và do sự đẩy mạnh các chính sách toàn cầu về sức khỏe sinh sản”, khi nhấn mạnh rằng “Giáo hội, với tất cả sức mạnh của mình, mạnh mẽ bác bỏ sự can thiệp của nhà nước buộc phải ủng hộ biện pháp tránh thai, triệt sản và thậm chí phá thai”. “Các biện pháp như vậy là không thể chấp nhận được, ngay cả ở những nơi có mức sinh cao, thế mà các nhà chính trị lại còn “khuyến khích” thực hiện ở các nước có tỷ lệ sinh thấp đến mức đáng lo ngại”.

Nhà cửa

Đức Phanxicô viết rằng “việc thiếu nhà ở xứng hợp thường dẫn đến sự trì hoãn các mối quan hệ chính thức. “Gia đình và nhà ở là hai thực tại gắn liền với nhau”. Vì thế, “chúng ta phải nhấn mạnh trên quyền của các gia đình, chứ không chỉ trên quyền của các cá nhân. Gia đình là một thiện hảo mà xã hội không thể xem thường, và gia đình phải được bảo vệ”.

Việc khai thác trẻ em

Việc khai thác tình dục trẻ em “lại là một thực tế tai tiếng và gian tà khác trong xã hội ngày nay”. “Các xã hội kinh nghiệm về bạo lực do chiến tranh, khủng bố hay sự hiện diện của tội phạm có tổ chức, đang phải chứng kiến những cái gọi là hiện tượng “trẻ em đường phố”. “Sự lạm dụng tình dục trẻ em còn trở nên tai tiếng hơn” – Đức Phanxicô nhấn mạnh – “khi nó xảy ra ở những nơi các em phải được an toàn nhất, đặc biệt là trong các gia đình, trường học, cộng đoàn và các tổ chức Kitô giáo”.

Nghèo đói, an tử và các tai họa khác

An tử và sự hỗ trợ tự tử là một trong những “mối đe dọa nghiêm trọng” cho các gia đình trên toàn thế giới mà Tông huấn đề cập. Sau đó, Đức Phanxicô nói đến “tình hình của các gia đình sống trong nghèo đói và những giới hạn lớn lao”. Ngài nói về “tai họa” nghiện ma túy gây “đau khổ khôn xiết và thậm chí làm tan vỡ nhiều gia đình”. “Tương tự như vậy là các tệ nạn nghiện rượu, cờ bạc và những thứ nghiện ngập khác”.

Đừng làm suy yếu gia đình

Làm suy yếu gia đình không “mang lại lợi ích cho xã hội”, trái lại, “đe dọa sự trưởng thành của cá nhân”. Đức Thánh Cha nói rõ “chỉ có sự phối hợp đơn nhất và bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ mới có khả năng đảm nhận chức năng xã hội đầy đủ”. Trong khi những sự phối hợp ‘de facto’ hay đồng tính chẳng hạn, không thể được đánh đồng một cách giản đơn với hôn nhân. Không một sự phối hợp tạm bợ hay đóng kín đối với việc truyền sinh nào có thể bảo đảm tương lai của xã hội.”

Đẻ mướn, cắt âm vật, bạo lực

Trong đoạn 54, Đức Thánh Cha nói về quyền của phụ nữ, khi mạnh mẽ xác định không thể chấp nhận “bạo lực đáng xấu hổ nhiều khi vẫn được sử dụng đối với phụ nữ”. Các kiểu “bạo lực bằng lời nói, thể chất và tình dục đối với phụ nữ ở một số cặp vợ chồng, mâu thuẫn với bản chất của kết hợp vợ chồng”. Sau đó, Đức Thánh Cha đề cập đến nạn “cắt xén nghiêm trọng bộ phận sinh dục của phụ nữ trong một số nền văn hóa”, cũng như tệ nạn “bất bình đẳng trong tiếp cận với việc làm bền vững và những vai trò đưa ra các quyết định”. Ngài cũng nói đến “việc sử dụng các bà mẹ đẻ mướn cũng như việc khai thác và thương mại hóa cơ thể phụ nữ trong văn hóa truyền thông hiện đại”.

“Tư tưởng đơn nhất” về giới tính

Tông huấn dành một số dòng nói về “giới tính”, “một thứ ý thức hệ phủ nhận sự khác biệt và hỗ tương tự nhiên giữa người nam và người nữ, mô tả một xã hội không có sự khác biệt giới tính và lật nhào nền tảng nhân học của gia đình. Ý thức hệ này dẫn đến các chương trình giáo dục và văn bản luật pháp đề cao một bản sắc cá nhân và sự thân mật tình cảm tách rời hoàn toàn khỏi sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ”. Đức Phanxicô lo ngại rằng một vài ý thức hệ loại này đang tìm cách “xác lập mình như là một hệ tư tưởng độc nhất quyết định ngay cả việc giáo dục trẻ em”.

Nói không với “việc sản xuất” trẻ em

Tiếp đó, Đức Thánh Cha quan ngại về “khả năng can thiệp vào việc sinh sản”, được thực hiện độc lập với quan hệ tình dục giữa một người nam với một người nữ. Với cách thức như vậy, sự sống con người và việc làm cha làm mẹ biến thành “những thực tại có thể lắp ráp hay tháo rời, chủ yếu tùy thuộc vào những ý muốn của các cá nhân hay các cặp đôi vợ chồng”. “Đừng phạm tội đòi thay thế Đấng Tạo Hóa” – Đức Thánh Cha kêu lên.

Giáo dục con cái, “quyền ưu tiên” của các bậc cha mẹ

Trong chương thứ ba của Tông huấn, Đức Thánh Cha lặp lại giáo huấn của các vị tiền nhiệm và giải thích rằng bí tích hôn nhân “không phải là một quy ước xã hội” nhưng là một “ân ban để thánh hóa và cứu độ những người kết hôn”, một “ơn gọi” đích thực và đúng nghĩa. Vì thế, “quyết định kết hôn và lập gia đình phải là kết quả của một sự phân định ơn gọi”. Tình yêu hôn nhân luôn mở ra với sự sinh sản. Và “việc giáo dục toàn diện” con cái là “nghĩa vụ vô cùng nghiêm trọng, đồng thời cũng là quyền ưu tiên của các bậc cha mẹ” mà không ai được phép tước mất khỏi họ.”

Những lời huấn dụ về tình yêu

Trong chương thứ tư, một trong những phần sáng tạo nhất của Tông huấn, Đức Thánh Cha diễn giải Bài ca Đức mến của Thánh Phaolô với những huấn dụ cụ thể dành cho những người đã kết hôn. Ngài mời gọi họ “kiên nhẫn” với nhau, đừng tham vọng về “những tương quan hay những con người toàn hảo”, và đừng luôn luôn coi mình “là trung tâm”. Ngài mời gọi họ hãy sông tốt lành và “trao ban chính mình một cách trọn vẹn”, không “đòi hỏi phần thưởng”. Ngài mời gọi họ đừng ghen tương, khoe khoang hay kiêu ngạo, bởi vì “người đang yêu tránh nói quá nhiều về bản thân mình”, cũng đừng trở nên “kiêu căng và không thể chịu đựng nổi”, nhưng phải khiêm tốn và dễ mến, không gay gắt với những khuyết điểm và sai lỗi của người kia. Ngài mời gọi họ đừng kết thúc một ngày sống mà “không tạo sự an bình trong gia đình”, nhưng hãy biết tha thứ thay vì để bụng, biết “nói tốt cho nhau bằng cách cho thấy khía cạnh tốt lành của người bạn đời thay vì những yếu kém của người ấy”, biết tin tưởng thay vì kiểm soát nhau, bằng cách tạo cho nhau những “khoảng không tự lập”. Ngài nhắc nhở các cặp vợ chồng hãy luôn luôn “chiêm nghiệm” đời sống lứa đôi, rằng “những niềm vui mãnh liệt nhất của cuộc sống sẽ nảy sinh khi chúng ta biết mưu cầu hạnh phúc cho người khác”.

