Dự kiến sẽ có khoảng 700.000 người Công giáo sẽ tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Dili, thủ đô của Timor-Leste, các quan chức cấp cao của Giáo hội cho biết.
Quốc gia có đa số người dân theo Công giáo này dự kiến sẽ đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9 trong chuyến Tông du tới Châu Á và Châu Đại Dương vào tháng tới, với khẩu hiệu: “Nguyện đức tin trở thành văn hóa của anh chị em”.
Khẩu hiệu của chuyến viếng thăm là “lời kêu gọi sống đức tin hài hòa với văn hóa”, Cha Graciano Santos Barros, Tổng đại diện của Tổng Giáo phận Dili, cho biết.
Nhận xét của vị Linh mục Tổng đại diện của Tổng Giáo phận Dili xuất hiện trong bản tin của hãng thông tấn Fides của Vatican vào ngày 31 tháng 7.
Bên cạnh Thánh lễ, các sự kiện của Đức Thánh Cha Phanxicô còn bao gồm các cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ, thanh thiếu niên và trẻ em.
Cha Barros cho biết họ mong đợi khoảng 700.000 người từ khắp Timor-Leste, Indonesia và các quốc gia khác tham dự các sự kiện của Đức Thánh Cha.
“Công việc chuẩn bị không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần”, Cha Bento Pereira, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Hội đồng Giám mục quốc gia, cho biết.
Các quan chức Giáo hội đã chuẩn bị một lời cầu nguyện đặc biệt cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, được đọc hàng ngày tại các nhà thờ, các cộng đoàn Dòng tu và các trường học trên khắp cả nước, Cha Pereira cho biết.
Cha Barros cho biết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh “sự phản chiếu về mối quan hệ giữa đức tin và văn hóa”.
Người dân Timor “có liên quan đến sự phản ánh về mối quan hệ giữa đức tin và lịch sử. Lịch sử của quốc gia, lịch sử về sự đau khổ và giải phóng của Đông Timor, về bản chất được đánh dấu và đồng hành bởi đức tin”, Cha Barros giải thích.
Đức Thánh Cha cho biết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đánh dấu kỷ niệm 25 năm ngày đất nước họ giành được độc lập khỏi Indonesia. Trong chuyến viếng thăm, “chúng ta có thể nhìn lại lịch sử của mình với một trái tim hòa giải, thừa nhận công trình của Thiên Chúa đã soi sáng tâm trí và trái tim con người trong nhiều thời khắc quan trọng”, Cha Barros cho biết thêm.
Indonesia đã xâm lược và chiếm đóng Timor-Leste vào năm 1975 sau khi chế độ thực dân Bồ Đào Nha kết thúc, làm bùng nổ phong trào giành độc lập mạnh mẽ.
Chính quyền Indonesia đã nỗ lực đàn áp phong trào này bằng vũ lực quân sự, gây ra một cuộc xung đột vũ trang đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Cuộc xung đột kết thúc với sự can thiệp của Liên Hợp Quốc, và một cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hợp Quốc bảo trợ vào ngày 30 tháng 8 năm 1999 đã công nhận Timor-Leste là một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Quốc gia này chính thức giành lại độc lập vào ngày 20 tháng 5 năm 2002.
Giáo hội Công giáo và các nhà truyền giáo ủng hộ nền độc lập của Timor-Leste và được đánh giá cao vì vai trò của họ trong việc hỗ trợ các nạn nhân của cuộc xung đột.
“Vào thời điểm đó, các Nữ tu, Linh mục, Giáo lý viên và Tu sĩ là những thiên thần hộ mệnh của chúng tôi. Họ luôn gần gũi; họ chia sẻ vận mệnh của chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện rất nhiều; mọi quyết định và mọi sự kiện đều được cầu nguyện trước và được đồng hành bởi lời cầu nguyện. Nghĩa là, đó là một con đường tâm linh, và họ đặt hành động của chúng tôi vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa”, Cha Barros nói.
“Đức tin đồng hành cùng với từng bước chân của chúng tôi, đau khổ và hy vọng”.
Số liệu thống kê của Giáo hội cho thấy Giáo hội Công giáo ở Timor-Leste đã phát triển mạnh mẽ kể từ những năm 1970, tăng từ 30% dân số lên khoảng 95% trong số 1,4 triệu người của đất nước này hiện nay.
“Trong thời kỳ áp bức, đức tin là trụ cột cơ bản của người dân. Với tấm lòng rộng mở, người dân Đông Timor đã hiểu và coi Tin Mừng là con đường duy nhất, là sự cứu rỗi duy nhất”, Cha Barros nói.
Ngài chia sẻ thêm, “Đức tin vào Chúa Kitô là điều cốt yếu trong lịch sử và văn hóa của chúng tôi, và cho đến nay vẫn vậy”.
Minh Tuệ (theo UCA News)