870 vụ tấn công nhắm vào Giáo hội Công giáo được báo cáo ở Nicaragua kể từ năm 2018

Đức Giám mục Rolando Álvarez (Ảnh: TV Merced)

Đức Giám mục Rolando Álvarez (Ảnh: TV Merced)

Hai báo cáo mới được công bố nêu chi tiết về các hành vi vi phạm nhân quyền ở Nicaragua, một báo cáo tập trung vào quyền tự do tôn giáo và báo cáo còn lại nêu 870 vụ tấn công nhắm vào Giáo hội Công giáo.

Vào ngày 13 tháng 8, nhóm giám sát nhân quyền “Nicaragua nunca más” (“Nicaragua Never Again”) đã trình bày bản tin thứ tư về tự do tôn giáo cho giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2024, trong đó họ cáo buộc rằng “chế độ cầm quyền Ortega-Murillo đã gia tăng sự quấy rối đối với giáo dân và các nhà lãnh đạo tôn giáo”.

“Rõ ràng là những cuộc tấn công này nhằm vào các Linh mục, Giám mục, Nữ tu và giáo dân, nhưng không chỉ nhằm vào Giáo hội Công giáo mà còn nhằm vào cả Giáo hội Tin lành”, Wendy Quintero, một thành viên của nhóm, giải thích trong buổi trình bày báo cáo.

“Có 420 tổ chức Kitô giáo đã bị hủy bỏ, bao gồm cả Caritas Matagalpa”, bà Quintero tiếp tục, trong đó có 15 tổ chức đã đóng cửa vào ngày 12 tháng 8.

Ngày hôm đó, chế độ độc tài Nicaragua đã hủy bỏ tư cách pháp lý của tổ chức Caritas Matagalpa, Giáo phận của Đức Giám mục Rolando Álvarez hiện đang sống lưu vong, và 5 nhà thờ Kitô giáo thông qua các thỏa thuận mục vụ được công bố trên tờ báo chính thức La Gaceta của chính phủ.

“Ít nhất 22 kênh truyền thông tôn giáo đã bị tịch thu, mới nhất là Radio María, có chương trình phát sóng cuối cùng vào ngày 9 tháng 7 năm 2024”, nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục. Ngày hôm đó, chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo, đã hủy bỏ tư cách pháp lý của Radio María Nicaragua cũng như của một số nhà thờ Tin lành.

Bà Quintero cũng lưu ý rằng “51 Linh mục đã bị lưu đày mà không được xét xử, vi phạm quyền cư trú và quyền tự do đi lại của họ”.

“Có ít nhất 21 mục sư Tin Lành hiện vẫn còn lưu vong và 3 mục sư khác bị ngăn cản nhập cảnh vào đất nước. Kiểu đàn áp này đã dẫn đến việc trục xuất và cưỡng bức di dời hơn 200 Kitô hữu dấn thân tích cực và tăng cường giám sát các hoạt động được thực hiện, đặc biệt là của Giáo hội Công giáo”.

Bà Quintero cũng cho biết chế độ độc tài “đã buộc 34 Linh mục phải rời khỏi đất nước trong 4 tháng đầu năm 2024. Tổng cộng, kể từ năm 2018, có ít nhất 222 Kitô hữu tích cực đã bị lưu đày, bao gồm 91 Nữ tu”.

“Ít nhất 52 Kitô hữu tích cực và người thân của họ đã được xác định là những người rơi vào tình trạng không quốc tịch trên thực tế”, nghĩa là họ đã bị tước quyền công dân tại quốc gia này.

Matagalpa: tâm điểm của Giáo hội đau khổ

Salvador Marenco, một luật sư và là thành viên của nhóm nhân quyền, nhấn mạnh rằng “một trong những điểm tập trung đàn áp là ở Matagalpa [một thành phố và đô thị], trung tâm của đức tin, trung tâm của niềm hy vọng”.

Đối với ông Marenco, sự đàn áp tập trung vào Matagalpa vì chiến lược của chế độ độc tài “tập trung vào việc tấn công các địa điểm đại diện. Chúng ta không thể quên rằng cộng đồng quốc tế đã lên tiếng về vụ bắt giữ và sau đó là việc trục xuất Đức Giám mục Rolando Álvarez, một nhân vật có ảnh hưởng mạnh mẽ đáng chú ý cụ thể ở Matagalpa”.

Matagalpa là Giáo phận do Đức Cha Álvarez đứng đầu, một người bảo vệ nhân quyền và chỉ trích chế độ độc tài, người đã bị quản thúc tại gia từ tháng 8 năm 2022 và cuối cùng bị kết án 26 năm tù vào tháng 2 năm 2023 trong một quá trình xét xử gây tranh cãi. Vị Giám chức đã bị trục xuất vào tháng 1 năm nay sang Rôma, nơi ngài hiện đang phải sống lưu vong.