Sứ điệp dành cho các bạn trẻ

Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ rằng vì tính cách nghiêm túc của sự cam kết công khai của tình yêu, hôn nhân không thể là một quyết định vội vã, nhưng cũng không thể bị hoãn vô thời hạn. Cam kết hiến thân cho một người khác một cách đơn nhất và dứt khoát, luôn luôn có một phần rủi ro và như một canh bạc táo bạo. Cần phải dám “tốn thời gian” và biết lắng nghe ngừoi phối ngẫu, nhường cho họ nói trước khi “bắt đầu cho ý kiến và lời khuyên”. “Rất nhiều cuộc cãi vã trong gia đình không phải là vì những vấn đề quan trọng”. Nhiều khi chỉ vì những chuyện cỏn con, “nhưng điều làm thay đổi những người đang yêu là cách nói về những chuyện ấy hoặc thái độ của người ta trong cuộc đối thoại”.

Tính dục, “quà tặng tuyệt vời”

Ham muốn, tình cảm, xúc cảm, “chiếm một vị trí quan trọng trong hôn nhân”. Trích dẫn Đức Beneđicto XVI, Đức Phanxicô giải thích rằng giáo huấn chính thức của Hội thánh “không từ khước eros như nó là, nhưng tuyên chiến với những biến dạng làm cho nó thành phi nhân bản. Chính Thiên Chúa đã tạo ra tính dục như là món quà tuyệt vời dành cho các loài thụ tạo của Người. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bác bỏ ý kiến cho rằng giáo huấn của Hội thánh dẫn tới “một sự phủ nhận giá trị của tính dục của con người”, hay ý kiến cho rằng giáo huấn ấy đành đơn giản chấp nhận “dung túng” cho tính dục “vì nó cần thiết cho sự sinh sản”. Nhu cầu tình dục của các cặp vợ chồng không phải là cái gì đáng khinh bỉ. Tất nhiên, “nhiều khi tình dục làm cho con người mất tư cách là người và thậm chí ra bệnh hoạn”, trở nên “dịp và công cụ để khẳng định cái tôi và sự thỏa mãn ích kỷ cho những ham muốn và bản năng riêng”. Vì thế, Đức Thánh Cha xác quyết rằng “một hành vi vợ chồng thực hiện với người phối ngẫu mà bất chấp những điều kiện và những ước muốn ngay chính của người ấy, thì không phải là một hành vi tình yêu đích thực”. Phải từ khước mọi hình thức cưỡng bức tình dục.

Đón nhận sự sống

Chương thứ năm nhắc nhớ rằng gia đình là nơi chốn đón nhận sự sống. Đức Thánh Cha viết rằng “nếu một em bé bước vào thế giới trong những hoàn cảnh không được mong muốn, thì cha mẹ và các thành viên khác của gia đình cần phải làm tất cả những gì có thể để đón nhận em như là một quà tặng của Thiên Chúa”. Các gia đình đông con “là nguồn vui đối với Giáo hội”, cho dù điều đó không có nghĩa là quên mất một “lời cảnh báo lành mạnh” của Thánh Gioan Phaolo II: “Việc làm cha mẹ có trách nhiệm thì không đồng nghĩa với việc sinh sản không giới hạn”. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở rằng điều quan trọng là một đứa trẻ phải được là chính nó. “Một đứa con được yêu thương bởi vì nó là con: không phải vì nó đẹp hoặc vì nó là thế này hay sẽ là thế kia, không, chỉ vì nó là con thôi! Không phải bởi vì nó nghĩ như tôi hay nó là hiện thân những mơ ước của tôi”. Đức Thánh Cha ngỏ lời với mỗi phụ nữ đang mang thai: “Con của bạn đáng hưởng niềm vui của bạn. Đừng để cho những nỗi sợ hãi, những mối bận tâm, những lời bình phẩm của kẻ khác hay những vấn đề, làm giảm thiểu niềm hạnh phúc được làm công cụ của Thiên Chúa để đem đến thế giới một sự sống mới”.

Sự hiện diện của người mẹ…

Tông huấn xác nhận “sự hợp pháp hoàn toàn và đáng ước mong” của việc những người phụ nữ học tập, lao động, phát triển những kỹ năng và những mục tiêu riêng của mình. Nhưng đồng thời, “chúng ta không thể không biết đến nhu cầu của những đứa trẻ về sự hiện diện của người mẹ, đặc biệt trong những tháng đầu tiên của cuộc đời”. Việc giảm thiểu sự hiện diện của người mẹ với những phẩm chất nữ tính của sự hiện diện đoa, tạo ra một nguy cơ trầm trọng đối với thế giới chúng ta. “Tôi đánh giá cao phong trào nữ quyền – Đức Bergoglio bình luận – khi nó không có tham vọng tạo nên một sự đồng nhất hay từ chối việc làm mẹ”.

… và những người cha vắng mặt

Có lẽ vấn đề của thời đại chúng ta là sự “vắng bóng” của các ông bố. Đôi khi họ “quá tập trung vào bản thân và công việc của mình”, đến nỗi “quên mất ngay cả gia đình. Và họ bỏ bê con cái”. Sự hiện diện của người cha “cũng còn bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng thời gian họ dành cho các phương tiện truyền thông và các công nghệ giải trí”. Nhưng đòi hỏi người cha phải hiện diện không có nghĩa là họ phải kiểm soát tình hình. Bởi vì những ông bố ưa điều khiển sẽ làm hại những đứa con”.

Nhận con nuôi

Nhận con nuôi “là một cách thức quảng đại để thực hiện vai trò làm cha và làm mẹ”. Đức Thánh Cha viết: “Nhấn mạnh điều đó là việc quan trọng, ngõ hầu luật pháp có thể tạo thuận lợi cho tiến trình nhận con nuôi”. Gia đình không nên tự coi mình là một hàng rào bảo vệ khỏi xã hội, cũng không được tự coi mình như là thực tại tách biệt khỏi mọi thứ còn lại. “Thiên Chúa đã trao phó cho gia đình dự án làm cho thế giới trở nên “gia thất”, ngõ hầu mọi người đều cảm nhận được rằng mỗi người đồng loại đều là anh chị em mình”. Điều này cũng bao hàm sự dấn thân cho những người nghèo khổ bất hạnh. Các gia đình hạt nhân cần “không cô lập mình khỏi gia đình rộng lớn hơn, bao gồm ông bà, chú bác, cô dì và ngay cả hàng xóm láng giềng”.

Để những người cao niên cảm nhận họ đang ở nhà mình

“Chúng ta phải đánh thức ý thức tập thể về lòng biết ơn, sự quý trọng, sự hiếu khách, là những điều làm cho người cao tuổi cảm thấy họ thuộc về cộng đồng”. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “sự quan tâm đến người cao tuổi tạo nên sự khác biệt của một nền văn minh.” Tông huấn cũng mời gọi đừng coi cha kế, mẹ kế hay những người thân của họ là “đối thủ cạnh tranh” hay “kẻ xâm lược”.

Gia đình, “tác nhân tích cực” của mục vụ gia đình

Chương 6 của Tông huấn được dành riêng cho viễn tượng mục vụ. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “một nỗ lực rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý trong gia đình” và “một cuộc hoán cải thừa sai” của toàn thể Hội thánh, ngõ hầu chúng ta không dừng lại ở “một lời loan báo hoàn toàn lý thuyết và tránh né các vấn đề thực tế của con người”. Mục vụ gia đình phải làm cho người ta trải nghiệm rằng Tin Mừng về gia đình đáp ứng những kỳ vọng sâu xa nhất của con người. Tông huấn nhấn mạnh sự khẩn thiết phải có một nền đào tạo liên ngành rộng lớn hơn – chứ không chỉ giáo lý – dành cho các chủng sinh, để họ có thể đối diện với các vấn đề rất phức tạp của các gia đình hôm nay.

Chuẩn bị hôn nhân

Tông huấn nhấn mạnh đòi hỏi phải có sự chuẩn bị tốt hơn cho các cặp đính hôn tiến tới hôn nhân, với “sự tham gia rộng rãi của tất cả cộng đoàn”. Tông huấn để cho mỗi Hội thánh địa phương chọn lựa cách thức thực hiện điều đó. Vấn đề là có một hình thức “khởi đầu” đi vào bí tích hôn phối. Đừng đánh giá thấp giá trị của những cách thực hành tôn giáo bình dân truyền thống, ví dụ như ngày tưởng nhớ Thánh Valentino “đã bị khai thác, ở một số quốc gia, thành một cơ hội thương mãi hơn là một sáng tạo mục vụ”. Tiến trình chuẩn bị cũng phải cung cấp cho các cặp đôi khả năng “nhận ra những vấn đề và những thách đố”, và vì thế, có thể đi đến chỗ không tiếp tục mối quan hệ.

“Quá tập trung vào việc chuẩn bị đám cưới»

“Sự chuẩn bị gần cho hôn nhân có xu hướng tập trung vào việc mời khách, vào những bộ áo cưới, các thứ tiệc tùng và vô số chi tiết khác, làm tiêu tán quá nhiều nguồn lực kinh tế cũng như năng lượng và niềm vui. Các cặp vợ chồng sắp cưới đi đến chỗ kiệt sức và mệt mỏi vì lo cho đám cưới”. “Các bạn đang chuẩn bị kết hôn rất thân mến – đây là lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng – các bạn hãy can đảm sống khác đi, không để mình bị xã hội tiêu thụ và chuộng mã bề ngoài nuốt chửng”. Ngoài ra, hôn nhân còn phải được coi là “một quá trình trưởng thành”, đừng kỳ vọng quá cao về cuộc sống hôn nhân.

Thưa vâng với “Humanae Vitae

Đức Phanxicô kêu gọi tái khám phá thông điệp của Đức Phaolô VI và “Familiaris Consortio” của Đức Giáo hoàng Wojtyla, “để đánh thức sự sẵn sàng sinh sản, tương phản với thứ não trạng thù nghịch với sự sống.”

Lời khuyên dành cho các cặp vợ chồng trẻ mới cưới

Đức Giáo hoàng đề nghị một số “nghi lễ hàng ngày”. “Thật tốt lành một nụ hôn buổi sáng, một lời chúc buổi tối, một sự chờ đợi để chào đón người kia ngay ở cửa mỗi khi người ấy về nhà, những chuyến đi cùng nhau và sự chia sẻ công việc gia đình”. “Tuy nhiên, cũng là rất tốt việc gián đoạn các thói quen nhân dịp ngày lễ nào đó, và biết tận hưởng các lễ kỷ niệm của gia đình”.

Các cuộc khủng hoảng được giải quyết

Với một sự hỗ trợ thích hợp và với hành động hòa giải của ân sủng, một tỷ lệ lớn các cuộc khủng hoảng hôn nhân được vượt qua. “Biết tha thứ và cảm thấy được tha thứ là một kinh nghiệm cơ bản trong cuộc sống gia đình”. Thật hữu ích “sự hợp tác rộng rãi của người thân và bạn bè, và đôi khi cả sự giúp đỡ từ bên ngoài và chuyên nghiệp.”

Không bao giờ sử dụng trẻ em như “con tin”

Đối với các cha mẹ ly thân, Đức Phanxicô kêu gọi họ “không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ dùng đứa con như là một con tin! Những đứa trẻ không phải là những người gánh chịu hậu quả của sự phân cách này; không được sử dụng chúng làm con tin đối với người kia; chúng phải được lớn lên trong cảm nhận rằng mẹ tôi nói tốt cho cha tôi, mặc dù họ không ở chung với nhau, và cũng thế, người cha nói tốt cho người mẹ”. Đức Giáo hoàng khẳng định ly hôn là “xấu” và coi sự gia tăng số lượng các vụ ly hôn là “rất đáng quan ngại”.

Các thành viên đồng tính trong gia đình

Kinh nghiệm về việc trong gia đình có thành viên mang xu hướng tình dục đồng giới, là “một kinh nghiệm không dễ dàng đối với các bậc cha mẹ cũng như đối với chính bản thân đương sự”. Đức Thánh Cha khẳng định rằng “tất cả mọi người phải được tôn trọng trong nhân phẩm của họ và được đón nhận với sự kính trọng”, không phân biệt đối xử. “Cần bảo đảm luôn có một sự đồng hành đầy tôn trọng, ngõ hầu những người có xu hướng tình dục đồng giới có thể tìm được sự trợ giúp cần thiết để hiểu biết và thực hiện cách trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ”.  Đức Thánh Cha xác quyết rằng không có bất cứ cơ sở nào để đặt các kết hợp giữa những người đồng tính ngang hàng với các cuộc hôn nhân thực sự.

“Nọc độc” của sự chết

Đức Thánh Cha nhắc lại tầm quan trọng của việc đồng hành với các gia đình mất người thân, khi nói rằng “cần giúp họ nhận ra rằng chúng ta đã mất đi một người thân yêu, nhưng chúng ta vẫn còn có một nhiệm vụ để hoàn thành, và rằng sẽ là không tốt việc muốn kéo dài sự đau khổ.”

Ai hướng dẫn con cái chúng ta?

Chương 7 nói về việc giáo dục con cái. Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta tự hỏi xem “ai đang cung cấp các trò giải trí cho con em chúng ta?”, “ai đang đi vào phòng của chúng qua màn hình?”, với ai chúng trải qua những giờ phút rảnh rỗi? Cần cảnh giác luôn luôn. Các bậc cha mẹ phải chuẩn bị cho chúng khả năng đối phó với “những nguy cơ thử – nghiện hoặc lạm dụng ma túy”. Nhưng nếu một vị phụ huynh bị ám ảnh phải biết con mình đang ở đâu và kiểm soát mọi hoạt động của nó, thì đó sẽ không còn là giáo dục và đứa trẻ không được chuẩn bị để đối phó với những thách đố trong đời. “Điều quan trọng nhất là khả năng yêu thương để giúp chúng phát triển trong tự do, trưởng thành, kỷ luật và tự chủ thực sự”.

Giáo dục thế nào?

Việc giáo dục đạo đức nên diễn ra theo cách thức “quy nạp”, để “con cái có thể được tự mình khám phá ra tầm quan trọng của các giá trị, nguyên tắc và tiêu chuẩn, thay vì áp đặt những điều đó như là những sự thật tuyệt đối không thể chối cãi”. “Trong thời đại chúng ta, vốn bị chi phối bởi sự căng thẳng và tiến bộ công nghệ nhanh chóng, thì một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của gia đình là cung cấp một nền giáo dục trong hy vọng. Điều này không có nghĩa là ngăn chặn trẻ em khỏi chơi với các thiết bị điện tử, nhưng thay vào đó là tìm cách để giúp các em phát triển khả năng quan trọng của chúng mà không nghĩ rằng tốc độ kỹ thuật số có thể áp dụng cho tất cả mọi thứ trong cuộc sống.”

Nguy cơ “tự kỷ” vì kỹ thuật

Đôi khi, các thiết bị điện tử “có thể làm cho người ta quay lưng lại nhau thay vì đến gần nhau, như khi trong giờ ăn, tất cả mọi người đều đang lướt trên một chiếc điện thoại di động, hoặc khi một người phối ngẫu ngủ thiếp đi trong sự chờ đợi người kia, người dành hàng giờ chơi với một thiết bị điện tử”. Trẻ em và thanh thiếu niên “đôi khi bị thúc đẩy bởi sự thờ ơ và ngắt kết nối khỏi thế giới thực”. Sự “ngắt kết nối công nghệ” này cho chúng cảm giác dễ dàng hành động hơn”. Tông huấn ủng hộ “việc giáo dục giới tính tích cực và thận trọng” và nền giáo dục trẻ em với ý tưởng rằng đàn ông cũng có thể tham gia vào một số công việc nhà. “Điều quan trọng là trẻ em thực sự thấy rằng, đối với cha mẹ của họ, cầu nguyện là một cái gì đó thực sự quan trọng.”

ANDREA TORNIELLI

Ngọc Huỳnh chuyển ngữ (theo vaticaninsider)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết