Đức Tổng Giám Mục và Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Tổng Giám mục Bernardito Auza, đã công bố những lời phát biểu chuẩn bị của mình cho cuộc thảo luận thứ nhất của hai cuộc thảo luận về các vấn đề xung quanh phát triển bền vững và xoá đói giảm nghèo, kết nối với Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, trật tự và bình thường.
Dưới đây là bản dịch toàn văn bài phát biểu chuẩn bị của Đức Tổng Giám mục Auza:
Phần 1: Phát triển bền vững và Xoá đói giảm nghèo
New York, ngày 22 tháng 5 năm 2017
Kính thưa quý ngài đại sứ và quý tham dự viên
Số người di cư vượt biên giới quốc tế đang đạt tổng số cao nhất trong lịch sử được ghi nhận. Thậm chí ấn tượng hơn, như trình bày trong bản tóm tắt liên ngành được cung cấp cho phiên họp chuyên đề này, thực tế là số người di cư trong nước của họ vượt xa những người di chuyển qua biên giới quốc tế.
Mặc dù thường thấy những thất bại và thiếu sót nghiêm trọng ở các quốc gia và cộng đồng quốc tế [nơi] hiện có các dòng chảy hỗn hợp của các cuộc di cư lớn, nhưng nó [các cuộc di cư] cũng chỉ ra khát vọng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn của nhiều người cho bản thân và gia đình họ. Điều quan trọng là chúng ta coi di cư không phải chỉ là một hiện tượng tiêu cực, mà là một thực tế phức tạp, trong đó nhu cầu và mong muốn của tất cả những người tham gia phải dẫn đến sự đoàn kết hơn và một khuôn khổ quốc tế chặt chẽ để quản lý di cư toàn cầu. Thay đổi thái độ đối với người di cư và người tị nạn là cần thiết, từ phòng thủ và sợ hãi, thờ ơ và lề thói đến với nền văn hoá gặp gỡ và các hình thức sáng tạo hơn của tình đoàn kết.
Chắc chắn, trách nhiệm và chia sẻ gánh nặng cần phải tính đến sự giàu có và mức độ phát triển của đất nước. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài đã làm hạn chế các lựa chọn của một quốc gia đối phó với các tình huống khẩn cấp, cũng như hạn hán tàn phá ở một số nơi trên thế giới, làm suy yếu việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho số người tị nạn và những người phải di cư. Trong bối cảnh này, “sự tham gia tích cực của các đối tác quốc tế là cần thiết” [1].
Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng “hợp tác cùng nhau cho một thế giới tốt đẹp hơn đòi hỏi các quốc gia phải giúp đỡ lẫn nhau, với tinh thần sẵn sàng và tin cậy chứ không gây ra những rào cản không thể vượt qua.” Thật vậy, cách tốt nhất là bắt đầu từ vị trí hợp tác này, và từ đó đối mặt với sự mất cân bằng kinh tế xã hội toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt, trong đó mọi quốc gia đều có cổ phần.
Nhận thức được điều này, Cộng đồng Quốc tế cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững. Trọng tâm của nó là xóa đói giảm nghèo, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục có chất lượng, và công việc tốt. Hiệp ước Toàn cầu về di dân là một cơ hội duy nhất để phát triển các chính sách và đầu tư cụ thể, phối hợp trong các lĩnh vực cụ thể này. Nhiều sáng kiến cá nhân và tập thể, đặc biệt ở cấp địa phương, đã tham gia vào công việc. Diễn đàn Toàn cầu về Di cư và Phát triển cũng như các cuộc tham vấn hiện đang được tổ chức bởi Tổ chức Di cư Quốc tế là cơ hội để xem các sáng kiến này có thể được mở rộng theo hai chiều như thế nào, trong khu vực và quốc tế thông qua Hiệp ước Toàn cầu.
Cuối cùng, chúng ta phải nhớ rằng trước khi có quyền di cư, [con người] có quyền được ở lại đất nước họ trong hòa bình và an ninh kinh tế. Di cư không hẳn là một điều tuyệt vọng cần thiết; Nó phải là một sự lựa chọn. Nếu Hiệp ước Toàn cầu thông qua và thực hiện cách tiếp cận này, di cư sẽ không chỉ trở thành tự nguyện mà còn an toàn, trật tự và tốt hơn nữa được điều chỉnh bởi các quy định đã được thống nhất.
Xin cám ơn.
Tịnh Trí Thiên chuyển ngữ