Một cuộc phỏng vấn với triết gia Rocco Buttiglione, một chuyên gia về giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II: “Quan điểm của Đức Phanxicô là hoàn toàn phù hợp truyền thống. Điều mới lạ là việc áp dụng vào tội ly dị và tái hôn các giải pháp giảm thiểu được dành cho tất cả các tội lỗi khác, như được nói đến trong sách Giáo lý của Thánh Piô X.”
“Amoris Laetitia liên quan đến các thách đố mục vụ. Một số người có thể nói đó là một chọn lựa mục vụ sai lầm, nhưng xin vui lòng bỏ qua những cung giọng khải huyền, và đừng nói rằng giáo lý về sự bất khả phân ly đang bị đặt thành vấn đề khi chúng ta đang đối phó với một sự lựa chọn mục vụ có liên quan đến kỷ luật các bí tích và được gắn kết vào một con đường mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt cơ sở”. Giáo sư Rocco Buttiglione, một triết gia, học giả và chuyên gia sâu sắc về giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Wojtyla, đã bị ấn tượng bởi một số những chỉ trích về Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng của Đức Phanxicô. Vatican Insider phỏng vấn ông.
Giáo sư nghĩ gì về Tông huấn Amoris Laetitia nói chung?
“Đối với tôi, đây có lẽ là một nỗ lực rất lớn để nói lời của đức tin trong bối cảnh thế giới ngày nay. Mối quan tâm lớn nhất của Đức Gioan Phaolô II cũng là: con người cụ thể, con người hiện tại, con người thực tế, không phải là một con người như được mô tả trong các cuốn sách hoặc một con người như chúng ta mong muốn anh ta phải là.”
Đâu là mối tương quan giữa văn kiện này của Đức Phanxicô và huấn quyền của Đức Giáo hoàng Wojtyla?
“Ngày xưa, Giáo hội ra vạ tuyệt thông những ai ly dị tái hôn. Giáo hội đã làm như vậy vì một mối quan tâm đúng đắn: để tránh cớ vấp phạm và không gây nghi ngờ về sự bất khả phân ly của hôn nhân. Nhưng sau đó chúng ta sống trong một Kitô giáo đâu ra đấy, rành mạch. Người ta giả thiết là tất cả mọi người đều biết hôn nhân là một bí tích trong đó hai vợ chồng bảo đảm cho nhau về tình yêu của Thiên Chúa, và do đó nếu bạn bị người kia rẫy bỏ, thì theo một cách nào đó, là chính Thiên Chúa đã rẫy bỏ bạn. Đức Gioan Phaolô II nói rằng những người ly dị tái hôn không thể bị tuyệt thông, vì cần nhớ rằng trong mọi tội lỗi đều có những yếu tố khách quan và chủ quan. Có những người có thể làm những điều sai trái, đó vẫn là một điều xấu, nhưng mà họ không phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Wojtyla đã mở cửa mời những người ly dị tái hôn bước vào Giáo hội, tiếp nhận họ, làm phép rửa cho con cái của họ, đưa họ về lại các cộng đoàn Kitô hữu. Nhưng họ không được rước lễ – theo số 84 của Familiaris Consortio – trừ khi họ đã trở lại với người phối ngẫu hợp pháp, hoặc tách khỏi người phối ngẫu mới, hoặc sống trong cuộc hôn nhân thứ hai như là anh trai và em gái, tức là kiêng quan hệ tình dục.”
Và bây giờ Amoris Laetitia đề xuất những gì?
“Đức Phanxicô đang tiến thêm một bước về phía trước theo hướng này. Ngài không nói rằng những người ly dị tái hôn có thể rước lễ hoặc mong đợi rước lễ, hoan hô! Không! Ly hôn là khủng khiếp và không thể chấp nhận hành vi tình dục ngoài hôn nhân. Giáo huấn luân lý này không bị thay đổi. Đức Giáo Hoàng nói rằng ngày nay những người ly dị tái hôn có thể đi xưng tội, bắt đầu một tiến trình phân định với linh mục. Và như được thực hiện trong mỗi lần xưng tội, đối với mọi tội lỗi, vị linh mục phải đánh giá xem liệu có thật tồn tại tất cả các điều kiện để một tội bị coi là tội trọng hay không. Với những người đồng nghiệp của tôi đã thốt ra những lời mạnh mẽ chống lại Amoris Laetitia, tôi nói đến Thánh Piô X – không phải một vị giáo hoàng hiện đại – trong Sách Giáo Lý của ngài, đã nhắc rằng tội trọng đòi hỏi một chất liệu nghiêm trọng, nhưng cũng đòi có nhận thức đầy đủ và sự cố tình làm, tức là sự hoàn toàn tự do để chịu trách nhiệm về những gì tôi làm.”
Tại sao điều này lại quan trọng đối với trường hợp chúng ta đang nói?
“Bởi vì ngày nay, trong nhiều trường hợp, người ta không có nhận thức đầy đủ. Có rất nhiều người được rửa tội nhưng không được Phúc Âm hóa. Người ta có thể nói: nhưng trong những trường hợp này, có giải pháp là tiến trình vô hiệu hôn nhân rồi. Vâng, đúng thế, nhưng chúng ta phải nhớ rằng ở nhiều nơi trên thế giới thật không phải là dễ dàng để tiếp cận các tòa án Giáo hội và không phải là luôn luôn dễ dàng để tìm ra sự thật. Chúng ta đang sống trong thế giới của những gia đình bị tổn thương, của những con người bị tổn thương, những người có thể phải ở trong những tình huống mà họ không thể thoát ra được. Phải đánh giá tất cả mọi thứ và giúp họ ra khỏi tình trạng tội lỗi, để bắt đầu một cuộc hành trình, nhưng mà không gây bạo lực với người phối ngẫu đi cùng họ trong cuộc hôn nhân thứ hai và là người có thể đã là người thân cận đối với họ trong một khoảnh khắc quan trọng của cuộc sống của họ: chúng ta hãy nghĩ về trường hợp của một bà mẹ có con nhỏ, bị chồng bỏ rơi, gặp được một người đàn ông chăm sóc những đứa trẻ. Chúng ta đang nói về các vấn đề cần phân định, cần sự nhạy cảm, cần tính nhân bản tuyệt vời, cần sự từ bi, cần sự hướng dẫn….”
Đâu là kết quả cuối cùng, thưa Giáo sư?
“Câu hỏi đặt ra là: đến điểm nào của quá trình này, vị linh mục sẽ cho phép rước lễ? Khi vị ấy cho rằng cần phải có các điều kiện, không có gì tự động và không có lối tắt, nhưng cũng không đóng sầm cửa trước khi những câu chuyện cá nhân đã được đánh giá nghiêm túc. Đây là ý tưởng về Giáo hội như một bệnh viện dã chiến mà Đức Thánh Cha Phanxicô rất đề cao. Nếu chúng ta ở Bệnh viện Bethesda Naval nơi điều trị Tổng thống Hoa Kỳ, bệnh nhân sẽ đi ra khỏi đó hoàn toàn bình phục, sau khi tất cả các biện pháp can thiệp cần thiết đã được thực hiện. Trong bệnh viện dã chiến, người ta chỉ bắt đầu cầm máu vết thương thôi.”
Viễn tượng này có hợp với truyền thống của Giáo hội?
“Viễn tượng này là viễn tượng hoàn toàn truyền thống. Amoris Laetitia nói: chúng ta cũng đánh giá các điều kiện chủ quan ngay cả cho tội lỗi của những người đã ly hôn và hiện đang sống trong một kết hợp mới. Đó là một vấn đề hoàn toàn mang tính mục vụ. Tôi nhớ Don Luigi Giussani khi ông nói: “Bạn phải xét hành vi, và không bao giờ đánh giá con người, bởi vì việc đó chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa”. Chỉ Đức Chúa Trời, và cũng có một chút đối với cha giải tội. Tôi đã đọc các bài bình luận đầy kịch tính và không thể chấp nhận về Amoris Laetitia, và đặc biệt là về một chú thích.”
Với tông huấn Amoris Laetitia, một cái gì đó đã thay đổi?
“Dĩ nhiên là một cái gì đó đã thay đổi! Nhưng không phải luân lý, cũng không phải đạo lý về sự bất khả phân ly của hôn nhân, đã thay đổi. Kỷ luật mục vụ của Giáo hội đang thay đổi. Cho đến ngày hôm qua, cho những người ly dị và tái hôn, có một giả định rằng tất cả đều là tội lỗi. Bây giờ, ngay cả đối với tội này, khía cạnh chủ quan sẽ được đánh giá, như là trường hợp giết người, trốn thuế, khai thác công nhân, hay tất cả các tội lỗi khác mà chúng ta phạm. Các linh mục lắng nghe và đánh giá những tình tiết giảm nhẹ. Do hoàn cảnh mà bản chất của tình trạng này đã thay đổi? Không, ly dị và một kết hợp mới vẫn là một điều xấu khách quan. Do hoàn cảnh mà trách nhiệm chủ quan của người thực hiện hành vi đã thay đổi? Có thể đúng như vậy. Cần phải phân biệt. “
Liệu sự nhấn mạnh về khía cạnh chủ quan có dẫn đến một hình thức của chủ nghĩa chủ quan?
“Không phải là chủ nghĩa chủ quan. Đó là việc xem xét đúng đắn về chủ thể tính của con người. Điều này được giảng dạy bởi Thánh Thomas Aquinas: bạn đã làm gì đó sai, nhưng bạn có thể không luôn luôn phải chịu tất cả trách nhiệm. Về cơ bản học thuyết đạo đức này đã bắt đầu trên núi Sọ, khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Một số người nói rằng việc cho rước lễ dù chỉ trong những trường hợp nhất định và sau một tiến trình phân định cẩn thận, trong tình hình này sẽ chẳng khác gì sự thay đổi giáo lý của Giáo hội. Ông nghĩ sao?
“Đây không phải là một vấn đề giáo lý. Giáo lý vẫn còn, vì chuyện này liên quan đến việc đánh giá những gì là xấu xa và những gì không. Thay vào đó, chúng ta đang nói về trách nhiệm chủ quan và về các trường hợp giảm nhẹ có thể. Khi loan báo Tin Mừng, chúng ta phải tự hỏi mình những gì cần nói đầu tiên và những gì cần phải nói sau. Chúa Giêsu đã không nói cho Gioan và Anrê: “Trước tiên hãy giữ các điều răn”, nhưng là “Hãy đến mà xem!”. Khi Thánh Phaolô đến Areopagô của Athena, trái tim ngài đầy tức giận vì thấy tất cả những bàn thờ các vị thần khác nhau. Nhưng khi ngỏ lời, thì ngài nói với dân Athena: “Tôi ngưỡng mộ tôn giáo của các bạn … “, và sau đó tập trung vào bàn thờ vị Thiên Chúa mà người ta chưa biết, rồi loan báo Đức Giêsu Kitô. Ngài bắt đầu từ đó. Sẽ đến lúc ngài nói rằng các bàn thờ khác cần bị loại bỏ. Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố rằng Chúa Giêsu yêu thương mỗi người nam nữ trong bất kỳ tình huống nào mà họ đang ở trong đó, và Người muốn mọi người nam nữ đều được cứu bằng cách gặp gỡ vòng tay của tình thương của Người. Sau đó sẽ có các điều răn, nhưng chúng ta không thể cho phép một sai lầm trong cuộc đời lại có thể loại trừ bất cứ ai khỏi vòng tay này.”
Thánh Gioan Phaolô II đã chiến đấu chống lại thứ luân lý tình huống dựa trên khía cạnh chủ quan …
“Điều tôi nhìn thấy trong một số đối thủ của Đức Giáo hoàng Phanxicô là mong muốn chỉ nhấn mạnh khía cạnh khách quan. Sự thật, như bạn đã biết, là Đức Giáo hoàng Wojtyla đã chiến đấu chống lại luân lý tình huống, theo đó không có khách quan tính mà chỉ có ý định chủ quan. Rõ ràng đây không phải là trường hợp chúng ta đang đề cập: có bản chất khách quan của một hành động. Nhưng Gioan Phaolô II không bao giờ nghĩ, dù là xa xa, đến sự phủ nhận chủ quan tính. Có những tình huống của tội lỗi mà chúng ta thật khó khăn để giải thoát chính mình khỏi đó. Chúng ta sống trong một xã hội “pansexualism”, trong đó người ta ít có ý thức về những sự hiển nhiên chắc chắn về luân lý. Bởi vì một số sự thật được mọi người chấp nhận, nên cần phải kiên nhẫn và cần phải mất công sức thực hiện một tiến trình. Có rủi ro? Chắc chắn! Một số có thể theo xu hướng nghĩ rằng ly hôn rồi xây dựng một kết hợp mới không còn là một điều xấu; một số người nghĩ là sai lầm trường hợp vẫn trung thành nhưng đã ly thân; một số người khác có thể sợ cái nguy cơ làm suy yếu lương tâm. Có những rủi ro mục vụ, không nghi ngờ gì. Vì lý do này, chúng ta phải hướng dẫn và giải thích. Nhưng đây là một quyết định mục vụ. Một số người có thể nói đó là sai nhưng xin vui lòng cho phép chúng tôi bỏ đi cung giọng khải huyền, và đừng nói rằng giáo lý về sự bất khả phân ly đang bị đặt thành vấn đề khi chúng ta đang phải đối mặt với một sự lựa chọn có liên quan đến kỷ luật của các bí tích và được gắn kết vào con đường mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt cơ sở”.
Andrea Tornielli
Ngọc Huỳnh dịch