870 vụ tấn công nhắm vào Giáo hội ở Nicaragua

Vào ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 15 tháng 8, luật sư và nhà nghiên cứu lưu vong Martha Patricia Molina đã trình bày phần thứ năm trong báo cáo của mình: “Nicaragua: Một Giáo hội bị đàn áp?”, trong đó trích dẫn 870 vụ tấn công của chế độ độc tài Ortega-Murillo nhằm vào Giáo hội Công giáo từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 7 năm 2024.

Báo cáo đề cập và mô tả từng vụ tấn công trong số 870 vụ, và trong nhiều mô tả, báo cáo còn đưa ra lời khai, hình ảnh hoặc ấn phẩm về vụ việc, ngoài việc chỉ ra ngày giờ chính xác xảy ra vụ việc.

Eduardo Martínez, Tổng biên tập của tờ báo La Prensa Nicaragua, đã viết lời mở đầu cho ấn bản này. Ông chỉ ra rằng “báo cáo bắt đầu bằng một câu hỏi: một Giáo hội bị đàn áp? Tuy nhiên, 6 năm sau, 870 vụ tấn công mà luật sư Molina đã ghi nhận chống lại Giáo hội cho đến nay không còn chỗ cho sự nghi ngờ nữa”.

“Các vụ tấn công được phân loại thành 7 hạng mục, từ tấn công thể lý và xúc phạm cho đến việc đóng cửa tùy tiện các cơ sở tôn giáo, bỏ tù hàng chục Linh mục — bao gồm 2 Giám mục — và trục xuất 143 giáo sĩ cho đến nay, chiếm hơn 23% tổng số giáo sĩ ở Nicaragua”, Tổng biên tập của tờ La Prensa Nicaragua tiếp tục.

“Hậu quả của cuộc tấn công tàn bạo này là Giáo hội đã bị bịt miệng; không một Linh mục nào, dù trong hay ngoài nước, dám bàn đến chuyện chính trị chứ đừng nói đến việc chỉ trích chế độ”, vị Tổng biên tập của tờ báo than phiền.

Bản báo cáo, như chính luật sư Molina đã giải thích cách đây vài ngày, không đề cập đến vụ bắt giữ 9 Linh mục ở Estelí và Matagalpa, trong đó 7 vị đã bị trục xuất sang Rôma vào ngày 7 tháng 8.

Phần giới thiệu của báo cáo dài 387 trang sau đó nêu rằng “Giáo hội Công giáo hiện đang trải qua một thời gian im lặng kéo dài”, đáng chú ý nhất là từ “các Giám mục của Hội đồng Giám mục Nicaragua (CEN), những người đã phải chịu cuộc tấn công tồi tệ nhất trong suốt thời đại của họ”.

Trên thực tế, 3 Giám mục đã bị lưu đày: “Đức Cha Silvio José Báez [Giám mục phụ tá Địa phận Managua], người đã sống lưu vong theo yêu cầu cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô vì có cáo buộc về các kế hoạch ám sát ngài của chế độ độc tài Sandinista, và Đức Cha Rolando José Álvarez, Giám mục Giáo phận Matagalpa [và Giám quản Tông Tòa Estelí], người đã bị ‘tước quyền công dân và bị trục xuất sang Vatican’”. Vị Giám mục lưu vong thứ ba là “Đức Cha Isidoro Mora, Giám mục Giáo phận Siuna, người đã bị Cảnh sát quốc gia Nicaragua bắt cóc, sau đó bị cầm tù và trục xuất sang Rôma” vào tháng 1, cùng với Đức Cha Álvarez, 15 Linh mục và 2 Chủng sinh.

Phần đầu tiên trong báo cáo của luật sư Molina được trình bày vào tháng 5 năm 2022 và tổng hợp 190 vụ tấn công nhắm vào Giáo hội, phần thứ hai vào tháng 11 cùng năm trích dẫn 396 vụ tấn công, phần thứ ba liệt kê 529 vụ và phần thứ tư liệt kê 667 vụ tấn công nhắm vào Giáo hội Công giáo tại Nicaragua.

Luật sư Molina cũng chỉ ra rằng có 154 thành viên giáo sĩ (Giám mục, Linh mục, Phó tế và Chủng sinh) cũng như 91 Nữ tu đang phải sống lưu vong.

Báo cáo cũng nêu rõ rằng từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 7 năm 2024, chế độ độc tài Nicaragua đã cấm tổng cộng 9.688 cuộc rước và hoạt động tôn giáo.

Báo cáo đầy đủ có sẵn tại đây.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết